“Điệp khúc” thiếu xăng: Ai chịu trách nhiệm, bao giờ kết thúc?

Thứ Tư, 02/11/2022 08:10

|

(CATP) Cứ đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (XD), thị trường lại khan hiếm xăng! Lần này không chỉ ở TPHCM, các tỉnh phía Nam mà lan ra cả Hà Nội. An ninh năng lượng bấp bênh đến bao giờ và ai phải chịu trách nhiệm?

TÌNH TRẠNG THIẾU XĂNG LAN RỘNG

Ngày 1-11, đến thời điểm điều chỉnh giá XD, “điệp khúc” thiếu xăng lại vang lên, cho thấy “một thị trường dị biệt” như Bộ trưởng Bộ CT phát biểu mới đây. Nhưng sự “dị biệt” này kéo dài đã lâu, từ tháng 8 đến nay nếu không muốn nói là nó đã “dị biệt” từ trước đó, khi một số địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) than phiền về việc thiếu XD cho sản xuất (SX) và sinh hoạt.

Theo thông tin mới nhất, 3 giờ chiều 1-11 giá các mặt hàng XD được điều chỉnh, tiếp tục đồng loạt tăng phiên thứ 3 liên tiếp, sau 4 kỳ điều hành trước đó giá XD giảm, giá xăng tăng từ 380 lên 410 đồng/lít, dầu tăng 290 đồng/lít... Và như “điệp khúc”, cứ trước kỳ điều chỉnh giá XD, “cơn sốt” lại tiếp tục xảy ra, thậm chí còn sớm hơn nhiều. Tại TPHCM, trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua, tình trạng khan hiếm xăng bắt đầu lan từ nội thành ra ngoại thành. Nhiều cửa hàng dán thông báo “Gần hết hàng, xin thông cảm” và chỉ bán xăng cho mỗi xe máy 30.000 đồng, ôtô là 200.000 đồng.

Khi khách đổ dồn đến các cửa hàng của Petrolimex nhưng nhiều cây xăng của hệ thống này cũng bán hạn chế; trong đó cây xăng của Petrolimex gần Công viên Phú Lâm bình thường có 7 trụ bơm hoạt động, nay chỉ còn 1 trụ, khiến khách phải xếp hàng rồng rắn để chờ đến lượt. Một cây xăng khác trong hệ thống của Petrolimex ở góc đường Lý Thường Kiệt - Bắc Hải lại dựng bảng thông báo “Hết xăng, còn dầu”.

Tái diễn cảnh người dân mỏi mòn chờ đổ xăng tại TPHCM Ảnh: CHÍ TÂM

Chiều 1-11, tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp tháng 11- 2022 của UBND TPHCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở CT - cho biết, tính đến 12 giờ ngày 1-11 TPHCM có 108/550 cửa hàng đang thiếu xăng hoặc dầu.

Trong khi đó, vào hai ngày 30, 31-10, tại Hà Nội, nhiều cây xăng cũng treo bảng “Hết xăng, chỉ còn dầu” như trên đường Thụy Khê, Hà Đông... Tại các cây xăng thuộc hệ thống của Công ty Nam Triệu nhiều lúc không có xăng bán, chỉ dành cho xe máy, từ chối bán cho ôtô vì “hàng chỉ còn ít”! Công ty CP xăng dầu HFC cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù không treo biển nhưng nhân viên không bán vì “hết hàng”.

Trong khi đó, tại các cây xăng thuộc hệ thống Petro, khách xếp hàng đông nghẹt để chờ đổ xăng. Nguyên nhân khiến Hà Nội thiếu xăng, theo các chủ doanh nghiệp (DN) bán lẻ, hàng nhập hiện rất khó khăn, các DN đầu mối phân phối cho các cây xăng rất ít, chỉ đủ bán trong thời gian ngắn. Đây không phải lần đầu tiên thủ đô lâm vào tình trạng khan hiếm XD, hơn 10 ngày trước, tình trạng “hết xăng, còn dầu” đã diễn ra tại một số cây xăng.

Tại các tỉnh ĐBSCL, nhiều cửa hàng ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau... tiếp tục xảy ra tình trạng khan hiếm xăng, nên chỉ bán dầu; nhất là ở Cà Mau, nhiều trạm bán lẻ XD ngừng hoạt động một phần hoặc toàn bộ. Sở CT Cà Mau cho rằng, nguyên nhân do các DN đầu mối thiếu hàng. Đặc biệt, theo quy định hiện nay cửa hàng bán lẻ XD chỉ có thể đăng ký lấy hàng từ một đầu mối phân phối, vì thế khi đầu mối này đứt gãy nguồn cung, họ không thể đổi sang nơi khác, dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ.

Sóc Trăng cũng vướng tình trạng tương tự, khi có ít nhất gần 50 cửa hàng hết xăng. Cách nay gần 1 tháng, Sở CT tỉnh này đã kiến nghị Bộ CT cung cấp khoảng 75.000m3 xăng dầu cho địa phương từ nay đến cuối năm, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng cũng chưa nhận được phản hồi.

VÌ SAO THỊ TRƯỜNG “DỊ BIỆT” KÉO DÀI?

Trước đó Bộ CT nhiều lần khẳng định XD hoàn toàn không thiếu, thậm chí dồi dào, cung cấp đủ cho cả tháng 11-2022.

Các chuyên gia nhận định, có thể các DN đầu mối cung ứng “nhỏ giọt” để bán sau giờ điều chỉnh giá XD, vì biết giá sẽ tăng theo thị trường thế giới 10 ngày qua và những nhà bán lẻ cũng có động thái tương tự. Vấn đề căn bản là cả DN đầu mối lẫn các nhà bán lẻ đều lỗ hoặc ít lời nên tìm cách “găm” hàng, bán nhỏ giọt để chờ lên giá.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 29-10, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ CT - cho rằng, thị trường XD năm nay diễn biến “dị biệt”, khi từ đầu năm tới tháng 6 giá tăng gần 58% so với cùng kỳ, nhưng từ cuối tháng 6 đến tháng 9 lại giảm liên tục với biên độ lớn, song vẫn ở mức cao so với năm ngoái. Ông Hải cho rằng, DN kinh doanh XD gặp khó khăn, thua lỗ liên tục và phải cắt giảm chi phí kinh doanh, giảm mạnh chiết khấu bán hàng, vì thế đơn vị bán lẻ bị ảnh hưởng chi phí, giảm sản lượng.

Nếu nguyên nhân này đúng như ông Hải nêu, tại sao không rút ngắn việc điều chỉnh giá XD, để độ chênh giá rút ngắn xuống, trong khi đề xuất ấy, nhiều DN, lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia cũng đã đề nghị?

Việc điều hành giá XD hiện nay được thực hiện theo Nghị định (NĐ) 95/2021/ NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, thời gian điều hành giá XD vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Chu kỳ điều chỉnh giá như vậy vẫn còn dài, dẫn đến tình trạng nhiều đại lý, cửa hàng XD “găm” hàng, bán nhỏ giọt khi giá thế giới có xu hướng tăng.

Một nguyên nhân khác mà Bộ CT thừa biết đó là cần điều chỉnh chi phí kinh doanh XD để tính đúng, đủ cho DN, khi chi phí nhập XD từ nước ngoài về tăng cao, khiến các đơn vị nhập khẩu bị lỗ. Nếu tính đúng, tính đủ, DN đầu mối và các cửa hàng bán lẻ đều lời, càng bán càng lời thì làm gì có chuyện “găm” hàng, hết hàng, khan hiếm XD...

Đến ngày 11-10, công thức tính giá cơ sở đã bổ sung thêm phụ phí lẫn chi phí vận chuyển XD từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí để tính giá XD từ nguồn SX trong nước). Tuy nhiên, nhiều DN kinh doanh mặt hàng này cho rằng, mức chi phí trên vẫn chưa được tính đúng, tính đủ vào giá cơ sở, cộng thêm siết chặt tín dụng khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc tạo nguồn.

Cũng vì lỗ nên các DN nhập khẩu có hạn, đó cũng là nguyên nhân làm đứt gãy chuỗi cung ứng XD. Theo Bộ trưởng Tài chính (TC) Hồ Đức Phớc, nguồn cung trên thị trường có thiếu và việc nhập khẩu của DN đầu mối không đạt theo kế hoạch. Trong quý III chỉ có 19/33 DN đầu mối nhập khẩu, giảm 40% với xăng và 35% với dầu so với quý trước.

BỘ CÔNG THƯƠNG PHẢN ỨNG CHẬM

Tất cả “căn bệnh” của tình trạng thiếu XD, Bộ CT đều biết nhưng phản ứng quá chậm. Bộ đã hai lần họp với các DN đầu mối nhập khẩu XD nhưng vẫn chưa thể xoay chuyển tình hình, hầu hết các vấn đề nêu ra đều được “xem xét”, “đề nghị”. Cũng có thể nói bộ này xử lý khủng hoảng XD kém hiệu quả, để tình trạng kéo dài nhiều tháng qua, ít nhất từ tháng 7-2022, dù khi đó nhiều DN ở ĐBSCL đã cảnh báo và đề ra các biện pháp giải quyết.

Không thể đổ lỗi cho việc tín dụng thắt chặt, tỉ giá VND/USD tăng, DN tiếp cận ngoại tệ khó khăn, trong khi theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, hạn mức tín dụng chưa sử dụng vẫn còn 44.000 tỷ đồng. Cho là các DN lỗ, không đủ điều kiện vay, vẫn có giải pháp để giải ngân an toàn, vấn đề là Bộ CT có bắt tay vào giải quyết hay không.

Điều quan trọng là cơ chế điều hành XD hiện nay vẫn chưa hài hòa lợi ích giữa các bên trong chuỗi cung ứng, DN bán lẻ hoạt động rất khó khăn, có đơn vị thua lỗ vì chiết khấu thấp. Giải quyết được khâu này tức là làm cho các DN nhập khẩu và cả các đại lý bán lẻ đều có lãi, dù giá xăng nhập khẩu lên hay xuống, họ càng bán càng lời nên càng muốn bán được nhiều, thì làm sao có chuyện đứt gãy cung ứng!

Được biết ngày 27-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có Văn bản 7220/ VPCP-KTTH đề nghị Bộ trưởng Bộ CT và Bộ trưởng Bộ TC nghiên cứu đề xuất giải pháp điều hành giá XD để trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp, tích cực xử lý, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Thủ tướng cũng giao Bộ CT chủ trì sửa đổi NĐ 95 về kinh doanh XD, trong đó có phương án mà Bộ trưởng Bộ TC đề xuất là giao Bộ CT toàn quyền và chịu trách nhiệm quản lý, điều hành giá XD.

Bao giờ NĐ95 được sửa đổi? Khi nào tính đúng, tính đủ các chi phí nhập khẩu, có giải pháp hài hòa lợi ích giữa DN nhập khẩu, các đại lý bán lẻ thì sẽ bình ổn được thị trường, trong khi thị trường XD Đông Nam Á vẫn ổn định, đủ hàng; các nhà máy SX trong nước cũng đang tăng công suất.

Trong khi đó, ngày 29-10 tại cuộc họp với các bộ ngành liên quan gồm: Bộ CT, Bộ TC, Ngân hàng Nhà nước, Hiệp hội XD và một số DN xăng dầu đầu mối lớn, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp trước mắt và căn cơ lâu dài để đảm bảo ổn định thị trường này. Theo đó, Bộ TC căn cứ chức năng nhiệm vụ và quy định theo các NĐ 83, 95 kịp thời điều chỉnh chi phí trong cơ cấu giá XD như chi phí đưa XD từ nước ngoài về, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức...

Vấn đề còn lại là hành động của Bộ CT, đừng để lần điều chỉnh XD tới lại xuất hiện tình trạng khan hiếm mặt hàng này, đặc biệt trong những tháng cuối năm khi yêu cầu SX công nghiệp và nông nghiệp tăng cao, việc để đứt gãy nguồn cung XD là điều không thể chấp nhận được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang