(CAO) Lý Sơn (Quảng Ngãi) có vị trí chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia và cũng có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên huyện đảo này đang gặp phải những khó khăn, bất cập.
Cuộc “cách mạng” giao thông, điện, nước
Bây giờ đến Lý Sơn rất dễ dàng. Bước ngoặt về giao thông từ đất liền ra đảo là nhờ con tàu Super Biển Đông trị giá 1,2 triệu USD hạ thủy vào ngày 22-12-2018. Đây là tàu hiện đại nhất theo tiêu chuẩn quốc tế và số tiền đầu tư lớn nhất trong đội tàu chở khách ra đảo Lý Sơn. Mỗi ngày có 20-30 lượt tàu, mỗi lượt 130 - 150 người ra vào. Qua đó để thấy, Lý Sơn đang rất hấp dẫn.
Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang rất cần những dự án lớn để phát triển thành đảo du lịch quốc gia.
Lý Sơn có vị trí chiến lược đảm bảo an ninh phía Đông chủ quyền quốc gia và có nhiều ưu đãi để phát triển kinh tế - xã hội nhưng bị trói buộc bởi thiếu điện, nước, hạ tầng giao thông. Cuộc đột phá về điện thực sự khi dự án lưới điện quốc gia hoàn thành ngày 28-9-2014 với số vốn hơn 700 tỷ đồng. Hệ thống cáp ngầm 22kW nặng 500 tấn chạy xuyên biển dài 26km từ đất liền về Lý Sơn, thay thế hệ thống phát điện diezel với nhiều hạn chế, yếu ớt.
Lý Sơn bừng sáng, vươn mình. Là một trong những làng chài sầm uất hàng đầu miền Trung, nguồn lợi từ biển khá lớn và nhờ kiên cường bám ngư trường nên cuộc sống người dân khấm khá. Khai thác thủy sản quyết định thu nhập của hơn 50% cư dân. Sản lượng đánh bắt; nuôi trồng gần 40 ngàn tấn hải sản/năm, doanh thu đạt 700 tỷ đồng/năm (2018).
Nước ngọt là vấn đề sống còn trên đảo Lý Sơn. Huyện đang thực hiện dự án xây dựng hệ thống trữ nước sinh hoạt kết hợp tưới tiêu với kinh phí 75 tỷ đồng để xây dựng hệ thống kênh thu gom nước mưa, hồ chứa, đường ống cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.000 hộ dân và tạo bổ sung nước ngầm và cấp nước tưới cho 100ha đất nông. Dự kiến 2020, dự án đưa vào sử dụng.
Cần có những dự án lớn về đảo
Du lịch dịch vụ Lý Sơn phát triển khá nhanh với các sản phẩm đặc thù: du lịch gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia thông qua các di tích, lễ hội; sinh thái biển, địa chất, ẩm thực, văn hóa; khám phá, nghiên cứu địa chất; trải nghiệm đời sống, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của cư dân trên đảo... Sức hấp dẫn khiến mỗi năm, huyện đảo đón gần 200.000 lượt khách.
Ông Nguyễn Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn
Nắm bắt được nhu cầu sử dụng dịch vụ, tiêu dùng ở trên đảo khá lớn, nhiều nhà đầu tư đến khảo sát thực hiện các dự án (DA). Nguồn thu du lịch dịch vụ hấp dẫn từ du khách và từ người dân bản địa. Lượng lớn người dân đã dịch chuyển nghề biển sang làm du lịch, dịch vụ nên nhu cầu việc làm, sinh sống cần thiết. Người dân chú trọng khai thác du lịch, dịch vụ nhưng còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, mạnh ai nấy làm.
Lý Sơn đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch đảo du lịch quốc gia và tuyến du lịch biển đảo được xác định là kinh tế mũi nhọn. Ông Nguyễn Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Để biến điều này thành hiện thực thì không chỉ khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, nội lực mà phải tận dụng cơ hội, thu hút đầu tư. Xu thế phát triển du lịch Lý Sơn rất lớn nên rất cần các DA quy mô, chất lượng vừa đảm bảo lợi ích cho nhà đầu tư, vừa tạo nguồn thu cho địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Tất nhiên sự phát triển phải bền vững, gắn với bảo vệ môi trường; DA được bố trí ở những phân khu hợp lý, tránh tác động đến di tích hay phá vỡ không gian cộng đồng; bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống; không để xảy ra tình trạng khủng hoảng nước sạch”…
Vệt nước dọc bờ biển này đang trong quá trình triển khai dự án du lịch hơn 1.000 tỷ đồng trên diện tích hơn 26ha trên mặt nước.
Ông Việt cho biết thêm: “Để nhà đầu tư đáp ứng được như mong muốn, yêu cầu trên của đông đảo người dân Lý Sơn quả thực rất gian nan. Một số doanh nghiệp lớn từng khảo sát, nghiên cứu và lúc đề xuất phương án thì vấp phải sự phản đối từ một số bộ phận; buộc phải đáp ứng nhiều tiêu chí khiến họ nản lòng, bỏ đi chỗ khác.
Khó nhưng vẫn làm được vì huyện đang rất cần một số DA lớn. Thực trạng Lý Sơn là đất chật, người đông, mật độ dân số quá cao. Diện tích tự nhiên đảo đang bị thu hẹp dần do biển xâm thực, xói lở, một phần cát quanh đảo đã mất do bà con sử dụng làm nông nghiệp nên cần gia cố, xây kè biển. Một số DA đề xuất giải quyết được vấn đề này”.
Với những gì đang có và với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, có thể tin tưởng quyết tâm trên sẽ thành hiện thực; để có thêm các DA đến Lý Sơn; để doanh nghiệp và người dân cùng hưởng lợi. Người Lý Sơn vốn chân chất, hiền lành, hiếu khách và khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Ai đến Lý Sơn cũng nhận được sự đón tiếp nồng hậu bằng tất cả tấm chân tình. Và ắt hẳn ai đến Lý Sơn cũng kiêu hãnh, vinh dự.
(CAO) Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là bức bình phong cho đất liền, là mặt tiền trấn giữ biên cương Tổ quốc. Lý Sơn sản sinh nhiều sản vật; lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa, minh chứng về sự đau thương, khắc nghiệt nhưng kiên cường.
(CAO) Thời Nguyễn, ngư dân Lý Sơn tham gia Hải đội Hoàng Sa theo lệnh của triều đình để tuần tra, dựng cột mốc chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Bao lớp người Lý Sơn không về nhưng tinh thần, cốt cách Hoàng Sa vẫn kiên định muôn đời.