Tiền xét nghiệm lọt "kẽ hở"?
Ở BV Nhi Đồng 2, quy trình tài vụ có điểm chưa rõ ràng. Bệnh nhi tới khám, được bác sĩ chỉ định các xét nghiệm và in phiếu. Người nhà bệnh nhi đem phiếu chỉ định đến quầy tài vụ để đóng tiền. Nhân viên tài vụ sẽ nhập mã tính tiền, in biên lai, thu tiền rồi đóng mộc vuông “đã thu tiền” lên phiếu chỉ định, cuối cùng là xuất hóa đơn.
Lùm xùm trong vụ chỉ đạo “cài” thuốc vào Nhà thuốc BV Nhi Đồng 2, nhưng chưa được làm rõ tới nơi tới chốn
Trên thực tế, tại BV Nhi Đồng 2, khó kiểm soát nổi việc đóng mộc “đã thu tiền” lên phiếu chỉ định của bác sĩ, thu tiền và xuất hóa đơn có khớp với nhau hay không. Nếu phiếu chỉ định của bác sĩ yêu cầu bệnh nhi thực hiện 6 xét nghiệm, nhưng lỡ nhân viên tài vụ sơ sót, chỉ thu tiền 5 xét nghiệm, trong khi vẫn đóng mộc “đã thu tiền” lên phiếu chỉ định, thì phòng xét nghiệm vẫn thực hiện đủ 6 chỉ định.
Nhân viên phòng xét nghiệm thông thường chỉ nhìn vào phiếu chỉ định của bác sĩ (đã được bộ phận tài vụ đóng mộc “đã thu tiền”) để xét nghiệm cho bệnh nhi, vì họ không thể kiểm tra hết hóa đơn tại thời điểm đó. Đáng nói là cuối ngày làm việc, bộ phận tài vụ lại không đối chiếu tổng số tiền thu vào với số lượng xét nghiệm đã thực hiện để biết có trùng khớp không. Do đó, dù có xảy ra thất thoát thì cũng khó phát hiện để khắc phục.
Phóng viên Báo Công an TPHCM thu thập nhiều trường hợp bệnh nhi bị bộ phận tài vụ BV Nhi Đồng 2 xuất hóa đơn thu thiếu tiền khi làm xét nghiệm. Bệnh nhi H.H.M. (số hóa đơn 0132628) tới khám tại BV này vào ngày 15-7-2019, được bác sĩ chỉ định làm 6 xét nghiệm, bộ phận tài vụ đóng dấu “đã thu tiền” vào phiếu này, nhưng chỉ kê vào hóa đơn 5 xét nghiệm. Vậy số tiền đối với xét nghiệm thứ 6 “lọt” đi đâu? Trong khi chắc chắn là bệnh nhi vẫn được thực hiện đủ 6 xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ.
Trường hợp khác, ngày 17-7-2019, bệnh nhi V.N.H. (số hóa đơn 0134147) được bác sĩ chỉ định làm 8 xét nghiệm, nhưng bộ phận tài vụ chỉ xuất hóa đơn thu tiền 6 xét nghiệm. Đây là 2 trong nhiều trường hợp tương tự từ năm 2018 đến nay mà chúng tôi thu thập được khi tiến hành kiểm tra, đối chiếu lại các hồ sơ thu tiền xét nghiệm tại BV Nhi Đồng 2.
Ngoài “thu thiếu”, tình trạng “thu nhầm” loại xét nghiệm cũng thường xảy ra. Tình trạng này cho thấy, việc thất thoát từ lỗ hổng trong quản lý tài vụ của BV Nhi Đồng 2 diễn ra thường xuyên. Mặt khác, quy trình thống kê, giám sát chéo lẫn nhau giữa các khoa, phòng để phát hiện thất thoát cũng bị buông lỏng hoặc không thể thực hiện. Không loại trừ tình trạng nhân viên có cơ hội lợi dụng kẽ hở này để gian lận. Tại sao dù đã có cảnh báo, biết có lỗ hổng, nhưng lãnh đạo BV Nhi Đồng 2 lại không đưa ra phương án “vá” lại, mặc cho số tiền thất thoát trong xét nghiệm cứ thế “chảy” đi?
Những hoạt động bất minh đang diễn ra tại BV Nhi Đồng 2 gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của bệnh nhi
Mập mờ trong mua sắm trang thiết bị y tế
Một gói thầu được xem là “béo bở” với các công ty cung cấp thiết bị y tế ở BV Nhi Đồng 2 là “test” xét nghiệm NS1Ag (“test” xét nghiệm bệnh sốt xuất huyết). Thông tư 58/2016/TT-BTC quy định, hàng hóa, thiết bị nào có giá trị hơn 100 triệu đồng đều phải tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, quy định này lại bị “né” ở BV Nhi Đồng 2.
Tính đến tháng 2-2019, BV Nhi Đồng 2 đã sử dụng hết 40.000 “test” xét nghiệm NS1Ag (hiệu SD) với tổng trị giá là 3,99 tỷ đồng, đã mua trong năm 2018 trước đó. Đơn vị trúng thầu là Công ty cổ phần Vật tư y tế Hồng Thiện Mỹ. Thay vì lập một gói thầu mới để tiếp tục mua “test” phục vụ xét nghiệm, BV này lại mượn lượng lớn hàng của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật VietLab (viết tắt là Công ty VietLab). Theo tài liệu phóng viên có được, từ tháng 3 đến tháng 7-2019, tổng số “test” NS1Ag (hiệu Biopanda) mà BV mượn của Công ty VietLab để sử dụng lên đến hơn 15.000 “test”, trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Vì lý do gì BV Nhi Đồng 2 không tổ chức mở thầu để mua thiết bị, mà phải đi mượn với lượng lớn như thế? Mượn thì phải trả, nhưng với một BV công hoạt động theo mô hình có thu thì việc thanh toán cho VietLab phải thông qua Kho bạc Nhà nước, với điều kiện bắt buộc là mặt hàng đó phải được trúng thầu theo quy định. Mâu thuẫn nằm ở đây! BV Nhi Đồng 2 sẽ thanh toán số test đã mượn của Công ty VietLab bằng cách nào, khi công ty này chưa tham gia đấu thầu lô hàng “test” trên? Nếu Công ty VietLab không đủ điều kiện tham gia đấu thầu hoặc không chịu đấu thầu thì BV Nhi Đồng 2 sẽ xuất tiền theo quy định nào để thanh toán?
Test xét nghiệm NS1Ag (hiệu Biopanda) chưa chứng minh được Giấy phép đăng ký lưu hành của Bộ Y tế nhưng lại được sử dụng cho bệnh nhân
Câu chuyện trên còn vướng mắc ở chỗ BV Nhi Đồng 2 nhập hàng mượn của Công ty VietLab mà không có hóa đơn đầu vào(!). Vậy lấy cơ sở đâu để xuất hóa đơn đầu ra cho bệnh nhân sử dụng loại “test” này? Chính vì lý do đó mà khi tiếp xúc với chúng tôi, một công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế đã nhắc đến dấu hiệu vi phạm nguyên tắc thu, chi tài chính trong vụ mượn hàng mập mờ nói trên.
Thống kê của BV NĐ2 cho thấy, tính từ tháng 3 đến tháng 7-2019, có đến hơn 15.071 bệnh nhân được cho sử dụng test xét nghiệm chưa chứng minh được nguồn gốc xuất xứ
BS chỉ định 6 xét nghiệm nhưng tài vụ của BV NĐ2 chỉ thu tiền 5 xét nghiệm
Trong ngành y tế, “test” xét nghiệm NS1Ag được gọi là trang thiết bị thường quy (phục vụ hàng ngày cho bệnh nhi), không thuộc loại khẩn cấp. Do đó, BV Nhi Đồng 2 không thể biện minh rằng mượn “test” để phục vụ trong trường hợp khẩn cấp. Thay vì chủ động có kế hoạch mua sắm trang thiết bị trước khi hết hàng, hà cớ gì BV lại phải đi mượn hàng ở bên ngoài, để tự tạo rắc rối cho chính mình? Việc mượn hàng này có thông qua một hội đồng xét duyệt nào của BV không? Và đặc biệt là “test” của Công ty VietLab có đảm bảo chất lượng, hợp pháp?
Chúng tôi chưa tìm thấy thông tin nào chứng minh “test” xét nghiệm (hiệu Biopanda) của Công ty VietLab được cấp giấy phép lưu hành của Bộ Y tế (phân loại theo nhóm C) theo quy định của pháp luật. Điều đó đồng nghĩa với việc rất có khả năng BV Nhi Đồng 2 đang sử dụng “test” xét nghiệm chưa được cấp phép và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chẩn đoán, điều trị cho các bệnh nhi? Thời điểm đó, ông Trịnh Hữu Tùng đã chính thức được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc BV Nhi Đồng 2.
Chỉ đạo đưa thuốc vào bệnh viện trái quy định
Thời điểm ông Trịnh Hữu Tùng còn là Phó giám đốc BV Nhi Đồng 2, đã vướng vào một vụ “ép” bổ sung thuốc của một nhà thuốc vào BV trái quy định. Có 4 đoạn băng ghi âm liên quan đến ông Tùng bị lộ ra. Sau đó, Sở Y tế TPHCM đã vào cuộc kiểm tra. Các đoạn băng ghi âm thể hiện, ông Tùng ra “chỉ đạo” trái quy định, dù chưa biết tên thuốc là gì, công dụng ra sao, hồ sơ năng lực của công ty mà mình đưa thuốc vào BV (Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nguyễn Gia) như thế nào?
Nghiêm trọng hơn, người phụ nữ tự xưng tên Tâm, đại diện cho công ty trên còn "tiết lộ", đã có “đóng phí”... nhưng không nói rõ mức “phí” là bao nhiêu. Không hiểu vì sao tình tiết này không được Sở Y tế TPHCM làm rõ và chỉ kết luận ông Trịnh Hữu Tùng phải “rút kinh nghiệm vì chưa đủ cơ sở làm rõ tiêu cực”. Một năm sau, ông Trịnh Hữu Tùng được bổ nhiệm chức Giám đốc BV Nhi Đồng 2.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin lược trích những “chỉ đạo” của ông Trịnh Hữu Tùng với dược sĩ Nguyễn Hoàng Thanh Tuyền (gọi tắt là dược sĩ Thanh Tuyền):
Ông Trịnh Hữu Tùng: Giúp nhận cái hồ sơ này đi!... Hồ sơ công ty Nguyễn Gia... của ông Bình bên Quận ủy Q1... Cái này là chỗ quen...
Dược sĩ Thanh Tuyền: Dạ, bác Tuấn (tức bác sĩ Hà Mạnh Tuấn - thời điểm đó là Giám đốc BV Nhi Đồng 2, nay đã xin nghỉ - PV) đã coi qua danh mục rồi bác...
Ông Trịnh Hữu Tùng: Cái gì? Danh mục gửi rồi hả?
Dược sĩ Thanh Tuyền: Dạ bác Tuấn coi qua rồi... Em không dám làm bác ơi!...
Ông Trịnh Hữu Tùng: Tôi nói rõ ràng rồi mà! Giờ cứ làm đi, nghe lời tôi làm danh sách mới đi, rồi ngày mai tùy bác Tuấn muốn xét theo danh sách mới hay cũ gì cũng được... Có gì tôi chịu trách nhiệm... Tôi đang họp trên Sở Y tế, bắt tui nói nhiều quá vậy?... Bây giờ cô cố tình làm khó hả?...
Quận ủy quận 1 không có cán bộ nào tên Bình
Phản hồi Báo Công an TPHCM, một lãnh đạo Quận ủy Q1 cho biết, từ năm 2016 đến nay, tại Quận ủy Q1 không có cán bộ nào tên Bình như lời ông Trịnh Hữu Tùng nhắc đến khi gọi điện cho dược sĩ Thanh Tuyền. Vậy đây có phải là dấu hiệu mượn danh để gây sức ép, nhằm can thiệp trái quy định vào quy trình xét duyệt thuốc tại BV Nhi Đồng 2?
Một dược sĩ của BV Nhi Đồng 2 (xin giấu tên) nhận định: “Cần làm rõ việc bà Tâm (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Nguyễn Gia) có phải là người trong đoạn băng ghi âm nói “có đóng phí” hay không, mà còn xác minh được ông Bình là ai. Việc mạo danh như vậy sẽ bị quy trách nhiệm và xử lý như thế nào? Sở Y tế TPHCM nếu không đủ điều kiện, phương tiện, nghiệp vụ để làm rõ thì hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc”.
Còn tiếp...
(CATP) Cách đây 3 năm,
Bệnh viện Nhi Đồng 2 (BV NĐ2), Sở Y tế TPHCM vướng phải lùm xùm “ép” đưa thuốc vào nhà thuốc BV, buộc
thanh tra Sở Y tế TPHCM vào cuộc nhưng đến nay, vẫn chưa thể đưa ra kết luận thuyết phục.