Đảo tiền tiêu Lý Sơn nơi đầu sóng ngọn gió:

Kỳ 2: Cốt cách Hoàng Sa trong lòng Lý Sơn

Chủ Nhật, 22/09/2019 16:52  | Hoàng Quân

|

(CAO) Thời Nguyễn, ngư dân Lý Sơn tham gia Hải đội Hoàng Sa theo lệnh của triều đình để tuần tra, dựng cột mốc chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa. Bao lớp người Lý Sơn không về nhưng tinh thần, cốt cách Hoàng Sa vẫn kiên định muôn đời.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa

Trong lòng đất Lý Sơn ẩn chứa nhiều dấu tích văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và người Việt. Bao lớp cư dân gắn bó chặt chẽ với sự hình thành, phát triển đảo Lý Sơn qua những lớp trầm tích được bảo tồn bằng các di tích lịch sử quốc gia, cấp tỉnh, cùng hệ thống đình, chùa, miếu, dinh và nhiều lễ hội: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, cầu siêu, tế Thanh Minh, đua thuyền...

Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Lý Sơn là quê hương của những hùng binh Hải đội Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải để thực hiện chủ quyền quốc gia ở Hoàng Sa. Từ thời các Chúa Sãi - Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635), 70 dân đinh giỏi đi biển ở 2 làng An Vĩnh và An Hải (của vùng biển Sa Kỳ) – nay là 2 xã của huyện Lý Sơn được chọn tham gia Hải đội Hoàng Sa để tuần tra trên biển, thu nhặt tài nguyên, đo vẽ bản đồ, xây dựng miếu thờ, chinh phục các dải cát vàng và dựng cột mốc Hoàng Sa.

Hành trang mỗi người ngoài lương thực, còn có đôi chiếu cói, 7 nẹp tre, 7 đoạn dây mây, 1 thẻ bài ghi rõ họ tên, quê quán, phiên hiệu. Chiếc chiếu vốn để nằm trên thuyền buồm nhưng khi không may gặp nạn thì dùng để bó xác, dùng nẹp tre và bó lại bằng dây mây. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Vua y theo lời tâu của Bộ Công sai Suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm mốc dấu để xem xét, đo đạc, lưu dấu để ghi nhớ”. Từ đó trở đi, cứ tháng Giêng hàng năm, Phạm Hữu Nhật dẫn đầu đoàn quân ra Hoàng Sa.

Trên hành trình chinh phục “Hoàng Sa trời nước mênh mông” ấy, “Người đi thì có mà không thấy về”. Mỗi chuyến đi đối diện nhiều bất trắc, hiểm nguy nên trước khi lên thuyền, gia đình, các tộc họ tổ chức Lễ tế sống – Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để xua đuổi rủi ro cho những binh phu, cầu họ bình an.

Vì thế: “Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Chuyến đi năm 1854, Phạm Hữu Nhật cùng đoàn hy sinh ở Hoàng Sa. Các họ tộc lập mộ chiêu hồn những người đi không về. Hiện ở Lý Sơn có khoảng 100 ngôi mộ gió để hương khói người ra đi Hoàng Sa không trở về.

Lễ Khao lề tế lính Hoàng Sa là bằng chứng phi vật thể không thể chối cãi chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam. Lễ được tổ chức ngày 16-3 âm lịch hằng năm tại đình làng An Vĩnh - nơi thờ phụng các vị Cai đội Hoàng Sa như Phạm Hữu Nhật, Phạm Quang Ảnh, Võ Văn Khiết, Vũ Văn Hùng…

Người dân, du khách dâng hương tưởng niệm các anh hùng, hùng binh Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.

Họ đã đặt chân lên các đảo của Hoàng Sa và các đảo được đặt tên họ như đảo Quang Ảnh, đảo Hữu Nhật… Họ hy sinh trên đảo hoặc thân xác trôi nổi, máu thịt hòa vào biển cả trở thành cột mốc chủ quyền, dõi theo và bảo vệ người Việt tiến ra vùng biển chủ quyền.

Hoàng Sa trong lòng Lý Sơn

Mỗi lần người lên thuyền đi Hoàng Sa, người ở lại dùng con ốc u thổi liên hồi: “Ốc u đã thổi lên rồi/ Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa/ Hoàng Sa là của nước ta”.

Đó là động viên, thúc giục, tiễn biệt và bày tỏ niềm kiêu hãnh của người thân, dân làng. Để tri ân những người Hải đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ không về, trong Lễ khao lề tế lính Hoàng Sa, các thầy pháp thực hiện nghi thức an táng những hình nhân tượng trưng.

Người Lý Sơn tham gia Hải đội Hoàng Sa từ hơn 300 năm trước và nhiều người không thể trở về là những bằng chứng chân thực, sống động và hùng hồn nhất về việc xác lập chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa. Ngoài ra, tại các đình làng, Nhà trưng bày đội Hoàng Sa còn lưu giữ những tư liệu quý minh chứng về xác lập chủ quyền biển đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Ốc u ngoài là đặc sản ở Lý Sơn còn được dùng để thổi hiệu lệnh khi ngư dân đánh bắt cá, làm nhiệm vụ...

Người Lý Sơn là những ngư dân kiên cường, gan dạ nhất trên hành trình mưu sinh và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Họ luôn đánh bắt trên những ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; dù gặp triều gian nan, trắc trở, thậm chí bỏ mạng vẫn không chùn bước. 5 năm trước, người viết có dịp ra Lý Sơn nhân sự kiện ngày 2-5-2014, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến đặt tại vị trí cách đảo Tri Tôn (Hoàng Sa) hơn 30km về phía Nam, cách Lý Sơn hơn 210km.

Hàng trăm tàu ngư dân miền Trung mà chủ yếu của Lý Sơn bị xua đuổi, tấn công, người bị thương… vẫn kiên cường bám biển, giữ vững lá cờ Tổ quốc. Ngư dân cùng các lực lượng chấp pháp nhiều tháng trời bám vùng biển, ngư trường để đấu tranh phòng vệ; đúng theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (năm 1982) và luật pháp quốc tế...

Ngư dân Lý Sơn kiên định rằng: “Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống bao đời nay của cha ông chúng ta. Dù có khó khăn, nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám biển để làm ăn, góp phần đấu tranh chống lại sự xâm chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.

Ngư dân càng có thêm niềm tin, động lực khi người yêu chuộng hòa bình trong nước và quốc tế đồng loạt lên tiếng, chống lại các luận điệu sai trái, các bằng chứng ngụy tạo của thế lực âm mưu bành trướng, chiếm Biển Đông. Và trừ lúc giông bão, thời tiết xấu, ngày nào cũng có tàu và ngư dân Lý Sơn bám ngư ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa suốt mấy trăm năm qua.

Đối diện nhiều hiểm nguy, rủi ro nhưng tàu của ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bao đời nay vẫn kiên cường bám ngư trường Hoàng Sa.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Mảnh đất trù phú, nhiều sản vật
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang