Nạn buôn bán ngà voi trái phép: Từ niềm tin mù quáng đến thú chơi tàn nhẫn:

Kỳ 1: Những món trang sức đẫm máu

Thứ Năm, 06/06/2019 15:56

|

(CATP) Ẩn trong vẻ đẹp lộng lẫy của các sản phẩm chế tác từ ngà voi là tiếng ​​thét thảm thương và dòng máu của những chú voi hoang dã bị thợ săn giết hại một cách dã man. Hàng ngàn chú “vua của đại ngàn” đã phải nằm xuống, chỉ để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngà voi một cách mù quáng và tàn nhẫn của nhiều “thượng đế” trong thời gian qua.

LẦN THEO DẤU VẾT MƠ HỒ

Sáng 26-5-2019, chúng tôi đến khu vực thôn Thượng (xã Phù Khê, TX.Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) theo chỉ dẫn của người “trong nghề”, để tìm những cửa hàng bán sản phẩm chế tác từ ngà voi.

Từ những thông tin ít ỏi có được, chúng tôi lê la khắp các con đường tại khu vực thôn Thượng, nhưng không thể tìm ra manh mối. Vào lúc tưởng chừng bế tắc, chúng tôi dừng chân tại một quán nước ven đường gần khu vực tượng đài Nguyễn Văn Cừ để dò hỏi.

Khu vực thôn Thượng
Từ tin lời đồn thổi vô căn cứ rằng ngà voi, lông đuôi voi, da voi… mang lại may mắn, có tác dụng trừ tà, không ít người sẵn sàng chi một khoản tiền khá lớn để sở hữu những tấm da, miếng ngà trái pháp luật, nhằm thể hiện “đẳng cấp” (!). Chính những hành động mù quáng này đã khiến loài voi đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, gây mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng môi trường sống tự nhiên.

Tại đây, chúng tôi nghe một nhóm người đang trò chuyện rôm rả về việc mua trang sức ngà voi để… trừ tà (!). Chúng tôi lân la hỏi chuyện. Một phụ nữ trong nhóm nhìn phóng viên với ánh mắt không thiện cảm, hoài nghi. “Em từ miền Nam ra đây chơi, nghe mọi người chỉ khu vực này có bán nhẫn, vòng, dây chuyền từ ngà voi “xịn”, nên muốn mua làm quà tặng” - chúng tôi trấn an. Người phụ nữ tiếp tục vặn vẹo bằng nhiều câu hỏi, vì sợ chúng tôi là… công an hay nhà báo.

Sau khi cố gắng thuyết phục rằng chúng tôi thực sự có nhu cầu mua trang sức ngà voi, người phụ nữ nói với giọng chắc nịch: “Ở khu vực này chỉ bán đồ thật, không ai bán đồ giả đâu! Nếu muốn mua thì tôi dẫn đi, tầm vài triệu một chiếc vòng đeo tay loại nhỏ. Tùy kích cỡ sẽ có giá khác nhau”. Nói đoạn, người phụ nữ chỉ tay ra đường, bảo: “Bên kia đường cũng có nhiều cửa hàng bán. Để tôi dẫn qua chỗ người quen, bán giá phải chăng, không nói thách đâu!”.

Nói đoạn, người phụ nữ đưa chúng tôi băng qua hai đoạn đường, đến một cửa hàng bán gỗ trầm và các sản phẩm chế tác từ gỗ trầm. Tôi nói: “Tụi em không mua gỗ trầm, vì những người em tặng quà chỉ thích trang sức ngà voi thôi”. Như “bắt” được mối lớn, người phụ nữ dẫn đường quả quyết: “Yên tâm! Chỗ này có bán”.

"ĐỘT KÍCH" CỬA HÀNG GỖ TRẦM

Ngay khi chúng tôi đến một tiệm bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi, người dẫn đường gọi một cô gái trẻ tên T. từ trong tiệm đi ra, nói: “Có khách quen muốn tìm mua trang sức ngà voi. Em dẫn họ vào coi đi!”. Sau ánh nhìn chúng tôi giống như camera “quét” từ đầu xuống chân, cô gái khoảng 30 tuổi đưa khách vào khu vực buồng kín phía trong để xem hàng. Căn phòng rộng chừng 6m2 vừa đủ đặt tủ đựng trang sức từ ngà voi và một cái giường ngủ, với lối vào duy nhất. Trong phòng còn khoét một lỗ nhỏ đủ để nhìn ra phía ngoài.

Căn phòng sơn màu trắng là nơi cất giấu các sản phẩm làm từ ngà voi

T. mở ổ khóa, kéo cửa kính để chúng tôi dễ dàng quan sát, lựa chọn. “Tất cả các sản phẩm này đều làm từ ngà voi nhập ngoại, bảo đảm về chất lượng” - T. nói. Để chứng minh đây là ngà voi thật, T. dùng đèn pin soi vào từng món trang sức, bảo chúng tôi quan sát.

“Khi rọi đèn pin vào ngà mà nó hiện lên màu hồng như vầy là đồ thật. Ngoài ra, còn có loại hiện lên màu trắng”. Nói xong, T. chỉ cho chúng tôi từng đường vân nổi trên trang sức và thảy lên cao, để rơi tự nhiên xuống đất. “Nếu đồ giả thì nó đã vỡ rồi, vì ngà thật nên rất cứng. Mua mà không phải ngà xịn thì cứ trả lại đây” - T. khẳng định.

Nhiều sản phẩm đa dạng làm từ ngà voi được bày bán trong cửa hàng

Chúng tôi quan sát trong tủ kính, thấy nhiều sản phẩm, từ nhẫn đến vòng tay, vòng cổ, mặt dây chuyền, lược, đũa ăn… đều làm từ ngà voi. Giá từng loại được tính theo trọng lượng và mức độ điêu khắc tinh xảo của món trang sức. Vòng đeo tay giá từ 1,2 - 10 triệu đồng/cái, mặt dây chuyền từ vài trăm đến vài triệu đồng, lược ngà, đôi đũa đều chung giá 3 triệu đồng…

“Nếu mua lần này mà ưng ý thì lần sau cần mua nữa cứ nhắn qua, em sẽ gửi hình ảnh mẫu mã qua Zalo để chọn. Các anh, chị cứ chuyển khoản, sau đó em gửi xe khách về, tầm 2 đến 3 ngày là mình sẽ có hàng” - T. cam kết.

Các sản phẩm từ ngà bày bán trong tủ kính được khóa cẩn thận

LƯỚT WEB LÀ CÓ NGAY HÀNG… CẤM!

Từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2018, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận khoảng 150 vụ việc vi phạm về ngà voi, với tổng khối lượng ngà voi bị thu giữ lên đến hơn 53 tấn (!). Đặc biệt, có hơn 30 vụ việc vận chuyển ngà voi bị bắt giữ, khối lượng ngà voi thu giữ lên tới hơn 500 kg/vụ, chủ yếu phát hiện tại khu vực các cửa khẩu, cảng biển.

Trên thực tế, để tìm mua các sản phẩm từ ngà voi không cần phải đến tận những vùng núi cao hay những địa bàn có loài động vật này sinh sống. Thậm chí “thượng đế” có nhu cầu, chỉ cần vào internet là có thể tìm mua bất kỳ loại trang sức nào làm từ những mảnh ghép trên thân thể voi, dù đang ở đâu. Để khảo sát, chúng tôi gõ cụm từ “mua ngà voi” trên Google, hiện lên hơn 7 triệu kết quả chỉ trong 0,45 giây. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ ngà voi diễn ra rất rầm rộ, công khai, dù đây là hoạt động thương mại bất hợp pháp.

Buôn bán ngà voi là hoạt động thương mại bất hợp pháp nhưng vẫn được nhiều trang web bán công khai

Theo khảo sát của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã WildAct, chỉ trong vòng 6 tháng (từ giữa năm 2015 đến cuối năm 2016), đã có gần 21.000 sản phẩm từ voi (ngà, đuôi, da…) được rao bán công khai trên mạng xã hội.

Phổ biến nhất là trang sức chạm khắc từ ngà voi, chiếm đến 69% sản phẩm. Trong đó, 10% số sản phẩm trang sức làm từ ngà voi có gắn lông đuôi voi được quảng cáo dùng để… cầu may, xua đuổi tà ma. Cũng theo khảo sát trên, có 95% lượng tương tác trên những quảng cáo này hỏi về giá cả, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và cách mua hàng. Hầu hết không có tương tác bày tỏ lo ngại về vấn đề mua bán, trao đổi ngà voi là hành vi bất hợp pháp.

Lợi dụng nền tảng kinh doanh miễn phí, dễ dàng tiếp cận khách hàng, có thể duy trì độ bảo mật danh tính trên mạng xã hội, không ít đối tượng mở cửa hàng trên mạng để bán sản phẩm làm từ voi.

Người mua chỉ cần chuyển tiền qua tài khoản, kẻ bán sẽ chuyển hàng qua đường bưu điện hay những dịch vụ vận chuyển khác là đã tiến hành giao dịch thành công. Chính vì thế, tuy hoạt động mua bán diễn ra rầm rộ trên mạng xã hội, nhưng có rất ít đối tượng bị bắt giữ, xử lý.

Trang sức từ ngà voi bày bán tràn lan trên mạng xã hội

Mới đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ Nguyễn Văn Hiến (ngụ P.Xuân Hòa, TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) về hành vi mua bán trái phép các sản phẩm từ ngà voi. Trước đó, trong quá trình vận chuyển sản phẩm được chế tác từ ngà voi, Hiến bị tổ công tác Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang.

Bước đầu, Hiến khai đầu tháng 12-2018, đã mua số hàng trên tại TP.Móng Cái (Quảng Ninh) từ một người đàn ông Trung Quốc, đem về rao bán trên mạng xã hội để kiếm lời.

Tiến hành kiểm tra, cơ quan công an thu giữ thêm nhiều sản phẩm được chế tác từ ngà voi, như: vòng đeo tay, vòng đeo cổ, nhẫn, lược, quạt xếp, mặt dây chuyền..., tổng trị giá khoảng 300 triệu đồng. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.

Ở Việt Nam, voi được bảo vệ theo mục IB của Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22-01-2019 nhằm ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã. Nghị định này quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp ( CITES) tại Việt Nam. Theo Nghị định này, voi và các sản phẩm liên quan đến voi tự nhiên bị cấm khai thác, buôn bán, chế biến, sử dụng vì mục đích thương mại.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang