(CAO) Hôm 3-2, Reuters đưa tin cảnh sát Myanmar đã đệ đơn cáo buộc nhà lãnh đạo bị phế truất – bà Aung San Suu Kyi vi phạm pháp luật vì nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc.
Bà sẽ bị giam giữ cho đến ngày 15-2 để điều tra, theo một tài liệu của cảnh sát cho biết.
Động thái này diễn ra sau cuộc đảo chính quân sự vào ngày 1-2 dẫn đến việc quân đội giam giữ bà Suu Kyi và các chính trị gia dân sự khác.
Một yêu cầu của cảnh sát đệ lên tòa án nêu chi tiết các cáo buộc chống lại bà Suu Kyi, 75 tuổi, cho biết 6 bộ đàm đã được tìm thấy trong một cuộc khám xét nhà của bà ở thủ đô Naypyidaw.
Các bộ đàm và thiết bị liên lạc đã được nhập khẩu bất hợp pháp và sử dụng mà không được phép.
Tài liệu được xem xét hôm 3-2 đã yêu cầu giam giữ Suu Kyi “để thẩm vấn nhân chứng, yêu cầu bằng chứng và tìm kiếm cố vấn pháp lý sau khi thẩm vấn bị cáo”.
Những người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi biểu tình đòi thả bà - Ảnh: Reuters
Một tài liệu riêng cho thấy cảnh sát cũng đã đệ đơn cáo buộc Tổng thống bị lật đổ Win Myint vi phạm các giao thức ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong quá trình vận động bầu cử vào tháng 11 năm ngoái.
Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm ngoái nhưng quân đội cho rằng cuộc bầu cử đã bị hủy hoại vì các hành vi gian lận và biện minh cho việc nắm quyền của mình dựa trên những lý do đó.
Chủ tịch nhóm nghị sĩ Nhân quyền ASEAN Charles Santiago cho rằng các cáo buộc này của quân đội Myanmar là lố bịch.
Ông nói trong một tuyên bố: “Đây là một động thái vô lý của chính quyền nhằm cố gắng hợp pháp hóa việc chiếm đoạt quyền lực bất hợp pháp của họ”.
Bà Suu Kyi đã trải qua khoảng 15 năm bị quản thúc tại gia từ năm 1989 đến năm 2010 khi lãnh đạo phong trào dân chủ của đất nước.
(CAO) Những đường phố ở thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon nhìn vẻ ngoài yên bình vào sáng 2-2 khi người dân trên đường đi làm một ngày sau khi quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo được bầu cử khác và giành quyền kiểm soát đất nước.