Buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam diễn biến phức tạp:

Có sự tiếp tay của một số ngư dân

Thứ Tư, 23/12/2020 11:14  | Thiện Thảo

|

(CATP) Theo các cơ quan chức năng, sở dĩ buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam tăng là do một số chủ tàu cá hoán cải tàu đánh bắt cá thành tàu chở xăng dầu để cung cấp cho hoạt động đánh bắt cá và bán lại cho tàu cá, nhằm hưởng tiền chênh lệch.

MUA BÁN NHIÊN LIỆU TRÊN BIỂN

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, tình hình buôn lậu trên biển từ đây đến ngày giáp Tết có chiều hướng tăng. Ngày 22-12, lực lượng tiếp tục làm rõ 2 tàu của ngư dân Kiên Giang đang sang mạn dầu diesel trái phép trên vùng biển Tây Nam.

Trưa 13-12, trong quá trình tuần tra trên khu vực vùng biển Tây Nam ở cách đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, H.Phú Quốc, Kiên Giang) khoảng 35 hải lý, Tổ công tác Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt quả tang tàu KG 95395 TS đang sang mạn dầu diesel trái phép cho tàu KG 92134 TS. Thuyền trưởng tàu KG 95395 TS không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa hợp pháp và khai vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu diesel, đã sang mạn cho tàu KG 92134 TS khoảng 4.000 lít.

Tổ công tác đã lập biên bản vi phạm hành chính, áp giải 2 tàu cùng số lượng dầu diesel vi phạm về cảng Hải đội 401 (Phú Quốc) để xử lý theo quy định của pháp luật. Tàu KG 95395 TS do anh Huỳnh Văn Giàu (SN 1981, ngụ Kiên Giang) làm thuyền trưởng chở 3 thuyền viên; còn tàu KG 92134 TS do anh Nguyễn Thanh Chí (SN 1983, ngụ Kiên Giang) làm thuyền trưởng chở 1 thuyền viên.

Các cơ quan chức năng cho rằng, do giá xăng dầu trong nước cao hơn các nước bạn, một số chủ tàu mua dầu lậu trên biển rồi bán lại cho các chủ ghe hoặc đổi lấy hải sản. Trước đó, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang làm nhiệm vụ tại khu vực Hòn Nghệ thì phát hiện tàu cá KG 90027 TS do ông Đỗ Thu Giang (SN 1972) làm tài công, cùng 2 ngư phủ là Ngô Thanh Phong và Đổng Việt Cường (cùng ngụ Kiên Giang) đang có hành vi sang chiết dầu cho 1 tàu cá khác. Tổ công tác tàu Biên phòng kiểm tra hành chính, phát hiện tàu cá này đã được hoán đổi thành tàu chuyên vận chuyển mua bán dầu trái phép và trên tàu có nhiều khoang chứa dầu.

Tại thời điểm kiểm tra trên tàu còn khoảng 4.000 lít dầu DO, tài công không xuất trình được giấy tờ nguồn gốc số dầu. Qua đấu tranh, các đối tượng khai bản thân làm thuê cho chủ ở đất liền. Các đối tượng điều khiển phương tiện khai thác thủy sản mua khoảng 57.000 lít dầu DO ở vùng biển Thổ Châu, khu vực tiếp giáp đường hải phận. Sau đó, họ sang bán cho 2 phương tiện khác, số còn lại khoảng 4.000 lít đang bán thì bị lực lượng chức năng phát hiện. Cách đó vài giờ, lực lượng bắt giữ tàu cá biển số KG 92573 TS, do ông Nguyễn Tuấn Hải (SN 1974) làm tài công đang chứa khoảng 6.000 lít dầu DO không chứng minh được nguồn gốc.

Cảnh sát biển vùng 4 kiểm tra tàu nghi chở dầu lậu

CẦN RÚT GIẤY PHÉP PHƯƠNG TIỆN VI PHẠM

Báo cáo của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, năm 2020, đơn vị đã tổ chức nhiều chuyến tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển theo kế hoạch và đột xuất. Qua đó, lực lượng bắt giữ và tiếp nhận xử lý 14 vụ với 20 tàu có hành vi mua bán, sang mạn, vận chuyển dầu diesel trái phép trên vùng biển Tây Nam. Tư lệnh Cảnh sát biển đã xử phạt vi phạm hành chính 12 vụ (17 tàu) với số tiền hơn 1,23 tỷ đồng, tịch thu 3.521.122 lít dầu diesel, bán tài sản tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 30 tỷ đồng.

Theo lực lượng Cảnh sát biển, thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi vi phạm trên biển, nhất là phát hiện nhiều vụ buôn lậu xăng dầu trên các vùng biển. Tại vùng biển phía Tây Nam, hoạt động buôn lậu xăng dầu cũng diễn ra phức tạp. 3 quý đầu năm 2020, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 233 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 63,6 tỷ đồng, khởi tố 93 vụ... Nhiều vụ buôn lậu xăng dầu lớn trên biển Tây Nam bị lực lượng cảnh sát biển phát hiện.

Các cơ quan chức năng cho rằng, đa số chủ tàu buôn lậu móc nối bán xăng dầu lậu với chủ tàu đánh bắt cá. Thương lượng xong, họ theo dõi lịch đánh bắt ngoài khơi, hẹn tọa độ rồi gặp nhau trao đổi, sang mạn hàng cấm ngay trên biển. Họ cho xăng dầu vào nhiều can nhựa, thùng phuy rồi chất lên tàu cá, thậm chí lên ghe hay xuồng nhỏ, chở hàng vào khu vực biển giáp ranh lén lút giao dịch. Nhiều đối tượng sử dụng tàu không mang số hiệu hoặc số hiệu giả khi vận chuyển, mua bán xăng dầu lậu. Họ không ngại thuê phương tiện hoặc đối phó bằng cách sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh mặt hàng trên.

Cảnh sát biển khuyến cáo, tình trạng tàu cá của một số ngư dân tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển kéo dài từ nhiều năm nay. Lợi dụng những vùng biển xa, chủ tàu cá hoán cải tàu đánh bắt cá thành tàu chở xăng dầu để cung cấp cho hoạt động đánh bắt cá và bán lại cho tàu cá để hưởng tiền chênh lệch. Điển hình, cuối tháng 6-2020, lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ tàu nước ngoài đang sang mạn dầu sang tàu Tiền Giang.

Qua kiểm tra, để chứa số lượng khủng dầu lậu, chủ tàu cá đã hoán cải phương tiện có nhiều hầm chủ yếu chứa dầu nhập lậu. Lực lượng Cảnh sát biển thu giữ trên tàu cá 300.000m3 và trên tàu "mẹ” hơn 800m3; tổng lượng dầu là hơn 1,1 triệu lít. Các cơ quan chức năng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai phương tiện gần 300 triệu đồng; bán phát mại hàng hóa thu giữ hơn 10 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát biển đề nghị, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm của chủ tàu, thuyền viên chở dầu lậu. Sau khi xử lý, lực lượng Cảnh sát biển cũng thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng chức năng kịp thời phối hợp xử lý theo quy định. Đối với tàu vi phạm nhiều lần, lực lượng Cảnh sát biển kiến nghị rút giấy phép tham gia đánh bắt cá trên biển. Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng để ngư dân chấp hành nghiêm hoạt động đánh bắt trên biển...

Buôn lậu xăng dầu trên biển Tây Nam diễn biến phức tạp
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang