Nhân Ngày thế giới không thuốc lá (31-5):

“Bó tay” xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng

Thứ Sáu, 31/05/2019 15:09

|

(CATP) Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành từ năm 2012, nghiêm cấm các hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, như: bệnh viện (BV), trường học, nơi làm việc, phương tiện giao thông công cộng...

Đến nay đã gần 7 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực, tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng vẫn ngang nhiên diễn ra như một căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa, gây nhiều hệ lụy và bức xúc trong dư luận.

LUẬT CÓ, KHÓ XỬ PHẠT!

Có mặt tại khu vực phà Cát Lái nối giữa Q2 (TPHCM) với H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) vào trưa 29-5- 2019, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người đang phì phèo thuốc lá. Dù khu vực nhà chờ lẫn trên phà đều có những tấm biển cấm hút thuốc treo ở chỗ dễ nhìn thấy nhất, nhưng dường như những người nghiện thuốc lá chẳng mấy ai chịu chấp hành.

Chỉ một chuyến phà chạy từ Q2 chạy qua H.Nhơn Trạch, chúng tôi đếm được tới 14 người cùng “phà phà” khói thuốc. Thậm chí có người chở theo vợ và 2 con nhỏ trên xe, nhưng vẫn vô tư nhả khói. Giữa cái nắng buổi trưa oi bức, nhiều phụ nữ vừa bước lên phà, chưa kịp cởi khẩu trang, phải vội vàng dùng tay bịt mũi bởi khói thuốc lá bay mù mịt.

Vô tư hút thuốc lá trên phà Cát Lái (Q2), không chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng mà còn tăng nguy cơ cháy, nổ trên phà

Nghiêm trọng hơn, nhiều người sau khi hút thuốc xong, vứt thẳng tàn thuốc đang cháy xuống sàn phà, làm nhiều hành khách tỏ ra lo lắng trước nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Thấy chúng tôi đưa máy ảnh lên chụp hình, một nhân viên làm việc trên phà Cát Lái cho biết, tình trạng vô tư hút thuốc trên phà này diễn ra nhiều năm qua. Dù lực lượng bảo vệ, nhân viên trên phà liên tục nhắc nhở, nhưng ý thức chấp hành của người dân vẫn rất kém, không cải thiện được là bao!

Chỉ vào tấm bảng nội quy gắn trên phà, nam nhân viên này cho biết: Điều 4 của Nội quy phòng cháy - chữa cháy trên phà Cát Lái ghi rõ “cấm tuyệt đối thuyền viên và hành khách sử dụng lửa, hút thuốc trên phà”. Thế nhưng mỗi lần bước chân lên phà, nhiều hành khách vẫn bị ngộp thở với khói thuốc lá. Ngay khi hành khánh vừa xuống khỏi phà, người này lấy chổi quét một vòng, được cả đống đầu lọc thuốc lá. Trong thùng rác vỏ gói thuốc lá và tàn thuốc cũng rất nhiều.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn (Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý phà Thanh niên xung phong - quản lý phà Cát Lái) cho biết, thời gian qua, đơn vị nhận được rất nhiều phản ánh của người dân bức xúc trước tình trạng hút thuốc trên phà. Điều này không chỉ gây khó chịu cho hành khách cùng đi trên phà, mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất lớn.

“Theo Điều 23, Nghị định 176/2013/ND-CP, hành vi hút thuốc trên phà có thể bị phạt từ 100 - 300 ngàn. Tuy nhiên, bến phà không có chức năng xử phạt nên chúng tôi chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở. Nếu nhắc nhở mà họ không chấp hành thì chúng tôi cũng đành... “bó tay”.

Trong những buổi làm việc với thành phố, chúng tôi đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét lại việc quy định chức năng xử phạt cụ thể cho từng đơn vị, để luật áp dụng được vào cuộc sống. Chứ như hiện nay, dù quy định xử phạt đã có, nhưng không áp dụng được thì cũng như không!” - Ông Tuấn nói.

Tương tự, tại BV Ung bướu TPHCM, phóng viên không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cảnh hàng trăm bệnh nhân đang phải vật lộn với bệnh ung thư, đấu tranh từng giây, từng phút với “thần chết” để giành giật sự sống, lại có nhiều người thiếu ý thức, ngang nhiên hút thuốc lá. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ đứng quan sát trước cổng BV này, chúng tôi đếm được gần 20 trường hợp phì phèo thuốc lá. Nhiều người còn ngang nhiên hút thuốc ngay trong khu vực... chờ khám bệnh.

Mặc dù trong khuôn viên BV có treo nhiều bảng cảnh báo khu vực cấm hút thuốc, lực lượng bảo vệ cũng thường xuyên nhắc nhở, nhưng nhiều người nghiện thuốc lá vẫn không chấp hành. Thậm chí có trường hợp bị bảo vệ vừa nhắc nhở chỗ này, liền đi sang chỗ khác... tiếp tục hút thuốc. Đây cũng là tình trạng chung đang diễn ra ở hầu hết các địa điểm công cộng khác.

“KẺ GIẾT NGƯỜI” THẦM LẶNG

Tại buổi tọa đàm “Giải pháp nào để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá” tổ chức tại TPHCM mới đây, bà Lê Thị Thu (Quản lý chương trình kiểm soát thuốc lá và phòng chống bệnh không lây nhiễm thuộc tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam) trích dẫn nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, thuốc lá có 7.000 chất hóa học. Trong đó, có khoảng 70 chất gây ung thư và chất nicotin gây nghiện. Thuốc lá là tác nhân gây ra 7,1 triệu ca tử vong mỗi năm. Trong số đó, có tới 900.000 ca tử vong do hút thuốc thụ động từ những người xung quanh. Tổn thất do thuốc lá gây ra lên đến 1.400 tỷ USD/năm, chiếm 1,8 GDP của thế giới.

GS-BS Nguyễn Chấn Hùng (Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam) cho biết, khói thuốc lá là một trong những tác nhân gây ra đến 15 loại bệnh ung thư. Trong đó, nghiêm trọng nhất là bệnh ung thư phổi, có tới hơn 90% người mắc bệnh này liên quan đến thuốc lá.

“Đây là loại ung thư thường gặp nhất và là “sát thủ” mạnh tay nhất trên toàn cầu. Đáng chú ý, không chỉ những người hút thuốc lá mà cả những người hít phải khói thuốc từ những người xung quanh (hút thuốc lá thụ động), trong đó đa phần là phụ nữ và trẻ em, có nguy cơ mắc ung thư phổi cao hơn hơn 20% so với những người hút trực tiếp” - Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng nói.

Nhiều người hút thuốc lá trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Theo thống kê, hơn 96% người ung thư phổi có hút thuốc lá

THU THUẾ KHÔNG ĐỦ BÙ THIÊT HẠI TỪ THUỐC LÁ

Theo PGS-TS Vũ Xuân Phú (Phó giám đốc BV Phổi Trung ương), tại Việt Nam, hiện có khoảng 33 triệu người bị hút thuốc lá thụ động. Thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra 40.000 ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam. “Nhiều người nói ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp tiền thuế lớn vào ngân sách nhà nước, nhưng thực tế, tổn thất do tác hại của thuốc lá lớn hơn số tiền đóng góp vào ngân sách của ngành công nghiệp thuốc lá” - ông Phú khẳng định.

Sáng 26-5 vừa qua, tại vườn hoa Lý Thái Tổ (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội), Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5-2019 với chủ đề: “Thuốc lá và các bệnh về phổi”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Viết Tiến (Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, Ủy viên thường trực Hội đồng quản lý liên ngành Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá) nhấn mạnh, tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Số tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao. Hút thuốc thụ động còn là nguyên nhân gây các bệnh về phổi đối với trẻ em.

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá), với sự hỗ trợ của Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, đến nay, cả nước đã có 1.560 cơ quan hành chính nhà nước, 10.000 trường học, 4.442 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã phê chuẩn tham gia Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào năm 2012. Trong đó, có nhiều quy định nhằm kéo giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, do những bất cập trong quy định của pháp luật nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn.

Từ khi có luật đến nay, mới xử phạt khoảng 40 trường hợp

Ông Ngô Huy Toàn (Trưởng phòng Thanh tra báo chí và thông tin trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông) thừa nhận, do có những bất cập nên việc thực thi pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá thời gian qua chưa nghiêm.

Đơn cử quy định nghiêm cấm quảng cáo thuốc lá dưới mọi hình thức, kể cả việc sử dụng tên, nhãn hiệu, biểu tượng của các sản phẩm thuốc lá với các sản phẩm, dịch vụ không liên quan đến thuốc lá. Tuy nhiên, các vi phạm như: trưng bày thuốc lá không đúng quy định ở các điểm bán thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến; hoạt động tiếp thị thuốc lá ở quán ăn, nhà hàng hầu như không kiểm soát được; chưa kể các công ty thuốc lá sử dụng nhiều cách thức đối phó để quảng cáo, tiếp thị thuốc lá...

Về việc xử phạt những người hút thuốc lá nơi công cộng, ông Toàn cho biết, theo số liệu ông nắm được, từ khi có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến nay, cả nước mới chỉ xử phạt được khoảng 40 trường hợp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang