Thú chơi tẩu vừa “men” vừa “lỳ”

Thứ Tư, 15/05/2019 15:29

|

(CATP) Trên nhiều ngóc ngách của vùng đất Sài Gòn hiện nay, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những “quý ông” với chiếc tẩu sành điệu trên tay. Không chỉ những quán cà phê sang chảnh ở khu vực hồ Con Rùa, các đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi (Q1)..., mà tại những nhà hàng, quán ăn, thậm chí vỉa hè đều xuất hiện các “tẩu thủ”. Đó là từ được nhiều người hút tẩu tự ví von về mình với vẻ hài hước.

KỲ 1: THẾ GIỚI CỦA CÁC "TẨU THỦ"

Quán dzị và khói

Người đàn ông ngồi một mình trong quán cà phê. Thỉnh thoảng, anh này lại đưa chiếc tẩu đang cầm lên môi hút nhẹ. Từng làn khói tỏa ra bao quanh người đàn ông, vẻ trầm tư nhẹ nhàng, đối lập với không gian tất bật, vội vã của dòng người, xe ngoài đường.

Tôi mượn chiếc tẩu, ngắm những đường vân rất thanh trên vỏ rồi trầm trồ: “Đẹp quá! Chiếc này chắc không rẻ hả anh?”. Người đàn ông thản nhiên nói: “Chiếc kiểu dáng Bulldog này xuất xứ từ một nghệ nhân nổi tiếng người Nga tên Viktor Yash, giá 3.000 đô”.

Trước vẻ choáng váng của tôi về chiếc tẩu có giá lên tới gần bảy chục triệu đồng, anh Phạm Quang (chủ của chiếc tẩu) khẽ cười: “Không có gì ghê gớm đâu em! Có những chiếc tẩu khác còn đắt gấp nhiều lần, thậm chí đắt đến mức không tưởng”.

Điều gì ở chiếc tẩu be bé đó lại ẩn chứa sức quyến rũ nhiều “quý ông” đến thế? Liệu có giống những trào lưu khác, thế giới các “tẩu thủ” cũng chứa đựng biến tướng phức tạp? Không đâu có thể tìm được câu trả lời chính xác hơn ở “hang ổ” của các “tẩu thủ”.

Tẩu có vóc dáng độc chiêu.

Một đặc trưng độc đáo ở thú chơi tẩu là người chơi ở “cảnh giới” cao có thể tìm vui khi ở một mình cùng tẩu. Nhưng từ khi trào lưu hút tẩu bùng nổ, rất nhiều địa điểm tụ tập để các “tẩu thủ” gặp nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, luận bàn, mua thuốc, mua tẩu... xuất hiện. Địa điểm nổi bật nhất hiện nay phải kể đến hai quán cà phê của người chơi tẩu sành điệu: Dzị và Khói.

Chiều chủ nhật trung tuần tháng 3-2019, tôi được một “tẩu thủ” dắt đến quán Dzị trên đường Nguyễn Trung Trực (Q1). Quán nhỏ, không có gì bắt mắt như nhận xét của nhiều người đi uống cà phê bình thường. Người bạn cho biết, sở dĩ Dzị được nhiều người biết đến do chủ quán là một “tẩu thủ” nổi tiếng, với bộ sưu tầm khoảng 500 cái tẩu đủ loại từ các quốc gia trên thế giới.

Không gian Dzị nhỏ, trên tường treo nhiều chân dung của những nhân vật lừng danh trên thế giới có thú chơi tẩu, như: Che Guevara, Albert Einstein, Stalin... Đối diện bàn tôi có một cậu thanh niên trẻ, cầm trên tay “con tẩu” Ring Grain của Dunhill. Cậu này châm lửa, rít sâu, ém khói rồi phả ra mù mịt, mắt lim dim như đang... “phê”.

Cậu ta đang tận hưởng cảm giác thì bị cắt ngang giữa chừng. Một người đàn ông trung niên tiến tới, nói với vẻ tức giận: “Cậu hút kiểu đó thì sao không ra ngoài kia mua thuốc lá mà hút? Phí tẩu!”. Cậu này giật mình vì bị phá ngang, nhưng vẫn ráng kiềm chế: “Anh nói vậy là sao?”.

Người đàn ông vẫn không hạ giọng: “Hút tẩu là để thư giãn, ngậm tẩu là để cho vui. Hút lấy hút để như cậu thì không nên hút, nhìn nó... hèn cái tẩu đi!”. Cậu này đỏ mặt: “Nếu hút thuốc mà không ém, không rít, không nhả thì hút làm gì? Như ông mới là phí thuốc”.

Một tẩu độc chiêu.

Tình hình khá căng thẳng. Tôi lấy điện thoại định chụp hình thì người bạn đi cùng vội kéo ra ngoài, nói: “Coi chừng vạ lây! Vả lại cũng không nên để ý, chuyện tranh cãi giữa phái Inhale (rít vào) và phái Not Inhale (không rít vào) đã tồn tại từ rất lâu, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Đến nay, vẫn chưa ngã ngũ. Vẫn còn tranh cãi nảy lửa, tóe khói mỗi khi đụng độ...”.

Rời quán Dzị, người bạn dẫn tôi đến quán Khói - một điểm tụ tập khác của các “tẩu thủ” trên đường Nguyễn Trãi. Theo lời người bạn thì Khói là nơi kinh doanh tẩu và thuốc khá đàng hoàng hiện nay, trong một thị trường vô cùng lộn xộn. Không gian quán ấm cúng, nhẹ nhàng, nhưng khi bước vào, chúng tôi lại tiếp tục nghe cuộc đấu khẩu khác giữa một “dân ngoại đạo” có lẽ vô tình lạc vào đây chơi và một “tẩu thủ”.

Anh chàng “ngoại đạo” khăng khăng: “Hút tẩu vừa phiền, vừa mệt, không hợp với thời buổi năng động hiện đại”. Còn “tẩu thủ” luống tuổi lại bảo vệ lý tưởng của mình một cách ý nhị, sâu cay bằng cách trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà văn lừng danh Nikos Kazantzakis: “Hãy “cưới” em tẩu này, đó là người vợ thủy chung son sắt, khi về nhà, người vợ ấy luôn chờ đợi cậu”.

Có vẻ như các “tẩu thủ” rất khoái cãi nhau, cách cãi của họ cũng đầy... trí tuệ. Như “tẩu thủ” này, việc ví điếu thuốc lá cháy vèo như người tình thoảng qua và chiếc tẩu như người vợ nghĩa tình, nghe rất lạ, dù trong chiếc túi đựng tẩu đắt tiền của ông ta lúc này có đến hơn chục “bà vợ”.

Chục “củ” vẫn chơi

Khi người chơi đạt trình “tay chơi” và khi cuộc chơi đạt trình nghệ thuật đòi hỏi lắm công phu. Tẩu cũng không ngoại lệ, nếu không muốn nói đó là một thú chơi rất cầu kì, tốn kém. Khi giao tiếp với những người chơi tẩu, thoạt đầu tôi rất ngạc nhiên khi nhận thấy ai cũng sở hữu khá nhiều tẩu, từ bảy, tám đến hàng chục cái trở lên.

Tìm hiểu sâu hơn, tôi mới nhận ra thói quen ấy không phải là sự khoe mẽ hay tham lam, mà là do đặc trưng của loại hình công cụ để hút thuốc lá này. Các “tẩu thủ” một khi đã “hành tẩu” - tức bước chân vào cuộc chơi thì không ai không biết đến chuyện phải... “nuôi” tẩu và “luyện” tẩu.

"Đồ nghề" chơi cùng tẩu.

Như lúc này đây, nhìn những động tác vệ sinh tẩu (một trong những công đoạn “nuôi” tẩu) của anh Phạm Quang, người sở hữu nhiều chiếc tẩu hàng hiệu và cũng có thâm niên chơi tẩu 20 năm qua, tôi nhận ra thú chơi tẩu không dành cho những người thiếu thời gian và không kiên nhẫn.

Từ động tác tháo thuốc ra khỏi tẩu, gõ nhẹ để không hư tẩu, đến việc dùng cây thông làm sạch nòng, dùng loại khăn giấy đặc biệt lau thành tẩu rồi gác tẩu lên, cho tẩu nghỉ ngơi... tất cả đều được tiến hành một cách tỉ mỉ, chậm rãi và đầy say mê.

Anh Quang cho biết: Thời gian lý tưởng cho một chiếc tẩu nghỉ ngơi sau một cối thuốc là 72 tiếng. Vì nếu không cho tẩu nghỉ, hút liên tục sẽ bị khét hoặc đắng. Do đó, người chơi tẩu phải có nhiều tẩu để cho tẩu này nghỉ mà vẫn có tẩu khác để hút lúc thèm.

“Nuôi” tẩu đã vậy, “luyện” tẩu còn cần sự tinh tế hơn nhiều. Một chiếc tẩu loại nào phải phù hợp với hiệu thuốc nào, tuyệt đối không nên dùng tẩu hút thuốc mộc chung với thuốc thơm, phần “cake” dính trên tẩu nên cạo chỉ chừa chừng 1 - 2mm để tẩu ngon, không bị tắc nghẽn...

Tất cả đều đòi hỏi sự am hiểu, đam mê cao, nhưng phần thưởng thì không gì sánh bằng, bởi với bất kỳ “tẩu thủ” nào, còn gì tuyệt vời bằng “luyện” thành công một chiếc tẩu và hút được cối thuốc hoàn hảo, như ý?

Nói vậy, phải chăng thú chơi tẩu chỉ dành cho những người túi rủng rỉnh? Không hẳn. Một người chơi tẩu vẫn có thể “liệu cơm gắp mắm”. Nhiều tiền ư? Không cần phải bàn tới, vì khi ấy bạn có ngồi ở nhà thì vẫn nằm trong tầm ngắm của dân mua bán tẩu. Sẽ có người tìm cách tiếp cận đến máy tính, điện thoại của bạn để chào mời, giới hiệu hàng. Còn nếu tài chính hạn hẹp? Bạn vẫn có thể chọn cho mình loại tẩu dưới 100 USD/chiếc và nếu biết cách bảo vệ tẩu, “nuôi” tẩu thì bạn vẫn có thể có được cối thuốc ngon. Quan trọng là thần thái!

Tuy nói vậy, nhưng thường thì sau thời gian “hành tẩu”, các “tẩu thủ” có điều kiện kinh tế hạn hẹp sẽ chỉ có hai ngã rẽ: Một là bỏ hút tẩu, hai là làm được bao nhiêu, đổ cả vào tẩu và xem đó như thú vui duy nhất. Bởi lẽ một bộ tẩu đủ để hút, tuy bình dân cũng không dưới ngàn đô.

Chưa kể việc khi đi hút cùng các “tẩu thủ” khác, việc cứ xài mãi một loại tẩu, loại thuốc, loại hộp quẹt rẻ tiền sẽ dễ dẫn đến mặc cảm ngậm ngùi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang