Đánh cược với "thủy thần"
Vạch dấu mớn nước an toàn là vạch đánh dấu trên phương tiện thủy để giới hạn phần thân phương tiện được phép chìm trong nước khi hoạt động. Theo quy định, các phương tiện thủy nội địa không được chở hàng hóa, hành khách vượt quá mớn nước này.
Tuy nhiên, vi phạm này đã diễn ra phổ biến trên các tuyến sông tại nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Khoảng 10 giờ 30 ngày 27-5, phóng viên ghi nhận tại một địa điểm trên sông Hậu (đoạn cầu Quang Trung, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) có hơn 10 phương tiện gồm ghe, sà lan có dấu hiệu chở quá tải lưu thông hướng về Hậu Giang. Một số phương tiện lưu thông với tốc độ cao, tranh vượt nhau hết sức nguy hiểm.
Vừa qua chân cầu, chúng tôi hỏi một hộ dân có nhà gần đó và người này cho biết: “Chuyện đó như ăn cơm bữa bởi ngày nào cũng có. Các phương tiện thường nối đuôi vào thời điểm nước ròng và chủ yếu là chở cát”.
Một phương tiện quá tải vừa cập bến phía huyện Bình Tân (Vĩnh Long).
Ngược lên bến phà Cô Bắc (đoạn Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) gần với mỏ khai thác cát chúng tôi thấy có nhiều phương tiện đang lưu thông và neo đậu giữa sông cũng trong tình trạng quá tải.
Tiến vào đoạn một nhánh sông phía bờ huyện Bình Tân (Vĩnh Long) chúng tôi thấy 2 phương tiện vừa cặp bến trong tình trạng chỉ cần một cơn sóng mạnh có thể tràn vào chìm bất cứ lúc nào. Nhìn thấy 2 phương tiện chở cát này nhiều người dân đi phà lắc đầu ngao ngán.
Ghi nhận cũng tại sông Hậu (đoạn xã Phú Thành và Lục Sĩ Thành, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) – nơi có mỏ đang đượng khai thác cát. Tại đây, rất nhiều sà lan đang nhận lấy cát, một số phương tiện nhận xong neo lại gần đó cũng trong tình trạng quá tải.
Một sà lan đang lấy cát tại cù lao Phú Thành và Lục Sĩ Thành.
Ông Bùi Văn Triều (57 tuổi, ngụ xã Phú Thành) cho biết: “Tại mỏ cát này, ban ngày thì phương tiện quá tải lưu thông dập dìu, còn tối đến cát ghe hút trộm cát cũng tham gia khiến nhà cửa, đất đai bị sạt lở từng ngày”.
Tình trạng mất an toàn giao thông đường thủy thời gian gần đây đã ở mức đáng báo động, với hậu quả là thiệt hại tài sản, có người thiệt mạng. Một người phụ nữ khoảng 60 tuổi nhà cạnh sông bức xúc nói: “Tôi thấy cái gì cũng chở quá tải, từ ghe, sà lan chở cát cho đến phân bón, xi-măng… Điều này tôi thấy rất nguy hiểm và đề nghị cơ quan chức năng xử lý mạnh hơn nữa”.
Những ngày cuối tháng 5, phóng viên Báo Công an TPHCM còn ghi nhận nhiều vị trí trên sông Tiền, sông Hậu và nhánh sông nhỏ tại một số tỉnh ĐBSCL.
Phương tiện quá tải đánh cược với "thủy thần".
Theo quan sát, các phương tiện chở hàng nước ngập hết mạn, tràn lên cả boong, ì ạch vượt sóng. Một số phương tiện cố tình vượt qua các phương tiện khác với khoảng cách rất gần, dễ dẫn đến tai nạn. Trong số này, có phương tiện chở cao đến nỗi che khuất tầm nhìn của người điều khiển. Dù nguy hiểm bủa vây nhưng vì hám lợi các phương tiện chẳng hề quan tâm đến tính mạng, tài sản đang treo lơ lửng trước mũi tàu.
Chở quá tải để... vừa lòng chủ!
Thực tế trên sông Hậu, sông Tiền hiện nay phương tiện chở hàng quá vạch dấu mớn nước an toàn từ vài chục tấn cho đến cả ngàn tấn. Mỗi ngày, khi con nước bắt đầu ròng là lúc cán bộ tại Thủy đội thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp làm việc cật lực. Đây được xem là thời điểm vất vả nhất trong ngày vì vừa kiểm soát, xử lý các phương tiện chở quá tải.
Sáng ngày 29-5, phóng viên tháp tùng với tổ công tác của Thủy đội để tuần tra, kiểm soát trên tuyến sông Tiền. Mới vừa xuất phát chưa đến 5 phút, tổ công tác đã phát hiện 2 sà lan chở cát có dấu hiệu quá tải liền ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra.
Một phương tiện chở cát lưu thông trên sông Tiền (đoạn gần cầu Cao Lãnh).
Qua kiểm tra phương tiện VL-14499 tài công xuất trình một biên bản đã bị Phòng Cảnh sát đường thủy (CSĐT) Công an tỉnh An Giang lập biên bản về lỗi chở quá vạch mớn nước an toàn từ 1/5 – 1/2 chiều cao mạn khô của phương tiện. Do vậy, trường hợp này không thể lập biên bản tiếp mà để phương tiện tiếp tục hành trình.
Tổ công tác Thủy đội (CSGT Đồng Tháp) kiểm tra phương tiện quá tải.
Tài xế Trương Công Hậu (34 tuổi, ngụ H.Cầu Kè, Trà Vinh) đảm nhận việc lái sà lan trên cho biết: Sà lan đang lưu thông trên sông Tiền từ hướng TX.Tân Châu (An Giang) về tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên vào lúc 20 giờ ngày 28-5, đã bị Phòng CSĐT lập biên bản.
“Sà lan chở hơn 800 tấn nhưng để đúng tải phải đợi 24 tiếng đồng hồ, bởi chờ cho nước bơm khỏi lượng cát đang chở. Nếu phương tiện đợi khô chỉ chở được khoảng 550 tấn dẫn đến không có lời, chủ không chịu. Hơn 10 năm lái sà lan tôi thường xuyên vi phạm nhưng tiền nộp phạt chủ chịu. Đa số các phương tiện giờ ai cũng như vậy” - tài công Hậu thừa nhận.
Hầu hết các chủ phương tiện hoặc tài xế vi phạm đều biết rõ mức độ nguy hiểm của việc chở quá tải nhưng họ vẫn phát lờ. Nhiều chủ phương tiện cho rằng, mỗi chuyến đi đã là khó nên chở càng nhiều càng tốt nhằm thu lợi được nhiều hơn, nếu bị phát hiện cũng chỉ xử phạt hành chính là cùng.
Chủ sà lan Nguyễn Thành Đức (ngụ tỉnh Long An) thừa nhận: “Sà lan bắt buộc phải lấy khẳm, nếu lấy ít không có lời. Chở quá tải sợ nhất là thi lưu thông gặp sóng to, gió lớn dễ làm lật phương tiện nhưng vì cuộc sống không còn cách nào khác”.
Phương tiện chở quá tải rất dễ bị phát hiện.
Theo một cán bộ trong tổ công tác, chỉ cần dựa vào mức mớn nước lực lượng tuần tra dễ dàng xác định phương tiện nào vi phạm tải trọng, phương tiện nào không. Từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã xử phạt hàng ngàn phương tiện vi phạm. Nhiều trường hợp vi phạm chưa đóng phạt nhưng lại tiếp tục vi phạm.
6 tháng phạt hơn 25 tỷ đồng
Tính riêng 3 địa phương là TP.Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang nhưng trong 6 tháng đầu năm đã có hàng chục ngàn phương tiện vi phạm. Số liệu từ Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp trong 6 tháng đầu năm 2019 (tính từ tháng 12 đến nay) cho thấy, đơn vị đã phát hiện 5.184 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt 3.407 trường hợp vi phạm, với số tiền gần 7 tỷ đồng.
Trong đó, số phương tiện chở quá vạch mớn nước an toàn là 3.724 trường hợp. Còn số liệu thống kê từ Phòng CSĐT Công an TP.Cần Thơ, 6 tháng đầu năm phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 1.773 trường hợp, xử phạt số tiền gần 1 tỷ đồng. Trong đó chở quá vạch dấu mớn nước an toàn là 1.682 trường hợp.
Mỗi phương tiện quá tải có thể bị phạt từ vài trăm ngàn đến hơn 10 triệu đồng.
Thượng tá Nguyễn Văn Võ - Trưởng phòng CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết, 6 tháng đầu năm, lực lượng đã phát hiện 16.706 phương tiện vi phạm chở quá vạch dấu mớn nước an toàn. Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là gần 20 tỷ đồng.
Số trường hợp vi phạm nhiều và không có dấu hiệu giảm. Tuy nhiên để xử lý triệt để tình trạng trên lực lượng chức năng đường thủy lại gặp rất nhiều khó khăn vì không thể hạ tải, trong khi đó chủ phương tiện sẵn lòng nộp phạt bởi không đáng là bao so với lợi nhuận mang về.
Vì lợi nhuận các chủ phương tiện, tài xế chấp nhận nộp phạt.
Đại tá Phạm Phú Cường - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Tháp: Trên đường bộ phương tiện quá tải trọng lập biên bản xử phạt buộc phải hạ tải, đường thủy chưa làm được vì không có bến để hạ tải. Tỉnh nhiều lần yêu cầu cấp trên cho xây dựng bến tạm giữ phương tiện, hạ tải nhưng đến bây giờ vẫn chưa được chấp thuận. Mức phạt chế tài đối với tài công còn nhẹ. Một bộ phận không nhỏ của người tham gia giao thông đường thủy chưa ý thức, không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, vì mục đích kinh doanh lợi nhuận nên cố tình vi phạm. Thượng tá Nguyễn Văn Ngôn - Trưởng phòng CSĐT Công an TP.Cần Thơ: “Lực lượng CSĐT trong một ngày chỉ được xử lý vi phạm một lần đối với các phương tiện chở quá tải trọng. Do đó, dù phát hiện nhiều phương tiện chở quá tải trọng đi qua địa phận quản lý nhưng không thể xử phạt thêm. Lực lượng đường thủy khi phát hiện vi phạm thì lập biên bản, tiếp tục cho phương tiện di chuyển, bởi nếu cho đậu lại không có bến hạ tải, lo ngại xảy ta sự cố”. |