(CATP) Nuôi yến sào được xem là ngành nghề mang lại lợi nhuận cao cho người dân cũng như doanh nghiệp (DN). Trong số này, địa bàn huyện Cần Giờ (TPHCM) được xem là nơi hứa hẹn tiềm năng với loài chim "báo hiệu mùa xuân", tuy nhiên những bất cập và sự chồng chéo của các quy định pháp luật đã khiến nghề nuôi yến ở địa phương gặp khó, phát triển chưa xứng với tiềm năng.
Nhiều tiềm năng phát triển
TPHCM là một trong những địa bàn có chim yến sinh sống tập trung nhiều nhất nước. Hiện nay, rải khắp các quận, huyện đều có mô hình nhà nuôi yến, trong đó chủ yếu tập trung tại các khu vực ven sông Sài Gòn và khu rừng ngập mặn như H.Cần Giờ, H.Củ Chi, Q.Bình Thạnh, TP.Thủ Đức... Riêng H.Cần Giờ với rừng ngập mặn bao phủ nên phong trào nuôi chim yến phát triển rất mạnh, hiện đứng đầu toàn thành phố, thậm chí dẫn đầu cả nước về quy mô, sản lượng tổ yến.
Với diện tích 34.607ha rừng, Cần Giờ là môi trường sinh thái tự nhiên nên có nguồn côn trùng cung cấp thức ăn cho chim yến, tạo điều kiện thuận lợi để loài này về sinh sống, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Từ năm 2006, nghề nuôi chim yến trong nhà bắt đầu phát triển, đến cuối năm 2008 đã có 10/17 nhà nuôi chim yến và một số đã cho sản phẩm tổ yến với giá trị cao. Chiều hướng phát triển của nghề này rất khả quan, đem lại lợi nhuận cao, ổn định, việc quản lý chăm sóc không khó khăn như một số ngành khác.
Hiện nay với gần 500 nhà nuôi yến, sản lượng bình quân từ 11-12 tấn/năm, tạo ra giá trị khoảng 250 tỷ đồng/năm, nghề nuôi yến sào góp phần rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ, giúp bà con đa dạng ngành nghề sản xuất. Bên cạnh nghề làm muối và nuôi trồng thủy sản, nghề nuôi yến sào mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sinh hoạt của cộng đồng từ máy phát tiếng kêu dụ yến về nuôi, các nguy cơ dịch cúm gia cầm...
Bên trong nhà nuôi yến
Nhà nuôi yến ở huyện Cần Giờ
Nhận thức được vấn đề này, các hộ nuôi yến ở huyện Cần Giờ chủ động báo cáo với chính quyền để quản lý, đồng thời tìm cách di chuyển ra xa khu dân cư. Tuy nhiên, những chồng chéo trong quy định pháp luật về xây nhà nuôi yến khiến DN và nông dân gặp khó khăn.
Một DN nuôi yến ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ cho biết: Khoản 7 điều 3 Nghị định 13 năm 2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về Luật Chăn nuôi, nêu "Nhà yến là công trình xây mới hoặc cải tạo để nuôi chim yến". Theo đó, nhà nuôi yến là công trình phục vụ chăn nuôi, nhưng việc xây dựng (XD) trên đất nông nghiệp rất khó khăn vì trái quy định của Luật Đất đai năm 2013.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhờ nghề nuôi yến mà cuộc sống nhiều gia đình ở huyện Cần Giờ ngày càng khá hơn. Điều đáng nói là nghề này còn tự phát, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch nên bà con và DN chưa mạnh dạn đầu tư để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của huyện. Nghịch lý ở chỗ, nếu muốn phát triển nghề nuôi yến theo khu nông nghiệp tập trung thì phải cho người dân đóng thổ cư để xin phép mới có thể xây nhà, như vậy bà con mới có thể mạnh dạn đầu tư.
Sẽ sớm quy hoạch vùng nuôi yến
Ông Hồ Ngọc Thiện - Trưởng phòng Kinh tế huyện Cần Giờ - cho biết, vừa qua UBND huyện đã đề xuất UBND TPHCM trình Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp cuối năm nay để xem xét quyết định việc quy hoạch vùng nuôi yến. Huyện cũng đang lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, trong đó dự kiến bố trí quỹ đất nông nghiệp khác tại các xã: Bình Khánh, An Thới Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn để phát triển vùng nuôi chim yến.
"Huyện đã bố trí 516 ha đất nông nghiệp khác và đã có địa điểm cụ thể. Khi có quy hoạch đất nông nghiệp khác thì bà con có thể XD công trình để phục vụ phát triển nông nghiệp. Trước đây, lúc chưa có quy hoạch đất nông nghiệp khác, bà con đã cải tạo công trình để nuôi yến trong khu dân cư, vấn đề này diễn ra phức tạp và địa phương hiện đang tăng cường quản lý”, ông Thiện cho biết thêm.
Mới đây, Sở XD TPHCM có công văn trình UBND TPHCM về tiếp tục thí điểm, mở rộng địa bàn và kéo dài thời gian thí điểm XD công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Đây là tín hiệu tích cực giúp DN và người dân huyện Cần Giờ yên tâm sản xuất, trong khi chờ thông qua quy hoạch XD vùng nuôi yến.
Huyện Cần Giờ nói riêng và TPHCM nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi yến như địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa với nền nhiệt độ cao, tương đối ổn định trong năm. Thế nhưng, việc nuôi yến tại TPHCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tốc độ đô thị hóa nhanh làm giảm nguồn cung cấp thức ăn, môi trường sống tự nhiên của yến; chi phí đầu tư lớn, mức độ rủi ro cao trong quá trình nuôi...
Bên cạnh đó, việc phát triển nhà nuôi chim yến phân tán trong các vùng quy hoạch phần lớn còn mang tính tự phát nhỏ lẻ, nên các mối quan hệ sản xuất còn ở mức thấp, chưa hình thành mối liên kết tạo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu yến sào. Trong khi đó, các cơ chế, chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển và tái cơ cấu nông nghiệp chưa cụ thể đối với nghề nuôi yến trong nhà, đặc biệt là nguồn vốn vay để đầu tư cũng như tái sản xuất. Ngoài ra, TPHCM chưa có kế hoạch phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, vì thế địa phương gặp khó khăn trong việc quản lý nhà yến mới và số cải tạo lại.
Chính vì thế, dù nghề nuôi yến tại TPHCM mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân, nhưng theo đánh giá tác động của nghề này đối với môi trường - xã hội khi "Nghiên cứu hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý, phát triển bền vững nghề nuôi yến ở TPHCM" do Viện Sinh học nhiệt đới chủ trì thực hiện, thì nhà nuôi yến ở khu vực nông thôn, đô thị, tập trung đông dân cư, việc phát loa dẫn dụ yến đã ảnh hưởng không nhỏ tới khu dân cư xung quanh.