Bầu không khí tức giận và lo lắng hậu đảo chính ở Myanmar

Thứ Ba, 02/02/2021 23:36

|

​(CAO) Những đường phố ở thành phố lớn nhất Myanmar, Yangon nhìn vẻ ngoài yên bình vào sáng 2-2 khi người dân trên đường đi làm một ngày sau khi quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và các nhà lãnh đạo được bầu cử khác và giành quyền kiểm soát đất nước.

Nhưng đằng sau vẻ ngoài kinh doanh như thường lệ, nhiều người đang lo lắng về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Những ký ức về cuộc sống dưới chế độ quân sự trong quá khứ đã hằn sâu vào tâm trí của nhiều người dân nước này.

Những nhà chỉ trích, nhà hoạt động, nhà báo, học giả và nghệ sĩ thường xuyên bị bỏ tù trong gần 50 năm cai trị của chủ nghĩa biệt lập do quân đội nước này dựng lên.

Hiện có những lo ngại rằng hành động đảo chính hôm 1-2 có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc đàn áp rộng lớn hơn. Tổng cộng, chính quyền cầm quyền mới đã cách chức 24 thành viên nội các của chính phủ vì các cáo buộc gian lận bầu cử và chỉ định 11 đồng minh của mình làm người thay thế để đảm nhận vai trò của họ trong chính quyền mới.

Hôm 2-2, Bộ trưởng Y tế Myint Htwe cũng thông báo trên Facebook rằng ông sẽ từ chức "tùy theo tiến triển của tình hình”.

Các câu hỏi về nơi các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cầm quyền trước đây, bao gồm cả Cố vấn nhà nước bị phế truất – bà Suu Kyi bị giam giữ vẫn chưa được tiết lộ.

Một thành viên quốc hội (nghị sĩ), người yêu cầu giấu tên nói với CNN qua điện thoại rằng khoảng 400 nghị sĩ đang bị giam giữ trong một nhà khách lớn ở thủ đô Naypiydaw.

Nghị sĩ này mô tả nhà khách là một khu phức hợp lớn, nơi những người bị giam giữ có thể đi lại tự do, nhưng bị cấm rời khỏi trong khi các vệ binh quân đội tuần tra ngoài cổng.

Ông cũng nói rằng, cho đến nay, các chính trị gia bị giam giữ không cố gắng thương lượng để được trả tự do cho họ và không biết điều gì sẽ xảy ra với họ.

Tin quân đội đảo chính lên trang nhất các báo ở Myanmar - Ảnh: AP

Trong một tuyên bố hôm 2-2, NLD kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ, bao gồm cả tổng thống mới bị phế truất Win Myint và cố vấn Suu Kyi, đồng thời cho phép quốc hội thứ ba của đất nước cầm quyền.

Đảng này cũng kêu gọi công nhận kết quả tổng tuyển cử vào tháng 11 và nói rằng cuộc đảo chính là "một hành động phỉ báng chống lại lịch sử" của Myanmar và chính phủ nước này.

Vào ngày 2-2 tại thủ đô Naypyidaw, mặc dù hầu hết các doanh nghiệp đã mở cửa trở lại, nhưng sự hiện diện an ninh nghiêm ngặt hơn vẫn còn. Xe tăng được nhìn thấy ở cổng quốc hội, và binh lính đang đứng canh bên ngoài một nhà khách của chính phủ, nơi một số chính trị gia bị giam giữ trong cuộc đảo chính cho biết họ đang bị giam giữ.

Theo tờ báo nhà nước Global New Light của Myanmar, trong khi thông tin liên lạc trên khắp đất nước vẫn không liên tục với các kết nối và dữ liệu bị gián đoạn trên điện thoại, các ngân hàng đã mở cửa trở lại.

Tại Yangon, người dân xếp hàng dài để rút tiền mặt tại các máy ATM. Người phát ngôn của NLD, Kyi Toe vào cuối ngày 1-2 cho biết trên trang Facebook cá nhân của mình rằng bà Suu Kyi đang bị giam giữ tại dinh thự chính thức của bà. Bà "cảm thấy khỏe" và "thường xuyên đi bộ trong khu nhà".

Một tuyên bố có chủ đích trên tài khoản Facebook chính thức của đảng NLD hôm 1-2 dẫn lời bà Suu Kyi kêu gọi mọi người phản đối cuộc đảo chính, mặc dù có những câu hỏi về tính xác thực của tuyên bố.

"Hành động của quân đội là hành động đưa đất nước trở lại dưới chế độ độc tài", tuyên bố viết.

Bà Suu Kyi đã không được nhìn thấy kể từ khi bà bị giam giữ vào sáng sớm 1-2. Tuyên bố kết thúc bằng tên của bà nhưng không có chữ ký, và không rõ bà Suu Kyi sẽ đưa ra một tuyên bố như thế nào khi bị giam giữ.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng các tài khoản mạng xã hội có thể đã bị tấn công hoặc bị chiếm đoạt bởi những kẻ xấu nhằm khuyến khích các hành động có thể tạo cớ cho lực lượng quân sự tiếp tục đàn áp. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình duy nhất được thấy cho đến nay có quy mô nhỏ lại đến từ những người ủng hộ quân đội.

Mặc dù những người ủng hộ bà Suu Kyi vẫn chưa xuống đường, nhiều người ở Yangon đã bày tỏ sự tức giận một cách kín đáo trước hành động của quân đội, hành động mà họ cho là sự coi thường ý chí của người dân trong cuộc bầu cử được coi là công bằng.

Một phóng viên ở Yangon cho biết anh ta đã trải qua một đêm mất ngủ để lo lắng về việc liệu mình có bị "sờ gáy" hay không và sợ rằng các nhà báo sẽ bị nhắm tới.

Xe quân sự của quân đội phong toả trước toà nhà quốc hội - Ảnh: AP

Tình hình đang diễn ra ở Myanmar cũng là một phép thử lớn đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực và đe dọa xem xét lại các lệnh trừng phạt đối với nước này.

Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Myanmar trong thập kỷ qua dựa trên tiến bộ đối với dân chủ. "Việc đảo ngược tiến độ đó sẽ đòi hỏi phải xem xét ngay lập tức các luật xử phạt", Biden cho biết trong một tuyên bố.

Có bằng chứng cho thấy sự không chắc chắn về những gì sắp xảy ra ngay sau cuộc đảo chính đang có tác động đến hoạt động kinh doanh quốc tế.

Hôm 2-2, Tập đoàn ô tô Suzuki của Nhật Bản thông báo họ đã ngừng sản xuất tại hai nhà máy ở Myanmar để đảm bảo an toàn cho công nhân sau cuộc đảo chính. Công ty cho biết họ sẽ hoạt động trở lại khi an ninh cho công nhân của họ được đảm bảo, mặc dù họ không biết khi nào thì điều đó sẽ xảy ra.

Nhật cảnh báo đảo chính ở Myanmar làm tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang