Đảo tiền tiêu Lý Sơn nơi đầu sóng ngọn gió:

Kỳ 1: Mảnh đất trù phú, nhiều sản vật

Thứ Bảy, 21/09/2019 14:45  | Hoàng Quân

|

(CAO) Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) là bức bình phong cho đất liền, là mặt tiền trấn giữ biên cương Tổ quốc. Lý Sơn sản sinh nhiều sản vật; lưu giữ nhiều trầm tích văn hóa, minh chứng về sự đau thương, khắc nghiệt nhưng kiên cường.

Trù phú Cù lao Ré

Sau 30 phút từ cảng Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) trên tàu cao tốc, chúng tôi cập cảng cá Lý Sơn. Quãng đường từ đất liền ra đảo cũng khá thú vị khi được tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng của biển trời; cảm giác nóng lòng, rạo rực đến khó tả khi nhìn thấy quần đảo giữa mênh mông biển cả dần rõ mồn một từ xa.

Đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, vừa là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Trên bến hay dưới mặt nước, cảng Lý Sơn lúc nào cũng nhộn nhịp người, vận chuyển hàng hóa. Đã quen thuộc với việc đón đông đảo du khách và cũng quá bận rộn với công việc mưu sinh nên cư dân trên đảo không để ý lắm đến người lạ. Nhưng đi đến đâu, chúng tôi đều đón nhận nụ cười, sự niềm nở, ánh mắt thân thiện. Mang đậm văn hóa miền biển, người Lý Sơn thật thà, chất phác và đầy phóng khoáng.

Có khoảng 30 người thường xuyên ở bến cảng hoặc gần đó luôn chăm sóc du khách đặc biệt. Họ là tài xế xe du lịch, xe taxi, xe điện, xe ôm… Có điều khá thú vị, khách sử dụng phương tiện nào hầu như không cần hỏi giá từ trước. Khách cứ đi lại, tham quan, nghỉ dưỡng thoải mái và chỉ phải trả tiền với giá cả vừa phải, xứng đáng với quãng đường, sự hưởng thụ của mình.

Lý Sơn có hơn 22.000 nhân khẩu sống trên diện tích gần 10 cây số vuông, sự kỳ thú trải dàn đều ở các khu vực. Lý Sơn trước đây được gọi là Cù lao Ré, mà theo lý giải dân gian đơn giản là do trên đảo có nhiều cây ré mọc hoang dại. Cây ré cùng họ với gừng, nghệ, riềng, ngải… và thường dùng làm thuốc Đông y.

Lý Sơn có 2 đảo: đảo Lớn (Cù lao Ré) gồm 2 xã An Hải và An Vĩnh; đảo Bé (Cù lao Bờ Bãi) là xã An Bình. Từ đảo Lớn, đi tàu cao tốc khoảng 10 phút thì ra đảo Bé và khách thường đến đây để tự khám phá, trải nghiệm, tận hưởng thiên đường kỳ thú vừa hùng vĩ vừa dịu dàng, vừa dữ dội lại dịu êm.

Một góc đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi).

Khách có thể dạo một vòng quanh đảo khoảng 4km, có thể đi bộ hoặc xe điện, xe đạp; tận hưởng không khí trong lành, mát dịu; trải nghiệm ở các bãi tắm với cát trắng, mịn; nước xanh trong vắt.

Nếu không tắm biển, lặn ngắm san hô, chèo thuyền thúng, khách có thể ngồi hóng mát, dạo chơi trong nhà dân; cảm nhận công việc, cuộc sống cư dân bản địa. Sản vật ở Lý Sơn không phong phú nhưng có những thứ đặc sản hiếm nơi nào có được như quả cam đường, cua huỳnh đế - vua của các loài cua, ốc xà cừ, đặc biệt là tỏi, hành…

Du khách còn trải nghiệm sự kỳ vĩ của đá bazan - dấu tích của núi lửa. Từ hàng triệu năm trước, dung nham từ 3 ngọn núi lửa trên đảo Bé phun trào lên mặt đất, bị làm nguội đi bởi nước biển, mắc kẹt luôn ở đó, bên bờ biển, trong lòng nước... Sự xói mòn của gió, mưa, nước biển vào dung nham hình thành những tuyệt phẩm: hang Chàng Thiếp, bãi tắm Tiên Sa, hòn Đá Chồng, hồ Bán Nguyệt, đảo Tráng Sĩ, hòn Mù Cu, đồi Gió Hú, vách đá Tử Thần, đảo Tiên Nữ…

Các di tích, địa điểm ở trên gần liền với nhiều câu chuyện về tình yêu đôi lứa, gia đình, quê hương nên đảo Bé còn được gọi là “đảo tình yêu”.

Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh đang trên đường đến UNESCO để công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Và Lý Sơn là lõi, hạt nhân của sự chinh phục ấy với những vẻ đẹp quyến rũ hấp dẫn từ thắng cảnh, địa chất, địa mạo đến di sản văn hóa biển và con người.

Đặc sản “tỏi cô đơn”

Từ thời kháng chiến, những tiền nhân, người dân đảo Lý Sơn đã khai phá, tận dụng đá núi lửa để đắp thành lũy chống giặc ngoại xâm, chống cướp biển. Con người còn sắp xếp đá thành những bờ kè chắn sóng, chống sạt lở; tạo thành ruộng bậc thang.

Tỏi Lý Sơn là đặc sản, giúp chữa nhiều bệnh.

Trên ruộng ấy, cây tỏi và cây hành được canh tác và là những “đặc sản” ở Lý Sơn. Lý Sơn được phong là “Vương quốc tỏi”. “Danh hiệu” ấy không chỉ ở số lượng mà là chất lượng tỏi với hương vị khác biệt, thơm ngon, nổi tiếng. Có được đặc sản ấy là do sự khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu của miền đất đầy sóng gió, khắc nghiệt.

Việc trồng tỏi ở Lý Sơn cũng rất đặc biệt, kỳ công. Bà con tận dụng từng khoảnh đất thịt và cát trắng lấy từ biển với sự tỉ mỉ, công phu để trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn tép nhỏ đều, trắng tinh, cay vừa phải và thơm dễ chịu.

Tỏi Lý Sơn được xem là “vàng trắng”, không chỉ là gia vị được ưa chuộng trong bữa ăn, chế biến thực phẩm mà có nhiều công dụng thần kỳ trong việc chữa bệnh. Đặc biệt là “tỏi cô đơn” trở thành đặc sản quý hiếm; giúp chữa nhiều bệnh. Tỏi cô đơn là mỗi cây tỏi có một tép, to bằng ngón tay trỏ, giá mỗi cân từ 1 – 2 triệu đồng. Vài sào ruộng tỏi chỉ kiếm được một vài cân.

Thương hiệu tỏi Lý Sơn đã vươn ra tầm thế giới. Nhưng vài năm nay, người trồng tỏi Lý Sơn điêu đứng do nạn tỏi giả, tỏi kém chất lượng nhập từ nơi khác đưa ra đảo rồi gắn mác thành tỏi Lý Sơn.

Một người dân ở đảo Bé bị khuyết tật, chế tạo xe do vật điều khiển để đi lại. Anh vẫn vui tươi, yêu cuộc sống trên đảo.

Ông Nguyễn Quốc Việt – Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: “Trước vấn nạn trên, Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tập trung hỗ trợ người nông dân khi tỏi mất mùa; thành lập ban kiểm soát đầu vào, ở các cơ sở kinh doanh; ngăn chặn tỏi từ đất liền đưa ra đảo giả làm tỏi Lý Sơn; công bố số điện thoại nóng của lãnh đạo, ban ngành để xử lý người vi phạm. Huyện đã hoàn thành đề án, văn bản để gửi Bộ KH&CN đồng ý hướng dẫn chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn. Dự kiến cuối năm nay sẽ được thực hiện”.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang