Đẩy mạnh chống thất thu thuế thương mại điện tử

Thứ Hai, 24/02/2025 14:53

|

(CATP) Quản lý thuế đối với cá nhân và hộ kinh doanh thương mại điện tử đang được các cơ quan thuế chú trọng trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Các cá nhân và hộ kinh doanh hoạt động trên nền tảng online như Shopee, Lazada, Grab... cần phải tuân thủ các quy định về kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng (VAT). Tuy nhiên, việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh online gặp nhiều khó khăn do tính chất giao dịch trực tuyến và sự thiếu hụt thông tin về nghĩa vụ thuế của người bán.

Thống kê của ngành thuế cho thấy, hiện có 412 sàn thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin, qua đó ghi nhận hơn 191.000 nhà bán hàng với giá trị giao dịch gần 72.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng trăm nghìn người bán hàng online thông qua mạng xã hội Zalo, Faebook... Tuy nhiên, tình trạng trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử vẫn diễn ra tinh vi và phức tạp.

Trong năm 2024, riêng cơ quan thuế Hà Nội đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị phối hợp xác minh điều tra đối với gần 1.900 người nộp thuế; đồng thời nhận được gần 800 đề nghị của cơ quan Công an về việc cung cấp hồ sơ liên quan hơn 2.000 lượt người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm.

Cuối năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đỗ Mạnh Cường, 38 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội để điều tra về hành vi trốn thuế. Cường đăng ký, sử dụng nhiều tài khoản trên sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada... để bán điện thoại, phụ kiện. Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2019 đến khi bị phát hiện, doanh thu bán hàng là hơn 160 tỷ đồng, nhưng Cường đã che giấu doanh thu để trốn thuế khoảng 2,5 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2024, Tổng cục Thuế đã đưa vào diện rà soát nghĩa vụ thuế đối với 76.428 người; trong đó, phát hiện và xử lý vi phạm khoảng 30.000 người với tổng số tiền truy thu, xử phạt hơn 1.200 tỷ đồng.

Người dân giao dịch tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ, Hà Nội

Việc phải nộp thuế đúng quy định là điều mà những người kinh doanh online hiểu và đồng ý, vì đó là nghĩa vụ của mỗi công dân. Nhưng chị Hạnh cũng mong muốn có thêm sự hỗ trợ từ các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Grab trong việc cung cấp thông tin và hướng dẫn rõ ràng hơn về nghĩa vụ thuế đối với người bán để không dẫn đến việc số tiền thuế bị dồn lại, dẫn đến bị truy thu và có thể vi phạm pháp luật về thuế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Mạnh Cường cho biết, năm 2025 sẽ là năm cao điểm ngành thuế áp dụng các chuyên đề chống thất thu thuế đối với một số nhóm cá nhân, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, dịch vụ, bán lẻ, hàng ăn, cho thuê cửa hàng, thuê nhà...

Đặc biệt, ngành phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong việc áp dụng xuất hóa đơn điện tử từ máy tính tiền sẽ được tăng cường rà soát, kiểm soát để nâng cao quản lý thuế trên các địa bàn.

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế với hộ cá nhân kinh doanh, chú trọng triển khai tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký tài khoản thuế điện tử, cài đặt eTax Mobile và nộp thuế điện tử, giao chỉ tiêu cài đặt eTax Mobile và nộp thuế điện tử đối với hộ kinh doanh đến từng chi cục thuế.

Song song với đó, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, sở, ban, ngành, chủ động tham mưu, báo cáo, phối hợp, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng nhằm thực hiện quản lý hộ, cá nhân kinh doanh theo đúng pháp luật về đăng ký kinh doanh, pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Hiện nay, Cục Thuế các địa phương cũng đã tăng cường các giải pháp quản lý thu, kiểm soát chặt chẽ việc tính thuế, quản lý hộ khoán thuế, khai thuế, nộp thuế, sử dụng hóa đơn, thực hiện thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu phát sinh theo quy định của pháp luật thuế.

Đồng thời các Cục Thuế chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các chi cục thuế thực hiện các giải pháp quản lý thuế hộ, cá nhân kinh doanh, quản lý doanh thu, mức thuế khoán sát thực tế, đảm bảo phù hợp với các địa bàn, các tỉnh, thành phố trong cả nước, kiểm soát việc sử dụng hóa đơn, giá trị hàng hóa bán ra, mua vào của hộ, cá nhân kinh doanh.

Tại dự thảo Nghị định quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính cho biết, việc quản lý thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số đang do các Cục thuế, Chi cục thuế quản lý thu nên chưa thực sự hiệu quả, số thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử rất nhỏ so với quy mô và tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số.

Theo số liệu quản lý thu thuế trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2024, kết quả tổng số thu thuế từ hộ, cá nhân kinh doanh rất thấp, năm 2022 là 183 tỷ đồng và năm 2023 là 67 tỷ đồng, năm 2024 dự kiến đạt 2,5 nghìn tỷ đồng.

Thống kê theo dữ liệu của hơn 400 sàn thương mại điện tử đã cung cấp thông tin cho cơ quan thuế theo quy định tại Nghị định 91/2022/NĐ-CP thì có hơn 300 nghìn cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với số thu thuế năm 2024 sẽ đạt khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, thống kê tại 5 sàn thương mại điện tử lớn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Grab thì có hơn 300 nghìn gian hàng chưa định danh được người dùng với doanh số kinh doanh trên 70 nghìn tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang