(CATP) Mới đây, ông Lê Vũ Tuấn Anh (Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa ký Kết luận thanh tra chấp hành pháp luật về cấp phép hoạt động khoáng sản không qua đấu giá, tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ của UBND tỉnh Đắk Nông.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tỉnh Đắk Nông kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm trong quản lý khoáng sản vừa được chỉ ra. Theo đó, từ ngày 01/7/2011 đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Đắk Nông đã cấp 86 giấy phép hoạt động khoáng sản không thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản (46 giấy phép thăm dò và 40 giấy phép khai thác khoáng sản).
Thanh tra phát hiện, tỉnh Đắk Nông cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải tại mỏ đá bazan Buôn Nui (xã Ea Pô, huyện Cư Jút) với diện tích 12ha, nhưng gần 8ha chưa được cấp giấy phép hoạt động khoáng sản trước ngày 01/7/2011 là không đúng quy định của Chính phủ. Từ năm 2014 - 2017, tỉnh Đắk Nông ban hành các quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác căn cứ vào công suất ghi trên giấy phép, theo thanh tra, không đúng quy định.
Đến năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định đối với mỏ đá bazan Buôn Nui. Việc áp dụng giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với đá hộc là 100.000 đồng/m3 tại quyết định ký năm 2015 của UBND tỉnh này (có hiệu lực từ 01/01/2016) cũng không phù hợp quy định. Theo kết luận thanh tra, số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp năm 2016 phải được xác định trước thời điểm 31/12/2015, giá tính tiền đối với đá hộc phải là 130.000 đồng/m3.

Một mỏ khai thác đá trái phép tại tỉnh Đắk Nông
Ngoài ra, tỉnh Đắk Nông cũng có quyết định khoanh định 2 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với quặng Antimon, quặng Wolfram và quặng Antimon khi chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định, công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ là không đúng thẩm quyền theo Luật Khoáng sản.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra việc hồ sơ đóng cửa mỏ đối với mỏ đá bazan làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích Dự án đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đắk Tô (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức) của Công ty TNHH MTV 16 cũng bị kết luận không đúng quy định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Việc thẩm định đề án đóng cửa mỏ khoáng sản không được tiến hành thông qua phiên họp hội đồng là không đúng. Kết quả kiểm tra thực hiện các hạng mục công trình trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản chưa bám sát đầy đủ theo các nội dung của đề án đóng cửa mỏ. Tại thời điểm thanh tra, còn 11 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc trường hợp phải thực hiện đóng cửa mỏ chưa nộp hồ sơ thực hiện đóng cửa mỏ.
Quá trình thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Hợp Thành Phát Đắk Nông 57 triệu đồng do hành vi cắm mốc không đúng quy định và không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ.
Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chấn chỉnh công tác khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, tính tiền cấp quyền khai thác và cấp phép hoạt động khai thác; phải rà soát, thu hồi để đấu giá hoặc điều chỉnh nội dung giấy phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định đối với các giấy phép khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường đã cấp không đúng tiêu chí, không đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Nông phải chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chậm khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản; tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không đúng quy định. Trường hợp phát hiện sai phạm đến mức phải xử lý hình sự thì phải chuyển hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.