10 Bộ ngành, địa phương chưa giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài

Thứ Năm, 01/12/2022 13:28

|

(CAO) Có 54 địa phương và 10 Bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó 6 Bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%. Bộ Tài chính kiến nghị huỷ bỏ số không giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công. Các Bộ ngành, địa phương chủ động bố trí đủ KHV 2023 để thực hiện dự án.

Thông tin trên được đưa ra sáng nay (1/12) tại Hội nghị với các Bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài 11 tháng của năm 2022 và giải pháp thúc đẩy giải ngân những tháng cuối năm 2022, do Bộ Tài chính chủ trì. 

Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm này, các Bộ ngành, địa phương đã thực hiện phân bổ kế hoạch vốn (KHV) chi tiết và nhập dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis) là 32.449,2 tỷ đồng, đạt 93,82% KHV được giao.

Trong số này, Bộ ngành phân bổ 10.869,4 tỷ đồng, đạt 92,04%, địa phương phân bổ 21.579,8 tỷ đồng, đạt 94,75%.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng phát biểu tại Hội nghị

Tuy nhiên, tình hình giải ngân thực hiện rất chậm. Số liệu của Kho bạc Nhà nước cho thấy, kiểm soát chi nguồn vay nước ngoài KHV năm 2022 đến 30/11/2022 đạt 34,27% KHV (11.852,2 tỷ đồng), trong đó của Bộ ngành đạt 38,38% (4.532,2 tỷ đồng), địa phương đạt 32,14% (7.320 tỷ đồng).

Lũy kế giải ngân KHV đầu tư công nguồn vay nước ngoài 11 tháng đạt 26,06% với 9.014,59 tỷ đồng (giải ngân của các Bộ ngành là 4.154,05 tỷ đồng, đạt 35,17%, giải ngân của các địa phương là 4.860,54 tỷ đồng, đạt 21,34%). Tỷ lệ giải ngân gần gấp 3 lần tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 (9,12% KHV), nhưng thấp hơn hẳn so với kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước 11 tháng đầu năm 2022 (đạt khoảng 60% kế hoạch).

Cũng đến 30/11/2022, Bộ Tài chính nhận được đề xuất điều chỉnh giảm KHV của 8/13 Bộ, ngành với tổng số vốn đề nghị giảm là 3.678,5 tỷ đồng (không bao gồm 250,364 tỷ đồng của Bộ TNMT và 50 tỷ đồng của Bộ Y tế đã được chấp thuận điều chỉnh giảm); 35/59 địa phương với tổng số vốn đề nghị giảm là 8.804,5 tỷ đồng.

Hiện 54 địa phương và 10 Bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 50%, trong đó 6 Bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân 0%; có 3 Bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50% KHV.

Trong tổng số 294 dự án/tiểu dự án (gọi chung là dự án) trên cả nước được giao KHV đầu tư công nguồn nước ngoài năm 2022 có 114 dự án chưa giải ngân, với số KHV được giao là 6.235,2 tỷ đồng, chiếm 18,03% KHV giao.

47/294 dự án giải ngân dưới 20% KHV; 59/294 dự án giải ngân trong khoảng từ 20-50% KHV và 74/294 dự án giải ngân trên 50% KHV.

Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSTW năm 2021 sang 2022 cũng rất thấp, chỉ đạt 23,65% (1.233,7 tỷ đồng). Trong đó Bộ, ngành đạt 28,84%, địa phương đạt 21,44%. Hết tháng 11/2022 chỉ có 15/39 địa phương và 4/5 Bộ giải ngân KHV 2021 kéo dài.

Nêu nguyên nhân, Bộ Tài chính cho rằng chủ yếu xuất phát từ các vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện dự án dẫn đến việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân. Trường hợp đã có khối lượng nhưng chưa được kiểm soát chi hoặc đã kiểm soát chi nhưng chưa được tập hợp để gửi hồ sơ rút vốn.

Trong các giải pháp cụ thể được nêu ra, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án cần hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành, đảm bảo chi trong dự toán được phân bổ, chi đúng chế độ quy định…

Đối với các hoạt động dự án có khả năng hoàn thành, theo Bộ Tài chính, các cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công, chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn nay. Tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, bố trí đủ vốn đối ứng…

Đặc biệt, đối với các dự án năm 2022, là năm cuối thực hiện giải ngân, các cơ quan chủ quản cần chỉ đạo các chủ dự án xử lý dứt điểm đề hoàn thành khối lượng và giải ngân.

Với các hoạt động dự án vẫn đang ở giai đoạn hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng, các vướng mắc về đất đai, tài nguyên, đấu thầu…, các chủ dự án báo cáo rõ với cơ quan chủ quản về khả năng thực hiện và hoàn tất các thủ tục này để thực hiện dự án và giải ngân trong năm 2022.

Trường hợp có khả năng hoàn thành các thủ tục để đầu tư, cần tập trung dứt điểm để hoàn thành. Trường hợp không khả thi, đề nghị rà soát, điều chỉnh kế hoạch thực hiện và kế hoạch vốn trong năm 2023.

Cơ quan quản lý ngành tài chính kiến nghị không cho phép kéo dài KHV 2022. Trường hợp không giải ngân hết KHV 2022, số không giải ngân sẽ bị hủy bỏ theo quy định của Luật Đầu tư công. Các Bộ ngành, địa phương chủ động bố trí đủ KHV 2023 để thực hiện dự án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang