Làm sao “nối mạch” cho Đồng bằng sông Cửu Long?

Thứ Năm, 12/09/2019 15:11

|

(CATP) Theo thống kê, trung bình mỗi năm, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu của cả nước.

Thế nhưng thu ngân sách của 13 tỉnh, thành khu vực này chỉ bằng tỉnh Bình Dương. Đời sống kinh tế của người dân vùng này phần lớn còn nghèo. Theo các chuyên gia, nguyên nhân một phần do hệ thống hạ tầng giao thông xuống cấp, không đáp ứng được yêu cầu cho sự phát triển kinh tế. Toàn vùng chỉ cần giảm được 1% chi phí logistics thì mỗi năm tiết kiệm được hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1km, chạy qua 4 huyện: Châu Thành, Tân Phước, Cái Bè, Cai Lậy và TX.Cai Lậy. Phạm vi giải phóng mặt bằng rộng trung bình 60m, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 458 héc-ta, có 3.292 hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện chỉ còn 1 hộ chưa bàn giao mặt bằng. Công tác di dời hệ thống viễn thông, điện trung thế, hạ thế, cao thế đã cơ bản hoàn thành.

CẦU, ĐƯỜNG QUÁ CHẬT HẸP, XUỐNG CẤP

Theo báo cáo của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), mạng lưới đường bộ vùng ĐBSCL đã hình các trục đường ngang, dọc phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường chính đã “già nua, xuống cấp”. QL1 - trục đường “xương sống” từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đang trong tình trạng quá tải, xuống cấp trầm trọng. Vào các dịp lễ, tết, khi dòng phương tiện quay lại TPHCM thường xuyên bị ùn tắc nghiêm trọng.

Lãnh đạo các địa phương đều biết thực tế trên, nhưng chuyện khắc phục nằm ngoài khả năng và không có nguồn kinh phí. Tỉnh Tiền Giang với vị thế cửa ngõ tuyến giao thông huyết mạch, trung chuyển hàng hóa, hành khách các tỉnh miền Tây và TPHCM. Tiền Giang có 4 tuyến quốc lộ chính là QL1, 30, 50 và 60. Trung bình mỗi ngày trên tuyến QL1 có khoảng 66.000 - 75.000 lượt phương tiện, vào cuối tuần tăng khoảng 120.000 lượt. Trong đó, ôtô chiếm 30%, xe máy chiếm 70%. Những ngày lễ, tết, lượng phương tiện tăng rất cao.

Quốc lộ 30 từ xã An Thái Trung (H.Cái Bè, Tiền Giang) đến TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) mỗi chiều chỉ có một làn ôtô và đang xuống cấp

Theo số liệu của Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang, từ năm 1995 đến nay, lượng phương tiện tăng quá nhanh. Năm 1995, toàn tỉnh có 50.000 phương tiện, đến nay con số này là 1,2 triệu chiếc. Trung bình mỗi năm ở Tiền Giang, lượng ôtô tăng 12%, xe máy tăng 14%.

Hệ thống cầu, đường ở một số đoạn trên QL1 chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông, thường xuyên ùn tắc cục bộ, nhất là dịp lễ, tết, cuối tuần. Trên quốc lộ này còn 9 cầu hẹp, tạo thành nút giao thông “cổ chai”, chưa được nâng cấp, xây dựng mới, gồm các cầu: Rượu, Sao, Mỹ Quý, Bà Đắc, An Cư, Thông Lưu, Mỹ Đức Tây, Rạch Miễu, Ba Lâm.

Các tuyến QL30, 50, 60, mỗi chiều chỉ có một làn ôtô, mặt đường lại rất hẹp. Đoạn QL60 nối với cầu Rạch Miễu đi Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, mặt cầu hẹp, không đáp ứng lưu lượng phương tiện nên thường xuyên ùn tắc cục bộ, kéo dài.

Từ TPHCM đi ĐBSCL chỉ có gần 62km đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, với điểm đầu từ nút giao thông Chợ Đệm (H.Bình Chánh, TPHCM) và điểm cuối tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (H.Châu Thành, Tiền Giang). Tuyến đường cao tốc đưa vào khai thác từ năm 2010, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Tiền Giang và TPHCM.

Quốc lộ 53 từ Vĩnh Long đi Trà Vinh đang xuống cấp

Cầu Cổ Chiên nối Trà Vinh với Bến Tre được thông xe vào năm 2015, rút ngắn khoảng cách từ Trà Vinh đi TPHCM theo QL60. Sau 4 năm cầu Cổ Chiên đưa vào khai khác, QL60 đã trở nên chật chội vì phương tiện lưu thông đông đúc. Vào các ngày lễ, tết hoặc cuối tuần, liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ tại khu vực cầu Rạch Miễu.

Hiện nay, QL60 chưa được kết nối xuyên suốt. Cầu Đại Ngãi nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng chưa khởi công. QL53 từ Vĩnh Long đi Trà Vinh chật hẹp, nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến Quản Lộ đến Phụng Hiệp qua các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau khai thác từ năm 2009, phá thế độc đạo của QL1, rút ngắn được khoảng 50km từ TP.Cần Thơ đi Cà Mau. Sau hơn 10 năm khai thác, đến nay tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp đã xuống cấp, nhiều đoạn gồ ghề.

Tương tự, QL30 từ ngã ba An Thái Trung (H.Cái Bè, Tiền Giang) đến TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) xuống cấp nhiều năm nay. Lượng phương tiện đông đúc, di chuyển trên tuyến quốc lộ này gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đoạn qua các huyện Cao Lãnh, Thanh Bình, Tam Nông mặt đường nhỏ hẹp, nhiều “ổ voi”, “ổ gà”.

HÊ THỐNG GIAO THÔNG NHIỀU BẤT CẬP

Theo báo cáo của Bộ GTVT, vùng ĐBSCL đã hình thành 5 trục dọc, nối TPHCM đến Cà Mau, nếu hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ giúp cho cả khu vực kết nối, vì các tỉnh, thành này đều có nhu cầu kết nối với TPHCM. QL1 dài 334km, có 212km với 4 làn xe (TPHCM đến Cà Mau) và 122km có 2 làn xe (từ TP.Cần Thơ đến Cà Mau). Tuyến đường cao tốc từ phía đông TPHCM - Cần Thơ - Cà Mau, nhưng chỉ mới hình thành được đoạn đường cao tốc TPHCM- Trung Lương.

Tuyến xuyên vùng Đồng Tháp Mười là đường Hồ Chí Minh từ Long An qua Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau, tuyến hành lang ven biển phía đông qua QL60 - cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên - Đại Ngãi và tuyến dọc N1 xuyên biên giới từ Bình Phước - Tây Ninh - Long An - Đồng Tháp - Kiên Giang. Trên trục ngang, QL80 đoạn từ Mỹ Thuận đến cầu Vàm Cống, QL91 đoạn Cần Thơ - An Giang, nam sông Hậu, Quảng Lộ - Phụng Hiệp; vành đai ven biển phía Nam, các QL30, 53, 54, 62...

Hệ thống đường cao tốc ở ĐBSCL còn bất cập

Trên đường thủy, nhiều tuyến kết nối với TPHCM rất phong phú, giúp giảm chi phí vận tải. Về hàng không, có 4 sân bay: Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau. Về hàng hải, có nhiều cảng, lớn nhất là cảng Cái Cui cho tàu 10.000 DWT đầy tải.

Hệ thống đường bộ liên kết giữa TPHCM và vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ rút ngắn khoảng cách, theo lộ trình đường cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, với chiều dài 132km. Năm tuyến quốc lộ gồm: QL1, duyên hải ven biển phía đông là QL50 và 60, QL N1, QL N2, đường ven biển TPHCM - Kiên Giang và 3 tuyến vành đai của TPHCM (vành đai 2, 3 và 4), với tổng chiều dài 351km, có quy mô 6 - 10 làn xe. Tuyến đường cao tốc TPHCM - Cần Thơ được xác định là tuyến đường huyết mạch, có vai trò trò đặc biệt quan trọng, kết nối vùng ĐBSCL với TPHCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau khi các dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ tạo ra một trục đường cao tốc hoàn chỉnh, hiện đại, rút ngắn khoảng 50km, tiết kiệm khoảng 2 tiếng đồng hồ đi lại giữa TPHCM và TP.Cần Thơ so với tuyến QL1. Đây là cú hích lớn để khu vực ĐBSCL thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng những dự án trên thực hiện khá chậm.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Cưỡng chế di dời 2 hộ dân cuối cùng

Ngày 11-9-2019, UBND H.Châu Thành (Tiền Giang) cho biết, huyện đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với hai hộ Nguyễn Văn Thuận và Nguyễn Thanh Nga, bị ảnh hưởng bởi Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, nhưng chưa bàn giao mặt bằng. Phần đất 2 hộ dân này bị ảnh hưởng nằm tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, nhánh bổ sung Tỉnh lộ 878.

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Hưởng kiểm tra, chỉ đạo tại hiện trường vụ cưỡng chế di dời 2 hộ dân liên quan đến dự án

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đoạn qua H.Châu Thành (Tiền Giang) có chiều dài hơn 11km. Trong đó, nút giao Thân Cửu Nghĩa, nhánh bổ sung Tỉnh lộ 878 dài 900m, qua 5 xã (Tân Lý Đông, Tam Hiệp, Long Định, Nhị Bình, Điềm Hy), có 374 hộ dân ảnh hưởng. Kinh phí phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho 374 hộ dân là hơn 200 tỷ đồng. Đến ngày 5-9-2019, H.Châu Thành (Tiền Giang) còn 5 hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, chưa nhận tiền bồi thường. Qua vận động, 3 hộ đã đồng ý. Còn lại 2 hộ trên không đồng ý bàn giao mặt bằng nên lực lượng chức năng mới tiến hành cưỡng chế.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang