Ai đã “bức tử” những ngọn núi ở Khánh Hòa?:

Kỳ 4: Hiểm họa nhãn tiền

Thứ Sáu, 06/09/2019 14:27

|

(CATP) Các dự án, khu dân cư (KDC) xây dựng trên núi tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) cùng với hoạt động xẻ núi, “móc chân” núi tạo ra “hàm ếch”... đang làm cho liên kết, kết cấu địa chất các ngọn núi bị phá vỡ. Đã có nhiều vụ lở núi tại Khánh Hòa xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về tài sản, tính mạng của người dân. Các dự án bạt rừng, xẻ núi đang tạo ra những nguy cơ, hiểm họa khôn lường.

LIÊN TIẾP XẢY RA LỞ NÚI

Hẳn người dân Nha Trang chưa quên sự cố lở núi kinh hoàng đêm 19, rạng sáng 20-12-2016. Giữa khuya, một vạt núi với khối lượng hàng ngàn mét khối đất, đá bất ngờ đổ ập xuống KDC. Hậu quả, 4 người chết, gần chục người khác bị thương, mười mấy ngôi nhà bị chôn vùi. Nhưng đây không phải là vụ lở núi duy nhất.

Chỉ trong ngày 18-11-2018, tại TP.Nha Trang xảy ra nhiều vụ lở núi, kèm lũ ống. Trong đó, có 2 vụ nghiêm trọng, một tại núi Hòn Rớ (thôn Thành Phát, xã Phước Đồng), một tại chân núi Cô Tiên (P.Vĩnh Hòa). Tổng cộng 21 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, nhiều xóm dân cư bị san phẳng do đất, đá vùi lấp. Người dân Nha Trang bàng hoàng.

Sự cố sạt lở công trường “hồ bơi vô cực” tại dự án Hoàng Phú Nha Trang trong trận mưa sáng 18-11-2018 là sự cố kinh hoàng, đau thương. Lũ ống kèm đất, đá tảng dội xuống do sạt lở công trường hồ bơi “treo” trên sườn núi, làm 10 ngôi nhà bị phá hủy. Đau đớn hơn, cả 4 người trong một gia đình bị thiệt mạng, trong đó có 2 cháu nhỏ.

Dự án Haborizon ở núi Hòn Rớ

Tại dự án Marina Hill, hơn một năm qua, bức tường bao dự án “treo” trên đầu KDC, khiến người dân “mất ăn, mất ngủ”. Hiện tượng lở, nứt, sụt lún, rỉ nước ở nhiều vị trí khiến bức tường có nguy cơ sụp đổ, đè lấp KDC bên dưới. Trong đợt mưa sau các cơn bão số 8, số 9 (cuối tháng 11-2018), Dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi Thanh Trúc tại Hòn Rớ (xã Phước Đồng) bị sạt lở nặng với chiều dài cả trăm mét. Lũ bùn, đất, đá tràn xuống, bao phủ phân nửa diện tích KDC phía dưới.

Tình trạng lở núi tại TP.Nha Trang nói riêng và tỉnh Khánh Hòa mấy năm nay rất đáng báo động. Trong đợt mưa kéo dài giữa tháng 11-2018, trên địa bàn TP.Nha Trang xuất hiện hàng loạt điểm lở núi tại các phường, xã: Vĩnh Hòa, Vĩnh Trường, Ngọc Hiệp, Phước Đồng, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Phước... Nhiều khu vực dân cư bị xóa sổ hoặc bị đất đá vùi lấp diện rộng.

Dự án Marina Hill 4

Khuya 29, rạng sáng 30-12-2018, khu vực núi Hòn Đào (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bị sạt lở. Ba ngôi nhà dưới chân núi bị vùi lấp hoàn toàn. Ba người trong một gia đình thiệt mạng, một người khác bị thương. Theo báo cáo của UBND TP.Nha Trang, tại khu vực ven núi trên địa bàn thuộc 10 xã, phường, hiện có hơn 20 điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở, uy hiếp KDC bên dưới.

THIÊN TAI HAY... NHÂN TAI?

Việc liên tiếp xảy ra lở núi tại Khánh Hòa, đặc biệt là TP.Nha Trang, nơi nhiều dự án trên núi và đảo đang đồng loạt triển khai, là tiếng chuông cảnh báo về nguy cơ, hiểm họa từ những hoạt động bạt rừng, xẻ núi.

Phân tích về diễn biến thời tiết gần đây tại Khánh Hòa, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ đánh giá: Thời tiết có những biểu hiện bất thường. Có thời điểm, tại Nha Trang chỉ trong vòng 6 tiếng lượng mưa đã đạt tới hơn 319mm. Trong khi năm 2010, từng xảy ra trận mưa lớn tương tự, nhưng khi đó không xảy ra lở núi, không có những hậu quả liên tục và nặng nề như hiện nay.

Trả lời báo chí, tiến sĩ Trịnh Xuân Hòa (Phó viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng: Một trong những nguyên nhân làm sạt lở, gây thương vong ở Khánh Hòa trong đợt mưa vừa qua là do núi bị tác động, dẫn đến nguy cơ trượt lở đất, đá. Địa hình khu vực Nha Trang bị chia cắt phức tạp, gồm: đồi núi thấp đến trung bình và đồng bằng. Địa hình này được cấu thành bởi các trầm tích phun trào hệ tầng Nha Trang và granit phức hệ Đèo Cả, có vỏ phong hóa khá dày, thành phần phức tạp, là điều kiện dễ xảy ra trượt lở đất. Trong khi đó, nhiều ngọn núi đã bị “móc chân”. Việc núi bị sụp đổ do hẫng chân là tất yếu, còn mưa chỉ đóng vai trò xúc tác.

Dự án Anh Nguyễn Ocean Front Villas trên núi Chụt (TP.Nha Trang)

Ngoài ra, nhiều công trình được xây dựng trên các khu vực xung yếu, có nền địa chất công trình không ổn định, chưa được đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy cơ tai biến địa chất về lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, như: Vĩnh Hòa, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường... (TP.Nha Trang). Điều này làm gia tăng thiệt hại khi xảy ra các tai biến địa chất. Nhiều dự án, công trình đang thi công trên núi, với tác động xẻ núi thô bạo, khiến kết cấu địa chất bị phá vỡ, nguy cơ lở núi tiềm tàng.

Vấn đề thiết kế, quy hoạch, việc chấp hành của chủ đầu tư về thiết kế, quy hoạch trong quá trình thi công một số dự án cũng “có vấn đề”. Quy hoạch chi tiết xây dựng Dự án Hoàng Phú Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt tại Quyết định 1895/ QĐ-UBND ngày 18-7-2011, xác định dự án có công trình hồ bơi diện tích sử dụng đất gần 1.000m2, diện tích xây dựng 432m2. Qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch, hạng mục hồ bơi được xác định có diện tích 775m2. Đáng lưu ý, vị trí hố móng hồ bơi “treo” ở độ cao khoảng 60m, ngay mép rìa mỏm núi, phía trên KDC đông đúc. Hồ đã sụp đổ ngay trong quá trình đang thi công đào móng sau một trận mưa lớn.

Tại Dự án khu biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh (Marina Hill), bức tường cao lênh khênh đến 12m, chắn hàng chục ngàn khối đất trên cao, khiến người dân sống phía dưới hàng rào này luôn hồi hộp, bất an suốt thời gian qua. Đây là hạng mục lớn, có tính chất nền móng, liên quan đến toàn bộ mặt bằng và sự an toàn của dự án, nhưng theo Sở Xây dựng tỉnh, chủ đầu tư xây dựng hạng mục này sai với thiết kế.

Theo hồ sơ thiết kế được duyệt, phạm vi thi công san nền dự án Marina Hill không bao gồm các khu vực giáp KDC phía tây nam và đông nam dự án, phải cách KDC từ 5 - 30m. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã thay đổi ranh giới san nền, mở rộng, dịch chuyển phạm vi san nền đến sát KDC, đồng thời điều chỉnh cao độ san nền của dự án. Tường chắn hiện hữu dự án chỉ cách nhà dân khoảng 0,7 - 1m. Giải pháp kết cấu tường chắn cũng bị chủ đầu tư tự ý thay đổi, từ kết cấu bằng đá hộc, chiều cao từ 4 - 6m, được thay bằng giải pháp tường chắn đất MSE, chiều cao xây dựng hơn 6m, có đoạn lên đến 12m (!).

Tại Dự án khu biệt thự sinh thái vườn đồi Thanh Trúc trên núi Hòn Rớ (xã Phước Đồng), xảy ra nhiều vụ sạt lở nặng khi gặp mưa lớn. Nhiều câu hỏi lớn đặt ra: Lỗi do đâu, nằm ở quy hoạch, thiết kế hay thi công công trình? Thiết kế công trình có dựa trên cơ sở khảo sát địa chất, địa chất thủy văn, địa hình... không?

Trước thực trạng và hệ lụy từ những dự án xẻ núi, UBND TP.Nha Trang đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Khánh Hòa giao các sở, ngành liên quan, rà soát các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi các dự án không bảo đảm yếu tố an toàn, có nguy cơ dẫn đến lở núi. Ông Nguyễn Tấn Tuân (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa) thừa nhận: “Núi thì xẻ núi, biển thì lấp biển, hồ thì lấp hồ, sông thì lấp sông. Hàng loạt dự án chỉ chăm chăm chia lô, bán nền, rồi hậu quả dân chịu. Vừa rồi, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh chỉ đạo, dự án nào có nguy cơ gây sạt lở, không phù hợp, sẽ kiến nghị thu hồi, chấm dứt đầu tư ngay”.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa:

Nha Trang bốn bề được bao bọc bởi các dãy núi cao, nhưng có quá nhiều dự án đua nhau lên núi cao để làm, nhằm có hướng đẹp; đã tác động nhiều vào thiên nhiên, làm biến đổi địa chất, mất tính liên kết ổn định. Điều này dẫn tới tình trạng gây sạt lở đất, đá. Những năm gần đây, năm nào những khu vực ấy cũng bị sạt lở, gây thiệt hại và nguy hiểm cho người dân sinh sống dưới chân núi. Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng vì nhiều chủ đầu tư lớn vào Nha Trang làm dự án không đúng với tính chất của thành phố. Tôi đề nghị sắp tới đây, UBND tỉnh phải xem xét, quyết định dừng lại và hủy các dự án bất động sản trên núi.

Chiều 4-9-2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTU) đã làm việc với tỉnh Khánh Hòa, công bố kết luận kiểm tra, khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Qua kết quả kiểm tra, UBKTTU kết luận: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế..., gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.

Sau khi các cơ quan trung ương thanh tra, kiểm tra, UBND tỉnh Khánh Hòa có chỉ đạo rà soát các dự án BT trên địa bàn. Hiện tỉnh này có 22 dự án BT, trong đó có 17 dự án đã ký kết hợp đồng với nhà đầu tư, 5 dự án đã được tỉnh phê duyệt, nhưng chưa ký hợp đồng thực hiện.

(Còn tiếp...) 

Bình luận (0)

Lên đầu trang