Những người 20 năm thầm lặng nối nhịp yêu thương

Chủ Nhật, 19/05/2019 18:02

|

(CATP) Không xuất hiện để nói về những đóng góp của mình, nhưng hàng tháng những con người ấy vẫn âm thầm góp nhặt từ thu nhập của chính mình, quyên góp và kêu gọi những  đồng chí, đồng đội, những người cùng cảnh về hưu chung tay đóng góp để vun vén cho những con người mà sinh ra đã không may mắn.

Và dưới sự chăm sóc của những con người ấy, đã có rất nhiều những mảnh đời bất hạnh trở thành những tấm gương sáng đầy nghị lực như cô gái Huỳnh Thị Xậm - người vẽ tranh bằng một bàn chân chỉ có hai ngón của bàn chân phải là có thể cử động được; hay Cao Ngọc Hùng-  vận động viên khuyết tật đi lên từ đôi chân bại liệt hoặc lực sĩ cử tạ Lê Văn Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời với đôi chân bé tẹo, teo tóp...

Đồng hành cùng những số phận kém may mắn

Hẳn nhiều người vẫn còn rất ấn tượng, khi xem một chương trình của Truyền hình Công an nhân dân phát sóng câu chuyện thấm đẫm nước mắt về người phụ nữ đầy nghị lực Huỳnh Thị Xậm (40 tuổi, quê xã Xà Phiên, H.Long Mỹ, Hậu Giang).

Theo lời chị Xậm, khi sinh ra đã là người bị bị tật cả tay lẫn chân và chỉ có 4 ngón của một bàn chân cử động được. Năm 15 tuổi cô vẫn chưa được đến trường và mới chỉ tự ngồi được và bắt đầu đến trường học vỡ lòng những vẫn theo học đến hết lớp 12.

Chị Huỳnh Thị Xậm (trái) - một trong ba phụ nữ Việt Nam trong tổng số 100 phụ nữ trên toàn thế giới là phụ nữ tiêu biểu năm 2017.

Khi đến với Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM trực thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM, Huỳnh Thị Xậm đã được các thầy cô, những người má như Má Mẫn (bà Nguyễn Thị Mẫn, nguyên Giám đốc Trung tâm phục hồi trẻ suy dinh dưỡng Bộ LĐTB&XH, hiện là Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM) má Kim Cương (NSND Kim Cương, Phó Chủ tịch thứ nhất nhiệm kỳ 2011-2015, một trong những người tham gia Ban vận động trong những ngày đầu tiên để thành lập Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi, là thành viên BCH Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi từ ngày thành lập) tạo điều kiện, luôn hết lòng động viên để chị Xậm theo học tại Đại học Mở TPHCM.

Hiện nay, chị Xậm đang là quản lý thư viện của Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM. Công việc và sự rèn luyện của Xậm để trở thành con người có tấm lòng nhân ái, một con người biết tiếp nhận và biết cho của chị đã làm lay động không ít bạn trẻ trên thế giới thông qua những phóng sự.

Chị đã từng được hãng thông tấn BBC (Anh quốc) vinh danh một trong ba phụ nữ Việt Nam trong tổng số 100 phụ nữ trên toàn thế giới là phụ nữ tiêu biểu năm 2017 và đài NHK của Nhật bản trong chương trình: “Câu chuyện của cô ấy” vinh danh người phụ nữ khuyết tật sống hết lòng vì người khuyết tật khác (năm 2018) được Hội LHPNVN bình chọn và tặng danh hiệu “Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam” năm 2006...

Với cơ thể khiếm khuyết nhưng bằng ý chí hơn người, VĐV quê Quảng Bình đã làm nên lịch sử cho điền kinh khuyết tật Việt Nam với tấm huy chương đồng đầu tiên ở Paralympic, đó là chàng vận động viên Cao Ngọc Hùng.

Sinh ra như bao đứa trẻ bình thường khác, năm lên 2 tuổi, cơn sốt bại liệt đã khiến đôi chân Hùng không còn lành lặn nhưng với niềm đam mê, hăng say luyện tập, Hùng đã tham gia thi đấu nhiều giải thể thao người khuyết tật toàn quốc, Đông Nam Á – Asean Paragames VIII, giải thể thao Bắc Kinh ….. đều đạt huy chương.

Đặc biệt giải thể thao thế giới PARALYMPIC RIO 2016 tại BRAZIL VĐV Cao Ngọc Hùng đã giành tấm Huy chương Đồng Pralympic lần đầu tiên trong lịch sử điền kinh người khuyết tật Việt Nam về môn ném lao.

Hiện nay, Hùng cùng vợ cũng là vận động viên Nguyễn Thị Hải vốn là đồng đội của nhau trong đội điền kinh đang tham gia sinh hoạt chung trong câu lạc bộ Hướng Nghiệp khuyết tật trẻ và họ đã có một gia đình hạnh phúc.

Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công bị khuyết tật bẩm sinh từ lúc chào đời, đôi chân bé tẹo, teo tóp là di chứng để lại khi mẹ anh mang bầu nhiễm sốt xuất huyết cũng đặt chân đến TPHCM và lớp học đầu tiên của anh tại TPHCM chính là lớp học vi tính tại CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ của TP và sau đó anh chuyển qua ngành sửa chữa, lắp ráp điện tử.

Anh đã được người thầy Trần Văn Trung - Chủ nhiệm CLB Khuyết tật trẻ giới thiệu vào tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe tại CLB cử tạ Trung tâm Văn hóa – quận Tân Bình. Từ đây, anh đã liên tục gặt hái nhiều thành công khi anh 3 lần phá kỷ lục thế giới và đoạt huy chương vàng tại ASEAN Para Games, Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á vào năm 2014 và tại giải vô địch châu Á năm 2015.

Thành tích đỉnh cao nối tiếp thành tích, lực sĩ cử tạ Lê Văn Công đạt huy chương vàng ở hạng cân 49 kilogram tại Đại hội Thể thao Người khuyết tật Thế giới Paralympic Rio de Janeiro 2016. Với thành tích xuất sắc nêu trên, ngày 17 - 10 - 2016 anh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất. Năm 2017, Công tiếp tục giành Huy chương vàng Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á tại Malaysia và Huy chương vàng vô địch thế giới tại Mexico...

Lực sĩ cử tạ Lê Văn Công - một trong những cá nhân tiêu biểu đã từng trưởng thành tại CLB Hướng nghiệp khuyết tật trẻ của TP.

Những đóng góp lặng thầm

Có thể nói, bên cạnh những con người nỗ lực phi thường ấy, những đóng góp của những con người đang chung tay vì những người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM. Những con người đang lặng thầm tận lực đóng góp công sức vì những người khuyết tật ấy, có thể kể đến linh mục Nguyễn Ngọc Sơn- nguyên Tổng thư ký Ủy ban Công Lý và Hòa Bình, Hội đồng giám mục Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Mẫn, linh mục Nguyễn Ngọc Sơn đã tham gia ban chấp hành Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020. Ông đã tập họp trên 100 bác sỹ, nha sỹ, y tá, điều dưỡng đã nghĩ hưu và đang làm việc, xây dựng được một số nhà bảo trợ mạnh để cùng tham gia làm từ thiện.

Hằng năm ông tổ chức từ 5-7 đợt khám bệnh để giới thiệu đi trị bệnh, phát thuốc và quà cho người khuyết tật mồ côi và người nghèo của thành phố, các tỉnh vùng sâu vùng xa. 8 năm qua, ông và các thành viên Ban Y tế xã hội của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM chăm lo cho 43.508 người khuyết tật và trẻ mồ côi, người nghèo với số tiền gần 20 tỷ đồng; giới thiệu và đã được phẩu thuật mắt, chỉnh hình cho trên 300 cháu...

Trong số những con người đã gắn bó với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM, nay đã có người đã đi xa như cố giáo sư Lý Chánh Trung - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật thành phố, người đã tham gia ban vận động thành lập Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố; ông Dương Quang Trung, nguyên Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố, Giám đốc Trung tâm đào tạo bồi dưỡng cán bộ y tế thành phố- Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới...

Những câu chuyện và những đóng góp của họ trong suốt 20 năm kể từ ngày thành lập tổ chức xã hội này, cho tới nay vẫn được những thế hệ sau nhắc đến như một sự tri ân vì những đóng góp lặng thầm của họ.

Trong 20 năm kể từ khi thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TPHCM đã chăm lo cho 3311 người khuyết tật và trẻ mồ côi được đào tạo nghề và 1.820 người tìm được việc làm ổn định trong các công ty xí nghiệp, cơ quan, 1.210 người tự tạo việc làm tại nhà hoặc theo nhóm, 136 người được trở lại đời thường như những người lành lặn khác nhờ phẩu thuật chỉnh hình, nhờ phẩu thuật mắt 385 cuộc đời của người khuyết tật và trẻ mồ côi sang trang mới, có hạnh phúc mới (98 cặp đôi nên duyên vợ chồng).
Tạo nên những điều kỳ diệu đó chính là có sự đóng góp tiền của vật chất của đông đảo các tập đoàn, doanh nhân, đơn vị làm từ thiện nhân đạo trong nước và nước ngoài.

Bình luận (0)

Lên đầu trang