Áp lực kinh tế trong việc lưu giữ hơn 50 tấn ngà voi tang vật

Thứ Ba, 13/08/2019 13:30

|

(CATP) 53 tấn ngà voi được cơ quan chức năng thu giữ trong 10 năm qua (2010-2018) đã và đang gây áp lực về kinh tế khi phải “gánh” nhiều chi phí để vận chuyển, bảo quản, lưu giữ.

Đó là số lượng ngà voi mà Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) ghi nhận trong 10 năm qua (2010-2018) từ các đối tượng hoạt động thương mại bất hợp pháp các sản phẩm từ động vật hoang dã bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Riêng từ đầu năm đến nay đã có hơn 3 tấn ngà voi bị phát hiện quả tang, bắt giữ. Với số lượng khủng sau mỗi lần bắt giữ, cơ quan chức năng đã phải chịu nhiều chi phí để lữu giữ ngà voi. Điều này không chỉ tạo áp lực về kinh tế mà còn tạo ra hiện tượng tiêu cực trong công tác bảo quản.

Theo ghi nhận của chúng tôi, Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội vào tháng 11-2016. Sau đó, năm 2017, cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi sau khi TAND TP.Lào Cai ra quyết định tiêu hủy tang vật.

Sau đó, trong tất cả các vụ án có tang vật ngà voi được TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử đều tuyên tiêu hủy. Điển hình, tháng 3-2019, TAND TP.Hà Nội quyết định tiêu hủy gần 1 tấn ngà voi tang vật trong một vụ bắt giữ tại huyện Thường Tín. Điều này thể hiện sự quyết liệt của cơ quan chức năng trong quá trình xử lý tang vật nhằm góp phần ngăn chặn hoạt động thương mại bất hợp pháp này.

Việt Nam lần đầu tiên tiêu hủy 2,1 tấn ngà voi và hàng trăm kg sừng tê giác tại Hà Nội vào tháng 11-2016 (ENV)

Tuy nhiên số lượng tiêu hủy trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với cả chục tấn ngà voi được thu giữ. Số lượng ngà voi có giá trị kinh tế cao này vô tình trở thành “miếng mồi ngon” cho một số người lợi dụng để trục lợi.

Điển hình, tháng 8-2018, TAND TP.Hà Nội xét xử Phạm Minh Hoàng (nguyên cán bộ phòng chống buôn lậu và xử lý vi phạm, Cục Hải quan TP Hà Nội) 16 năm tù về tội “Tham ô tài sản”.

Với chức vụ là thủ kho quản lý kho tang vật, Hoàng được giữ chìa khóa ra vào kho, theo dõi việc nhập, xuất, quản lý, bảo quản, đề xuất xử lý tang vật vi phạm bị tịch thu trong lĩnh vực hoạt động hải quan.

Nhận thấy tang vật trong kho có giá trị, Hoàng đã câu kết với 2 đối tượng khác đánh tráo tang vật là ngà voi và sừng tê giác đi tiêu thụ. Chỉ trong 2 tháng (4 và 5-2017), Hoàng đã lấy 239,57kg ngà voi và 6,14kg sừng tê giác trong kho ra bán, thu được gần 3 tỷ đồng để đem đi cá bộ bóng đá.

Trước đó, năm 2013, một cán bộ cũng trộm hơn 100kg ngà voi (trị giá 5 tỷ đồng) được cất giữ trong kho của Chi cục thi hành án TP.Vinh (Nhệ An).

Để góp phần ngăn chặn việc buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, đặt biệt là ngà voi, hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành nhiều đợt tiêu hủy ngà voi tang vật. Cụ thể, Myanmar tiêu hủy 277 ngà voi năm 2018, Malaysia cũng vừa tiêu hủy 4 tấn ngà voi vào đầu tháng 5-2019. Singapore cũng tuyên bố sẽ tiêu hủy sau khi bắt giữ 8,8 tấn ngà voi bắt giữ trong năm nay. Tính đến nay, đã có khoảng 300 tấn ngà voi bị tiêu hủy trên khắp thế giới, thể hiện cam kết chống lại tội phạm về động vật hoang dã.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Hà – Phó Giám đốc ENV cho biết, chỉ tính riêng từ đầu năm 2017, ENV đã ghi nhận nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các sản phẩm động vật hoang dã qua các sân bay, hải cảng với tổng khối lượng tang vật bị thu giữ lên đến hàng chục tấn.

Việc bắt giữ và xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm trong những năm qua là tín hiệu tích cực đóng góp vào nỗ lực chung triệt phá các đường dây tội phạm về động vật hoang dã. Bên cạnh đó, việc quan tâm, xử lý tang vật liên quan tới các vụ án này cũng vô cùng cần thiết.

“Tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ, các cơ quan chức năng chỉ nên lưu giữ lại một số lượng nhỏ mẫu vật ngà voi và sừng tê giác với mục đích phân tích AND, phục vụ giáo dục – đào tạo hay nghiên cứu khoa học”, bà Hà nhấn mạnh.

Lào Cai đã tiêu hủy 43 chiếc ngà voi năm 2017 (ENV)

Bình luận (0)

Lên đầu trang