TPHCM: Nên từng bước mở cửa chợ truyền thống

Thứ Ba, 28/09/2021 13:48

|

(CATP) Hàng triệu người không có việc làm nhưng vẫn phải mua hàng tại các siêu thị với giá khá cao, thậm chỉ rất cao, trong khi hàng hóa ở các chợ truyền thống giá rẻ, người dân lại không thể tiếp cận được. Theo HCDC, TPHCM gần như đã tiêm 100% mũi 1 ngừa Covid-19 cho dân. Đó là cơ sở để từng bước mở cửa trở lại các chợ truyền thống, bình ổn giá thị trường.

Nghịch lý giá cả thời giãn cách

Phó trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải trong cuộc họp báo mới đây cho biết, dự kiến TPHCM sẽ ban hành chỉ thị mới liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại TP, áp dụng từ 0 giờ ngày 1-10. Cũng theo ông Phạm Đức Hải, chỉ thị mới của TPHCM đang chỉ là dự thảo, nội dung cụ thể còn phụ thuộc vào hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong khi Bộ Y tế cũng vừa ban hành dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19".

Chỉ ngay sau đó vài giờ, 8 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị gởi Chính phủ, cho rằng nhiều quy định chưa phù hợp với chủ trương "sống chung với dịch", nghiêng về xu hướng "zero Covid-19", làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế.

Sáng 27-9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi tọa đàm tham vấn các chuyên gia về kinh tế - xã hội, để nghe ý kiến về tình hình trong nước, bối cảnh để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 4 tháng cuối năm 2021, cả năm 2021 và xây dựng kế hoạch năm 2022. Tại cuộc tọa đàm, TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra ý kiến rất đáng lưu ý: "Phong tỏa cứng chỉ có thể kéo dài trong 7 ngày, nhiều nhất là 10 ngày, không thể phong tỏa cả nửa năm trời". May mắn là Chính phủ đã chuyển hướng chiến lược sống chung an toàn với Covid-19, chứ không phải theo hướng "zero Covid-19".

TS Nguyễn Sỹ Dũng, cũng cho rằng lãnh đạo địa phương hiện được giao quyền trong công tác phòng chống dịch, một số lại sợ trách nhiệm nên có nơi ca mắc Covid-19 chưa nhiều vẫn tổ chức "phong tỏa cứng", gây khó khăn cho hoạt động của người dân. TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng TPHCM và nhiều địa phương cần chuyển đổi mô hình sản xuất, bắt đầu từ việc cho mở cửa các chợ truyền thống, do hàng triệu người đang phụ thuộc vào hoạt động này.

Ông Dũng nêu ví dụ, tại TPHCM trong khi không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối hoạt động, nhưng lại cho phép siêu thị hoạt động, trong khi không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận được hàng hóa trong siêu thị, các chuỗi cửa hàng được phép hoạt động. Ông Dũng đưa ra con số tính toán: Có khoảng 29,3 triệu người không có việc làm nhưng họ vẫn phải mua hàng qua siêu thị giá khá cao, thậm cho rất cao, trong khi hàng hóa ở các chợ truyền thống giá rẻ người dân lại không thể tiếp cận được.

Chỉ cần các chợ truyền thống ở TPHCM hoạt động trở lại, giá cả sẽ bình ổn Ảnh: TTXVN

Ví dụ và dẫn chứng của ông Nguyễn Sĩ Dũng rất chính xác, khi mà hàng hóa siêu thị cho đến nay vẫn ở mức cao và rất cao, có mặt hàng tăng đến 100%, còn tăng 50, 30% là "chuyện bình thường" so với trước giãn cách. Người dân đang thực hiện giãn cách, thu nhập thấp đi, thậm chí hàng triệu người không có việc làm vẫn phải chui vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng "độc quyền" mua hàng với giá cao ngất ngưởng.

Trong khi đó, nếu người dân đi "chợ lậu" - kiểu chợ ẩn hiện trong các con hẻm ít bị các lượng chức năng kiểm tra - thì giá cả rẻ hơn rất nhiều. Đơn cử một hiện tượng dễ thấy nhất là hôm TPHCM chuẩn bị 2 tuần giãn cách nghiêm ngặt "ai ở đâu ở đó” (23-8), khi đó tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng "độc quyền" được phép hoạt động thì hàng hóa gần như sạch bách, giá lại cao ngất ngưởng nhưng người dân vẫn phải xếp hàng dài dằng dặc, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cũng rất cao. Trong khi đó, rất dễ dàng, người dân có thể mua sắm thoải mái ở các "chợ lậu" ven đường lớn nhỏ, hàng hóa không thiếu thứ gì, giả cả lại rẻ, có thể chấp nhận được, lại ít có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nhờ những chợ vỉa hè, "chợ lậu" đó đã giúp người dân giải tỏa "cơn khát" hàng hóa thiết yếu lúc đó.

