“TRÓI CHÂN” VỚI DỰ ÁN “TREO”
Năm 1997, KP5 của P.An Phú được quy hoạch, nhưng dự án này “treo” suốt 22 năm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con. Một số hộ có điều kiện đã chuyển nhà đi nơi khác, còn lại khoảng 30 hộ khó khăn không có khả năng mua nhà chỗ khác, đành ở lại.
Nhiều năm sống trong căn nhà cũ kỹ, mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, nhưng hộ bà Nguyễn Thị Bé (SN 1951, ngụ KP5, P.An Phú) bị “rớt” hộ chuẩn nghèo và được “đôn” lên thành hộ cận nghèo. Già cả, bị ung thư lưỡi, đau ốm thường xuyên, thân hình bà gầy gò, chỉ nặng gần 30kg.
Bà có ba người con trai, đều đã lập gia đình, nhưng người nào cũng khổ nên không giúp được nhiều. Mỗi ngày mót ve chai được vài chục ngàn đồng, bà để dành mua thuốc uống, còn ăn uống thì nhờ những người từ thiện cho. Hôm nào mưa gió, đau ốm không đi lượm được, bà đành ngồi nhà.
Bên cạnh các tòa nhà cao tầng vẫn còn nhiều căn nhà nghèo khó
Chẳng khá khẩm hơn, gia đình bà Đặng Thị Hường có 3 thành viên sống trong căn nhà xiêu vẹo, cũng làm nghề lượm ve chai. Đã bước sang tuổi 84, nhưng hằng ngày bà Phan Thị Liên phải lụi cụi đi mót ve chai. Bà cho biết, không đi lượm ve chai thì không biết lấy gì để sống, vì gia đình không còn nguồn thu nhập nào khác.
Bên cạnh các tòa nhà cao tầng vẫn còn nhiều căn nhà nghèo khó
Nhiều năm lo việc nhang khói ở đình Đông Phú (P.An Phú), nhưng khi bị đẩy ra ngoài, ông Nguyễn Văn Quang (SN 1957, ngụ KP4, P.An Phú) phải sống cảnh nay đây, mai đó. Mấy năm nay, ông che túp lều tạm tại một gò đất nằm lọt thỏm giữa đám cỏ lau bên rìa Đại lộ Mai Chí Thọ. Căn chòi của ông mấy lần bị mưa gió xô đổ, nhưng hễ sập là ông lại dựng lên để có chỗ trú mưa, trú nắng.
Đã mấy lần ông đi tìm việc làm, nhưng vì không có trình độ, lại quá tuổi lao động nên người ta không nhận. Có lúc dự tính chạy xe ôm, ông lại không có bằng lái và không biết chạy xe. Ông chỉ biết sống nhờ vào sự trợ giúp của người khác. Ông ao ước có ai đó thuê mướn mình, dù làm bảo vệ cũng được, để có đồng vô đồng ra lo cuộc sống hằng ngày.
LOAY HOAY TÌM KẾ THOÁT NGHÈO
Ông Nguyễn Kế Hội (Trưởng ban điều hành kiêm trưởng Ban bảo vệ dân phố KP4, P.Thạnh Mỹ Lợi, Q2) cho biết, hồi trước khu này là vùng đất thuần nông, mỗi năm trồng được một vụ lúa, bà con chăn nuôi thêm heo, gà, vịt, cá, trồng trọt hoa màu...
Năm 1996, quận quy hoạch khu phố nơi ông ở làm dự án nhà ở, công trình công cộng, nhưng suốt 13 năm nay dự án “treo” dài hạn. Bây giờ đất đai không còn, chăn nuôi không được, bà con buộc phải chuyển sang làm thuê, phụ hồ, giúp việc nhà, buôn gánh bán bưng... kiếm sống. Bốn, năm năm trước, gia đình ông cũng thuộc diện hộ nghèo của phường. Nhờ vợ chồng ông chịu khó làm lụng cho con cái ăn học mới thoát nghèo.
Lớn tuổi, không có trình độ, ông Quang khó xin được việc làm
Ở độ tuổi “9X đời đầu”, vợ chồng anh Hoàng Văn Khỏe (SN 1990) - chị Trần Thị Thùy (SN 1993) đã có 3 mặt con. Đứa lớn năm nay học lớp một, đứa thứ 2 sắp đi mẫu giáo, đứa thứ 3 mới biết đi. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà lá tuềnh toàng của mẹ chồng, chị Thùy cho biết: Chồng chị học hết lớp 3 là phải nghỉ, lớn lên đi làm phụ hồ đến giờ.
Hằng ngày, chị đi bán vé số kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Cuộc sống gia đình thuộc diện “mì ăn liền”, tay bo miệng lủm. Gặp lúc con cái ốm đau, bệnh tật thì thiếu thốn đủ bề. Căn nhà gia đình chị đang sống là nhờ người khác cho tiền mua cây, que, tôn, lá dừa cất tạm. Con đông, nghề nghiệp bấp bênh, chẳng biết đến bao giờ vợ chồng chị mới thoát nghèo.
Trước đây, chồng đi phụ hồ, vợ buôn thúng bán bưng ở chợ, vợ chồng chị Đặng Thị Bích Ly (SN 1974, ngụ KP4, P.Thạnh Mỹ Lợi) cũng đủ nuôi hai đứa con. Năm năm trước, chồng chị bị tai nạn lao động, hậu quả là dù anh được các bác sĩ cứu sống, nhưng lại mắc bệnh tâm thần, không lao động được.
Gánh nặng kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai chị. Từ chỗ đủ ăn, gia đình chị tụt xuống hộ nghèo. Căn nhà tồi tàn, chắp vá bằng đủ các vật dụng cũ kỹ không biết sẽ trụ đến bao giờ? Vào tháng 8, tháng 9 âm lịch, nước dâng lên gần ngập đầu gối, cả nhà phải lội bì bõm.
Sống bằng nghề lượm ve chai, nhưng hộ bà Bé bị “rớt” hộ nghèo
Đứa con trai đầu của chị Ly năm nay đã 25 tuổi, lập gia đình và cất căn chòi lá bên cạnh, nhưng còn tuềnh toàng hơn. Cậu ta làm tài xế, tiền công chỉ đủ nuôi vợ và hai đứa con nhỏ. Chị Ly chia sẻ: “Giờ tui lớn tuổi rồi, không ai mướn, làm công ty thì không có trình độ. Chỉ còn đeo bám nghề buôn gánh bán bưng, cố gắng nuôi con ăn học kiếm cái chữ, may ra sau này mới thoát nghèo”.
Gần 10 năm làm bảo vệ dân phố, nhưng hộ ông Trương Ngọc Sang (SN 1962, ngụ KP4, P.Thạnh Mỹ Lợi) nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Vợ ông mua bán nhỏ, còn ông có nghề đờn ca tài tử. Từ ngày bùng nổ loa kẹo kéo, ông thất nghiệp dài dài. Từ năm 2018 đến nay, khi các con lớn lên và đi làm, gia đình ông mới thoát được nghèo. Khổ nỗi chồng già thường xuyên đau ốm, không biết thoát nghèo được bao lâu.
Theo ông Hội, nguyên nhân dẫn đến nghèo khó một phần do người dân lười lao động, đông con, bệnh tật, thiếu vốn, trình độ thấp, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước. Nhiều thế hệ sinh ra không có trình độ cao, không được dạy nghề bài bản, nên khi đi xin việc thì đa số bị các công ty từ chối. Lớp người già thì quá tuổi lao động, trình độ thấp, còn lớp trẻ em đang tuổi ăn, tuổi học. Để thoát nghèo vẫn còn là một câu chuyện khó, không thể hoàn thành trong một sớm, một chiều.
(Còn tiếp...)
(CATP) Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh đến “chóng mặt”. Tuy nhiên, xen lẫn trong những khu đô thị hiện đại, chung cư cao tầng, cao ốc chọc trời và “siêu” biệt thự xa hoa là những phận người nghèo khó, xóm nhà tồi tàn, khu nhà trọ ẩm thấp với điều kiện sống còn thiếu thốn đủ bề.
(CATP) Bên cạnh những khu chế xuất, khu công nghiệp, công trường xây dựng... ngày đêm hối hả làm việc, tình trạng thất nghiệp đang diễn ra ở nhiều nơi tại TPHCM, nhất là tại những khu nhà trọ “chờ việc”.