Nạn mua bán ngà voi trái phép: Từ niềm tin mù quáng đến thú chơi tàn nhẫn:

Kỳ cuối: Tiếng thét bất lực từ thiên nhiên

Thứ Năm, 06/06/2019 16:14

|

(CATP) Hơn 53 tấn ngà voi bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ trong 9 năm qua (từ năm 2010 - 2018), được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (EVN - tổ chức nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và giáo dục môi trường) thống kê lại, phần nào cho thấy thị trường “đen” về mua bán ngà voi phức tạp như thế nào.

VOI CHÂU PHI “CHẾT” VÌ… THỊ TRƯỜNG CHÂU Á​​

Mới đây, ngày 24-4-2019, lực lượng chức năng TPHCM bắt quả tang nam hành khách tên V.A (37 tuổi, ngụ Hà Tĩnh) đang vận chuyển trái phép sản phẩm động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Qua sàng lọc nguồn tin, cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra hành lý của hành khách trên, phát hiện chứa 2 ngà voi (nặng gần 10kg). Để ngụy trang, V.A sơn đen ngà voi, quấn giấy bạc bên ngoài, giấu trong thùng đựng tôm hùm và cá khô, nhằm qua mặt lực lượng hải quan.

Số tang vật trên đã được Viện Sinh học nhiệt đới (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) giám định, kết luận đều là ngà voi châu Phi, tên khoa học là Loxodonta Africana, thuộc danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, cấm săn bắt, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển theo Công ước Cites.

Qua công tác nghiệp vụ, lực lượng hải quan TP.Đà Nẵng phối hợp với các ngành chức năng nắm thông tin một lô hàng của Công ty TNHH Tâm Kiều (địa chỉ tại Quảng Nam) được tàu biển Sunshine Bandama của Singapore chở về cảng Tiên Sa, có dấu hiệu nghi vấn vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Sáng 26-3-2019, các đơn vị phối hợp tiến hành kiểm tra 3 container trên, phát hiện một container chứa hơn 9,12 tấn ngà voi nhập lậu từ Congo (châu Phi).

Hơn 9 tấn ngà voi bị bắt giữ tại cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) sáng 26-3-2019 (Ảnh từ internet)

“Đây là vụ buôn lậu ngà voi lớn nhất từ trước đến nay bị bắt tại cảng Tiên Sa” - đại úy Trần Thị Kim Thanh (cán bộ Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Bộ Công an) cho biết. Trước đó, tháng 10-2018, lực lượng chức năng trên địa bàn TP.Đà Nẵng đã phát hiện, bắt giữ một container chứa hơn 10 tấn sản phẩm từ động vật hoang dã (ngà voi cắt khúc, vảy tê tê) nhập từ Nigieria về cảng Tiên Sa.

Tương tự, ngày 6-2-2018, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an TP.Hà Nội bắt quả tang Đinh Thị Nhượng (53 tuổi, ngụ huyện Thường Tín, Hà Nội) tàng trữ 971kg ngà voi trong nhà. Được biết, hầu hết các sản phẩm từ ngà voi bị bắt giữ đều có nguồn gốc từ các nước châu Phi, do săn bắt trái phép.

Hàng loạt con voi ở châu Phi phơi xác giữa thiên nhiên vì bị thợ săn giết hại để lấy ngà (Ảnh từ internet)

VẠCH TRẦN TUYẾN ĐƯỜNG THẨM LẬU CỦA NGÀ VOI

Để xác định tuyến đường buôn lậu của các đối tượng săn bắt trái phép rồi vận chuyển về Việt Nam, Cơ quan Điều tra môi trường (Enviromantal Investigation Agency - EIA) đã dành nhiều năm để thâm nhập vào các đường dây này. Theo đó, các băng nhóm người Việt vận chuyển ngà voi từ châu Phi qua Malaysia và Lào, sau đó về Việt Nam để bán trong nước hoặc trung chuyển tiếp sang Trung Quốc. Các đối tượng luôn linh động tuồn hàng về nội địa theo đường biển, hàng không lẫn đường bộ.

Các đối tượng tổ chức thành đường dây, với sự phân cấp vai trò, trách nhiệm rõ ràng. Thông thường, đối tượng cầm đầu người Việt sẽ liên kết với các đối tác người địa phương để tổ chức săn trộm và thu mua ngà voi thô. Các đối tượng người Việt khác tham gia với vai trò đóng gói, chuyển hàng về các công ty “ma” tại Việt Nam.

Để qua mặt lực lượng chức năng, đường dây buôn lậu ngụy trang bằng cách trộn lẫn ngà voi với các hàng hóa khác hoặc giấu trong những khúc gỗ đục rỗng ruột. Bọn chúng chuyển hàng cấm bằng cách trung chuyển qua nhiều nước, nhiều tuyến đường khác nhau, nhằm “cắt đứt” thông tin khi bị lực lượng điều tra phát hiện. Trường hợp bị bắt quả tang, các đối tượng sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”, sau đó tiếp tục tăng cường hoạt động trong những lô hàng tiếp theo để… bù lỗ.

Ngà voi cất giấu tinh vi trong cát, đặt trong khối gỗ xẻ khi vận chuyển (Ảnh từ internet)

Sau khi nhập về nội địa, ngà voi nguyên liệu được đưa về những cửa hàng gia công mỹ nghệ chế tác thành trang sức rồi tuồn ra thị trường tiêu thụ. Điều đáng nói, thị trường tiêu thụ các sản phẩm này chủ yếu từ nguồn khách Trung Quốc.

“Khách ở đây chủ yếu là người Trung Quốc. Họ rất chuộng những mặt dây chuyền và vòng ngà to như thế này” - T. (nữ nhân viên một cửa hàng bán các sản phẩm ngà voi tại thôn Thượng, xã Phù Khê, TX.Từ Sơn, Bắc Ninh) từng nói, khi đưa các sản phẩm từ ngà voi được nhập từ châu Phi để chào hàng, mời chúng tôi mua.

Sản phẩm ngà voi được bày bán trong một cửa hàng ở thôn Thượng

Chính vì cách thức tổ chức chặt chẽ, với nhiều “mắt xích” khác nhau, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tìm ra đối tượng chủ mưu thật sự. Chưa kể trong khoảng 150 vụ vi phạm về ngà voi bị phát hiện từ năm 2010 - 2018, chỉ có khoảng 30 vụ được đưa ra xét xử, hình phạt tù cũng chỉ áp dụng trong hơn 10 vụ việc vi phạm (khoảng 7,5%). Mức xử lý trên là quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ ngà voi, không đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm trong lĩnh vực này.

Ngay sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ về hành vi thương mại bất hợp pháp của một cơ sở kinh doanh mỹ nghệ tại thôn Thương, nhóm phóng viên đã trình báo đến Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Kỳ 1: Những món trang sức đẫm máu
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang