Thực trạng đáng buồn
Tại chợ Bến Thành - một trong những biểu tượng của thành phố, không còn cảnh khách chen chúc mua sắm như trước. Nhiều quầy sạp đóng cửa, một số tiểu thương phải giảm giá mạnh để mong bán được hàng. Chợ Bình Tây, một trong những chợ sầm uất cũng không khá hơn. Bà Thu, tiểu thương kinh doanh vải vóc hơn 20 năm, than thở: "Mấy năm nay buôn bán khó khăn lắm, khách lẻ gần như không có, khách sỉ cũng giảm mạnh. Có ngày từ sáng tới chiều chẳng bán nổi một đơn hàng".
Không riêng gì các chợ lớn, nhiều chợ vừa và nhỏ như Tân Định, Hòa Bình, An Đông, Trần Hữu Trang... cũng chung cảnh ngộ. Một số chợ đã mất đi sức sống vốn có, hàng quán thưa thớt, nhiều sạp để bảng cho thuê dài hạn. Tại chợ Trần Hữu Trang (Q. Phú Nhuận), chúng tôi bắt gặp những quầy, sạp nhỏ không còn hoạt động. Các tiểu thương khu vực phía sau cũng trong tâm trạng bất an vì lượng khách chỉ còn loe ngoe vài người là khách hàng thân thiết. Doanh thu không bằng những năm trước, thậm chí giảm sâu khiến nhiều tiểu thương ngao ngán. Nhiều người muốn sang sạp lại cho người khác, tuy nhiên do một số chính sách quy định, không sạp nào được sang lại trong thời điểm này nên mọi thứ dường như "bất động".
Tại chợ Hòa Hưng, một trong những chợ truyền thống có nhiều sức mua lẻ khu vực Q10, cảnh đìu hiu cũng không kém phần tương tự. Theo anh Trần Hoài, nếu như trước đây ở thời kỳ "vàng son", một sạp nhỏ diện tích chỉ chưa đầy 10m vuông có thể là niềm ao ước của nhiều tiều thương, nhưng bây giờ nó trở thành gánh nặng cho họ vì sức mua không nhiều, hàng hóa bị "ngâm" lâu, doanh thu giảm mạnh khiến điều đó trở thành gánh nặng cho các tiểu thương.
Để dẫn đến thực trạng trên, ai cũng thấy nguyên nhân chính là sự cạnh tranh gay gắt từ siêu thị và thương mại điện tử. Sự bùng nổ của siêu thị, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử (TMĐT) đã thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Nếu như trước đây, chợ truyền thống là nơi chính để mua thực phẩm, quần áo, nhu yếu phẩm thì nay, người dân có quá nhiều lựa chọn khác thuận tiện hơn.
Các siêu thị như Co.opmart, BigC, hay hệ thống chuỗi cửa hàng cung ứng Bách Hóa Xanh... cung cấp hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, giá cả ổn định, không sợ mặc cả. Trong khi đó, sàn TMĐT như Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop liên tục tung khuyến mãi, giao hàng tận nơi, khiến người tiêu dùng dần rời xa chợ.

Do buôn bán ế ẩm, một số tiểu thương chợ Bến Thành và chợ Tân Định đành đóng cửa sớm. Ảnh: TRỌNG ANH
Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn đến sự xa dần chợ truyền thống chính là việc hàng hóa thiếu đa dạng, giá cả không còn hấp dẫn. Nhiều tiểu thương vẫn duy trì mô hình kinh doanh truyền thống, ít cập nhật xu hướng thị trường. Mặt hàng tại chợ chủ yếu mang tính thủ công, số lượng ít, khó cạnh tranh về giá với các hệ thống bán lẻ lớn. Một số mặt hàng còn bị đội giá do chi phí thuê sạp cao, khiến người mua e ngại. Chị Minh, một khách hàng ở quận 3, chia sẻ: "Trước đây tôi hay đi chợ để mua quần áo, giày dép vì giá rẻ, nhưng giờ mua online dễ hơn, có nhiều mẫu mã hơn, lại được đổi trả thoải mái".
Một trong những nguyên nhân khác là cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu tiện nghi. Không ít chợ truyền thống tại TPHCM đã tồn tại hàng chục năm, hạ tầng xuống cấp nhưng chưa được nâng cấp kịp thời. Lối đi chật chội, hệ thống chiếu sáng, vệ sinh chưa đảm bảo, bãi giữ xe không thuận tiện... khiến nhiều người e ngại khi đến chợ. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là một nguyên nhân lớn. Trong khi siêu thị có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt thì thực phẩm tại chợ truyền thống đôi khi chưa đảm bảo chất lượng, thiếu chứng nhận nguồn gốc rõ ràng.
Dù TPHCM đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển chợ truyền thống nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Một số tiểu thương gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, hỗ trợ kinh doanh. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các kênh bán hàng hiện đại khiến chợ ngày càng lép vế, nếu không có giải pháp phù hợp, nhiều chợ có thể phải đóng cửa.
Tương lai nào cho chợ truyền thống?
Tuy nhiên, theo chúng tôi, dù gặp nhiều khó khăn, chợ truyền thống vẫn có những lợi thế riêng mà siêu thị hay TMĐT không thể thay thế. Để vực dậy hoạt động của chợ, cần có chiến lược bài bản, từ cải thiện hạ tầng, đổi mới cách thức kinh doanh đến sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền, trong đó, việc hiện đại hóa chợ truyền thống gần như là giải pháp cấp bách. Cần nâng cấp cơ sở hạ tầng, đảm bảo không gian sạch sẽ, rộng rãi, thuận tiện cho khách hàng (điều này đã được ghi nhận tại chợ Trần Hữu Trang).
Điểm thứ hai chính là triển khai mô hình chợ thông minh, tích hợp công nghệ vào hoạt động quản lý. Ban quản lý các chợ cần có sự linh động, có giải pháp khuyến khích tiểu thương tăng cường đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, giúp khách hàng dễ dàng mua sắm. Điều này chúng tôi ghi nhận tại một số chợ như Bến Thành, An Đông đã bắt đầu triển khai phương thức thanh toán QR Code, Mobile Banking nhưng vẫn còn hạn chế. Nếu được nhân rộng, đây sẽ là bước tiến lớn giúp chợ cạnh tranh với hệ thống bán lẻ hiện đại.
Vấn đề thứ 3 là việc định hướng kinh doanh đa kênh. Thay vì chỉ bán trực tiếp, các tiểu thương cần tận dụng nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Nhiều tiểu thương đã bắt đầu livestream bán hàng trên Facebook, TikTok và thu hút lượng khách lớn. Chị Lan, một tiểu thương tại chợ Bình Tây, chia sẻ: "Lúc đầu tôi cũng ngại nhưng nhờ con gái hướng dẫn, tôi bắt đầu bán hàng trên TikTok. Giờ có thêm đơn online, mỗi tháng cũng kiếm thêm được vài triệu". Rõ ràng với việc triển khai loại hình trên là xu hướng không thể tránh khỏi, và nếu tiểu thương nhanh chóng thích ứng, chợ truyền thống có thể tìm được hướng đi mới.
Ngoài những nguyên nhân như đã phân tích trên, thiết nghĩ để kéo khách lại với chợ truyền thống, các tiểu thương cần cải thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ, chú trọng đến nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo chất lượng, minh bạch về giá. Có chính sách kích cầu, khuyến mãi, dịch vụ hậu mãi để thu hút khách. Tận dụng lợi thế về sản phẩm đặc sản, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm địa phương để tạo sự khác biệt so với siêu thị.
Ngoài sự nỗ lực của tiểu thương, cũng cần có sự hỗ trợ từ chính quyền với các chính sách rõ ràng như: Giảm chi phí thuê sạp, hỗ trợ vay vốn cho tiểu thương, Tổ chức các lớp đào tạo về kinh doanh online, quản lý tài chính cho tiểu thương.
Đặc biệt, một trong những điều chúng ta ít quan tâm chính là quảng bá chợ truyền thống như một nét văn hóa đặc sắc của TPHCM (mà điều này chúng ta chỉ mới thực hiện được ở một số chợ trung tâm thành phố như: chợ Bến Thành, chợ Bình Tây...).
Tại nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc, chợ truyền thống vẫn giữ vững vị thế nhờ sự hỗ trợ mạnh từ chính quyền. Nếu TPHCM có những chính sách tương tự, chợ có thể lấy lại sức sống.
Chợ truyền thống từng là linh hồn của đô thị, nơi không chỉ giao thương mà còn gắn kết cộng đồng. Nhưng nếu không có sự thay đổi, mô hình này có thể dần biến mất, nhường chỗ cho những mô hình bán lẻ hiện đại hơn.
Thiết nghĩ, với những giải pháp phù hợp, chợ truyền thống vẫn có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Quan trọng nhất là sự thay đổi từ chính tiểu thương, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền và người tiêu dùng. Nếu chợ truyền thống biết cách kết hợp những giá trị truyền thống với xu hướng hiện đại, chắc chắn sẽ tìm lại được sức sống và tiếp tục là một phần không thể thiếu của TPHCM.
TPHCM đổi mới chợ truyền thống: Hướng đến phát triển bền vững và thích ứng xu thế mới
Sở Công Thương TPHCM hiện đang triển khai Đề án đổi mới chợ truyền thống, dự kiến hoàn thành và nghiệm thu vào tháng 6/2025. Mục tiêu của đề án là giúp các chợ truyền thống thích ứng với xu hướng hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ, đồng thời mang đến sự thay đổi tích cực cho đời sống tiểu thương.
Theo Sở Công Thương TPHCM, đơn vị này đang phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) thực hiện nghiên cứu khoa học - công nghệ nhằm phát triển hệ thống chợ trên địa bàn thành phố, đảm bảo thích ứng với những biến động như dịch bệnh, cũng như đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong nền kinh tế hiện nay.
Lãnh đạo Sở Công Thương nhận định, chợ truyền thống không chỉ đơn thuần là nơi giao thương mà còn mang ý nghĩa văn hóa, phục vụ đời sống cộng đồng dân cư. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư để hệ thống chợ này có thể phát triển bền vững, song hành cùng quá trình đô thị hóa. Hiện tại, chợ đầu mối và chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng khi cung ứng đến 60% tổng lượng hàng tiêu dùng cho người dân TPHCM.
Theo đề án, trong tổng số 232 chợ hiện có trên địa bàn, dự kiến sẽ chỉ còn lại 195 chợ sau quá trình sắp xếp, trong đó có 37 chợ sẽ được giải tỏa, sáp nhập, di dời hoặc chuyển đổi công năng thành các không gian công cộng như hoa viên, khu phố, trung tâm thương mại... Một số chợ có thể sẽ dừng hoạt động theo đề xuất của chính quyền địa phương, điển hình như chợ Lò Gốm (quận 6).
Song song với đó, thành phố cũng sẽ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho các chợ truyền thống, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, tổ chức lại giao thông nội bộ, xây dựng bãi giữ xe, nhà vệ sinh, đồng thời bổ sung thêm các tiện ích phục vụ tiểu thương và khách hàng.
Hiện nay, trong bối cảnh các siêu thị, cửa hàng tiện lợi ngày càng phát triển với không gian mua sắm hiện đại, sạch sẽ, chợ truyền thống cũng cần nâng cao chất lượng phục vụ để tăng tính cạnh tranh. Việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư hạ tầng sẽ góp phần giúp chợ truyền thống thích ứng tốt hơn với nhu cầu tiêu dùng hiện đại, tiếp tục giữ vững vai trò trong hệ thống phân phối hàng hóa của thành phố.