Thảm họa từ phong trào nhà nhà nuôi yến

Thứ Năm, 17/10/2019 15:11

|

(CATP) Trước siêu lợi nhuận từ việc nuôi chim yến, phong trào nhà nhà nuôi yến trở nên khá quen thuộc. Không ít hộ trúng thu hoạch tổ yến kháo nhau: Câu “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo” đã xưa như… trái đất. Bây giờ, phải là “muốn giàu nuôi yến…”. Họ cho rằng chỉ cần bỏ ra số vốn tiền tỷ, sau đó thu về chục tỷ là thường. Thực tế, người “trúng” tổ yến thì ít, người thất bát thì nhiều. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất là việc nuôi yến trong khu dân cư dễ dẫn đến gây mất tình làng nghĩa xóm.

NUÔI THEO PHONG TRÀO DỄ THẤT BẠI

Khi nghe tôi hỏi về xây dựng nhà nuôi yến, T. (thầu tiếp thị) hào hứng bảo: “Anh bỏ tiền xây đi! Em “bao” trúng. Nếu nhà nuôi yến không có yến thì em sẽ bồi thường vốn của anh đã bỏ ra”. T. nhẩm tính, để có nhà nuôi yến xây 3 tấm, kèm theo thiết bị thì số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Sau 2 năm, mỗi tháng thu lại hàng trăm triệu đồng. Nghe T. huyên thuyên về làm giàu từ yến sào, tôi hỏi: “Vậy chỉ cần bỏ vốn hơn một tỷ thì sẽ thu về hàng trăm tỷ à?”. T. gật đầu lia lịa.

Nhiều hộ thu nhập cao từ nghề nuôi yến
Thế nhưng qua tìm hiểu việc nuôi chim yến, một số người cho rằng, “giống như đánh bạc với trời”. “Người nào hên, có lộc thì trúng yến. Cũng có người xây nhà gần chục năm mà không có con chim yến nào ghé thăm” - ông D. (chuyên nuôi chim yến) khẳng định.

Tiếp chúng tôi trong cơ ngơi bề thế, anh L. (ngụ TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: “Thu nhập của tôi giờ ổn định lắm! Mỗi tháng thu hoạch được 10 ký yến thô gần 200 triệu. Gần 10 năm nay, thu nhập chính của gia đình là từ nuôi yến”. Chuyện xây nhà nuôi yến của anh L. khá tình cờ. Khoảng 10 năm trước, anh xây dựng căn nhà kiên cố 3 lầu để mở phòng mạch. Nào ngờ, công việc bệnh viện bận rộn làm anh không có thời gian mở phòng mạch.

Lúc bấy giờ, phong trào “nhà nhà nuôi yến” khá sôi động ở TP.Cà Mau. Thế là anh L. thuê người đặt loa dẫn dụ chim yến, nào ngờ chúng bay tới rất nhiều. Anh L. cải tạo phòng khám thành nhà nuôi yến. Ai ngờ “làm chơi, ăn thật”, mỗi năm anh thu hoạch tổ yến bán được hơn 2 tỷ đồng.

Anh D. (ngụ H.Nhà Bè, TPHCM) cũng trở thành tỷ phú nhờ nuôi yến. Hơn 10 năm trước, sau khi bán hết tài sản, anh mua 2 héc-ta đất ở H.Nhà Bè. Do quen biết với nhiều người thành đạt nhờ nuôi chim yến, anh thuê người khảo sát, tư vấn. Đến nay, mỗi năm thu hoạch từ tổ yến của anh hơn 3 tỷ đồng. Anh D. nói: “Nuôi yến theo phong trào thì dẫn đến thất bại. Người nuôi phải thuê tư vấn, khảo sát xem môi trường, vị trí, địa điểm... có thích hợp với chim yến hay không. Chứ thấy nhà bên cạnh nuôi rồi thuê thợ xây dựng theo thì khó mà “trúng” yến”.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nghề nuôi chim yến đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Nếu dụ được yến về thành công thì 100m2 sàn nuôi mỗi tháng có thể thu về từ 1 - 2kg tổ yến.

ÙN ÙN XÂY NHÀ NUÔI CHIM YẾN

Trước khoản thu “khủng” từ nghề nuôi chim yến, tại nhiều địa phương, người dân ùn ùn xây nhà dụ loài chim này bay đến làm tổ. Hiện nay, Bạc Liêu có 1.096 nhà nuôi chim yến, riêng TP.Bạc Liêu chiếm khoảng một nửa. Ở tất cả các tuyến đường, khu dân cư tại thành phố này, có dày đặc công trình nuôi chim yến. Tỉnh Kiên Giang có 2.245 nhà nuôi chim yến, trong đó 1.120 nhà kiên cố, phần còn lại do người dân tự cải tạo nhà ở của mình để nuôi.

Thời điểm tháng 6-2013, tỉnh Sóc Trăng chỉ có 17 hộ dẫn dụ chim yến, với tổng đàn ước tính khoảng 7.600 con, nay đã tăng lên hơn 480 hộ, với tổng đàn khoảng 80.500 con. Tỉnh Cà Mau có 131 nhà nuôi chim yến đang hoạt động, ước tính tổng đàn hơn 40.000 con, tập trung TP.Cà Mau, các huyện Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân. Tính đến nay, cả nước có 42 tỉnh, thành hình thành và phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, với tổng số gần 9.000 nhà nuôi chim yến. Nhiều nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tiếp đến là khu vực Đông Nam bộ và duyên hải miền Trung.

Nhiều hộ kinh doanh ở P1, TP.Sóc Trăng tận dụng nuôi yến

Bên cạnh lợi nhuận kinh tế cao, nghề nuôi chim yến cũng có nhiều rủi ro. Báo cáo về ngành nuôi chim yến của cả nước, tỷ lệ thành công trong quá trình dẫn dụ chim yến chỉ khoảng 30 - 40%. Bạc Liêu là một trong những địa phương được xem là có hộ dẫn dụ, gây nuôi chim yến lớn tại ĐBSCL. Toàn tỉnh có khoảng 950 nhà nuôi chim yến. Nếu chỉ có 50% số hộ gây nuôi thành công, thu 1kg tổ yến/hộ/tháng thì mỗi tháng cả tỉnh sẽ có 475kg, trị giá khoảng 475.000 USD/tháng.

Tỉnh Bạc Liêu hiện có gần 1.000 nhà nuôi yến

CẤM NUÔI TRONG KHU DÂN CƯ ĐƯỢC KHÔNG?

Ông Lưu Hoàng Ly (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu) cho biết: Hầu hết nhà nuôi chim yến là xây dựng tự phát, chưa có giấy phép, gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh. Khu vực nuôi chim yến tối, ẩm ướt, nhiều phân chim, có thể gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, tiếng ồn từ các thiết bị phát ra để dẫn dụ chim yến trở thành nỗi ám ảnh của người dân nội thành TP.Bạc Liêu nhiều năm nay.

“Người dân nuôi tự phát rất nhiều, tập trung ở P1, khu bệnh viện, Tỉnh ủy cũng có. Tỉnh đã nhận thấy vấn đề và định hướng chung, nhưng chưa có quy hoạch. Ngành đã có nhiều công văn, nhưng đến nay việc nuôi tự phát rất khó quản lý” - một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Theo lãnh đạo các địa phương, Thông tư 35 của Bộ NN&PTNT có nội dung việc xây nhà nuôi yến phải theo quy hoạch, nhưng tỉnh lại chưa có quy hoạch. Để thực hiện thông tư này, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Kế hoạch số 56, nêu rõ chủ sở hữu xây mới hoặc thay đổi quy mô nhà nuôi chim yến phải báo cơ quan chức năng cấp huyện, còn cơ sở chưa nằm trong quy hoạch thì phải được đồng ý của UBND cấp huyện mới được phép xây dựng. Nhưng thực tế, người dân vẫn xây nhà nuôi chim yến tràn lan.

UBND tỉnh Cà Mau vừa hoàn tất dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định khu vực không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Theo Điểm h, Khoản 1, Điều 80, Luật Chăn nuôi, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến.

Nuôi yến gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh

Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết, hơn 1 năm trước, UBND tỉnh đã ban hành quyết định tạm thời về quản lý nuôi chim yến trên địa bàn, hướng dẫn người dân thực hiện cam kết về phòng, chống dịch bệnh và xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường. Từ đầu năm đến nay, sản lượng yến sào thu hoạch của tỉnh này đạt hơn 3,1 tấn từ 2.117 nhà nuôi tập trung tại 2 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và các huyện Châu Thành, Hòn Đất, Kiên Lương. Tuy nhiên, nghề này phát triển tự phát, dẫn đến bất cập về vệ sinh môi trường, an toàn sinh học, tiếng ồn, dịch bệnh..., gây bất lợi đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe người dân.

Tỉnh Kiên Giang siết chặt quản lý nuôi chim yến, nghiêm cấm xây dựng mới nhà nuôi ở một số địa điểm trọng yếu, nhất là các khu vực: điểm chợ, khu hành chính, dân cư, đô thị, du lịch, cửa khẩu, trung tâm thị trấn các huyện. Các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà nuôi chim yến phải có giấy phép theo quy định, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

UBND tỉnh An Giang đã phân định rõ các vùng không được phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến thuộc trung tâm TP.Long Xuyên, khu vực phía Bắc đường vành đai ngoài 100m, khu vực cách Tỉnh lộ 943 tính từ tim đường hiện hữu là 1km, TP.Châu Đốc, khu vực trung tâm thị trấn của các huyện, các khu đô thị mới đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết. Đối với tuyến quốc lộ trong phạm vi 200m tính từ chỉ giới xây dựng theo quy định và trong phạm 200m tính từ vành đai của các khu vực, như: nơi du lịch đặc biệt, danh lam thắng cảnh, cơ sở tín ngưỡng, y tế, trường học, công sở, chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trình công cộng khác cũng không được phép xây dựng mới nhà nuôi chim yến.

UBND tỉnh Bến Tre cũng yêu cầu tạm thời ngưng phát triển mới, mở rộng nuôi chim yến tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các công trình công cộng trên địa bàn. Đối với các cơ sở nuôi chim yến đã hoạt động, có sử dụng âm thanh dẫn dụ, thiết bị phát âm thanh phải đảm bảo không vượt quá 70 dBA và không được sử dụng âm thanh trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, cấm thì cấm, nhưng khó mang lại hiệu quả. Bởi ở nhiều nơi, người dân vẫn tiếp tục xây dựng nhà nuôi chim yến, bất chấp lệnh cấm.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam:

Để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, cần có những giải pháp đồng bộ về quản lý. Cần có các văn bản hướng dẫn kỹ thuật về xây dựng nhà nuôi chim yến, các tiêu chuẩn nuôi bảo đảm an toàn sinh học. Đặc biệt, cần xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam về nhà nuôi chim yến và tổ yến. Xử lý nghiêm đối với hành vi phát âm thanh dẫn dụ chim yến gây ồn ào, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống của người dân xung quanh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang