Rừng Kon Plông kêu cứu!
Kon Plông được ví như “Đà Lạt 2” của Việt Nam, bởi khí hậu mát mẻ quanh năm và những khu rừng nguyên sinh. Rừng ở Kon Plông không chỉ là nơi giữ nước, giữ ẩm cho một vùng rộng lớn của tỉnh Kon Tum, mà còn là “lá phổi xanh” cho khu du lịch sinh thái Măng Đen.
Video hiện trường vụ phá rừng ở Kon Plông
Người dân Kon Plông ra ngõ là gặp rừng. Rừng tự nhiên ở đây có mật độ che phủ đến hơn 80%. Khách du lịch đến đây cũng phải trầm trồ khen những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, ít chịu tác động của con người. Thế nhưng, đó là chuyện trước đây, còn bây giờ lâm tặc xem rừng Kon Plông là miếng mồi ngon nên đang bị gặm nhấm từng ngày.
Nhận được tin báo, về những cánh rừng ở H.Kon Plông thời gian gần đây bị cưa hạ rất quy mô. Chúng tôi đi theo sự chỉ dẫn của người dân, thì đến được làng Vi Ring (xã Đắk Tăng, Kon Plông). Đứng ở một điểm cao, chúng tôi hướng mắt về cánh rừng trước mặt, cứ tưởng còn đầy đặn, yên ổn, nhưng đi sâu vào bên trong thì rừng đã tan tác.
Để tận mục sở thị tình trạng gỗ bị triệt hạ, chúng tôi trèo qua cánh cổng với những ván gỗ thô sơ chắn ngang con đường mòn dẫn vào rừng. Cho xe máy vào bụi rậm và che biển số xe, giả làm những người đi tìm lan rừng để vào các điểm khai thác gỗ trái phép.
Những con đường mòn trong rừng bị cày nát bởi xe độ chế
Không những chi chít đường mòn nhỏ chạy xuyên qua khu rừng già, mà còn dấu vết rõ rệt những tuyến đường cho cả xe cơ giới. Sâu vào rừng, những gốc cây gỗ lớn bị đốn hạ nằm liền kề, có những vết cưa cũ và mới. Cho thấy tình trạng phá rừng ở đây đã xảy ra trong một thời gian dài.
Con đường lên khu vực rừng bị lâm tặc chặt phá hết sức khó đi, nhiều đoạn dốc và lầy lội, chỉ có xe độ chế mới di chuyển được. Đi sâu vào hơn 1km, xuất hiện nhiều đường xương cá, in hằn bánh xe độ chế.
Trên các cung đường trong rừng có gốc cây bị chặt cách đây khoảng hai tháng, có những cây vừa mới bị cưa đổ chưa kịp đưa ra khỏi rừng, xung quanh là những lớp mùn cưa còn tươi mới. Càng đi sâu theo các đường xương cá, sẽ nhìn thấy hiện trường vụ phá rừng trông giống như một xưởng cưa quy mô lớn.
Những cây gỗ có đường kính lớn bị cưa hạ
Một lối mòn khác có một cột mốc bằng xi măng ghi "Ranh giới rừng phòng hộ lâm trường Măng Cành II", chúng tôi gặp nhiều gốc cây to khác bị đốn hạ bằng cưa xăng, xung quanh là những tấm ván gỗ, mùn cưa phủ đầy dưới đất. Nhiều cây gỗ đã bị đốn hạ sát đất, có cây bị đốn hạ ở vị trí thân cây, cách mặt đất gần mét.
Thủ đoạn của lâm tặc là xẻ gỗ thành từng phách hoặc để từng khúc lớn rồi cho tời ra khỏi rừng, đưa đi tiêu thụ. Một số vị trí, các cây gỗ đã được xe thành hộp vuông vức, hoặc cắt thành từng lóng nhưng chưa kịp chuyển ra khỏi rừng.
Nhiều cây gỗ đã bị cưa hạ nhưng chưa kịp vận chuyển đi
Khi đi được sâu vào bên trong rừng thì hoạt động đốn hạ, cưa xẻ gỗ của các đối tượng khai thác rừng trái phép vọng lại, làm náo động cả một vùng núi đồi. Phóng mắt về phía trước, có thể nhìn thấy cảnh tượng cây đỗ đè gãy nhiều cây con xung quanh.
Xót xa cho những cánh rừng làm nên thương hiệu du lịch sinh thái Măng Đen
Khi tiến lại gần tiếng máy cưa, chúng tôi bắt gặp một lán trại, bên trong có một số đối tượng. Lúc này đã về chiều, trời đổ mưa, để đảm bảo an toàn, chúng tôi rút ra khỏi rừng. Trên đường từ rừng về trung tâm huyện, chúng tôi bắt gặp một trạm bảo vệ rừng cách chỗ lâm tặc không xa.
Liệu có giữ được “lá phổi xanh” của “Đà Lạt 2”?
Không thể đếm được đã có bao nhiêu cây rừng ở xã Đắk Tăng, Kon Plông bị đốn hạ, bao nhiêu diện tích rừng đã bị mất trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc các đối tượng ngang nhiên “xẻ thịt” rừng giữa ban ngày lấy gỗ là điều không thể phủ nhận.
Sau khi nắm bắt các nguồn thông tin, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Kon Plông, Đội Kiểm lâm cơ động tiến hành phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra xác minh.
Những hộp gỗ được xẻ vuông vức nằm ngay bên trong rừng
Vào tháng 2-2018, phóng viên Báo Công an TP.HCM đã phản ánh tình trạng người dân địa phương ngang nhiên vào đốn hạ rừng tự nhiên ở xã Măng Bút, Kon Plông.
Nếu chính quyền địa phương, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum không có giải pháp bảo vệ rừng Kon Plông một cách kịp thời, hiệu quả, “lá phổi xanh” của khu du lịch sinh thái Măng Đen tiếp tục bị tổn thương là điều khó tránh khỏi.
(CAO) Rừng giáp ranh giữa làng Tu Nông (thôn 8) và làng Kon Chắt 4 (thôn 9, cùng xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đang bị “xẻ thịt” nhiều nơi. Cây to, cây nhỏ đều bị chặt hạ để lấy gỗ và đất sản xuất.