Cấp thiết có biện pháp ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL:

Kỳ 3: Nhìn nước bạn, soi lại nước ta

Thứ Tư, 23/12/2020 08:30  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Thời gian qua, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, quy định về việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, song tình trạng người dân dùng ngư cụ cấm để khai thác vẫn diễn ra phổ biến.

Nếu tình trạng này cứ diễn ra và kéo dài, thì chỉ vài năm nữa cá, tôm chẳng còn, khiến người dân phải bỏ nghề, thất nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn. Do vậy không chỉ nâng cao trách nhiệm của người dân trong vấn đề khai thác, mà cơ quan quản lý cần mạnh tay xử lý tình trạng này để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

Năm 2019, nguồn lợi thủy sản ở Campuchia đánh bắt chở sang Việt Nam bán tấp nập.

Kinh nghiệm quốc tế về bảo tồn nguồn cá

Trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có nhiều cá nước ngọt ở châu Á như: Campuchia, Lào, Bangladesh… có những cách làm hay trong việc duy trì nguồn tài nguyên thủy sản. Ở Campuchia đã thành lập tổng cộng 116 khu bảo tồn cá, trong đó cá được cộng đồng quản lý và khai thác theo các thỏa thuận kiểu hương ước cộng đồng, quy định về mùa bắt cá, loại ngư cụ, kích thước cá được bắt.

Ông Nguyễn Văn Hạnh (ngụ huyện An Giang, tỉnh An Giang) có thâm niên hàng chục năm làm nghề cá ở Campuchia cho biết: “Lệnh cấm bắt cá với quy mô lớn ở Campuchia bắt đầu từ tháng 6 đến cuối tháng 9 hàng năm, được thực thi hàng chục năm nay. Vào thời điểm này, những ai vị phạm sẽ coi là phạm tội, bị xử lý nặng. Người vi phạm lệnh cấm bắt cá ở đây tùy theo mức độ sẽ bị phạt tiền, buộc đi học luật bảo vệ môi trường và nặng hơn là bị phạt tù giam. Lực lượng chấp pháp nước này không ít lần nổ súng để trấn áp những người vi phạm lệnh cấm đánh bắt cá. Chính vì vậy người dân tuân thủ rất cao”.

Ở Lào cũng đã thành lập nhiều khu bảo tồn cá theo mô hình đồng quản lý, cộng đồng lập ra quy ước về việc khai thác cá. Ở phía nam Lào, người dân có câu nói nổi tiếng: “Chúng tôi không nuôi cá. Cá nuôi chúng tôi”. Tuy nhiên, nguồn cá nước ngọt ở Lào phụ thuộc vào hệ thống sông Mê Kông (dòng chính và chi lưu) nhưng hiện nay và trong kế hoạch có nhiều đập thủy điện ở dòng chính và chi lưu chặn đường di chuyển của cá. Các nỗ lực bảo tồn nguồn tài nguyên này của các cộng đồng cũng sẽ khó hiệu quả trong bối cảnh nguồn thủy sản suy giảm do thủy điện và do tình hình khô hạn những năm gần đây.

Ở Bangladesh, Trung tâm cá thế giới hoạt động mạnh ở đây đã thành lập nhiều tổ chức cộng đồng quản lý tài nguyên thủy sản trên các vùng đất ngập nước gọi là các Haor, đặt ra quy ước về giới hạn khai thác, đào sâu thêm, tái tạo thực vật bản địa. Những khu bảo tồn này đã phát huy hiệu quả rất lớn. Ví dụ tại Hail Haor, các tổ chức cộng đồng bảo tồn cá đã được thành lập từ năm 1999. Trong một vùng rộng 14.000ha, họ dành riêng ra 100ha bảo vệ nghiêm ngặt để làm nơi sinh sản cho cá, tạo nguồn cho toàn bộ vùng đất ngập nước còn lại. Đến năm 2005 thì sản lượng đánh bắt đã tăng lên gấp đôi và lượng cá tiêu thụ bình quân đầu người của người nghèo, không đất tăng 45%.

Các phương tiện cào điện đánh bắt theo kiểu tận diệt tại Búng Bình Thiên.

Theo một chuyên gia nghiên cứu về ngành thủy sản ở TP.Cần Thơ cho biết: Ở Nhật Bản, quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn gắt gao hơn. Mỗi thành viên trong một cộng đồng luôn tuân thủ một hương ước của cộng đồng đó. Chẳng hạn vùng này chỉ được khai thác nguồn lợi thủy sản như thế nào thì thành viên trong vùng đó phải tuân thủ theo. Người ngoài cộng đồng vào đó làm tự do thì sẽ bị thành viên trong cộng đồng đó ngăn cản.

“Hàng chục năm trước, họ cũng khai thác kiểu tận diệt như mình, nhưng khi luật lệ của địa phương, hương ước của dân làng ra đời thì họ chấp hành rất cao. Chính quyền địa phương cũng giúp đỡ dân làng giữ vững hương ước đó theo kiểu “phép vua thua lệ làng” như ở mình thường nói. Nhờ đó, nguồn lợi thủy sản ở mỗi địa phương, mỗi vùng được bảo vệ nghiêm ngặt, góp phần mang lại cái lợi chung cho cộng đồng cư dân”, chuyên gia này cho biết.

Theo báo chí nước ngoài, từ xa xưa, người Trung Quốc đã đánh bắt cá trên sông Dương Tử dài 6.300km. Đây là con sông chảy từ cao nguyên Tây Tạng đến biển Hoa Đông gần Thượng Hải. Sau nhiều thập kỷ xây dựng các con đập, khai thác quá mức và ô nhiễm khiến nguồn lợi thủy sản sông Dương Tử gần như cạn kiệt. Kết quả là quần thể các loài quý hiếm như cá tầm bị đe dọa nghiêm trọng. Năm 1954, sản lượng đánh bắt hàng năm ở sông Dương Tử vào khoảng 427.000 tấn, nhưng trong những năm gần đây, con số chỉ còn dưới 100.000 tấn.

Trước tình trạng trên, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá thương mại trong 10 năm trên sông Dương Tử, trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, áp dụng với 332 khu bảo tồn dọc sông. Nó cũng được áp dụng mở rộng với các nhánh sông chính của sông Dương Tử trong 1 năm tới. Lệnh cấm dự kiến ảnh hưởng đến khoảng 280.000 ngư dân dọc sông.

Nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, cảnh đánh bắt ngày càng kém nhộn nhịp.

Nước ta thành lập rồi… bỏ quên!

Ở ĐBSCL chưa có các khu bảo tồn cá, nhưng các khu bảo tồn đất ngập nước cũng là nơi có sinh cảnh cho thủy sản. Tiêu biểu là các khu bảo tồn như vườn quốc gia: U Minh Thượng, U Minh Hạ, Tràm Chim, khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Trong đó, các khu bảo tồn vùng U Minh chủ yếu là môi trường nước tĩnh cho các loài cá đen, còn các khu ở Đồng Tháp Mười như: Tràm Chim và Láng Sen là nơi tạo môi trường cho cá trắng mùa lũ và cá đen nội đồng.

Vườn quốc gia Tràm Chim, do hệ thống đê bao khép kín quá cao, vào mùa lũ trứng cá và cá con theo nước lũ sông Mê Kông chỉ vào được bên trong thông qua vài cửa cống: C1, C2, C3 phía thượng lưu nên lượng cá vào bên trong rất hạn chế. Môi trường bên trong, do bị giữ ngập quanh năm trong nhiều năm, xác bã thực vật tích tụ làm mấy oxy trong nước nên cũng không phù hợp cho cá trắng.

Cảnh cá dính đều lưới, chứa đầy khoang xuồng giờ đã là chuyện dĩ vãng

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, ở Búng Bình Thiên (huyện An Phú, tỉnh An Giang) có hội nghề cá, quản lý khai thác cá tự nhiên theo hình thức cộng đồng. Tuy nhiên, hội chỉ hoạt động một thời gian và đến nay gần như không còn hoạt động nữa. Hơn nữa, môi trường của Búng Bình Thiên cũng bị tù đọng do mất và bị thu hẹp cửa lưu thông nước ra sông Hậu. Việc tổ chức thả cá của các cơ quan thủy sản địa phương nhằm khôi phục đàn cá tự nhiên không mang lại kết quả, vì việc thả cá như vậy làm mất cân bằng sinh thái, một số loài được thả nhiều hơn sẽ trội hơn các loài khác và các loài không phải bản địa sẽ hoặc là không thể tồn tại, hoặc nếu tồn tại được thì sẽ cạnh tranh thức ăn và nơi sinh sống với các loài bản địa.

Việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế.

Ở Cồn Chim, một cù lao nhỏ thuộc Trà Vinh trên sông Cổ Chiên, cộng đồng đã thành lập hương ước quy định về việc đánh bắt thủy sản để gìn giữ nguồn tài nguyên này. Đây là một mô hình rất tốt cho vùng cửa sông Cửu Long. Tuy nhiên vì nằm trong bối cảnh lớn hơn của ĐBSCL với nền nông nghiệp thâm canh sử dụng nhiều phân bón thuốc trừ sâu, chất lượng nước sông bị ảnh hưởng chung và bị ảnh hưởng bởi nước thải từ các vùng nuôi thủy sản thâm canh ở xung quanh.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, đất nước Campuchia đa phần theo Đạo Phật nên họ có quan điểm là tuyệt đối không ăn những con cá còn nhỏ. Khi bắt được cá nhỏ, họ bỏ xuống nước trở lại, chờ tới lớn mới bắt. Còn nếu ăn cá có trứng thì họ xem như đã giết rất nhiều cá con. Do vậy, họ rất tuân thủ quy định cấm. Còn ở Việt Nam, người dân vùng nông thôn đa phần còn khó khăn, chưa làm đúng khoa học, ý thức gìn giữ môi trường chưa cao, thấy cái lợi trước mắt mà chưa nghĩ tới lâu dài, lợi ích cho xã hội.

(Còn tiếp…)

Bình luận (0)

Lên đầu trang