Làm sao “nối mạch” cho Đồng bằng sông Cửu Long? (kỳ cuối)

Thứ Sáu, 13/09/2019 15:55

|

(CATP) Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Long vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đánh giá, hiện các quốc lộ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung chất lượng còn kém. QL1 như một trục xương sống, nhưng mặt đường đã xuống cấp, nhiều đoạn úng ngập phải sửa chữa, chắp vá. Thực tế đường thủy khu vực này cũng trong tình trạng chờ “nối mạch”.

BỐN DỰ ÁN GẦN 3.800 TỶ ĐỒNG

Trong các cuộc họp phát triển giao thông, Bộ GTVT nhìn nhận, về đường bộ ĐBSCL có ít đường cao tốc, hệ thống giao thông thiếu kết nối. Các đại biểu cho rằng, hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá của ĐBSCL. Vì vậy, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo tập trung đầu tư, gắn kết giao thông liên tỉnh, nội vùng, liên vùng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế và đi lại của người dân.

Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư Bộ GTVT, trong số 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, có tới 4 dự án thuộc khu vực ĐBSCL.

Cụ thể là các dự án: cải tạo, nâng cấp QL53 (đoạn Trà Vinh - Long Toàn) vốn đầu tư là 1.200 tỷ đồng, nâng cấp QL30 (đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự) 800 tỷ đồng, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp 900 tỷ đồng), cải tạo, nâng cấp QL57 (đoạn từ bến phà Đình Khao đến TT.Mỏ Cày, H.Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre) 875 tỷ đồng. Cả 4 dự án trên được khởi công trong năm 2019, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Cầu Vàm Cống - Cao Lãnh góp phần “nối mạch” cho ĐBSCL

Thủ tướng yêu cầu bảo đảm tiến độ đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Sáng 12-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về các dự án GTVT. Trong đó, thảo luận một số vấn đề về các lĩnh vực: hàng không, cao tốc đường bộ, đường sắt đô thị...

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng chỉ đạo phải bảo đảm hoạt động bình thường, an toàn hệ thống GTVT các loại hình. Thủ tướng yêu cầu ngành GTVT chủ động hơn nữa, tập trung hơn nữa trong việc giải quyết các thủ tục, vướng mắc; tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt các dự án, chương trình, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, sân bay. Cho rằng có sự trì trệ trong xử lý một số lĩnh vực, Thủ tướng nêu rõ, Bộ GTVT cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ để khắc phục.

Tại cuộc họp, Thủ tướng cho ý kiến đối với các kiến nghị của Bộ GTVT về một số dự án, vấn đề cụ thể. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ tại dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Về vấn đề khai thác bay các cảng hàng không, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan bảo đảm hoạt động bình thường của hai sân bay lớn là Tân Sơn Nhất và Nội Bài, không để xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến an toàn bay. Đề cập đến việc quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng nêu rõ, phải thường xuyên chỉ đạo xử lý. Bộ GTVT cần công khai, minh bạch các dự án đầu tư trong hạ tầng hàng không, dự án Nhà nước làm, dự án nào xã hội hóa để có kế hoạch triển khai, huy động nguồn lực hiệu quả hơn.

Về vướng mắc trong triển khai dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội do Bộ GTVT quản lý, Thủ tướng yêu cầu Bộ này thúc đẩy giải quyết, chủ trì xử lý những vấn đề đặt ra; nhấn mạnh tinh thần thúc đẩy sớm đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động. Các tuyến đường sắt đô thị còn lại ở Hà Nội và TPHCM, Bộ GTVT rà soát lại, chủ trì giải quyết vấn đề về tiến độ, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng.

Về vướng mắc trong triển khai hệ thống thu phí không dừng, Thủ tướng nhấn mạnh, chậm nhất đến ngày 31-12-2019, các trạm BOT đường bộ phải triển khai thu phí không dừng.

Bộ GTVT đang chuẩn bị cho dự án đầu tư công trình cầu Đại Ngãi và cầu Rạch Miễu 2. Cầu Đại Ngãi được đầu tư xây dựng sẽ nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía nam với nhau và với TPHCM, phá bỏ thế độc đạo của tuyến QL1.

Sau khi các dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo trục đường cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km, tiết kiệm khoảng 2 tiếng đồng hồ đi lại giữa TPHCM và TP.Cần Thơ so với QL1. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải đẩy nhanh hoàn thành các tuyến quốc lộ, vành đai, bổ sung các tuyến đường mới để kết nối mạng giao thông khu vực Đông Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL.

Theo Bộ GTVT, ngoài việc sớm hoàn thành 2 tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và hoàn thiện một số tuyến quốc lộ, như: N2, QL60 (đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên), đầu tư mới cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2. Để tháo gỡ điểm nghẽn giao thông ở ĐBSCL, nhiều địa phương cho rằng, cần giải bài toán vốn đầu tư, thứ tự ưu tiên, tiến độ thi công, chất lượng; tăng cường giao thông liên kết vùng, kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt.

Hiện nay, hạ tầng vùng ĐBSCL còn thiếu và yếu. Tất cả phương tiện dồn vào QL1 gây tắc nghẽn, chi phí vận tải cao, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành hàng hóa. Nếu muốn kinh tế khu vực này phát triển, phải đầu tư hạ tầng giao thông, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải.

ĐƯỜNG THỦY CŨNG SẼ THUẬN LỢI HƠN

Thực tế, các doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL đang chịu mức chi phí logistics cao, do hạ tầng thiếu và yếu. Đường sắt chưa có, đường thủy chưa phát triển, kết nối hạ tầng các tuyến giao thông thủy - bộ còn kém, các cảng nước sâu chưa đủ khả năng phục vụ tàu vận chuyển container xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics thì mỗi năm vùng ĐBSCL tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng. Tiền Giang có 32km tuyến đường thủy ven biển và tuyến hàng hải quốc tế quan trọng cho tàu biển vào các cảng của Việt Nam và Campuchia. Sông Tiền và kênh Chợ Gạo là tuyến giao thông huyết mạch, nối các tỉnh miền Tây với TPHCM.

Kênh Chợ Gạo - tuyến huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ ĐBSCL đi TPHCM, nhưng luôn quá tải

Kênh Chợ Gạo nằm trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang và Long An, nối với sông Vàm Cỏ, là lối vận chuyển hàng hóa, lúa gạo, nông sản từ ĐBSCL đi TPHCM. Toàn tuyến dài 28,5km, mỗi ngày đêm có hơn 1.500 lượt phương tiện đường thủy vận chuyển hàng hóa quay lại. Giai đoạn 1 - kênh Chợ Gạo đã hoàn thành thi công với khối lượng nạo vét được 17km thông luồng kỹ thuật. Nhờ vậy, tình hình ùn tắc trên tuyến kênh này giảm đáng kể. Theo Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Tiền Giang, một số nơi trên luồng tàu chạy vẫn còn khan cạn. Khi thủy triều xuống thấp, các phương tiện tải trọng lớn dễ mắc cạn, nhất là đoạn giữa kênh Chợ Gạo.

Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án giai đoạn 2 - kênh Chợ Gạo bằng vốn ngân sách để khắc phục tình trạng quá tải, ùn tắc tàu thuyền trên tuyến này. Giai đoạn 2 dự án sẽ đầu tư nạo vét, mở rộng 11,6km còn lại. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến dự án này. Bộ GTVT tập trung rà soát lại kế hoạch đầu tư ĐBSCL, trong đó dự án kênh Chợ Gạo là một trong những dự án được ưu tiên. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện dự án luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu qua kênh Quan Chánh Bố.

Ông Trần Trí Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh:

Thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện khiến tỉnh gặp nhiều khó khăn trong việc mời gọi đầu tư. Đây là tình trạng chung của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Chúng tôi mong cấp trung ương sớm triển khai nâng cấp QL53, sửa chữa các tuyến giao thông đã xuống cấp trên địa bàn. Đối với dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng, Bộ GTVT cho cơ chế, chủ trương để tỉnh trích ngân sách chi trả, đền bù cho người dân bị ảnh hưởng sạt lở do luồng tàu, đối với trường hợp dưới 10 tỷ đồng.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:

Đoạn kết nối giữa 2 cầu Cao Lãnh và Vàm Cống đã hoàn thành. Tuy nhiên, “nút thắt” của tuyến kết nối ĐBSCL chính là phần nối từ bờ bắc sông Tiền trên địa bàn TP.Cao Lãnh đến ngã ba An Thới Trung (dài khoảng 36km). Nếu không giải quyết được “nút thắt” quan trọng này, cả tuyến giao thông trọng yếu của toàn vùng sẽ không phát huy hết được hiệu quả. Tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Chính phủ thực hiện một số tuyến đường giao thông trên địa bàn, như: đường bộ mới (cao tốc) An Hữu - Cao Lãnh, dự án QL30 (đoạn tuyến tránh TP.Cao Lãnh), đầu tư mới cầu Sở Thượng 2 trên tuyến QL N1...

PGS-TS Hồ Thị Thu Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam:

Nông sản ở ĐBSCL ít được trực tiếp xuất khẩu từ vùng này mà phải chở lên các cảng ở Đông Nam bộ. Hằng năm, các nhà máy tại ĐBSCL vận chuyển từ 2-3 triệu tấn thủy, hải sản, 6-7 triệu tấn gạo, khoảng 3 triệu tấn trái cây đến hệ thống kho, cảng ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Từ đây, hàng hóa mới được xuất khẩu ra nước ngoài

Làm sao “nối mạch” cho Đồng bằng sông Cửu Long?
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang