GIAN NAN ĐỜI TẠM CƯ
Tính riêng P.Thạnh Mỹ Lợi (Q2), năm 2017 phường này có 120 hộ nghèo, 105 hộ cận nghèo. Đầu năm 2018, phường có 41 hộ nghèo, 71 hộ cần nghèo; cuối năm 2018 thì đã hết hộ nghèo. Nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, phường này có 54 hộ tái nghèo, 41 hộ cận nghèo.
Quận 2 đang chuyển mình mạnh mẽ với những biệt thự và tòa nhà chọc trời
Chúng tôi đến đường Bắc Nam 2 (P.An Phú, Q2). Nếu ở phía ngoài là các trung tâm thương mại, những tòa nhà chọc trời, đường nhựa rộng rãi thì phía trong là xóm trọ nghèo nàn tồi tàn, ẩm thấp, với hàng trăm người dân sinh sống, nằm khép mình bên hông chùa Thiền Tịnh. Một số dãy nhà trọ được xây dựng bằng gạch thẻ rẻ tiền, còn lại đa số được dựng bằng cây que, lá, tôn, bạt cũ kỹ.
Chạy xuyên qua xóm trọ là con đường đất ngoằn ngoèo, bụi bặm, hai bên có nhiều xà bần, rác rưởi, nắng thì bụi bặm, mưa thì sình lầy. Len lỏi xung quanh các dãy nhà trọ là những con đường đất, đá, có chỗ được tráng xi măng và những mương nước đen ngòm bốc mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng.
Nằm bên cạnh các tòa nhà chọc trời là những xóm trọ “chờ việc”
Anh Minh (cư dân trong xóm trọ trên) cho biết, xóm trọ “thập cẩm” này có khoảng 180 phòng, được xây dựng từ năm 2010. Người thuê trọ quê ở các vùng nông thôn Bắc, Trung, Nam. Anh Minh chia sẻ: “Ở quê, người có việc thì họ thuê anh em, con cháu, người thân đến làm, chứ đâu tới lượt mình. Ruộng vườn không có, đành bỏ xứ đến thành phố làm thuê, làm mướn, lượm ve chai, bán vé số, phụ hồ... kiếm sống. Lúc trước, bà con ở kín hết các phòng, nhưng năm nay không có việc làm, nhiều người trở về quê hoặc chuyển đi nơi khác kiếm việc, chứ ở đây tốn tiền trọ dữ lắm! Vì vậy, xóm trọ vắng dần...”.
Theo anh Nguyễn Như Kha (SN 1972, quê Đồng Tháp), mấy năm trước khi các công trường xây dựng ồ ạt, những người phụ hồ như anh phải làm tới ca hai, ca ba mới kịp tiến độ. Vài năm trở lại đây, nhiều dự án lớn bị thanh tra, kiểm tra, tốc độ thi công chững lại, thậm chí bị “treo”, ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn việc làm và đời sống của bà con.
“Phụ hồ mỗi ngày kiếm được từ 200 - 300 ngàn, chi tiêu tằn tiện cũng đủ sống qua ngày. Nhưng bây giờ công việc “bữa đực, bữa cái”, thất nghiệp dài dài, đâu phải ngày nào cũng kiếm 200, 300 ngàn? Có khi làm được một tháng, nghỉ 2, 3 tháng. Một năm thất nghiệp từ 4 - 6 tháng, có khi tới 7 tháng, không biết lấy gì ra để chi tiêu. Sáng dậy mở mắt ra, chưa kiếm được đồng nào thì đã tốn 70 ngàn tiền phòng trọ rồi... Nhận lương về phải thanh toán tiền ăn, tiền trọ, điện, nước. Nhiều tháng không có việc làm, đành phải thanh toán theo kiểu “cuốn chiếu”: ăn tháng trước, “gối đầu” tháng sau, rồi tháng sau nữa mới trả” - anh Kha buồn rầu cho biết.
TÁI NGHÈO VÌ THIẾU VIỆC LÀM
Gia đình chị Thúy cũng tạm cư tại xóm trọ này. Ba tháng nay, chồng chị không đi làm được ngày nào. Chị nói: “Từ Tết đến giờ, thằng Cường, thằng Tèo, thằng Vũ... mới làm được hơn một tháng, còn lại thất nghiệp miết, toàn mượn nợ về chi tiêu. Cũng may, bà con ở đây gặp được chủ trọ tốt bụng, chứ không thôi lo tiền trọ cũng mệt mỏi rồi”.
Làm thuê, làm mướn cực khổ đã đành, nhiều người còn bị nhà thầu giật tiền công. Anh Kha bức xúc: “Như ông sui tui, đi phụ hồ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cả ngày cực khổ, nhưng tiền công chỉ được nhận lắt nhắt. Vừa rồi, ổng bị nhà thầu giật hết hơn 2 triệu. Tiền mồ hôi nước mắt mình làm nên, cả nhà trông chờ vào đó mà bị giật, không khổ sao được? Mất tiền công đã đành, còn tiền nhà trọ, tiền ăn, xăng xe... nữa”.
Nhiều người phải lam lũ lượm ve chai, phụ hồ
Cha mẹ nghèo khó, lo cái ăn đã chật vật nên nhiều trẻ em ở xóm này không được chăm lo chuyện học hành đầy đủ. Có cháu mới 13, 14 tuổi phải theo cha mẹ đi làm thuê, làm mướn, lam lũ mưu sinh. Tuổi thơ các em đã quen mặt sỏi đá, xi măng, bê-tông cốt thép...
Cách đó khá xa, một xóm trọ khác có khoảng 100 phòng ở KP5, P.An Khánh (Q2) còn thê thảm hơn xóm trọ trên. Con đường ngang qua xóm trọ này thường ngập nước, đầy “ổ voi”, “ổ gà”, hai bên có nhiều cỏ lau, ao rau muống, đầy xà bần và rác. Hàng chục căn phòng trọ tuềnh toàng, tường vách bong tróc từng lớp vôi, vữa nham nhở, mưa dột, nắng hầm, đặc biệt là nhiều muỗi.
Nhiều người phải lam lũ lượm ve chai, phụ hồ
Thuê trọ ở đây đã 7 năm, vợ chồng ông Nguyễn Văn Lem (SN 1935) - bà Nguyễn Thị Diệp (SN 1946) kể: Khoảng 5 năm nay, ông bà sống bằng nghề bán vé số. Hôm nào bà mệt, ông tự dò dẫm đi bán một mình. Hôm nào mắt ông bị mờ thì bà dắt ông đi. Mỗi ngày bán được trên dưới 100 tờ vé số, trừ tiền phòng trọ thì cũng đủ tiền ăn. Bất kể trời nắng hay mưa, vợ chồng ông đều phải vất vả, bởi không đi bán vé số thì không biết lấy gì để sống.
Chị Hiền (ở trọ lâu năm) cho biết, đa số bà con ở đây là lao động phổ thông, phụ hồ, làm hạt nhựa, bán vé số..., chỉ kiếm đủ tiền thuê trọ, tay làm hàm nhai chứ không có dư. Dạo này các công trình xây dựng đổ dồn về Q7, Q9, công việc rất bấp bênh. Có hôm đi làm, có hôm mất việc ở nhà, khiến cuộc sống của bà con càng thêm khó khăn. Đi làm xa thì lỗ tiền xăng, có người còn không biết chạy xe, không biết đón xe buýt, đành bó gối ngồi nhà “chờ thời”, ai kêu gì làm nấy. Nhiều người bỏ làm thợ hồ, xin vào các công ty, nhưng do lớn tuổi, trình độ thấp, người ta không nhận, phải quay lại kiếp thợ hồ.
(Còn tiếp...)
(CATP) Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh đến “chóng mặt”. Tuy nhiên, xen lẫn trong những khu đô thị hiện đại, chung cư cao tầng, cao ốc chọc trời và “siêu” biệt thự xa hoa là những phận người nghèo khó, xóm nhà tồi tàn, khu nhà trọ ẩm thấp với điều kiện sống còn thiếu thốn đủ bề.