Số vụ ùn ứ giao thông xuất hiện liên tục và ngày càng diễn biến phức tạp. Tại các điểm bị kẹt xe, hàng nghìn phương tiện phải nối đuôi nhau kéo dài và nhích từng chút một.
Cửa ngõ Tây Bắc luôn kẹt cứng giờ cao điểm
Hơn 7 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 5-2019, chúng tôi có mặt ở các tuyến đường cửa ngõ Tây Bắc, như: Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Kỳ - Tân Quý, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thụ... được xem là “điểm nóng” ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo người dân địa phương, đường Trường Chinh (Q.Tân Bình) được mở rộng từ năm 2004, có 3 làn ôtô và một làn hỗn hợp (cả xe máy, xe tải nhẹ cùng xe buýt). Việc phân làn được Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng do ùn tắc, làn hỗn hợp bị ôtô và xe buýt chiếm dụng hết nên xe 2 bánh lấn sang làn ôtô.
Vào giờ cao điểm, hàng nghìn phương tiện xếp hàng dài, nhích từng chút một để thoát qua các điểm bị ùn tắc để ra vào thành phố.
Kẹt xe nghiêm trọng trên đường Trường Chinh (Q.Tân Bình)
Tại nút giao thông An Sương, điểm kết nối giữa QL22, QL1 (còn gọi là đường Xuyên Á hoặc đường Vành đai 2) và đường Trường Chinh, người dân địa phương cho biết, thời gian gần đây, đoạn đường này liên tục rơi vào tình trạng kẹt xe.
Có những ngày, ùn ứ kéo dài hàng cây số, các phương tiện xếp hàng “rồng rắn” nhích từng mét. Để vào được nội đô, phương tiện phải vượt qua được “nút thắt” vòng xoay An Sương, vì đây là tuyến đường độc nhất ở cửa ngõ Tây Bắc vào các quận trung tâm TPHCM. Có thời điểm, nhiều người dân chạy xe máy lên cả vỉa hè, mặt thể hiện rõ vẻ mệt mỏi.
Nghiêm trọng nhất là đoạn từ ngã tư cầu vượt An Sương đến Lăng Cha Cả và ngã tư Bảy Hiền (Q.Tân Bình). Bất kể giờ cao điểm hay bình thường (trừ đêm khuya) đều bị ùn tắc, kẹt xe, nghiêm trọng nhất vẫn là giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều.
Từ các tuyến đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Âu Cơ... hướng vào trung tâm thành phố, dòng xe luôn đối mặt với các điểm kẹt xe của hàng loạt tuyến đường ngang. Dọc tuyến Cộng Hòa có nhiều đường giao cắt, như: Trần Quốc Hoàn, Thăng Long..., dòng xe liên tục đổ vào và kẹt cứng.
Kẹt xe nghiêm trọng trên đường Trường Chinh giao với Âu Cơ
Anh Trần Thanh Đức (ngụ xã Bà Điểm, H.Hóc Môn) cho biết: “Khu vực cầu vượt An Sương không có ngày nào mà không kẹt. Nhiều bữa, xe đứng im tới 30 phút trên đường. Nếu cơ quan chức năng không mở rộng ngã tư An Sương hay QL22 thì không biết tình trạng kẹt xe trong thời gian tới đến mức nào”.
Theo người dân địa phương, khu vực này có nhiều khu công nghiệp, xe cộ qua lại rất đông. Đường hẹp, không chỉ kẹt xe mà rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù lực lượng CSGT, Thanh niên xung phong được tăng cường, bố trí ở những “điểm nóng” về ùn tắc, nhưng do lượng phương tiện di chuyển quá đông, dẫn đến việc phân luồng, điều tiết giao thông hết sức vất vả.
Nghiêm trọng nhất là tuyến đường Tân Kỳ - Tân Quý đoạn từ giao lộ Lê Trọng Tấn kéo dài đến đường Trường Chinh và đoạn từ mũi tàu Trường Chinh - Cộng Hòa kéo dài đến ngã ba Bà Quẹo, hàng dài xe cộ nối đuôi nhau chen chúc, di chuyển chậm chạp vào giờ cao điểm. Nhiều xe máy chạy cả lên vỉa hè, một số xe còn đi ngược chiều, làm giao thông thêm hỗn loạn.
Để thoát khỏi điểm ùn tắc ở khu vực này, nhiều xe máy phải chọn hướng rẽ vào các ngõ hẻm. Theo anh Phùng Minh Hải (ngụ Q.Bình Tân), đoạn đường Tân Kỳ - Tân Quý kéo dài từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Trường Chinh ngày nào cũng xảy ra kẹt xe.
Nhiều lúc lưu thông qua đoạn đường này mất tới... gần 30 phút. Để tránh kẹt xe đoạn giao lộ Lê Trọng Tấn - Tân Kỳ - Tân Quý vào giờ cao điểm, anh thường phải đi vào một hẻm nhỏ để ra đường Hồ Đắc Di.
Cửa ngõ Nam Sài Gòn ùn tắc nghiêm trọng
Các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Thị Thập... (Q7) cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Đường Nguyễn Văn Linh giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ và đường Nguyễn Thị Thập rộng từ 6 - 8 làn xe, nhưng vào giờ cao điểm, tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra.
Theo người dân địa phương, kẹt xe không chỉ xảy ra vào giờ cao điểm mà bất cứ lúc nào, chỉ cần có sự cố nhỏ ở khúc cua là dẫn đến kẹt xe, khiến khu vực này trở thành “điểm nóng”.
Kẹt xe nghiêm trọng trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q7)
Mỗi buổi sáng hoặc chiều muộn, tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, đường Huỳnh Tấn Phát có hàng ngàn xe container, xe tải nặng lưu thông, khiến dòng xe ùn ứ kéo dài.
Anh Đoàn Mạnh Tuấn (bán tạp hóa ven đường) cho biết, tình trạng kẹt xe tại khu vực này diễn ra hằng ngày. Lượng xe chở hàng từ cảng VIC, các Khu công nghiệp Tân Thuận, Nhà Bè, Nam Long... rất lớn.
Ngoài ra, tại khu vực H.Nhà Bè, mỗi ngày cũng có hàng ngàn xe tải ra vào, khiến giao thông ở đây ách tắc nghiêm trọng.
Tình trạng kẹt xe thường xuyên dẫn đến các gia đình kinh doanh ven đường rất ít khách. Theo anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ Q7), có khi ngay từ sáng sớm, vừa mở cửa đã thấy kẹt xe. Xe cộ ùn tắc kéo dài hàng cây số khiến người dân đi lại hết sức khó khăn. Tình trạng trên kéo dài nhiều năm qua, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Trên tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, mật độ phương tiện lưu thông cũng rất đông. Nhiều hôm, các phương tiện “chôn chân”, ken kín trên đường kéo dài khoảng 2 - 3km từ Nghĩa trang liệt sĩ đến cầu Tân Thuận 1.
Diện tích mặt đường Huỳnh Tấn Phát tương đối hẹp so với lưu lượng xe qua lại, trong khi là hướng lưu thông của nhiều cảng biển, có nhiều điểm giao cắt, nên việc hay diễn ra kẹt xe là tất yếu.
Trầm kha hướng cửa ngõ phía Đông
Kẹt xe nghiêm trọng nhất ở cửa ngõ phía Đông thành phố là từ QL13 (đoạn từ cầu Ông Dầu đến các giao lộ Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng)... Tại đây, dòng xe thường ken kín mặt đường, nhích từng chút để vào trung tâm thành phố.
Trong lúc ùn tắc, nhìn trên cao xuống, đoạn QL13 trông giống như có cả “biển” người và xe. Nhiều thời điểm, xe hơi, xe khách, xe buýt... phải dừng hẳn, trong khi xe máy “kèn cựa” nhau từng chút mặt đường, thậm chí lấn lên vỉa hè để cố thoát ra khỏi điểm ùn ứ.
Đường Đinh Bộ Lĩnh có nhiều điểm kẹt xe nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Cảnh (tài xế xe ôm) cho biết, đoạn đường từ vòng xoay dưới chân cầu Phạm Văn Đồng đi ngang qua Bến xe Miền Đông kéo dài đến đường Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) chỉ khoảng 2,5km, nhưng sáng nào giao thông ở đây cũng rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trên QL13, xe máy còn lấn sang làn ôtô, chen chúc, nhích từng mét. Dòng xe vừa thoát khỏi cảnh ùn tắc trên QL13 thì tiếp tục ùn ứ trước cổng Bến xe Miền Đông. Nghiêm trọng nhất là đoạn đường từ cầu Bình Triệu 2 đến đường Bạch Đằng, hàng nghìn phương tiện phải nối nối đuôi kéo dài, đặc kín.
Theo một người bán tạp hóa, kẹt xe ở khu vực này diễn ra hằng ngày. Thời điểm kẹt xe nhiều nhất là sáng sớm. Lúc này, lượng xe chở khách ra vào Bến xe Miền Đông rất lớn. Mỗi ngày, bến có hàng ngàn chiếc xe ra vào, càng làm cho ách tắc giao thông ở đây thêm nghiêm trọng.
Tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh giao cắt với đường Bạch Đằng cũng bị ùn ứ thường xuyên từ nhiều năm nay. Vào lúc cao điểm, dòng người đông đúc lái xe máy lên vỉa hè, bám đuôi nhau nhích lên từng chút.
Đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh quá hẹp, nhưng lượng người, xe tham gia giao thông quá đông. Hai tuyến đường này là “điểm thắt” giao thông ở cửa ngõ phía Đông thành phố, người dân mỗi ngày đi qua đây đều ngao ngán, mệt mỏi.
Anh Trần Minh Hội (ngụ Q.Bình Thạnh) nói: “Ngày nào tôi cũng chứng kiến cảnh xe hơi, xe máy... kẹt cứng tại đoạn đường này. “Nút thắt” giao thông ở Bến xe Miền Đông cũng như điểm giao giữa đường Bạch Đằng với đường Đinh Bộ Lĩnh là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kẹt xe kéo dài, gây ra nhiều phiền toái cho người dân”.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nhiều người dân cho rằng, ngành GTVT cần tổ chức phân luồng giao thông hợp lý hơn. Về lâu dài, cơ quan chức năng cần nghiên cứu xây dựng cầu vượt để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông một cách triệt để.
(CATP) Dự án mở rộng cửa ngõ Đông Bắc TPHCM (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, Quốc lộ 13) tại Q.Bình Thạnh và Thủ Đức đã triển khai từ 16 năm qua, thế nhưng dự án vẫn còn “nằm trên giấy”. Giao thông khu vực này thường xuyên rơi vào tình trạng ùn tắc.