Trả giá cho hành vi phá núi Chín Khúc

Thứ Năm, 07/04/2022 12:21

|

(CATP) Đến ngày 6-4, phiên tòa xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Khánh Hòa đối với vụ án hình sự "Vi phạm quy định về quản lý đất đai" với 7 bị cáo là cựu quan chức của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng Khánh Hòa, đã bước sang ngày làm việc thứ ba. Vụ án này xảy ra tại 2 dự án: Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung trên núi Chín Khúc (thuộc tỉnh Khánh Hòa), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa (Công ty Khánh Hòa) làm chủ đầu tư.

Theo cáo trạng, chịu trách nhiệm các sai phạm trong dự án này có các bị cáo: Nguyễn Chiến Thắng (SN 1955, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Đào Công Thiên (SN 1962, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa), Lê Mộng Điệp (SN 1955, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), Võ Tấn Thái (SN 1961, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) và Trần Văn Hùng (SN 1958, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường).

Với vai trò đứng đầu, Nguyễn Chiến Thắng đã thực hiện nhiều chỉ đạo xuyên suốt bằng văn bản trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án nói trên, như quyết định giao đất cho chủ đầu tư, quyết định điều chỉnh 52.368m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thành 44.868m2 đất thương mại dịch vụ và 7.500m2 đất ở tại nông thôn; quyết định giao đất có thu tiền sử dụng đất nhưng sau đó lại kết luận tại thông báo số 652/TB-UBND với nội dung "chưa thu tiền sử dụng đất" đối với phần diện tích trên 372ha đất khoanh nuôi tái sinh.

Thực hiện thông báo này, Cục thuế tỉnh Khánh Hòa đã không thu tiền sử dụng đất đối với hơn 370ha đất khoanh nuôi tái sinh trong dự án, trong khi diện tích này không thuộc những trường hợp được miễn tiền sử dụng đất theo quy định tại điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất...

Tại phiên tòa xét xử, khi đại diện Viện Kiểm sát hỏi dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự có thay đổi mục đích sử dụng đất ban đầu là trồng rừng sinh thái, tâm linh, sau đó có chuyển đổi một số diện tích sang đất ở, bị cáo Thắng cho rằng: "Khi nhà đầu tư đề xuất chuyển 7.500m2 đất sản xuất sang đất ở, bị cáo không nghĩ là kinh doanh bất động sản vì quá ít so với tổng diện tích đất trồng rừng, du lịch tâm linh trên 513ha. Bị cáo ký chủ yếu để doanh nghiệp có cho thuê và bán một ít. Bất động sản mà 7.500m2 là rất nhỏ”.

Các bị cáo tại tòa

Đối với Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa được phân công phụ trách lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT-09703 cho Công ty Khánh Hòa với diện tích trên 513ha đất, trong đó có nội dung: Công ty Khánh Hòa được miễn tiền sử dụng đất (đất khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ phục hồi môi trường rừng) là không đúng theo những trường hợp miễn tiền sử dụng đất được quy định tại điều 11 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất, vi phạm khoản 3 Điều 98 Luật Đất đai, vi phạm quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo Nghị định số 52/NĐ-CP của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Khánh Hòa.

Tại phiên tòa, khi Hội đồng xét xử hỏi về tính pháp lý khi ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án rộng hơn 513ha trên núi Chín Khúc cho Công ty Khánh Hòa làm dự án Cửu Long Sơn Tự, Thiên cho rằng bị cáo vừa làm Phó Chủ tịch tỉnh được 15 ngày thì được giao phụ trách mảng tài nguyên, môi trường nên không có thời gian nghiên cứu hồ sơ. Đồng thời thừa nhận bản thân đã có thiếu sót trong việc ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT-09703 cho Công ty Khánh Hòa do "tin anh em" tham mưu cấp dưới. Bị cáo cũng cho rằng nếu biết sai ngay từ đầu, sẽ không bao giờ ký, bởi thời điểm đó, các văn bản, quyết định trình lên đều hợp quy theo quy phạm pháp luật.

Còn theo Lê Mộng Điệp, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, dự án Cửu Long Sơn Tự đã được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa trình Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa cho chủ trương đồng ý. Bản thân bị cáo đã trực tiếp ký 3 tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành các quyết định giao đất cho Công ty Khánh Hòa, gồm các tờ trình giao 123,28ha, trong đó có 1,74ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp; tờ trình giao thêm 390,25ha đất, nâng tổng diện tích dự án lên 513,53ha và tờ trình điều chỉnh tăng lên 52.368m2 đất cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không được quy hoạch.

Đây là dự án trồng rừng, bảo vệ rừng nên Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các địa phương đánh giá hiện trạng đất. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường không đề xuất về dự án này, mà chỉ tham mưu, làm dự thảo các văn bản thủ tục hành chính về đất đai cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, bị cáo Điệp nói.

Hội đồng xét xử cũng đã công bố các trích lục lời khai của bị cáo Võ Tấn Thái, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư từ năm 2010 đến năm 2015, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường từ năm 2015-2019 (do đang điều trị bệnh, xin xét xử vắng mặt); xét hỏi bị cáo Trần Văn Hùng, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, người đã tham mưu và ký nháy các tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường để gởi Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử đã xét hỏi trực tiếp bà Phạm Thị Thu Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai Sở Tài nguyên và Môi trường, là người liên quan trong vụ án, để làm rõ các nội dung về thủ tục pháp lý trong việc giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật cho Công ty Khánh Hòa thực hiện dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự.

Vụ án tiếp tục được xét xử trong vòng vài ngày tới.

Xét xử 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa liên quan sai phạm đất đai
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang