Nữ trang làm bằng ngà voi vô tư bày bán tràn lan

Thứ Sáu, 27/09/2019 13:09

|

(CATP) Mặc dù pháp luật cấm mọi hành vi tàng trữ, mua bán các sản phẩm làm bằng ngà voi, nhưng trang sức từ loài động vật hoang dã này vẫn được bày bán tràn lan trong các tiệm vàng bạc, nữ trang, đồ phong thủy...

Nếu “thượng đế” tiêu thụ những sản phẩm từ ngà voi thì không chỉ bị phạt tiền, mà có thể còn vướng vào tù tội.

MANG LAO LÝ “TREO” TRƯỚC CỬA

Ngày 17-9-2019, phóng viên Báo Công an TPHCM có mặt tại một khu chợ ở P.Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương). Trên tuyến đường Đoàn Trần Nghiệp có nhiều tiệm vàng bạc, đá quý. Chúng tôi ghé vào tiệm vàng N.H.

Bên cạnh trang sức từ kim loại quý được trưng bày lấp lánh trong tủ kính, tiệm vàng này còn bán những sản phẩm nghi làm từ ngà voi. Thấy chúng tôi nghi ngờ chất liệu ngà voi giả, chủ tiệm trấn an: “Này là ngà nguyên ký, ở đây làm nè!”. Cụ thể, nhẫn làm từ ngà voi giá khoảng 250 ngàn đồng/chiếc, vòng đeo tay từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/chiếc, tùy khối lượng ngà của mỗi sản phẩm.

Sản phẩm được chế tác từ ngà voi tại tiệm vàng N.H. (TP.Thủ Dầu Một)
"Tôi có tìm hiểu, biết ngà voi và sản phẩm làm từ ngà voi bị cấm mua bán, tàng trữ; nếu vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự. Thế nhưng tôi vẫn thấy người ta bày bán trên thị trường. Thậm chí chỉ cần ngồi ở nhà, vô mấy trang mạng kinh doanh trực tuyến đặt hàng, gửi tiền cho người ta thì hàng bằng ngà voi sẽ được chuyển tới tận nhà", anh Nguyễn Quốc Thắng (35 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TPHCM) cho biết.

“Chiếc này mắc lắm, đến 30 chục triệu”. Vừa nói, chủ tiệm vừa chỉ tay vào chiếc vòng ngà to nhất.

Để khách tin tưởng, chủ tiệm còn hướng dẫn chúng tôi phân biệt ngà thật bằng cách dùng đèn pin rọi vào sản phẩm. Nếu thấy trang sức hiện lên những đường vân karô đẹp mắt cùng ánh hồng (hoặc ánh trắng) thì là ngà thật, còn không xuất hiện các dấu hiệu trên thì là ngà giả, làm từ nhựa tổng hợp hoặc xương động vật.

Ngoài tiệm vàng N.H., chúng tôi còn khảo sát nhiều cơ sở kinh doanh nữ trang khác trên cùng tuyến đường Đoàn Trần Nghiệp và cũng dễ dàng tìm mua những sản phẩm nghi làm từ ngà voi.

Tại tiệm vàng - cầm đồ K.H., chúng tôi phát hiện bày bán khá nhiều loại trang sức (nhẫn, mặt dây chuyền…) nghi chế tác bằng ngà voi. Để thu hút khách hàng, nhiều loại nhẫn còn được bọc vàng bên ngoài, nhằm tạo điểm nhấn.

Cửa hàng K.H. (TP.Thủ Dầu Một) bày bán nhiều sản phẩm ngà voi bọc vàng

Bên cạnh những tiệm vàng dọc tuyến đường Đoàn Trần Nghiệp, chúng tôi vào dãy cửa hàng bên trong khu chợ này để tìm hiểu. Tại tiệm vàng V.H., có 3 vòng đeo tay và một số nhẫn bằng ngà được trưng bày cùng các trang sức khác.

Chủ quán cầm những chiếc vòng ra cho khách xem và khẳng định: “Đây là ngà thật”. Nhẫn có giá 200 ngàn đồng/chiếc, còn vòng thì từ 2,6 - 2,9 triệu đồng/chiếc. Chủ tiệm còn gợi ý, nếu muốn mua nhiều hoặc mua vòng, nhẫn theo kích cỡ yêu cầu thì cứ đặt hàng trước, vài ngày quay lại sẽ có.

Ngay sau khi thu thập thông tin, hình ảnh về các cơ sở kinh doanh vàng bạc, đá quý có bán các sản phẩm nghi làm từ ngà voi trên địa bàn, phóng viên Báo Công an TPHCM đã cung cấp cho Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bình Dương để có hướng xử lý.

MUỐN BAO NHIÊU CŨNG CÓ?

Những ngày cuối tháng 8-2019, phóng viên dành nhiều thời gian khảo sát tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, phát hiện không ít cơ sở kinh doanh nữ trang “kiêm” bán sản phẩm từ ngà voi.

“Đây là ngà thật được chế tác thành tượng Phật Quan Âm. Chủ yếu khách mua để trong ôtô nhằm trang trí, cầu may và thể hiện đẳng cấp” - chủ tiệm vàng Đ.K. (địa chỉ tại TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) gợi ý. Sản phẩm này được chủ tiệm chào bán với giá 25 triệu đồng. Ngoài ra, trong tiệm Đ.K. còn trưng bày nhiều tượng Phật bọc vàng, với nhiều mẫu mã, giá cả đa dạng.

Cũng trên địa bàn TP.Mỹ Tho, chúng tôi còn phát hiện tiệm cầm đồ S.S. có bán nhiều sản phẩm vòng, nhẫn từ ngà voi. Chủ tiệm cũng khẳng định, muốn mua ngà voi nguyên khối thì cứ đặt trước, vài ngày sẽ có (?!).

Dọc đường về TP.Long Xuyên (An Giang), phóng viên được người dân giới thiệu đến tiệm vàng khá nổi tiếng tên K.H. Đây là tiệm lớn nằm ngay vị trí trung tâm thành phố, tấp nập khách ra vào.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua trang sức ngà voi, một nhân viên nữ mặt đồng phục và hai người đàn ông nhanh chóng mang ra một khay nhựa để chào hàng. Trong khay có 2 bịch nylon chứa nhiều vòng tay màu trắng. Nữ nhân viên trên cho biết, số vòng này được làm từ ngà voi, mỗi chiếc giá dao động từ 3 - 10 triệu đồng.

Các sản phẩm từ ngà voi được chào bán tại tiệm vàng K.H. (TP.Long Xuyên)

Khảo sát tại cửa hàng dịch vụ cầm đồ, đá phong thủy H.K (TP.Rạch Giá, Kiên Giang), chúng tôi thấy bày bán nhiều sản phẩm, như: tượng Phật, nhẫn, hoa tai… từ ngà voi. Chủ tiệm cho biết, đây là ngà thật, được nhập từ những cơ sở chế tác chuyên nghiệp.

Cách đó không xa, tại tiệm vàng T.T. cũng bày bán công khai vòng tay, nhẫn, vòng đeo cổ, tượng Phật bọc vàng… làm từ ngà voi, với giá từ 1 - 15 triệu đồng/sản phẩm. Chúng tôi nhẩm tính tổng số sản phẩm bày bán khoảng 5 - 7kg. Chủ tiệm cho biết, đây là ngà voi nhập từ nơi khác về để bán.

Nhiều sản phẩm từ ngà voi được bày bán tại tiệm vàng T.T. (TP.Rạch Giá)

Cũng tại Kiên Giang, chúng tôi thấy hàng chục vòng đeo tay được bày bán tại Khu du lịch Thạch Động (TP.Rạch Giá). Tuy nhiên, khi được hỏi thì các chủ tiệm đều khẳng định, những sản phẩm này không phải ngà voi. “Nếu muốn mua ngà thật thì cứ đến những tiệm vàng lớn là có, vì họ có thể kiểm định ngà được. Còn chúng tôi chỉ mua bán vòng từ xương động vật hoặc nhựa cho du khách đeo cho đẹp thôi” - Một chủ tiệm tại đây cho biết.

Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh - Phó giám đốc CITES Việt Nam:

Thời gian gần đây, có một số báo cáo của các tổ chức quốc tế nghiên cứu về tình hình buôn bán sản phẩm từ ngà voi tại một số tỉnh, thành ở Việt Nam. Trong đó ghi nhận việc bán ngà voi tại một số cửa hàng bán hàng lưu niệm cho khách du lịch, tiệm vàng. Tuy nhiên, việc buôn bán ở mức độ nào, hàng thật hay giả thì cần điều tra thêm và phải được cơ quan chuyên môn thẩm định. Sắp tới, CITES sẽ phối hợp với các chuyên gia tổ chức điều tra để có giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa hành vi trái pháp luật này.

Không có cơ sở khoa học hoặc cơ sở văn hóa nào khẳng định việc đeo trang sức từ ngà voi sẽ đem lại may mắn cho người đeo. Đây là những tin đồn thổi vô căn cứ. Hầu hết các sản phẩm từ ngà voi trên thị trường nếu không phải hàng giả thì cũng là hàng do các đối tượng buôn lậu, săn bắn, giết hại voi trái pháp luật để lấy ngà cung cấp.

Tiến sĩ Vương Tiến Mạnh
Theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp, hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến ngà voi không có hồ sơ hợp pháp hoặc có, nhưng không đúng với nội dung hồ sơ thì bị phạt từ 180 - 360 triệu đồng, tùy theo khối lượng ngà. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 10-6-2019 (thay thế Nghị định 157/2013/NĐ-CP).
Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ngà voi có khối lượng từ 2kg đến dưới 20kg thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp có nhiều tình tiết tăng nặng thì có thể bị phạt tù từ 10 - 15 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng.
Đặc biệt, pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự thì bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng, tùy mức độ hành vi phạm tội. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều này thì bị phạt tiền từ 10 - 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 300 - 600 triệu đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang