Vì sao cần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân?

Thứ Tư, 12/02/2025 15:20

|

(CATP) Ngày 11/02/2025, Bộ Tài chính (BTC) cho biết vừa gửi Chính phủ "Tờ trình xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân" (thay thế) về sự cần thiết ban hành luật này, cùng với đó là bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu góp ý về xây dựng (XD) dự án (DA) luật trên. Nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng và UBND các tỉnh, thành phố đã kiến nghị về điểm chung, đó là thuế thu nhập cá nhân (TTNCN) với mức khấu trừ đã "lạc hậu" so với thu nhập hiện nay.

Mức giảm trừ đã "lạc hậu"

Ngay trong tờ trình của BTC cũng nêu, trong quá trình phát triển, hội nhập những năm gần đây và do sự biến động nhanh của kinh tế - chính trị thế giới nói chung, nền kinh tế Việt Nam nói riêng, Luật TTNCN hiện hành đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập, cần được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu về cải cách TTNCN đang đặt ra, bảo đảm tính minh bạch, gồm các quy định liên quan đến thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và phương pháp xác định số thuế phải nộp đối với một số khoản thu nhập, biểu thuế suất TTNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế lẫn người phụ thuộc.

Bên cạnh đó, cũng theo tờ trình trên, một số quy định về phạm vi, đối tượng chịu thuế trong Luật TTNCN chưa bao quát được những khoản thu nhập chịu thuế mới phát sinh; mức điều tiết thu nhập của một số loại thu nhập qua quá trình thực hiện đã bộc lộ vướng mắc, vì thế cần điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng cải cách thuế quốc tế hiện nay và trong mối tương quan với các nguồn thu nhập khác nhau của cá nhân để thực hiện mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm hợp lý nguồn lực cho ngân sách nhà nước (NSNN). Thực tế cho thấy sự xuất hiện của những khoản thu nhập phát sinh qua các mô hình kinh doanh mới, hoạt động thương mại điện tử qua biên giới... cũng đang đặt ra một số yêu cầu đối với việc hoàn thiện hệ thống chính sách TTNCN.

Thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh luôn được nhiều người quan tâm

Kiến nghị nâng mức với người nộp thuế và người phụ thuộc

Nhiều bộ, ngành, cơ quan chức năng, UBND các tỉnh, thành... có chung kiến nghị nâng mức tính thuế GTGC đối với người nộp thuế và người phụ thuộc. Các kiến nghị đều cho rằng mức thuế GTGC áp dụng với người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc hiện đã không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện hành.

Theo các kiến nghị, như Bộ Quốc phòng đề xuất tăng mức GTGC cho người nộp thuế lên 17,3 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc lên 6,9 triệu đồng/tháng, bởi mức lương cơ sở (MLCS) tại thời điểm ban hành mức GTGC là 11 triệu đồng/tháng cuối năm 2019 chỉ 1,49 triệu đồng, đến cuối năm 2024 đã tăng lên 2,34 triệu đồng, tương ứng tăng 57,05%. Còn UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị nâng mức GTGC đối với người nộp thuế lên 18 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 8 triệu đồng/tháng. Tỉnh Hà Tĩnh nêu theo Luật TTNCN năm 2012, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng, còn với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng, được áp dụng từ tháng 7/2013, tại thời điểm đó MLCS là 1,15 triệu đồng; đến nay MLCS đã tăng lên 2,03 lần, tương đương 2,34 triệu đồng, nên cần phải nâng mức GTGC phù hợp với tỉ lệ tăng MLCS.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị nâng mức GTGC hiện hành theo hướng phù hợp với điều kiện sinh hoạt thực tiễn từng vùng, miền vì lương tối thiểu được chia theo 4 vùng. Hơn nữa, giá hàng hóa ngày càng tăng kéo theo chi phí sinh hoạt hàng ngày tăng theo nên mức hiện hành không còn phù hợp. Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị nâng mức GTGC để phù hợp với việc tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế và mức tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2024; đồng thời XD mức GTGC theo vùng để phù hợp với chính sách tiền lương của Chính phủ quy định. Hay trong các kiến nghị, nhiều địa phương, bộ, ngành còn đề xuất bổ sung các khoản giảm trừ hỗ trợ chi phí giáo dục, y tế, nhà ở, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các khoản đầu tư cho sự phát triển con người; đồng thời quy định bổ sung những khoản giảm trừ để hỗ trợ các trường hợp đặc biệt như người lao động là cha, mẹ đơn thân hoặc có người thân mắc bệnh hiểm nghèo...

Khi sửa Luật TTNCN, điều quan trọng nhất là phải thay đổi cơ sở tính mức GTGC cho người nộp thuế, nên quy định mức GTGC bằng 4 lần lương tối thiểu vùng.

Do vậy, vấn đề cấp bách rất cần được thực hiện ngay về những kiến nghị nâng mức GTGC, sửa đổi bậc thuế hay một số quy định không còn phù hợp trong Luật TTNCN đã được đề cập thời gian qua. Trước đây, từ năm 2021 Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu BTC rà soát, đề xuất sửa đổi các bất cập của Luật TTNCN, những năm qua, Chính phủ cũng nhiều lần nhắc đến việc cần nghiên cứu, rà soát bất cập của luật này. Tại nhiều cuộc họp của Quốc hội, các đại biểu cũng chỉ ra một số quy định "lạc hậu", không phù hợp với tình hình kinh tế của Việt Nam. Đến tháng 3/2022, trong văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành, BTC đã đề nghị rà soát, đánh giá, góp ý sửa đổi các nội dung, gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, cơ số tính thuế, GTGC, thuế suất... Và đến nay, bộ này đã có tờ trình về sự cần thiết ban hành Luật TTNCN (thay thế) gửi lên Chính phủ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang