Mặt hàng chủ lực giảm
Theo Hiệp hội chế biến và XKTS Việt Nam (VASEP), trong tháng 11-2022 xuất khẩu (XK) các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 - 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu trong tháng 11 vừa qua chỉ đạt 780 triệu USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021, tăng trưởng XK âm. Trong số khách hàng của TS Việt Nam (VN) 11 tháng qua, Mỹ vẫn đứng đầu với trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2021; Trung Quốc và Nhật Bản đạt doanh số gần tương đương nhau, khoảng 1,6 tỷ USD; kế đến là thị trường EU trên 1,2 tỷ USD.
Giai đoạn đầu năm và đặc biệt là cuối quý II đầu quý III/2022, XKTS liên tiếp lập kỷ lục với giá trị đạt trên 1 tỷ USD/tháng. Tuy nhiên, sau đó thị trường bắt đầu giảm tốc, tháng 10 XKTS chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể, XK cá tra sang Mỹ trong tháng 10 đã giảm gần 25%, xuống còn 32 triệu USD; XK cá tra sang các thị trường chính trong khối EU có xu hướng khác nhau, trong khi XK sang Bỉ giảm 25%.
VASEP dự báo tình hình tăng trưởng âm sẽ tiếp tục kéo dài trong tháng 12 của năm nay và sang cả năm 2023. Nguyên nhân do lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu (NK), khiến nhu cầu mua hàng cho quý I/2023 gần như đình trệ. Tín hiệu thị trường không còn tích cực như giai đoạn nửa đầu năm. Lạm phát khiến nhu cầu giảm dần qua từng tháng, nhất là tại các thị trường Mỹ, EU, Anh, thậm chí ở cả những thị trường vốn có lợi thế về thuế quan CPTPP hoặc địa lý.
Xuất khẩu tôm giảm mạnh vào đầu quý IV/2022
Các DN cho rằng, lạm phát và sự mất giá tiền tệ tại nhiều thị trường NK đã đến giai đoạn ngấm sâu và ảnh hưởng nặng nề đến tầng lớp người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, khiến họ phải cân nhắc, tính toán kỹ trong chi tiêu. Do vậy, đây là thời điểm lạm phát làm giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng thực phẩm có giá vừa phải như cá tra, vốn phù hợp với túi tiền của đại đa số người bình dân các nước. Thực tế, với thị trường Mỹ và EU càng gặp khó khăn hơn khi lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua.
Xuất khẩu tôm nhiều thách thức
Hiện cả nước có 600.000ha nuôi tôm sú, 150.000ha nuôi tôm thẻ (tập trung nhiều tại Đồng bằng Sông Cửu Long). Năm 2021, cả nước XK tôm thẻ và tôm sú chỉ khoảng 3,6 tỷ USD. Trong khi đó, cùng kỳ, Ecuador chỉ có 330.000ha nuôi tôm thẻ đã có thể XK hơn 5 tỷ USD. Quý III/2022, XK tôm cả nước đạt 1,13 tỷ USD, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chân trắng chỉ tăng gần 4%, XK tôm sú giảm 7%. Riêng trong tháng 9, XK tôm chân trắng giảm 5% so với cùng kỳ, XK tôm sú giảm 7%. Tuy nhiên, XK tôm hùm trong quý III tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ; sang tháng 10, với mức giảm sâu 26%, thu được 313 triệu USD, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay (trừ tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán). Lũy kế tới hết tháng 10, ngành tôm XK ghi nhận doanh số trên 3,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện các thị trường chính đều sụt giảm mạnh lượng tôm NK từ VN. Theo đó, XK tôm sang Mỹ giảm 56%, sang Nhật Bản giảm 19%, sang Hàn Quốc giảm 26%, sang Anh và các nước EU giảm sâu từ 55% - 88% so với cùng kỳ. Tính tới hết tháng 10, dù giảm 19% so với cùng kỳ nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 20% XK tôm VN với kim ngạch đạt 727 triệu USD, tương đương khoảng 63.000 tấn. Ngoài Mỹ, XK tôm sang Italy tính tới cuối tháng 10 giảm 18%. Bất ổn về kinh tế, chính trị và xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là giá năng lượng, đã tác động nặng nề tới thị trường nước này trong năm nay, khiến việc NK hàng hóa hầu hết các loại đều giảm.
Mặc dù đang vào giai đoạn cuối năm nhưng XK tôm trong tháng cuối cùng của năm 2022 khó giữ được mức tăng trưởng như những tháng trước, do nhu cầu thị trường ngày càng sụt giảm, nguồn nguyên liệu gặp khó khăn trong khi chi phí sản xuất (SX) vẫn cao, giữa lúc DN và người nuôi thiếu vốn để quay vòng đầu tư sản xuất (SX) - chế biến XK. Ngành TS nhận định, dù gặp nhiều khó khăn, XK tôm của VN năm 2022 dự kiến đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Sản phẩm tôm XK chính là loại chân trắng, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD; tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 1,5 tỷ USD. Trên bản đồ XKTS thế giới, VN đang là quốc gia XK lớn thứ 3, chỉ xếp sau Trung Quốc, Na Uy - hai cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với VN.
Từ kết quả của năm 2022, ước tính TS Việt Nam sẽ chiếm trên 7% thị phần của thị trường thế giới.
Cầu cứu đến Bộ trưởng
Nhận định những khó khăn về XKTS, VASEP đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Theo báo cáo, ngay khi bước vào quý IV/2022, các DN thủy sản phải đối mặt với một số thách thức có tác động lớn, gây khó khăn đồng thời kìm hãm sự phát triển của ngành SX - kinh doanh (KD) TS từ quý cuối năm 2022 và năm 2023. Vướng mắc trong cắt giảm hạn mức tín dụng cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) khiến nhiều DN lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để mua nguyên liệu TS, vật tư cho SX, DN phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và XK của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án SX thủy sản đã phải ngừng thi công. Ngoài ra, DN gặp thách thức và chi phí tuân thủ xử lý môi trường, thiếu lao động (LĐ) và thách thức về việc đảm bảo năng lực SX, cung ứng hàng hóa cho thế giới...
VASEP kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các NHTM tạo điều kiện cho các DN thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà XKTS đang trên đà phục hồi, tăng trưởng như hiện nay và năm 2023. Chính phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi trồng TS, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi TS, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng đôla Mỹ linh hoạt, phù hợp, có lợi hơn đối với XK; giảm chi phí logistic trong nước. Cần có quy chuẩn nước thải riêng và phù hợp với nuôi trồng TS, cho quỹ đất để DN xây nhà ở cho công nhân, xem xét khung pháp lý để sử dụng LĐ nước ngoài khi cần thiết; XD hệ thống giao thông nông thôn nhanh hơn, vừa phục vụ cho nông nghiệp vừa giúp LĐ nông thôn đến các nhà máy làm việc hàng ngày...