“Canh bạc” giữa trùng khơi

Thứ Ba, 21/05/2019 17:09

|

(CATP) Do tàu thuyền càng ngày tăng mạnh, lại thêm tình trạng đánh bắt theo kiểu tận diệt nên nguồn tài nguyên biển hiện nay dần cạn kiệt. Mỗi chuyến ra khơi của ngư dân giờ chẳng khác một “canh bạc” giữa trùng khơi. Hải sản ít đi, nhân công hiếm, giá xăng, dầu tăng..., một số ngư dân đành phải chia tay với biển.

Mỗi chuyến ra khơi của ngư dân giờ chẳng khác một “canh bạc” giữa trùng khơi. Hải sản ít đi, nhân công hiếm, giá xăng, dầu tăng..., một số ngư dân đành phải chia tay với biển.

Ký ức vàng son

Tìm đến thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), hỏi nhà ông Tư Biểu (Nguyễn Văn Biểu, ngụ khu vực 2) tuổi gần “thất thập cổ lai hy”, từng là ngư dân có tiếng ở cửa biển lớn nhất phương Nam nên ai cũng biết.

Trong căn nhà khang trang, ông Tư Biểu hăng say kể về nghề gắn bó với cuộc đời mình. Ông sinh ra ở xứ biển. Lớn lên, ông Tư cùng trai tráng ra khơi đánh bắt.

“Lúc đó, cá tôm nhiều vô kể. Anh em chúng tôi phải lựa ra những loại cá lớn để chở vô bờ, còn cá nhỏ thả lại xuống biển. Thú thực không phải vì chúng tôi ý thức bảo vệ tài nguyên, mà cá nhiều quá nên chỉ lấy cá lớn. Có mẻ lưới cá vô đầy, kéo không nổi. Chúng tôi phải huy động anh em ở đất liền ra tiếp sức” - ông Tư nhớ lại.

Tàu cá nằm bờ chờ ra khơi ở ngư trường Kiên Giang.

Cũng như bao ngư dân khác, biển cho ông Tư có cá ăn, biển còn cho ông nhiều tài sản. Từ căn nhà khang trang đến việc dựng vợ, gả chồng cho con cái đều bắt nguồn từ nghề biển.

Những đứa con của ông Tư lớn lên, cũng tự hiểu và chọn theo nghề của cha mẹ. Ông Tư trầm ngâm: “Thông thường, mỗi con nước khoảng 15 ngày là cá ngập khoang tàu. Chủ tàu có thu nhập, đời sống ngư phủ sung túc”.

Ký ức về thời hoàng kim với nghề biển, ông Tư sở hữu tới 20 chiếc tàu công suất lớn đánh bắt ngoài khơi. Thấy một số ngư phủ có đời sống khó khăn, ông mua đất cất hơn 20 phòng trọ cho thuyền viên.

Khi tàu cập bến, nhà ông như công trường nghề cá, với gần 200 ngư phủ. Chưa kể còn vợ, con họ cũng tham gia lựa cá làm khô, vá lưới để mưu sinh.

Nói về nghề đi biển hiện nay, ông Tư cho biết, tài nguyên cá đã cạn kiệt, mỗi chuyến đi biển lên đến 40- 50 ngày. Có tàu còn neo đậu ngoài khơi, bán cá cho thương lái tại đó rồi tiếp tục đi đánh bắt cho đỡ tốn nhiên liệu.

Gia đình ông Tư hiện còn 12 chiếc tàu, với giá đầu tư khoảng 6 tỷ đồng/chiếc. Ông Tư thừa nhận, chỉ hoạt động cầm chừng cho đỡ nhớ biển.

Thuyền viên đánh bắt hải sản

Anh Lê Văn Ngẫu (thuyền trưởng, ngụ thị trấn Sông Đốc) cũng kể về nghề biển giàu tôm cá một thời với giọng hào hứng. Sau mỗi con nước, ngư phủ vào bờ, chủ tàu chia tiền rủng rỉnh. Họ lại đến những nhà hàng sang trọng để giải khuây. Lúc đó, thị trấn Sông Đốc nườm nượp người qua lại. Tiệm vàng, cửa hàng ăn uống... tha hồ hốt bạc.

Ngư dân Trần Văn Tuấn (ngụ TP.Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết, sự nghiệp của ông gắn liền với những chuyến ra khơi. Mỗi chuyến tàu cập bến đều đầy cá tôm. Có tiền, ông mua thêm tàu đánh bắt lên đến hàng chục chiếc.

Rời biển trong tiếc nuối

Tiếp xúc phóng viên, nhiều ngư dân thừa nhận: “Bây giờ, đi biển khó khăn lắm! Tàu phải đi xa, đánh bắt nhiều ngày mới bù chi phí là may mắn lắm rồi”.

Ông Tư Biểu cho biết, trung bình mỗi chuyến ra khơi chi phí hàng trăm triệu đồng. Có lúc chủ tàu trắng tay. Đời sống của các thuyền viên chật vật. Ngư dân ví mỗi chuyến ra khơi giống như... “đánh bạc” giữa đại dương.

“Tài nguyên biển đã cạn kiệt, tàu công suất nhỏ đánh bắt không còn một thứ gì, cá nào lớn nổi? Một số chủ tàu nghe lời “cò” thủy sản “mua mặt nước đánh bắt bên nước bạn”. Có người bị trắng tay, thậm chí có người còn bị tù tội” - ông Tư nói.

Anh Trần Văn Thương (ngư dân ở cửa biển Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu) nhẩm tính: Mỗi chuyến anh ra khơi đánh bắt cá cơm khoảng 45 ngày, tốn khoảng 7.000 lít dầu. Cộng thêm chi phí thức ăn, nước đá, nhân công... gần 200 triệu đồng.

“Có chuyến, tôi thu về chưa được 100 triệu. Nợ tiền thuyền viên, tiền nhiên liệu, tôi đang tính chuyện giải nghệ” - anh Thương nói với giọng buồn xo.

Mỗi con nước, tàu thuyền cập bến tại cửa biển Sông Đốc.

Ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) có hàng trăm người dân sống bằng nghề đi biển, thế nhưng không khí khá vắng lặng. Những làng cá khô nối tiếp nhau không còn, dưới bến sông, tàu thuyền không còn tấp nập như trước.

Ông Nguyễn Văn Em (Ấp đội trưởng Mỏ Ó) cho biết, khu dân cư này có 136 hộ, với hơn 500 nhân khẩu, sống chủ yếu nghề biển, nhưng bây giờ cá cạn kiệt, phần lớn thanh niên đã chuyển đổi nghề, bỏ xứ đi làm thuê rất nhiều, ở nhà chỉ còn người già và trẻ nhỏ.

“Trước đây, số tàu đánh bắt ít mà nguồn lợi thủy sản nhiều, đem lại nguồn thu nhập cao. Khi đó, người dân ùn ùn xin vào làm ngư phủ. Còn bây giờ, chủ tàu sắm được tàu, nhưng kiếm được ngư phủ rất khó khăn, vì thu nhập lao động trên tàu cá không cao, trong khi công việc rất nguy hiểm, nặng nhọc, nhiều người bỏ nghề” - Ông Văn Em nói.

Theo người dân địa phương, đi một chuyến biển thu nhập ăn chia theo năng suất lao động, trung bình 6 - 7 triệu đồng/ người, tàu đạt năng suất cao thì 8 - 9 triệu đồng/người.

Trong khi đó, nếu làm thợ hồ một ngày cũng được 300 ngàn đồng, lại được ở gần gia đình nhiều hơn. Thuyền viên bỏ nghề, thuyền trưởng chuyển đổi liên tục, từ câu mực, rồi kéo lưới cá cơm..., nhưng cũng thu không đủ bù chi.

Nguyên nhân do đâu?

Đi tìm hiểu nguyên nhân nghề cá đã không còn hấp dẫn như xưa, chúng tôi tìm ra câu trả lời. Trước hết, hiện nay tàu cá quá đông, nguồn lợi thủy sản khai thác không kịp để hải sản sinh sôi.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, tỉnh có gần 5.000 tàu cá, khoảng phân nửa có công suất 90 CV trở lên, có khả năng khai thác xa bờ.

Công an tỉnh Cà Mau thu giữ nhiều tang vật xung điện được dùng để đánh bắt thủy sản kiểu tận diệt

Tỉnh Cà Mau có kế hoạch đến năm 2020, giảm tàu có công suất dưới 20 CV từ 29% xuống còn khoảng 11%, tăng dần tàu có công suất 20 - 90 CV từ 37% lên 40%, tăng tàu có công suất từ 90 CV trở lên từ 34 - 49% để đạt sản lượng khai thác đạt 160.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn tôm.

Tại ngư trường vùng biển Cà Mau, không chỉ có đội tàu của tỉnh mà còn hàng ngàn tàu của các tỉnh khác, kể cả các tỉnh miền Trung vào đánh bắt.

Tỉnh Bạc Liêu có 1.160 phương tiện khai thác thủy sản có đăng ký, đăng kiểm, giải quyết việc làm, thu nhập cho gần 7.000 lao động trên biển, năng lực khai thác thủy sản hơn 110.000 tấn/năm. Ngư trường Kiên Giang có 10.776 tàu đánh cá hoạt động và hơn 2.000 tàu cá từ các tỉnh khác đăng ký hoạt động tại ngư trường Kiên Giang.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trữ lượng khai thác thủy sản của vùng Nam bộ là 400 ngàn tấn/năm, khả năng khai thác duy trì nguồn lợi bền vững là khoảng 200 ngàn tấn/năm, nhưng người dân đánh bắt gần hết trữ lượng, sản lượng.

Sở NN&PTNT Kiên Giang cho rằng, khai thác hải sản địa phương này có gần 20 loại nghề, nhưng chủ yếu là 4 nghề chính: lưới rê, lưới kéo, lưới vây và nghề câu. Trong đó, sản lượng khai thác chủ yếu là nghề lưới kéo, chiếm hơn 75% tổng sản lượng khai thác của tỉnh. Nghề lưới kéo khai thác không có tính chọn lọc cao, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi hải sản.

Một cán bộ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang thừa nhận: “Nguồn lợi không thể phục vụ kịp, tàu thuyền đánh bắt liên tục. Do đó, năng suất không còn cao, dẫn tới hiệu quả đánh bắt thấp đi, không có lời, làm giảm thu nhập của người lao động”.

Đến nay, số tàu đánh cá của tỉnh Kiên Giang đã giảm hơn 1.000 chiếc so với thời điểm đầu năm 2013, phần lớn là tàu công suất nhỏ. Đây là tín hiệu đáng mừng, phù hợp với quy luật. Thời gian tới, tỉnh giảm nghề lưới kéo và khai thác ven bờ, phát triển nghề lưới rê theo hướng xa bờ. Giảm sản lượng khai thác từ 765.275 tấn (năm 2017) xuống mức 500.000 tấn vào năm 2020 (giảm gần 35%). Đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngư dân.

Bộ NN&PTNT vừa có quyết định giao hạn ngạch 31.541 giấy phép khai thác hải sản vùng khơi, yêu cầu các địa phương ven biển cấp cho 100% tàu trước tháng 7-2019. Trong đó, tàu đánh bắt hải sản 29.408 giấy phép (tương đương số tàu khai thác xa bờ), tàu dịch vụ hậu cần đánh bắt là 2.133 giấy phép. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với các lực lượng khác tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trên biển.

Bình luận (0)

Lên đầu trang