Khác với phu xe, phu chợ, người lượm ve chai, bán vé số..., nhiều người tìm đến các dòng sông, kênh, rạch để quăng chài, thả lưới, đãi trùn kiếm tiền mưu sinh. Cái nghề “nước sông, gạo chợ” lam lũ quanh năm, tai nạn rình rập này mà kiếm đủ ăn, đủ chi tiêu đã là điều may mắn với nhiều người.
LÀNG CHÀI TRÊN SÔNG SÀI GÒN
Một xóm chài đìu hiu nằm khép mình dưới chân cầu Bình Lợi nối Q.Bình Thạnh và Q.Thủ Đức tồn tại gần 60 năm nay. Đây có lẽ là xóm chài duy nhất còn lại trên sông Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Chúc (tự Ba Chúc, SN 1957) kể: Ngư dân xóm chài này đều từ Vĩnh Phúc di cư vào đây từ năm 1954. Lúc cao điểm, xóm có hàng chục ghe, thuyền đậu kín cả khúc sông, nhưng nay chỉ còn lại 3 hộ gia đình nương tựa vào nhau.
Tài sản của họ không có gì đáng giá ngoài mấy tấm chài lưới vá chằng, vá đụp, chiếc ghe cũ kỹ với mui trần ọp ẹp, mưa dột, nắng hầm. Từ năm ngoái đến nay, có hộ cất tạm túp lều bên mép nước để ngả lưng.
Đãi trùn kiếm cơm trên dòng kênh Tẻ
Lúc trước, sông Sài Gòn ít ô nhiễm, mỗi đêm ngư dân đánh bắt được năm, bảy chục ký cá là chuyện thường. Nhưng nay dòng sông bị ô nhiễm, mỗi đêm họ đánh bắt chỉ được vài ký cá, có hôm còn không đủ tiền đong gạo.
Ngoài chài lưới, mấy mươi năm lênh đênh trên sông nước, ông và đồng nghiệp đã cứu sống hơn 300 người, vớt lên hàng trăm thi thể. Mấy năm nay, tuổi cao, sức yếu, ông chuyển qua làm nghề chèo đò “ôm”, nghề “đụng” (ai kêu gì làm đó). Có lúc, ông chở khách ra xà lan, lúc thì chở đồ ăn, thức uống cho khách..
Khác với ông Chúc, cuộc sống của những ngư phủ khác trong xóm khá lận đận. Bước qua cái tuổi 54, nhưng ông Nguyễn Ngọc Ái vẫn còn lực lưỡng, râu, tóc để dài trông không khác Võ Tòng trong phim “Đất phương Nam”.
Hồi trước, gia đình ông sống trên chiếc ghe bể nát, nước tràn vô bị chìm mấy lần. Bao nhiêu năm nằm co ro trên chiếc ghe chồng chành, chật chội, năm ngoái ông cất một túp lều tạm bằng cây que, tôn, bạt cũ kỹ, tuy ọp ẹp, nhưng có chỗ cho gia đình chui vô, chui ra.
Xóm chài nghèo nằm khép mình dưới cầu Bình Lợi
Ông Ái “bén duyên” với công việc vớt xác trên sông còn sớm hơn cả ông Ba Chúc. Ông kể: “Có người đang mang thai rồi nhảy cầu Bình Lợi tự tử. Có trường hợp, người mẹ lấy áo quấn con vào người rồi gieo mình xuống sông. Có đôi tình nhân nắm tay nhau cùng nhảy cầu... Thấy mà xót xa! Cầu Bình Lợi có “dớp” rồi, hễ nhảy xuống là chết”.
Theo ông Ái, nghề vớt xác cũng lắm chuyện tâm linh. Hồi xưa, có 3 nữ sinh rủ nhau xuống chân cầu Bình Lợi tắm, chẳng may sẩy chân chết. Sau khi vớt xác các cô lên, người ta dựng một cái am thờ cúng. Khi cầu Bình Lợi xây mới, người ta phải dỡ bỏ cái am. Ông phải lập một cái am nhỏ gần nhà để nhang khói, thờ tự.
Có những thi thể bị trương sình, nhưng khi vớt lên, người vớt không được nhăn mặt, bịt mũi hoặc nhổ nước bọt. Ai phạm vào những điều này thì bị “hành” ói tới “mật xanh, mật vàng”. Lỡ theo nghề này thì khổ mấy cũng phải chịu.
Do chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, sau này ông Ái bỏ nghề vớt xác, trở lại quăng chài, thả lưới. Ngoài những người đánh bắt cá, ở xóm ông còn có những người nấu đậu phộng đi bán rong, phụ hồ, giúp việc nhà, chạy xe ôm... Công việc vất vả, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao.
Lúc rảnh rỗi, ông Ái tranh thủ vá lưới
PHẬN ĐỜI ĐÃI TRÙN CHỈ
Ông Chúc cho hay, về độ vất vả thì nghề giăng câu, thả lưới chẳng “xi nhê” gì so với nghề đãi trùn chỉ. Trùn chỉ là giống giun nước, thân rất mảnh, dài vài centimet. Cách đây hơn 30 năm, một số người sống gần kênh, rạch ở TPHCM vớt trùn chỉ về cho vịt ăn. Sau đó, những người nuôi cá cảnh dùng loại giun nước này làm thức ăn cho cá. Vịt và cá phát triển rất nhanh, khiến nhu cầu về trùn chỉ ngày càng tăng. Nghề đãi trùn chỉ khai sinh từ đó.
Ngày nay, nghề đãi trùn chỉ khá phổ biến và trở thành “cần câu cơm” của nhiều gia đình nghèo ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Dụng cụ hành nghề chỉ có chiếc vợt bằng lưới mảnh, vài cái thau nhựa, chiếc ghe hoặc xe máy. Khi nước cạn, dọc dòng kênh Tẻ (Q7) lại có hàng chục người lội bì bõm trong dòng nước đen ngòm, cần mẫn đãi trùn chỉ.
Anh Vũ Văn Chiêm (“trùn thủ”) cho biết: Trùn chỉ thường sống ở vùng đầm lầy, ao tù, nước chảy chậm, nơi nhiệt độ nước luôn ấm, ít ôxy, ô nhiễm, như: miệng cống, cạnh chuồng heo, chuồng bò, cống xả thải của chợ, quán ăn...
Người đãi trùn chỉ phải trầm mình trong dòng nước độc hại, dễ mắc các bệnh ngoài da nên không phải ai cũng làm được. Anh cho biết, nghề này sợ nhất là mưa, bởi mỗi khi mưa xuống, không chỉ đãi được ít trùn, mà lơ mơ sẽ bị cảm lạnh như chơi.
Ông Nguyễn Văn Thuyết (SN 1958) đãi trùn chỉ trên sông Vàm Thuật, đoạn chảy qua Q.Gò Vấp, kể: Lúc trước, ông đi vớt ve chai, nhưng không cạnh tranh nổi với người khác nên hơn một năm nay ông chuyển qua đãi trùn chỉ. Bất kể trời nắng hay mưa, ông đều ngụp lặn dưới các dòng kênh đen ngòm để mưu sinh.
Ông bảo: “Nghề này đủ sống là may lắm rồi, nói chi chuyện giàu có”. Làm nghề này phải để ý con nước, địa hình, địa chất từng khúc sông, chứ không phải bạ đâu xúc đó. Để tìm trùn, “trùn thủ” thường dùng mái chèo hoặc cây sào rà một đoạn dọc bờ kênh, thấy trùn bám nhiều vào đầu mái chèo, đầu sào thì mới nhảy xuống đãi.
Dù nước sông ô nhiễm, ông Thuyết vẫn chăm chỉ đãi trùn
Hơn 40 năm làm nghề sông nước, không có nghề chi trên sông là ông Nguyễn Thứ Tứ (SN 1962) không làm. Giăng câu, thả lưới, lặn mò sắt thép, bắt hến... Được 9 năm thì ông chuyển qua đãi trùn chỉ và gắn bó với nghề này đến nay. Nghề đãi trùn chỉ làm được quanh năm suốt tháng.
Hồi trước, sông Vàm Thuật có rất nhiều trùn, cứ đẩy ghe ra đãi là kiếm được cả trăm lon. Nhưng từ khi bãi rác Đông Thạnh và nhiều nhà máy, xí nghiệp, nhất là nhà máy dệt, nhuộm xả thải ồ ạt, làm trùn “xót mắt” bỏ đi nơi khác, mỗi ngày ông chỉ đãi được ba, bốn chục lon, mỗi lon bán giá từ 10 - 12 ngàn đồng.
Theo ông Thuyết, đãi trùn ở những khúc sông sình lầy, ô nhiễm tuy cực, nhưng khá tan toàn. Còn những khúc sông gần quán cà phê, nhà hàng, quán nhậu, nhà dân, người ta vứt đủ thứ chén bát, ly tách, chai lọ... xuống sông, việc bị đứt chân, đứt tay là chuyện thường.
Một lần đi đãi trùn, ông rà chân dưới đống bùn, bỗng đụng một vật gì đó nghe rất “êm”. Lúc giở chân lên xem thì máu chảy đầm đìa, kèm theo miếng bóng đèn nêon vỡ. Những tưởng phải bỏ nghề vì nhiễm trùng, uốn ván, nhưng ông chỉ nghỉ được nửa tháng rồi lại đi làm tiếp, vì không làm thì lấy tiền đâu đong gạo nuôi con?
Cũng đạp “dính” miểng chai, ông Nguyễn Văn Út (“trùn thủ” ở gần cầu Bến Phân, Q.Gò Vấp) phải cắn răng dùng lưỡi lam mổ vết thương lấy miểng sành ra khỏi chân, rồi dùng dầu hôi, cồn khử trùng. Băng bó vết thương một cách qua loa, ông tiếp tục đi đãi trùn, vì không có tiền đi bệnh viện. Trên những dòng kênh đen, có những người hàng ngày phải vật lộn với công việc để mưu sinh. Đối với họ, cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng.
Tháng 5-2019, UBND TPHCM tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2016 - 2018. Theo kết quả sơ kết, thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn của thành phố, đến cuối năm 2018, thành phố còn 3.767 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 0,19%) và 22.882, hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 1,15% dân số thành phố).
Có 173 phường thuộc 16 quận của thành phố đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, 15 phường thuộc Q5 và 23 phường thuộc 5 quận (2, 3, 6, 11...) đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo theo chuẩn cận nghèo quốc gia.
Để thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã huy động gần 11.800 tỷ đồng. Riêng năm 2019, thành phố dự kiến huy động 4.670 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp giảm nghèo, năm 2020 là 4.736 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, thành phố hoàn thành mục tiêu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2019 - 2020.
Qua 3 năm thực hiện công tác giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn một số tồn tại. Tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo vẫn còn nhiều. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái nghèo là do người dân thiếu việc làm.
(Còn tiếp...)