Cấp thiết có biện pháp ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản ở ĐBSCL:

Kỳ 1: Đi qua vựa cá miền Tây

Thứ Hai, 21/12/2020 13:30  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Đồng bằng sông Cửu Long được xem là vựa cá, vựa tôm của cả nước. Trước đây, nguồn lợi thủy sản phong phú, giúp nhiều gia đình sống sung túc, nhưng giờ nguồn sống này ngày một suy giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, trong đó có đánh bắt tận diệt.

Việc bảo vệ nguồn lợi tự nhiên đã trở nên cấp thiết, trong khi đó vấn đề này trong thời gian qua được xem nhẹ, chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, mặc dù có đủ hành lang pháp lý để xử phạt. Qua loạt bài này, chúng tôi muốn góp thêm tiếng nói để giữ lại các loài đặc sản, thế mạnh của vùng đất Chín Rồng.

Người dân tát đìa bắt cá ở huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang.

Ký ức vùng rốn lũ

ĐBSCL được thiên nhiên ban tặng hệ sông, rạch dày đặc, đồng ruộng trũng thấp tạo điều kiện thuận lợi để nhiều loại cá, tôm sinh sôi, nuôi sống người dân thời đi mở đất.

Gắn bó với việc đánh bắt thủy sản đến nay đã hơn 40 năm, ông Năm Đằng (65 tuổi, ngụ xã Phú Hữu, huyện An Phú, tỉnh An Giang) kể: “Trước đây, nói đến miền Tây phải kể là vựa cá, vựa mắm và số lượng người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản nhiều vô kể. Thời điểm đó, cứ mùa lũ là các sông, kênh lớn thường xuất hiện những chiếc ghe đục chở cá vì số lượng đánh bắt được rất lớn. Mấy năm gần đây, nguồn cá đồng ngày một khan hiếm, người dân cũng từ đó lần lượt bỏ nghề”.

Nguồn lợi thủy sản giảm mạnh, ông Năm Đằng khăn gói rời quê ra Đồng Nai kiếm cơm. Sau một năm chật vật ở xứ người, lão ngư quyết định quay về vàm Cỏ Lau tiếp tục cuộc mưu sinh. Hiện đang mùa nước nổi nhưng chiếc rớ 1.000m2 ông chỉ kiếm được vài chục ngàn/ngày, không đủ chi tiêu gia đình.

Bạn đồng hành với Năm Đằng là ông Sáu Bé (88 tuổi), chuyên nghề giăng lưới. Gặp chúng tôi là hình ảnh lão ngư đầu quấn khăn rằn, râu tóc bạc phơ, gương mặt nám đen vì mấy chục năm gắn chặt với nghề hạ bạc.

Cụ Bé kể: Ông quê gốc huyện Chợ Mới và sang vùng đất An Phú định cư từ lúc 16 tuổi. Công việc chính là giăng lưới, đặt dớn, lợp. Cả đời ông dường như dành chọn bên cảnh sông nước, nên năm nào cũng… ngóng lũ!

Cảnh cân cá đồng, giờ trở nên hiếm hoi ở miền Tây.

Đêm đến, nghe tiếng ếch nhái càng gợi cho cụ Sáu Bé về những mùa nước nổi nay chỉ còn là ký ức. “Thời điểm này hồi đó vui lắm, bởi xuồng ghe, câu lưới hoạt động sáng đêm. Lúc đó tao ra đồng đặt lợp, giăng lưới đem cá về cho vợ mang ra chợ bán. Không chỉ tao đâu mà cả xóm ai cũng ùa nhau ra đồng, do hoạt động liên tục nên lạnh run người, nhất là thời điểm gió lạnh “móp” hết cả chân tay”, cụ Sáu Bé nhớ lại.

Để nói tiếp câu chuyện mưu sinh năm nào, ông Sáu Bé liền lấy bọc thuốc rẩy quấn một điếu đốt kéo hơi thật dài rồi chỉ tay ra cánh đồng trước mặt rộng hàng trăm héc-ta nói: “Nơi đây ngày trước như một ngư trường dành cho dân nghèo vùng biên. Lúc đêm đến người dân ra đánh bắt đỏ đèn, cá mắn nhiều chứa đầy khoang về bị chết hết nhưng ham lắm, còn giờ có mấy người đâu”.

Qua đò Phước Hưng, chạy dọc theo con đường bằng bê tông chúng tôi thấy một lão nông đang ngồi võng nhìn xuống dòng nước trước nhà, ông Út Tòng (68 tuổi, ngụ ấp Phước Khánh, xã Phước Hưng) - Tổ trưởng tổ đan lợp cá linh ở cồn Cóc nhớ lại viễn cảnh những năm lũ lớn, cho biết: “Giai đoạn từ năm 2007 – 2009, mỗi nhà làm từ 5.000 – 7.000 cái lợp để bán và dành riêng 100 cái để đặt. Thời điểm ấy cá tôm dữ lắm, bởi mỗi cái lợp chạy 2 – 3 ký cá linh/đêm. Lúc đó ham lắm vì vừa đặt để ăn, vừa bán gom tiền mua vàng thấy ham. Còn giờ xuồng ghe để nằm trên bờ, dân làm lợp đếm chưa hết đầu ngón tay”.

Cái thời cá, tôm đầy sông, ngập đồng ăn không hết đã lùi xa dĩ vãng. Giờ đây mỗi khi nghe câu hát: “Về sông ăn cá, về đồng ăn cua…” khiến ai cũng tiếc nuối.

Hoạt đồng đánh bắt nhộp nhịp của người dân thời điểm còn nhiều cá, tôm.

Cá, tôm làm… phân bón

Những ngày rong ruổi vùng biên, chúng tôi gặp được ông Sáu Tân (ngụ tỉnh Đồng Tháp) khi đang soạn lại mớ ngư cụ trên xuồng. Nghe hỏi về chuyện cá tôm, chỉ tay xuống dòng sông Hậu, ông Sáu Tân nói rằng, mấy năm nay cá tôm dưới sông ít lắm!

“Tôi làm nghề hạ bạc đã trên 20 năm nhưng chưa từng thấy cảnh đánh bắt bi thảm như hiện nay. Thời kỳ trước, tôi đặt mỗi cái đú dính từ 2 – 3kg cá, tép các loại. Hiện nay tôi đặt 100 cái, mỗi đêm chỉ kiếm được vài ký”, ông Tân cho hay.

Một thời người dân đánh bắt cá ăn không hết, phải dùng cá về làm mắm, ủ phân bón.

Người dân Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) kể rằng, khoảng chục năm về trước, cá đồng ăn không hết, bán cũng không kịp nên họ phơi khô, làm mắm, nhưng vẫn còn nhiều quá phải đổ cá thành đống cho thối, rồi trộn tro làm phân bón rau màu. Nhiều năm đã trôi qua, ông Ba Em (ngụ xã Hòa Mỹ) vẫn nhớ mãi một thời cá, tôm dồi dào ở xứ đồng lung.

Ông Em kể: Phụng Hiệp là nơi đất trũng, chịu ngập sâu nhất so với các tỉnh miền Tây, vì vậy lượng cá đồng cũng dồi dào bậc nhất. “Nhờ nghề con cá mà tôi nuôi được 3 đứa con ăn học, có nghề nghiệp ổn định. Trước đây, cứ mùa nước nổi ra đồng cắm câu hoặc giăng lưới là các loại cá đầy 2 khoang xuồng, hơn 10kg. Giờ thời điểm này chẳng thấy ai giăng câu, còn thả lưới chỉ vài người. Tôi là người sống ở đồng mà giờ phải mua cá nuôi ăn”, ông Ba Em nói trong tâm trạng xót xa.

Còn ông Hai Lâm (66 tuổi, ngụ xã Hòa An) cũng góp lời: Phổ biến ở địa phương là tát đìa và dỡ chà, bởi đây là phong tục có từ rất lâu đời, trở thành nét văn hoá. Vì thế trước đây nhà nào cũng có cái mương, cái đìa. Mùa nước lớn cá từ sông lên ruộng tìm mồi, đến khi nước cạn chúng lại xuống mương, đìa ẩn ấp và sinh sản. Hễ cái mương, đìa nào lâu năm không tát thì cá rất nhiều và cá to. Nhiều nhất vẫn là cá lóc, cá trê, cá rô, cá thác lác...

“Nhà tôi có cái mương diện tích khoảng 1.000m2, cứ mỗi lần tát các loài cá chở chừng 2 ghe (mỗi ghe 1 tấn). Thời kỳ đó cá nhiều bán không hết nên chúng tôi làm khô, làm mắm ăn dần và thậm chí là ủ phân bón”, ông Lâm nói về thời đã xa.

Sống gần sông Vàm Nao, nơi được xem là “ổ cá” của vùng sông nước Cửu Long, ông Nguyễn Văn Sơn (ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) cho biết: “Nơi đây hứng trọn luồng chảy sông Mê Kông về. Vào mùa mưa lũ, hàng chục loại cá tôm đổ vào, tràn lên các cánh đồng ngập nước để đẻ trứng, sinh con, rồi khi nước rút lại men theo các kênh rạch trở về sông lớn, bị người dân chặn lại bắt được nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, làm nước mắm, có khi đổ thành đống làm phân bón, giờ đã là chuyện quá khứ”.

Đánh bắt cá linh trên sông ở An Giang.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL) cho rằng: Thủy sản tự nhiên là nguồn dinh dưỡng và thu nhập quan trọng của người dân ĐBSCL. Cá tự nhiên có vai trò đặc biệt sống còn đối với các hộ gia đình nghèo, không đất ở nông thôn. Sản lượng thủy sản tự nhiên nước ngọt ở ĐBSCL từng được Trung tâm cá thế giới (World Fish Center) đánh giá là có sản lượng khoảng 220.000 đến 440.000 tấn hàng năm, tương đương giá trị hơn 1 tỷ USD mỗi năm, dựa theo số liệu thống kê chính thức của các tỉnh. Các chuyên gia cho rằng con số thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Theo Bộ Thủy sản và Ngân hàng Thế giới, vào năm 2005, ước lượng sản lượng thủy sản tự nhiên theo diện tích đồng ngập lũ ở vùng Cần Thơ và Kiên Giang là 430kg/ha. Một nghiên cúu năm 2007 ước lượng mức tiêu thụ cá bình quân đầu người một năm ở ĐBSCL là 60,2kg và như vậy hàng năm người dân đồng bằng tiêu thụ đến 1.021.700 tấn cá.

Ông Huỳnh Thanh Sơn - Trưởng phòng Khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản An Giang) cho biết: Sản lượng thủy sản đánh bắt của tỉnh năm 2019 là 16.330 tấn, năm 2020 giảm xuống chỉ còn 14.741 tấn.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang