"Hộ chiếu vắc-xin" giúp lưu thông an toàn

Thứ Hai, 27/09/2021 11:50

|

(CATP) Chiến lược sống thích ứng, an toàn với dịch Covid-19 là chủ trương đúng đắn và khoa học. Do vậy cần có một bộ tiêu chí hướng dẫn đi lại chi tiết áp dụng chung trên cả nước, để các địa phương chủ động và tự tin sống chung với Covid-19 bằng "hộ chiếu vắc-xin", chứ không thể chống dịch mỗi nơi một kiểu.

"Hộ chiếu vắc-xin" và 1 app chung

Trong cuộc họp đánh giá về tình hình dịch Covid-19 trong tuần qua, với việc dịch bệnh trên cả nước đang từng bước được kiểm soát, sắp tới sẽ nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, một trong những vấn đề Thủ tướng hết sức quan tâm là tiếp tục hoàn thành một số giải pháp kỹ thuật, công nghệ phục vụ phòng chống dịch, trong đó có việc áp dụng chung cho cả nước một ứng dụng công nghệ (app) duy nhất để quản lý, kiểm soát dịch bệnh.

Trước đó, để giải quyết tình trạng quá nhiều app phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan thống nhất dùng chung một ứng dụng. Ứng dụng này phải đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu và tạm thời được gọi là "Ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid".

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần quy định rõ: "Người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì không được di chuyển (ở nhà)". Thủ tướng cũng yêu cầu tất cả dữ liệu mà người dân đã khai báo trên các ứng dụng trước đây phải được tự động cập nhật trên ứng dụng mới.

Đây là cơ sở để sau khi khống chế được dịch, người dân có thể sử dụng app chung này như một loại "hộ chiếu vắc-xin".

Hiện TPHCM, các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bắt đầu kiểm soát được dịch Covid-19. Vấn đề xây dựng các phương án hậu giãn cách đang được TPHCM gấp rút chuẩn bị để trở về cuộc sống "bình thường mới", sống chung với Covid-19. Trong đó phương án đi lại được đặc biệt quan tâm. Sở Giao thông vận tải TPHCM vừa có dự thảo phương án tổ chức giao thông từ ngày 1-10, trong đó phương án đi lại của người dân ở các khu vực TP và người có nhu cầu đến TP, gửi đến các sở ban ngành góp ý.

Dự thảo này đề xuất sau ngày 1-10, phương án đi lại dựa vào tình hình dịch Covid-19 của từng địa phương, được chia ra: Khu vực phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới. Mỗi khu vực việc đi lại được quy định riêng. Ngoài ra còn có các quy định riêng về hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách; việc đi lại giữa TPHCM và các tỉnh thành.

TPHCM là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, chỉ riêng ở lĩnh vực đi lại giữa TPHCM và các tỉnh khác đã phức tạp. Ví dụ, người dân từ các tỉnh vào TPHCM để khám chữa bệnh đã rất phức tạp rồi, đó là chưa kể sau 1-10, hàng loạt các trường ĐH, CĐ bắt đầu năm học mới, sinh viên sẽ đến TPHCM như thế nào, khi mà đa số các em ở các địa phương vẫn chưa tiêm ngừa Covid-19. Ngay cả hàng vạn học sinh các cấp cư trú ở TPHCM đang tránh dịch ở quê, muốn về TPHCM để học tập cũng là một vấn đề phức tạp. Đó là chưa kể hàng vạn công nhân về quê tránh dịch trong đợt dịch lần thứ 4, làm sao để trở lại TPHCM làm việc.

Mỗi nơi mỗi kiểu, làm sao lưu thông?

Hàng loạt các vấn đề đặt ra cho TPHCM trong việc tổ chức đi lại cho người dân. Trong khi đó hiện nay các tỉnh ĐBSCL, miền Trung, Nam Trung bộ cũng đã kiểm soát được dịch, nhưng mỗi nơi lại áp dụng nhiều quy định khác biệt khi nới rộng việc thực hiện giãn cách, khi mà mỗi tỉnh thành được được Chính phủ giao trách nhiệm phòng chống dịch ở địa phương mình, gây khó khăn trong việc lưu thông vùng và trên phạm vi cả nước.

Quang cảnh buổi họp trực tuyến ngày 25-9

Ví dụ, hiện các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bến Tre đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, thì có những quy định đi lại riêng. Các tỉnh còn lại của ĐBSCL đa số thực hiện Chỉ thị 15 nhưng có một số địa phương lại thực hiện Chỉ thị 16, nên có nhiều quy định đi lại rất khác nhau. Ví dụ như Vĩnh Long, thực hiện Chỉ thị 15 nhưng lại có thêm quy định buộc tất cả người dân không được tự ý ra khỏi tỉnh, nếu cần thiết phải được chủ tịch UBND tỉnh cho phép; tất cả người dân khi đến tỉnh Vĩnh Long đều phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, chi phí tự chi trả.

Ở các tỉnh miền Trung cũng có tình trạng tương tự, như TP.Đà Nẵng, người dân muốn vào TP này phải có đơn được UBNDTP chấp thuận. Thừa Thiên - Huế lại quy định với người đi từ vùng dịch về dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, người khỏi bệnh Covid-19 cũng sẽ cách ly tập trung tối thiểu 7 ngày, đồng thời sẽ được xét nghiệm PCR 3 lần...

Sự khác biệt trong các quy định như vậy được các địa phương viện dẫn lý do là để bảo vệ thành quả chống dịch đã đạt được, nhưng có lẽ lãnh đạo các địa phương có tâm lý "sợ trách nhiệm", nên mỗi địa phương quản lý, ban hành các quy định khác nhau. Nếu theo cách làm này thì không thể tổ chức được lưu thông trên phạm vi cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, không cách nào "zero với Covid-19" và phải sống chung với Covid-19. Chiến lược sống thích ứng dịch Covid-19 là chủ trương đúng đắn và khoa học. Do vậy cần có một bộ tiêu chí hướng dẫn đi lại chi tiết áp dụng chung trên cả nước, để các địa phương chủ động và tự tin sống chung với Covid-19, chứ không thể chống dịch mỗi nơi một kiểu. Bộ tiêu chí này cần xây dựng như một hệ thống chỉ số đánh giá nguy cơ dịch bệnh, phân cấp nguy cơ ở cấp đơn vị hành chính phù hợp, kèm theo đó là một bộ giải pháp để các địa phương dựa vào đó ứng phó một cách linh hoạt trong mọi tình huống.

Đi lại liên tỉnh không cần tiêm vắc-xin, xét nghiệm

Trong khi đó Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) vừa có bản cập nhật nội dung đề xuất việc tổ chức việc đi lại khá thông thoáng so với văn bản trước đó. Bộ GT-VT đề nghị các bộ, ban ngành, cá nhân góp ý, đặc biệt Bộ Y tế cần cho ý kiến sớm để dự thảo này sớm được ban hành.

Tại bản cập nhật này, Bộ GT-VT bỏ đề xuất yêu cầu hành khách phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ 2 nũi vắc-xin, hoặc đã khỏi Covid-19, hoặc có giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2. Theo đó hành khách trên phương tiện vận tải đi, đến địa phương áp dụng Chỉ thị số 15, 19 chỉ phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K và quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế.

Dự thảo quy định không tổ chức hoạt động vận tải hành khách cho người dân ở địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, các sân bay, ga đường sắt tại địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 vẫn được tiếp nhận hành khách để đi/đến các địa phương khác không áp dụng Chỉ thị số 16 và một số quy định khác.

Đến thời điểm hiện tại, khi mà nhiều tinh thành trên cả nước đang kiểm soát được dịch, Bộ GT-VT cần phải ban hành sớm một bộ tiêu chí đi lại thông thoáng hơn nữa, nếu chậm, thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn.

Ngày 25-9, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Đây là văn bản quan trọng điều chỉnh toàn bộ chiến lược ứng phó dịch Covid-19, trong đó quy định việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa sẽ được hoạt động cả 4 cấp độ chống dịch. Tuy nhiên chỉ chỉ vài tiếng sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo này, 8 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị gởi Chính phủ, cho rằng nhiều quy định chưa phù hợp với chủ trương "sống chung với dịch", làm ảnh hưởng kinh tế. Các hiệp hội cho rằng dự thảo này của Bộ Y tế áp dụng cho xu hướng "zero Covid", chứ không để sống chung với Covid, vì rất khó áp dụng, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế.

Ngày 24-9, tại Đà Nẵng, bức xúc về việc đi lại hết sức khó khăn, ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, chi hội Đà Nẵng, đề nghị TP.Đà Nẵng sớm bãi bỏ giấy đi đường, cho phép người đã tiêm đủ liều vắc-xin Covid-19 được di chuyển tự do toàn quốc. Ông Ikeda Naoatsu cho biết, các chính sách chống dịch nghiêm ngặt của Đà Nẵng khiến doanh nghiệp Nhật Bản rất khó khăn khi duy trì hoạt động; đối mặt với tình trạng mất khách hàng, lao động mất việc làm, khó có khả năng khôi phục. Theo ông Ikeda Naoatsu, do hàng hóa không có sự kết nối lưu thông giữa các địa phương, không vận chuyển được nguyên vật liệu nên thiệt hại kinh tế rất nặng

Ông Ikeda Naoatsu đề xuất cho phép tài xế đã tiêm vắc-xin được lưu thông bình thường giữa các khu vực, những người đã tiêm đầy đủ vắc-xin được đi lại trong nước, cũng như căn cứ trên "hộ chiếu vắc-xin" và kết quả xét nghiệm RT-PCR để rút ngắn thời gian cách ly chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam.

Ông Kim Jinmo, đại diện Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, cũng tán thành đề xuất này.

Đề xuất này không mới và đây cũng là một hình thức "hộ chiếu vắc-xin". Một đề xuất táo bạo nhưng đáng suy nghĩ khi TPHCM và nhiều tỉnh thành khác đang nới lỏng giãn cách xã hội.

Và đó cũng là lý do Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nhanh chóng thống nhất một app duy nhất về kiểm soát người đã tiêm vắc-xin, để chuẩn bị cho người có app xanh được di chuyển, người có app vàng hạn chế di chuyển, người có app đỏ thì ở nhà.

Phương án đó, cộng với các quy định về phòng dịch của Bộ Y tế sẽ là "hộ chiếu" quan trọng giúp lưu thông trên phạm vi cả nước trong thời gian sắp tới khi cả nước trở lại cuộc sống bình thường mới, sống chung an toàn với Covid-19.

Từ nay đến 30-9, từng bước nới lỏng giãn cách xã hội

Sáng 25-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến tới 63 tỉnh, thành, 705 quận, huyện, thị xã, 10.400 xã phường, thị trấn để đánh giá công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tuần qua, từ đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho thời gian tới, đặc biệt trong tuần này.

Một nội dung quan trọng khác là tiếp tục cho ý kiến về dự thảo kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch, để phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu: "Cố gắng từ nay đến 30-9 sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội có kiểm soát để khôi phục phát triển kinh tế - xã hội".

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong 14 ngày qua ghi nhận 152.215 trường hợp mắc mới (87.214 ca cộng đồng); tuần qua ghi nhận 72.236 ca mắc, giảm 9,7% so với tuần trước đó.

Trong đợt dịch lần thứ 4, đến ngày 24-9, cả nước đã ghi nhận khoảng 734.000 ca mắc, 503.000 người đã khỏi bệnh (chiếm tỉ lệ 69%); có 16/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 5 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, có 1 tỉnh chưa ghi nhận ca mắc nào (Cao Bằng). Số tử vong trong tuần giảm 12,1% so với tuần trước đó; riêng TPHCM giảm 10,5%, Bình Dương giảm 12,6%, Đồng Nai giảm 15,4%, Long An giảm 15,8%.

Tại 23 địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, tình hình dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc trong 7 ngày gần đây giảm 9,8% so với 7 ngày trước. Trong tuần, ghi nhận 40.577 ca mắc trong cộng đồng (chiếm 56,2% tổng số ca mắc), giảm 11,7% so với tuần trước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang