(CAO) Từ thông tin do phóng viên Báo Công an TP.HCM cung cấp, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phối hợp với Công an TX.Từ Sơn, Bắc Ninh đã tổ chức khám xét cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ Tâm Anh (thôn Thượng, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) và thu giữ 6kg sản phẩm nghi là ngà voi.
Đây là cơ sở kinh doanh mà Báo Công an TP.HCM đã phản ánh trong loạt bài “Nạn mua bán ngà voi trái phép: Từ niềm tin mù quáng đến thú chơi tàn nhẫn” đăng vào ngày 4 và 5-6-2019.
Trước đó, cuối tháng 5-2019, lần theo manh mối người dân cung cấp, phóng viên đã tìm đến vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ ngà trắng" ở thôn Thượng. Sau nhiều ngày quan sát, dò hỏi, nhóm phóng viên đã tiếp cận được một cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ kiêm bán các sản phẩm từ ngà voi.
Lối vào cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ kiêm bán sản phẩm từ ngà voi
Nhìn bên ngoài, đây chỉ đơn thuần là cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ làm từ gỗ như: vòng, nhẫn, các sản phẩm điêu khắc, nhang trầm,…. Sau khi tạo được niềm tin, chúng tôi được giới thiệu đến các sản phẩm (trang sức, tượng ngà, lược ngà, đũa ngà,…).
Biết chúng tôi có nhu cầu, nhân viên tên H. đã dẫn vào căn phòng rộng chừng 8m2 để xem các sản phẩm từ ngà voi.
Căn phòng nằm sâu trong cửa hàng luôn cửa đóng then cài. Bên trong phòng chỉ duy nhất có một chiếc giường ngủ và một lối ra vào. Ngoài ra, trong phòng còn khoét một lỗ nhỏ đủ nhìn ra phía trước để tiện quan sát.
Thấy chúng tôi nghi ngờ, H. - người của tiệm còn mạnh tay ném đôi đũa ngà lên cao và khẳng định: “Nếu không phải ngà thật thì khi rơi xuống nó đã gãy rồi. Đây toàn là hàng nhập ngoại, được nhiều khách ưa chuộng và tìm mua”.
Ngoài việc thử bằng cách vung tay ném ngà xuống nền gạch, H. còn dùng đèn pin rọi vào ngà và bảo: “Rọi đèn mà nó hiện lên màu hồng như thế này là đồ thật. Nếu mua mà ưng thì sau này cần mua nữa thì cứ chuyển tiền qua tài khoản, em gửi xe khách đến. Nếu phát hiện ngà giả thì em đền tiền lại, anh chị yên tâm”.
Đồng thời, để lấy niềm tin của khách hàng, H. còn lấy từng sản phẩm và chỉ cho chúng tôi thấy đường vân tinh xảo nổi trên bề mặt ngà để khẳng định đây là hàng thật.
Theo đó, các sản phẩm ngà có giá từ vài trăm đến cả chục triệu đồng, tùy mẫu mã và trọng lượng. Cụ thể, vòng đeo tay có giá từ 1,2 đến 10 triệu đồng tùy loại; mặt dây chuyền từ vài trăm đến vài triệu; lược ngà có giá 3 triệu đồng; 2 triệu đồng/đôi đũa; tượng tạc bằng ngà voi bán với giá 40 triệu đồng/kg… Rẻ nhất là nhẫn ngà bán với giá khoảng 200 nghìn đồng.
Căn phòng bên trong cửa hàng này là nơi cất giấu các sản phẩm từ ngà voi
Sau khi tiến hành xác minh, phóng viên đã cung cấp toàn bộ thông tin trên đến Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) để tiến hành vào cuộc điều tra, khám xét. Từ những thông tin, hình ảnh, video mà nhóm phóng viên cung cấp, sáng 5-6, đoàn kiểm tra do Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường phối hợp với Công an TX.Từ Sơn đã tổ chức kiểm tra, khám xét cơ sở trên.
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra đã phát hiện, quả tang cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ Tâm Anh đang bày bán 5 vòng ngà voi cùng các sản phẩm lâm sản khác. Sau khi được lực lượng chức năng thuyết phục, chủ cơ sở đồ gõ mỹ nghệ này đã tự nguyện giao nộp toàn bộ các sản phẩm chế tác từ ngà voi (vòng tay, vòng cổ, vật trang trí chế tác với nhiều kích thước khác nhau) có tổng khối lượng khoảng 6kg.
Tang vật nghi ngà voi thu được tại cơ sở kinh doanh đồ mỹ nghệ Tâm Anh sáng 5-6-2019
Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đồ mỹ nghệ không xuất trình được hồ sơ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc các sản phẩm trên. Đồng thời, chủ cửa hàng khai nhận mua số sản phẩm trên từ những người không quen biết đến rao bán tại cửa hàng.
Ngay sau khi lập biên bản và niêm phong tang vật, đoàn kiểm tra đã bàn giao vụ việc cho Đội cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu - Công an TX.Từ Sơn để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngày 5-11-2018, Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC được ban hành. Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể cho các cơ quan thực thi pháp luật cái nhìn tổng quan để dễ định lượng, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã theo Điều 234 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã) và Điều 244 (tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm) của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.
Theo đó, hành vi vi phạm liên quan đến ngà voi từ 2kg trở lên (bất kể loài voi nào) đã đáp ứng dấu hiệu định tội theo quy định tại Điều 244 Bộ Luật Hình sự. Đồng thời, mức phạt tối đa cho vi phạm liên quan đến ngà voi lên đến 15 năm tù giam đối với cá nhân.
(CATP) Ẩn trong vẻ đẹp lộng lẫy của các sản phẩm chế tác từ ngà voi là tiếng thét thảm thương và dòng máu của những chú voi hoang dã bị thợ săn giết hại một cách dã man. Hàng ngàn chú “vua của đại ngàn” đã phải nằm xuống, chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngà voi một cách mù quáng và tàn nhẫn của nhiều “thượng đế” trong thời gian qua.
(CATP) Hơn 53 tấn ngà voi bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ trong 9 năm qua (từ năm 2010 - 2018), được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN - tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường) thống kê lại, phần nào cho thấy thị trường “đen” về mua bán ngà voi phức tạp như thế nào.