Liên quan đến việc bóc gỡ đường dây sản xuất ma túy đá xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay, do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04) - Bộ Công an và các đơn vị phối hợp của Việt Nam, Trung Quốc thực hiện, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, ngày 13-9, C04 đã cung cấp những thông tin mới nhất liên quan đến quá trình điều tra, triệt phá "tập đoàn" ma túy cực khủng này.
Theo đó, chỉ sau vài ngày hoạt động, khi dây chuyền sản xuất đã cho những mẻ “hàng đá” thành phẩm đầu tiên, toàn bộ đường dây sản xuất ma túy tổng hợp xuyên quốc gia đã bị bắt gọn đồng thời ở cả Việt Nam và Trung Quốc.
Tại Việt Nam, đồng loạt 10 tổ công tác với hơn 300 CBCS thuộc nhiều lực lượng cùng xuất kích, bắt giữ 17 đối tượng gồm cả người Trung Quốc, Hoa kiều và người Việt Nam, thu giữ một lượng tiền chất và ma túy lớn nhất từ trước đến nay, tổng cộng tới gần 30 tấn hóa chất, tiền chất và ma túy thành phẩm cùng trên 20 tấn thiết bị dùng để sản xuất ma túy.
Tại Trung Quốc, 22 đối tượng trong đường dây cũng bị bắt. Các đối tượng khai nhận, chúng đang tìm kiếm địa điểm để đặt thêm những xưởng sản xuất mới, cung cấp nguồn hàng cho các đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Công an khám xét, thu giữ nhiều máy móc sản xuất ma túy trong các nhà xưởng
Những đại công xưởng lưu động
Sau khi lực lượng chức năng của Trung Quốc quyết liệt mở chiến dịch truy quét tội phạm sản xuất ma túy tổng hợp thì hàng loạt những "đại công xưởng", thậm chí hàng chục ngôi làng chuyên sản xuất ma túy tại nước này đã phải đóng cửa.
Tuy nhiên, trước lợi nhuận khổng lồ từ ma túy, các tổ chức tội phạm tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất ma túy sang Tam giác Vàng và các nước trong khu vực như Việt Nam, Lào, Campuchia...
Lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu thông thoáng, thuận lợi và đặc điểm địa bàn nhiều đường mòn lối mở, nhiều tiểu ngạch, cửa khẩu quốc gia, quốc tế, các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã thuê kỹ sư hóa học sang Việt Nam và tìm thuê các công ty, doanh nghiệp Việt Nam có sẵn nhà xưởng ở những khu vực hẻo lánh, biệt lập đặt xưởng sản xuất ma túy.
Nhằm che giấu hoạt động của mình, các đối tượng thường thuê kho xưởng với giá rất cao, lừa dối các doanh nghiệp là sử dụng kho xưởng để sản xuất phân bón hoặc thử nghiệm thuốc diệt côn trùng, nếu thành công sẽ cho làm đại lý độc quyền.
Bên cạnh đó, việc mua bán, nhập khẩu các loại hóa chất, tiền chất đơn lẻ có thể sử dụng sản xuất ma túy rất dễ dàng, trong khi với trình độ kỹ thuật của các tổ chức tội phạm ma túy hiện nay thì chỉ trong vòng 10 ngày, bọn chúng đã có thể thu gom, điều chế thành công ma túy đưa ra thị trường…
Clip Công an đột kích vào nhà xưởng sản xuất ma túy ở Kon Tum:
Nắm bắt được xu hướng dịch chuyển hoạt động của các tổ chức tội phạm quốc tế, ngay từ cuối năm 2018 Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chỉ đạo C04 phối hợp với các lực lượng chức năng, nắm bắt tình hình.
Qua đó trinh sát phát hiện một đường dây chuyên sản xuất ma túy tổng hợp rồi đưa ra thị trường, xuất khẩu đi các nước thứ khác để tiêu thụ với quy mô đặc biệt lớn do các đối tượng người Trung Quốc điều hành.
Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam với nhiều vỏ bọc khác nhau, một số tên cầm đầu dùng giấy tờ giả để đi lại và chủ yếu đi bằng đường bộ, không đi đường hàng không để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, theo dõi.
Trước khi đặt chân vào Việt Nam, các đối tượng đã tìm cách móc nối với số Hoa kiều để thuê những người này làm phiên dịch, đi tìm thuê nhà xưởng, mua hóa chất… để chuẩn bị cho việc đặt các xưởng sản xuất ma túy. Nhưng khi các xưởng này đi vào hoạt động, chỉ những người Trung Quốc mới được tham gia vào hoạt động sản xuất của đường dây, thậm chí lực lượng bảo vệ ngay ngoài cửa của các công ty, doanh nghiệp, dù được thuê nhưng cũng không hề biết bên trong nhà xưởng có gì.
Các đối tượng hoạt động theo kiểu lưu động, sau khi sản xuất tại một điểm trong thời gian ngắn, chúng lại đóng gói toàn bộ máy móc, thiết bị và chuyển đi nơi khác để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng…
Căn cứ tài liệu điều tra thu thập được, C04 đã báo cáo Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an và Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, cho xác lập chuyên án chung với Cục điều tra về Ma tuý Công an Trung Quốc mang bí số 626T để tập trung đánh sập đường dây tội phạm xuyên quốc gia đặc biệt nguy hiểm này.
Ban chuyên án do Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 làm Trưởng ban; Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng C04 làm Phó ban thường trực; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng A06, Đại tá Đinh Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh và lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương làm Phó Trưởng ban chuyên án.
Máy móc, thiết bị dùng để sản xuất ma túy
Cuộc đột kích bất ngờ
Tập trung các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định, đầu năm 2019, sau khi lập xưởng sản xuất ở Bình Định và nhanh chóng cho ra 500 kg ma túy đá, đến tháng 5-2019, thấy có dấu hiệu bị lộ, các đối tượng đã chuyển toàn bộ dây chuyền, thiết bị, hóa chất vào TP Hồ Chí Minh, còn những kẻ điều hành đường dây thì quay về Trung Quốc nghe ngóng tình hình.
Nhưng đến ngày 11-5-2019, Cục C04 phối hợp cơ quan chức năng đã bắt 4 đối tượng gồm cả người Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam cùng 500 kg ma túy đá giấu trong kho hàng tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Sau đó C04, Công an TP Hồ Chí Minh cùng lực lượng chức năng tập trung đánh mạnh, đánh trúng nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia, liên tiếp bắt nhiều vụ ma túy “khủng”. Do đó, các đối tượng trong đường dây này tạm thời “nằm im”.
Đến tháng 7-2019, những kẻ điều hành đường dây lại tìm cách quay sang Việt Nam, móc nối các đối tượng khắp Tây Ninh, Gia Lai, Ninh Thuận, Kon Tum… tìm nơi đặt “đại bản doanh”. Sau khi khảo sát, chúng đã chọn một khu nhà xưởng biệt lập tại huyện miền núi Đắk Hà, tỉnh Kon Tum làm "công xưởng" tiếp theo…
Clip Công an khám xét, thu giữ máy móc, hóa chất, ma túy trong các nhà xưởng:
Không thể để tổ chức tội phạm này tiếp tục hoạt động sản xuất ma tuý trên lãnh thổ Việt Nam, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo tập trung phá án. Đúng 5 giờ sáng ngày 6-8-2019, sau nhiều tháng tập trung bám sát mọi di biến động của các đối tượng người Trung Quốc từ khi bắt đầu đặt chân lên đất Việt Nam, hơn 300 CBCS thuộc các lực lượng C04, A06, A07, A08, C09, K02, Công an TP Hồ Chí Minh, Công an các tỉnh: Bình Định, Bình Dương, Kon Tum, Tây Ninh, Ninh Thuận, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm - Bộ đội Biên phòng đã chia làm 10 tổ công tác, đồng loạt tấn công phá án.
Mũi tấn công đầu tiên do Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04; Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Trung, Cục trưởng A06; Đại tá Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh; đồng chí Nguyễn Văn Hải, Vụ tưởng Vụ kiểm sát điều tra án Ma tuý VKS nhân dân Tối cao trực tiếp chỉ huy đã tập kích vào nhà xưởng tại Công ty TNHH xuất nhập khẩu Đồng An Viên, có địa chỉ ở tổ dân phố 3B, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum, bắt quả tang 7 đối tượng người Trung Quốc đang sản xuất trái phép chất ma túy.
Các đối tượng gồm: Cai Zi Li (tức Thái Tự Lực, SN 1963, trú tại thôn Thủy Đầu, thị trấn An Hải, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Song Jian Huang (tức Tống Kiến Hoàng, SN 1963, ngụ đường Thành Tân, khu Tương Kiều, TP Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc); Lyu Yu Zhong (tức Lữ Dư Trọng, SN 1975, ngụ tại số 41, thôn Bồ Nhất, thị trấn Nam An, TP Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Yang Yuan De (tức Dương Viễn Đức, SN 1964, ngụ số 213 đường Tam Đình, khu Tam Nguyên, TP Tam Minh, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Huang Shan Yuan (tức Hoàng Sơn Nguyên, SN 1990, ngụ số 56 Khê Qua, thôn Hạ Điếm, TP Nam An, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc); Zhang Qin Shu (tức Trương Cần Thư, SN 1961, ngụ tại thị trấn Nội Khanh, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) và Cai Si Yuan (tức Thái Tư Viện, SN 1946, tại thôn Thủy Đầu, thị trấn An Hải, TP Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc).
Bảy đối tượng người Trung Quốc liên quan đến "tập đoàn" ma túy cực khủng này
Sàn Khuân Sáng (tức Trần, người Việt gốc Hoa)
Tại đây tổ công tác đã thu giữ 140 lít dung dịch, qua giám định có thành phần ma túy loại Methamphetamine (ma túy dạng đá), 13 tấn hóa chất, tiền chất và 20 tấn máy móc, thiết bị dùng để sản xuất ma túy tổng hợp.
Sau khi mũi tấn công đầu tiên đã thành công theo đúng kế hoạch phá án, 9 tổ công tác còn lại nhận lệnh đồng loạt tiến hành bắt 10 đối tượng liên quan tại TP Hồ Chí Minh, Kon Tum, Bình Định.
Tại một kho hàng ở phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ban chuyên án đã thu được 59 thùng hóa chất, 80 bao hóa chất, 1 ô tô tải chuyên dùng để vận chuyển hóa chất, tiền chất. Ngay sau đó, mở rộng điều tra, Ban chuyên án phát hiện thêm 1 kho hóa chất nữa chỉ cách đó 1km tại TP Quy Nhơn, gồm 350 bao hóa chất, 98 thùng phi hóa chất và 84 can nhựa loại 30 lít.
Tổng cộng lượng ma túy, tiền chất, hóa chất dùng để sản xuất ma túy tổng hợp thu được của đường dây này tại 3 điểm lên tới gần 30 tấn, nếu sản xuất trót lọt, sẽ đưa ra thị trường một lượng ma túy đá cực lớn.
Tiến hành điều tra, mở rộng chuyên án, ngày 12-8-2019, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã bắt giữ khẩn cấp đối tượng Sàn Khuân Sáng (tức Trần, người Việt gốc Hoa, SN 1976, ngụ khu phố 4, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) về hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Căn cứ tài liệu điều tra, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 8 bị can nói trên về tội sản xuất trái phép chất ma túy.
Song song với các tổ công tác tại Việt Nam, tại Trung Quốc, Cục Điều tra ma túy - Công an Trung Quốc cũng tiến hành đồng loạt bắt giữ 22 đối tượng liên quan đến đường dây này.
Lượng lớn hóa chất, tiền chất ma túy bị thu giữ trong các kho xưởng
Sẽ xác lập các chuyên án chung giữa các nước
Trung tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng C04 cho biết, để bóc gỡ triệt để đường dây ma túy xuyên quốc gia cực lớn này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bộng Công an Lê Quý Vương đã cho phép C04 được xác lập chuyên án chung với Công an Trung Quốc.
Trong suốt thời gian đấu tranh chuyên án, Ban chuyên án và Công an Trung Quốc đã thường xuyên giao ban tại Văn phòng liên lạc qua biên giới (BLO) tại tỉnh Quảng Ninh. Khoảng tháng 7-2019, Cục Điều tra ma túy - Công an Trung Quốc đã cử 6 sĩ quan cao cấp sang Việt Nam phối hợp, tập trung phá án. Cùng với những tài liệu trinh sát của Công an Việt Nam, Công an Trung Quốc đã thu thập chứng cứ về các đối tượng trong đường dây sản xuất ma túy xuyên quốc gia này và sau khi Ban chuyên án bắt giữ số đối tượng điều hành đường dây tại Việt Nam thì đồng loạt bắt giữ 22 đối tượng, khởi tố 18 đối tượng.
Trung tướng Phạm Văn Các cũng cho biết, từ kết quả đấu tranh phòng, chống ma túy trong 6 tháng đầu năm 2019 và thành công rực rỡ của Chuyên án 626T, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức hội nghị bất thường 10 nước ASEAN và đối tác về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại Hà Nội.
Ngày 10-9-2019, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung, theo đó, các nước đã nhất trí sẽ thành lập các chuyên án ma túy chung, cử các điều tra viên đến các quốc gia để cùng phối hợp phá án.
Để biểu dương thành tích đặc biệt xuất sắc của Ban chuyên án 626T, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa gửi Thư khen tới 32 đơn vị tham gia phá án. Bộ trưởng Bộ Công an cũng đã quyết định thưởng nóng cho Ban chuyên án.
Sau khi chuyên án được phá, các cơ quan báo chí thông tin, dư luận nhân dân đã hân hoan trước chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Cảnh sát ma túy Việt Nam và các đơn vị phối hợp, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm quốc tế lợi dụng nước ta thành điểm sản xuất, trung chuyển ma túy xuyên quốc gia, ngăn chặn lượng ma túy cực lớn không tuồn ra thị trường.