Những mối nguy tiềm ẩn trong các dãy nhà trọ

Thứ Tư, 29/05/2019 15:40

|

(CATP) Phần lớn sinh viên, công nhân ở TPHCM, Bình Dương... sống tại các phòng trọ.

Nói đến cảnh sinh hoạt ở các nhà trọ, người ta dễ dàng hình dung ra cuộc sống đầy khó khăn trong không gian chật chội, thiếu thốn và muôn vàn chuyện phức tạp, bức bối...

1.001 chuyện... khổ!

Qua khảo sát các khu nhà trọ tại TPHCM và Bình Dương, hầu hết các phòng diện tích đều nhỏ hẹp, lối đi lại cũng chật chội do chủ nhà trọ tận dụng hết phần đất có thể để tăng doanh thu. Phòng trọ thường có 2 dạng: khép kín và không khép kín. Loại phòng khép kín có phòng vệ sinh bên trong, loại phòng còn lại sử dụng khu vực vệ sinh chung bên ngoài, bất tiện hơn.

Những dãy phòng trọ nhỏ hẹp, chật chội

Chúng tôi đến những khu nhà trọ tại P.Bình Chiểu (Q.Thủ Đức, TPHCM). Đường đi lại rất khó khăn, nước tù đọng, bẩn thỉu. Trong một hẻm nhỏ ở đây, phòng trọ dày đặc, với 2 dãy song song. Khoảng cách giữa hai dãy chừng 1,5m, chỉ cần dựng chiếc xe máy là chắn gần hết lối qua lại. Các phòng được lợp bằng tôn, những buổi nắng gắt ở đây rất nóng nực, ngột ngạt.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hải (quê Khánh Hòa) vào TPHCM làm công nhân cho một công ty may. Hai vợ chồng cùng một đứa con thuê căn phòng khoảng 14m2, với giá 1,3 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước).

Phòng có đủ các chức năng của một căn nhà: chỗ ngủ, bếp, phòng vệ sinh, rất chật hẹp. “Hai vợ chồng đi làm mỗi tháng kiếm được khoảng 10 triệu, những khi tăng ca thì nhiều hơn. Nhưng giá cả nhiều thứ cũng tăng, từ tiền thuê phòng trọ, chi tiêu hằng ngày, rồi đóng học phí cho con... Tốn kém lắm! Nếu có nhà ở giá rẻ cho công nhân, vợ chồng tôi cũng không biết mua nổi không?” - chị Hải tâm sự.

Sân chung của một khu phòng trọ

Một nơi khác cũng tập trung đông công nhân sinh sống, làm việc là Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Thành (Q12). Tại đây, có rất nhiều khu nhà trọ, trung bình dao động từ 1,5 - 2 triệu đồng/phòng/tháng, có chỗ giá còn cao hơn. Riêng tiền điện, nước thì không có mức cố định mà tăng theo tùy hứng của chủ nhà trọ.

Anh Đặng Ngọc Dũng (SN 1972, quê Quảng Trị; công nhân may tại KCN Hiệp Thành) cho biết, vợ chồng anh và bà nội vào đây đã 15 năm. Lúc trước, hai đứa con của anh còn nhỏ, giờ đã trưởng thành, thế nhưng gia đình anh vẫn sống trong phòng trọ.

“Vào thành phố lập nghiệp khó khăn lắm! Vợ chồng tôi đi làm tăng ca nữa thì mỗi tháng chỉ hơn 10 triệu. Trang trải cuộc sống thường ngày xong, không dư được bao nhiêu. Những khi ốm đau phải đi bệnh viện nữa... Không biết bao giờ mua được căn nhà nhỏ, thoát cảnh ở trọ chật chội như thế này?” - anh Dũng chia sẻ.

Gần KCN Vĩnh Lộc (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) là một khu nhà trọ được xây dựng trên thửa đất thuộc khu quy hoạch, các phòng tận dụng hết diện tích nên trông rất chật chội. Căn phòng chị Nguyễn Thị Hằng (quê Hải Dương, công nhân may ở KCN Tân Bình, Q.Tân Bình) thuê rộng chỉ 8m2, có 3 người ở. Ngay lối vào, quần áo, đồ dùng để lấn lối đi, dây điện giăng tứ tung, trông rất nhếch nhác.

Một khu trọ trên đường Hương lộ 80 (Q12) xập xệ, giá mỗi phòng nhỏ là 1,3 triệu/tháng. Cả dãy có 10 phòng mà chỉ có một nhà vệ sinh chung, giờ cao điểm, mọi người phải đứng chờ nhau để tắm, giặt...

Đối với sinh viên đi học xa nhà, phải ở trọ cũng hết sức nan giải. Để thuê được phòng trọ rẻ, thuận tiện không phải dễ. Trong bối cảnh nhiều khu nhà trọ chất lượng thấp, cung không đủ cầu, không ít sinh viên chọn giải pháp ở ghép để giảm chi phí và rắc rối nảy sinh từ đây.

“Những ngày nắng nóng, phòng trọ chẳng khác nào cái... “lò nướng”. Càng bật quạt càng nóng, học không được, ngủ cũng không xong! Nhiều bạn ở cùng xóm trọ với em phải chờ đến khi nhiệt độ hạ xuống mới dám vào phòng để ôn bài. Có hôm, tới 2 - 3 giờ sáng chúng em mới ngủ được” - bạn Nguyễn Thị Oanh (sinh viên Trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM) cho biết.

“Cuộc sống đi ở trọ khổ lắm, chị ơi!” - Một sinh viên tại Làng đại học quốc gia TPHCM thốt lên khi gặp chúng tôi. Đó cũng là nỗi niềm của số đông hiện đang phải ở trọ. Đỗ Trọng Bảo (quê Nghệ An, sinh viên năm 3 của Trường ĐH Nông lâm TPHCM) vào thành phố đã hơn 4 năm.

Lúc đầu, Bảo ở trong ký túc xá, song ở đây ồn ào, nhiều bất tiện nên chuyển ra ở trọ. Tìm mãi được căn phòng giá khá rẻ, chỉ 1,4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, mức giá này với một sinh viên vẫn quá đắt đỏ. Bảo tìm thêm bạn ở ghép cho đỡ tốn kém. “Phòng trọ nhỏ, hai người ở, chật hẹp vô cùng. Chúng em phải nấu ăn và vệ sinh ở một góc phòng” - Bảo kể.

Mối nguy tội phạm và tệ nạn

Khi các KCN, khu chế xuất hình thành và tại Làng đại học quốc gia TPHCM, người lao động, sinh viên ồ ạt đến làm việc, học tập, kéo theo các khu nhà trọ mọc lên dày đặc. Hiện nay, tình trạng người dân mua đất xây phòng trọ cho thuê ngày càng nhiều.

Tuy góp phần giải quyết vấn đề nhu cầu nhà ở cho cư dân, nhưng nhiều nhà trọ dựng lên biệt lập, không có chủ trọ quản lý nên xảy ra nhiều phức tạp. Trong bối cảnh dân nhập cư đông đúc, tội phạm, tệ nạn xã hội cũng nảy sinh và gia tăng.

Một đối tượng đột nhập phòng trọ trộm tài sản

Tại một khu nhà trọ gần KCN Tân Tạo (Q.Bình Tân), chủ trọ không ở gần nên nhờ một gia đình thuê trọ trông coi giùm. Vì cùng là người thuê phòng nên gia đình này không dám nhắc nhở những người khác. Những khu trọ thế này sẽ xảy ra tình trạng “vắng chủ nhà, gà vọc niêu tôm” là điều hiển nhiên.

Lúc này, phòng trọ còn là nơi tụ tập nhậu nhẹt, ca hát... Một số người thiếu ý thức lôi kéo bạn bè về phòng ăn nhậu tới tận khuya, gây ồn ào, ảnh hưởng đến những người xung quanh. Rồi còn nạn bật loa “kẹo kéo” ca hát ồn ào, cãi vã, gây lộn... thường xuyên xảy ra.

“Họ cứ tụ tập như vậy hằng tuần, nhiều khi tuần tới mấy lần. Ban đầu, chỉ vài người, sau gọi nhau đến cả chục người. Ăn uống, nói chuyện rất lớn tiếng. Nhà tôi phải đóng cửa mà vẫn nghe ồn ào. Chúng tôi rất bực mình, nhưng không biết phải làm sao?” - cô Nguyễn Thị Thu sống tại một khu nhà trọ ở xã Đông Thạnh (H.Hóc Môn) than thở.

Các dãy phòng trọ trở thành "miếng mồi ngon" cho tội phạm

Ở tỉnh Bình Dương, hai thị xã Dĩ An và Thuận An tập trung lượng lớn công nhân và nhà trọ. Tại đây, khu nhà trọ thiếu sự quản lý của chủ nhà chiếm phần lớn, mỗi khu có từ 20 - 40 phòng. Sinh viên, công nhân sống tại các khu nhà trọ thường phải đối mặt với vấn đề ANTT và nhiều điều phức tạp khác. Các khu nhà trọ thường tập trung đông người, nảy sinh nhiều tệ nạn. Tình trạng trộm cắp, tệ nạn xã hội, các mối quan hệ phức tạp...

Các khu nhà trọ thường là “miếng mồi ngon” của bọn trộm cắp. Chỉ cần sơ sẩy một chút là đồ đạc (xe máy, điện thoại, tivi, túi xách...) có thể “bốc hơi” ngay. Các đối tượng thường nhắm đến những khu nhà trọ không có cửa cổng, hoặc có nhưng không khóa, không người trông coi để đột nhập trộm tài sản.

Chị Nguyễn Thị Lan (công nhân may tại KCN Hiệp Thành, Q12) ở trọ trong một con hẻm trên đường Hương lộ 80. Chị từng mất một chiếc xe máy khi đi làm về và dựng xe bên ngoài, vào phòng cất đồ. Chị nói: “Tôi vừa quay vào nhà một lúc, khi quay ra thì không thấy chiếc xe đâu. Tôi ở căn phòng đầu hẻm, cạnh đường lớn nên bọn trộm lấy được xe là phóng đi mất hút...”.

Một đối tượng vào phòng trọ trộm xe, kẻ đồng bọn ở ngoài cảnh giới

Công nhân tại các khu nhà trọ không chỉ đối mặt với trộm cắp, cuớp giật, mà còn phải đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh. Sống chung những người tứ phương sẽ có sự khác nhau về quan niệm, phong tục, ngôn ngữ của từng địa phương. Nhiều vụ va chạm, thường là cãi vã, giằng co, có khi còn xảy ra những án mạng thương tâm.

Thời gian gần đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngay trong các khu nhà trọ cũng gia tăng. Bởi vì trẻ em ở các khu nhà trọ có hoàn cảnh kinh tế gia đình thường khó khăn, cha mẹ lo mưu sinh nên ít quan tâm đến giáo dục giới tính cho trẻ. Ở chỗ trọ, cuộc sống nhà nào chỉ biết nhà đó. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các đối tượng đồi bại thực hiện hành vi xâm hại trẻ em.

Các dãy phòng trọ trở thành "miếng mồi ngon" cho tội phạm

Mặt khác, phòng trọ còn là nơi ở chung, ở ghép của một số nam, nữ. Đặc biệt, những khu nhà trọ không có chủ nhà quản lý thường xảy ra tình trạng dẫn bạn trai, bạn gái về phòng. Nếu hợp nhau thì ở chung dài ngày, còn không thì chỉ vài hôm rồi thôi. Những mối tình vụng trộm, lối sống buông thả, tạm bợ qua ngày tại các nhà trọ cũng tiềm ẩn nhiều tệ nạn.

Để giữ gìn ANTT, đẩy lùi tệ nạn và mối nguy tiềm ẩn, đảm bảo an toàn cho người dân tại những khu nhà trọ, cần lắm sự phối hợp từ phía người thuê trọ, chủ trọ lẫn chính quyền địa phương. Nên chăng cần nghiên cứu, xây dựng quy ước, hương ước cho các khu nhà trọ, nhằm mang lại cuộc sống bình yên cho những người đi ở thuê, để họ yên tâm làm việc, học tập?

Bình luận (0)

Lên đầu trang