(CAO) Hôm 1-2, Reuters đưa tin quân đội Myanmar đã bất ngờ tiến hành đảo chính, bắt giữ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi.
Bà Aung San Suu Kyi bị bắt giữ cùng các lãnh đạo khác của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà trong các cuộc đột kích vào sáng sớm.
Theo một tuyên bố trên đài truyền hình thuộc sở hữu của quân đội, quân đội cho biết họ đã tiến hành bắt giữ các nhân vật của chính quyền để đối phó với "gian lận bầu cử", đồng thời giao quyền lực cho thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing và áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm.
Các đường dây điện thoại đến thủ đô Naypyitaw và trung tâm thương mại chính của Yangon đều không liên lạc được và truyền hình nhà nước tắt sóng trước giờ quốc hội dự họp lần đầu tiên kể từ khi NLD giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11, được xem như một cuộc trưng cầu dân ý đối với chính phủ non trẻ của bà Kyi.
Người dân cho biết các binh sĩ đã chiếm giữ các vị trí tại tòa thị chính ở Yangon và dữ liệu internet di động và dịch vụ điện thoại bị gián đoạn. Dịch vụ giám sát NetBlocks cho biết kết nối Internet cũng đã giảm đáng kể.
Bà Suu Kyi, Tổng thống Myanmar Win Myint và các nhà lãnh đạo NLD khác đã bị "bắt" vào đầu giờ sáng, phát ngôn viên NLD Myo Nyunt nói với Reuters qua điện thoại.
Binh sĩ xuất hiện trên đường phố Yangon (Myanmar) sau cuộc đảo chính - Ảnh: Reuters “Tôi muốn nói với người dân của chúng tôi rằng đừng phản ứng một cách hấp tấp và tôi muốn họ hành động theo pháp luật,” anh nói và cho biết thêm rằng anh có thể sẽ bị bắt.
Reuters sau đó không thể liên lạc với anh ta. Việc giam giữ được đưa ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau cuộc bầu cử.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden đã được thông báo tóm tắt về vụ bắt giữ bà Suu Kyi. “Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar và sẽ có hành động chống lại những người chịu trách nhiệm nếu các bước đi này không được đảo ngược”, phát ngôn viên Jen Psaki cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Úc cho biết họ “quan ngại sâu sắc trước các báo cáo rằng quân đội Myanmar một lần nữa đang tìm cách giành quyền kiểm soát Myanmar” và kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị bắt giữ bất hợp pháp.
Nhật Bản cho biết họ đang theo dõi tình hình và hiện không có kế hoạch hồi hương các công dân Nhật Bản từ Myanmar.
Người đoạt giải Nobel Hòa bình, bà Suu Kyi, 75 tuổi, lên nắm quyền sau chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015, sau nhiều thập kỷ bị quản thúc tại gia trong một cuộc đấu tranh vì dân chủ với chính quyền Myanmar đã biến bà thành một biểu tượng quốc tế.
Vị thế quốc tế của bà đã bị tổn hại sau khi hàng trăm nghìn người Rohingya chạy trốn khỏi các chiến dịch đàn áp của quân đội để lánh nạn từ bang Rakhine phía tây Myanmar vào năm 2017, nhưng bà vẫn rất nổi tiếng ở quê nhà.
Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn nhà nước Myanmar bị quân đội bắt giữ - Ảnh: Reuters
Căng thẳng chính trị đã tăng vọt vào tuần trước khi một phát ngôn viên quân đội từ chối bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc đảo chính trước khi quốc hội mới triệu tập vào thứ hai 1-2, và người đứng đầu quân đội Min Aung Hlaing nêu ra triển vọng bãi bỏ hiến pháp.
Nhưng quân đội vào cuối tuần, đưa ra một tuyên bố trên phương tiện truyền thông xã hội hôm 31-1 nói rằng họ sẽ "làm mọi thứ có thể để tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ của các cuộc bầu cử tự do và công bằng".
Xe tăng đã được triển khai trên một số đường phố vào tuần trước và các cuộc biểu tình ủng hộ quân đội đã diễn ra ở một số thành phố trước cuộc họp quốc hội đầu tiên.
Ủy ban bầu cử của Myanmar đã bác bỏ các cáo buộc của quân đội về gian lận phiếu bầu.
Hiến pháp được công bố vào năm 2008 sau nhiều thập kỷ nắm quyền của quân đội dành 25% số ghế trong quốc hội cho quân đội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi.
Quyền lực được trao cho tướng Min Aung Hlaing của quân đội - Ảnh: Facebook