Và sau hai tuần giãn cách đó, tình hình như thế nào, người dân sống trong vùng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đều biết. Bán cái gì, giá bao nhiêu, chất lượng hàng hóa như thế nào là quyền của các siêu thị, chuỗi cửa hàng "độc quyền" chứ không phải của người mua phải trả tiền.

Đó là nghịch lý thời giãn cách, kéo dài đến tận hôm nay.

Tại TPHCM, từ ngày 29-6, đã có 70 chợ truyền thống trong số 234 chợ trên địa bàn ngưng hoạt động do xuất hiện ca mắc Covid-19, liên quan đến các ca mắc, hoặc không đảm bảo phòng chống dịch. Và ngay sau đó các chợ đầu mối cực kỳ quan trọng trong việc phân phối hàng hóa cho 10 triệu dân như Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn lần lượt đóng của hoặc hạn chế hoạt động. Đến ngày 9-7, đã có 151/234 chợ truyền thống đóng cửa, khiến việc cung ứng hàng hóa cho dân hết sức khó khăn, giá cả bắt đầu leo thang, siêu thị và các chuỗi cửa hàng được phép kinh doanh "độc quyền" bắt đầu tăng giá hàng hóa vô tội vạ. Và sau đó nữa, khi các chợ truyền thống đóng cửa hẳn sau khi mở cửa thử nghiệm thất bại (31-7), thì mặt trận hàng bán lẻ thuộc về quyền các siêu thị. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến việc cung ứng hàng hóa, đặc biệt với những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Tình hình căng thẳng nhưng diễn biến đại dịch Covid-19 ở TPHCM và các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn rất phức tạp, khiến các chợ truyền thống gần như đóng cửa hoàn toàn. Các chợ đầu mối hoạt động cầm chừng, dù nhiều lần các cơ quan chức năng, từ Bộ Công thương đến Sở Công thương TPHCM quyết tâm đưa các chợ hoạt động trở lại, đổi phương án bán buôn nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, giá cả hàng tiêu dung thiết yếu tăng chóng mặt là điều tất yếu.

Được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm nhanh chóng ổn định cung cầu, giảm áp lực mua sắm hàng hóa tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, việc mở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối được yêu cầu đảm bảo các điều kiện phòng chống dịch Covid-19, được nhiều lần đặt ra, kể cả chỉ đạo của Chính phủ lẫn Bộ Công thương, nên bắt đầu từ những ngày cuối tháng 9, có khoảng 14 chợ truyền thống hoạt động thử nghiệm. Các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn, lượng hàng về các điểm trung chuyển nhiều hơn, ngay lập tức không chỉ góp phần cung ứng hàng hóa cho TPHCM mà còn cung ứng cho các tỉnh, thành khác.

Theo Bộ Công thương, tại 3 chợ đầu mối ở TPHCM, tổng lượng hàng đưa về cung ứng cho thị trường trong ngày 23-9 tăng 5% so với ngày 22-9, ước đạt 790 tấn/đêm; trong đó, 60% cung ứng cho hệ thống phân phối và 40% cung ứng ra thị trường lẻ.

Tuy nhiên, điều quan trong nhất là các chợ truyền thống phải hoạt động trở lại trong tình trạng bình thường mới. Trong khi đó UBND TPHCM vừa yêu cầu các quận huyện và TP.Thủ Đức góp ý cho dự thảo chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế từ ngày 1-10, có quy định: "chợ đầu mối, chợ bán lẻ, chợ truyền thống; cắt tóc, gội đầu... được hoạt động tối đa 50% công suất

Bắt đầu mở cửa các chợ truyền thống

Tất nhiên đây chỉ mới là dự thảo, còn lệ thuộc vào các quy định, hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" của Bộ Y tế. Nhưng nếu căn cứ vào tỷ lệ tiêm vaccine của cư dân TPHCM (tính đến hết ngày 26-9), chỉ tính riêng mũi 1 đã lên đến 9.625.808 người, trong đó, 2.809.695 người hoàn thành 2 mũi tiêm. Với tỷ lệ tiêm chủng như vậy, việc lây nhiễm tại chợ không đáng lo ngại, có thể tương đương như ở các siêu thị, cửa hàng cung ứng bấy lâu nay buôn bán "độc quyền".

Trước tình hình đó, chiều 27-9, Sở Công thương cũng đã có đề nghị UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện chủ động xây dựng phương án hoạt động các chợ, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm.

Trở lại ý kiến của TS Nguyễn Sỹ Dũng, rất có lý khi ông đặt câu hỏi: "Những người nghèo khốn khổ thế nào nếu chợ truyền thống đóng cửa, rồi những hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thể mua hàng từ chợ đầu mối, làm sao có thể mua ở siêu thị mãi được?". Ông Dũng cho rằng, không chỉ TPHCM, mà nhiều địa phương nếu tính đến chuyển đổi mô hình sản xuất thì bắt buộc phải mở chợ truyền thống trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào đó, không chỉ người mua mà cả người bán.

Thực tế hiện nay, dù các chợ truyền thống chưa mở cửa nhưng những "chợ lậu", chợ vỉa hè ở TPHCM mọc lên nhan nhản, cũng đã góp phần giải tỏa cơn khát hàng hóa thiết yếu của người dân. Vậy tại sao không chủ động từng bước mở cửa các chợ truyền thống để góp phần quan trọng bình ổn giá cả thị trường?

TPHCM đạt gần 100% tiêm mũi 1 ngừa Covid-19 cho dân

Thông tin mới nhất từ Sở Y tế TP, ngành y tế TP xác định còn tồn khoảng 150.000 ca có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19 chưa được cấp mã số để quản lý. Ngày 26-9, Sở Y tế TPHCM có văn bản khẩn đề nghị Bộ Y tế công nhận và cấp mã số cho người bệnh có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính với Covid-19.

Theo đó, từ ngày 20-8 đến nay, TP ghi nhận khoảng 150.000 trường hợp có kết quả test nhanh dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, số ca bệnh này, theo ngành y tế là chưa được cấp mã số để quản lý do hướng dẫn của Bộ Y tế "chỉ cấp mã số cho trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định RT-PCR dương tính".

Sở Y tế TP khẳng định con số 150.000 ca này chưa nằm trong tổng số 372.202 trường hợp mắc Covid-19 được bộ công bố từ ngày 27-4 đến nay. Do vậy Sở Y tế TP đề nghị Bộ Y tế chấp thuận cho TP công bố người có kết quả test nhanh dương tính được khẳng định là bệnh nhân Covid-19. Đồng thời, cấp mã số cho người có kết quả test nhanh dương tính để TP quản lý bằng mã số quốc gia.

Nếu con số này được Bộ Y tế công nhận, số ca mắc Covid-19 của TPHCM sẽ tăng lên là 522.202 ca (tăng 40% so với số công bố).

Như vậy, với hơn nửa triệu người mắc Covid-19, TPHCM có 1/20 dân số nhiễm SARS-CoV-2, tức cứ 20 người có 1 người nhiễm.

Về công tác thống kê, TPHCM và Bộ Y tế đã làm rất chậm, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu, hoạch định chiến lược phòng chống dịch. Với các nhà nghiên cứu, nhà dịch tễ học, con số này rất quan trọng, sẽ làm thay đổi nhiều kết quả nghiên cứu, ví dụ tỷ lệ tử vong, tỷ lệ lây nhiễm, dự báo nhận định miễn dịch cộng đồng... và hàng loạt các nghiên cứu để hoạch định chiến lược sống chung với Covid-19.

Đặc biệt, với tỷ lệ 1/20 dân số TP HCM đã mắc Covid, tức đã có kháng thể nếu khỏi bệnh, thì tốc độ miễn dịch cộng đồng ở TP HCM sớm đạt nhanh hơn. Tính đến hết ngày 26-9, TP đã tiêm hơn 9,6 triệu liều, trong đó mũi 1 đạt 6,8 triệu liều (94,5%), mũi 2 đạt 2,6 triệu liều (36%).

Theo số liệu tiêm chủng từ Cổng thông tin Covid-19 TPHCM, đa số quận, huyện và TP.Thủ Đức đều đạt độ phủ vaccine trên 90%.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc điều hành HCDC, cho biết nếu tính toán cả số liệu dân số trở về quê trước ngày 30-6 hoặc những người trở thành F0, có lẽ thành phố gần như đã tiêm 100% mũi 1 cho dân. Bên cạnh đó, TPHCM cũng sẵn sàng vaccine để tiêm cho người dân ngoại tỉnh trở về thành phố sau ngày 1-10.

Với số liệu tiêm chủng đó, việc mở cửa trở lại chợ truyền thống là phù hợp với nguyên tắc dịch tễ, an toàn như hoạt động của các siêu thị, chuỗi cửa hàng được phép hoạt động bấy lâu nay trong đại dịch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang