Đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng:

Những chuyến "hải hành" đầy xăng lậu (kỳ 2)

Thứ Hai, 31/10/2022 12:20

|

(CATP) Qua hồ sơ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, cáo trạng truy tố 74 bị cáo trong vụ án đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng, dầu và hành vi nhận hối lộ…, việc liên hệ, thanh toán tiền mua xăng nhập lậu đã bị bóc mẽ toàn bộ ra ánh sáng. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, đường dây này dùng nhiều chiêu thức với những chuyến "hải trình" từ con tàu lớn vận chuyển bơm hút sang các tàu nhỏ đưa vào đất liền Việt Nam để tiêu thụ với số lượng cực lớn…

Sắm tàu cỡ lớn để buôn lậu

Theo điều tra, Đào Ngọc Viễn là người giới thiệu và đưa danh thiếp của chủ hàng ở Singapore cho Hữu để liên hệ mua xăng nhập lậu. Khi có nhu cầu mua, Hữu trực tiếp đi xe máy Air Blade BS: 54Z1-1211 mang tiền đưa cho đại diện của chủ hàng Singapore tại TPHCM là người đàn ông thường gọi là "A Hùng" (người Hoa, quốc tịch Singapore, hiện chưa rõ lai lịch), mỗi lần từ 400.000 đến 1.200.000USD.

Theo kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai, từ đầu tháng 3-2020 đến đầu tháng 02-2021, Đào Ngọc Viễn, Phạm Hùng Cường và Nguyễn Minh Khoa đã sử dụng các tàu Pacific Ocean, Western Sea vận chuyển xăng nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam giao cho các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 của Phan Thanh Hữu chở vào nội địa tiêu thụ tổng cộng 197.824.853 lít. Tổng trị giá hàng phạm pháp mà Viễn, Cường và Khoa phải chịu trách nhiệm đối số lượng xăng Ron 95 nhập lậu là 2.596.539.861.906 đồng.

Sau khi nhận được thông tin, Hữu thanh toán tiền xăng nhập lậu cho chủ hàng của Singapore thì Viễn điều động tàu Pacific Ocean hoặc tàu Western Sea từ vùng biển tự do, giáp ranh với Singapore, Thái Lan, Malaysia, rồi sang Singapore để nhận xăng nhập lậu, vận chuyển về vị trí tọa độ trên biển rồi bơm sang các tàu vận tải nhỏ hơn, đó là các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 của Hữu vận chuyển về khu vực nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ nhằm tiêu thụ nội địa.

Về việc tính chi phí vận chuyển và số tiền thu lợi, các bên thỏa thuận như sau: đối với tàu Pacific Ocean có trọng tải nhỏ nên Viễn được hưởng phí vận chuyển xăng từ Singapore về vùng biển Việt Nam số tiền 1,6 tỷ đồng/chuyến. Hữu được hưởng phí vận chuyển xăng của các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 từ vùng biển Việt Nam vào nội địa tiêu thụ với 1 tỷ đồng/lần. Đối với tàu Western Sea có trọng tải lớn hơn nên Viễn được hưởng phí vận chuyển số tiền 2,6 tỷ đồng/chuyến, Hữu được hưởng phí vận chuyển của các tàu Nhật Minh là 1,8 tỷ đồng/lần.

Cơ quan điều tra kiểm tra xăng dầu lậu trong vụ án

Ngoài ra, Hữu còn đưa cho Viễn 2.000USD/chuyến để trả công cho đối tượng tên Truân (chưa rõ lai lịch) là người môi giới cho Viễn - Hữu mua xăng, kiểm tra hàng hóa của chủ hàng ở Singapore. Hàng tháng, Hữu có trách nhiệm tổng hợp tiền bán xăng nhập lậu sau khi đã trừ tiền mua hàng và tiền phí vận chuyển, tiền lợi nhuận còn lại sẽ được chia theo tỷ lệ vốn góp ban đầu, trong đó Hữu được hưởng 40% còn nhóm của Viễn là 60%.

Tiền phí vận chuyển của Viễn và tiền lợi nhuận của Viễn, Cường, Thoại, Trọng được Hữu hoặc Phan Lê Hoàng Anh (con trai của Hữu) chuyển vào tài khoản của Phạm Hùng Cường mở tại Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Chi nhánh Hải Phòng và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh Lạch Tray, Hải Phòng. Cường có trách nhiệm đến ngân hàng rút tiền mặt về và chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp của các bên. Đồng thời, Hữu thống kê số tiền lợi nhuận và tiền phí vận chuyển in ra 3 bản gửi chuyển phát nhanh cho Cường để Cường giữ 1 bản và đưa cho Viễn, Thoại mỗi người 1 bản theo dõi việc chia lợi nhuận cũng như cước vận chuyển với nhau.

Ai là người chỉ đạo?

Để che dấu hành vi buôn lậu xăng, Đào Ngọc Viễn đã lấy danh nghĩa Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng (Công ty Đại Dương) ký hợp đồng với Nguyễn Minh Khoa (anh họ của Viễn), Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư vận tải biển Thuận Phát tại Hải Phòng (Công ty Thuận Phát) cho Công ty Thuận Phát thuê tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea với hình thức thuê tàu trần (giá 300 triệu đồng/tháng đối với tàu Pacific Ocean, thời gian thuê từ tháng 5-2019 đến tháng 9-2021 và giá 1,2 tỷ đồng/tháng đối với tàu Western Sea, thời gian thuê từ tháng 5-2020 đến tháng 9-2022). Sau đó, Nguyễn Minh Khoa ký hợp đồng cho Công ty Shenzen của Trung Quốc (không xác định được tên và địa chỉ kinh doanh của công ty) thuê lại nhằm che giấu hoạt động khai thác, vận hành của 2 tàu này.

Phan Thanh Hữu - "ông trùm" buôn lậu

Thực tế, Đào Ngọc Viễn đã sử dụng tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea để vận chuyển xăng nhập lậu từ Singapore về Việt Nam. Viễn giao cho Nguyễn Minh Khoa ký kết họp đồng lao động, quản lý nhân sự, thanh toán tiền lương cho thuyền trưởng, các thuyên viên của tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea, nắm lộ trình của 2 tàu (thông qua Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean) và Lê Đình Hùng (thuyền trưởng tàu Western Sea) để báo cáo cho Viễn biết. Từ đó, Viễn trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của các thuyền trưởng tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea sang Singapore nhận xăng nhập lậu vận chuyển về Việt Nam theo sự chỉ đạo của Viễn - Cường.

Nguyễn Minh Khoa trực tiếp liên hệ với Trần Văn Việt (thuyền trưởng tàu Pacific Ocean) hoặc Lê Đình Hùng (thuyền trưởng tàu Western Sea) để cung cấp thời gian, địa điểm, thông tin đại lý giao xăng bên Singapore cho Việt và Hùng. Tiếp đến, Việt - Hùng điều khiển tàu Pacific Ocean hoặc tàu Western Sea từ vùng biển tự do vào cảng Vopak của Singapore để nhận xăng nhập lậu. Mỗi lần nhận xăng, phía chủ hàng giao cho Việt và Hùng 1 bộ hồ sơ gồm phiếu thẩm định chất lượng sản phẩm Mogad Ron 95 kèm theo phiếu thẩm định chất lượng sản phẩm của Singapore cũng như giấy phép, thủ tục cho tàu rời cảng. Còn các thuyền phó của tàu Pacific Ocean là Nguyễn Tuấn Việt và tàu Western Sea là Đặng Thanh Định (chưa rõ lai lịch) có trách nhiệm kiểm tra, ký phiếu giao nhận xăng với bộ phận kiểm hàng của đại lý.

Khi đã hoàn tất thủ tục giao, nhận xăng, Trần Văn Việt và Lê Đình Hùng thông báo cho Nguyễn Minh Khoa biết rồi điều khiển tàu chở xăng nhập lậu quay về neo đậu trên vùng biển tự do chờ Phan Thanh Hữu nhắn tin cho Việt - Hùng thời gian, địa điểm giao, nhận xăng nhập lậu tại một trong 2 vị trí tọa độ thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau đó, Trần Vãn Việt, Lê Đình Hùng điều khiển 2 tàu về một trong 2 vị trí tọa độ này để giao xăng nhập lậu cho các tàu Nhật Minh 07,08, 09 của Hữu.

Đào Ngọc Viễn

Đối với Phan Thanh Hữu, để tham gia buôn lậu xăng với nhóm của Đào Ngọc Viễn, đầu năm 2019, đối tượng đã hoán đổi tiền góp vốn tại Công ty TNHH Hà Lộc Phát tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để nhận lại 4 con tàu (Nhật Minh 06, Nhật Minh 07, Nhật Minh 08 và Nhật Minh 09). Sau đó, Hữu thành lập Công ty TNHH Hải Minh Nhật (Công ty Hải Minh Nhật) với ngành nghề kinh doanh vận tải hàng hóa đường thủy nội địa, ven biển và viễn dương để đăng ký chủ sở hữu, quản lý 4 tàu Nhật Minh nêu trên. Hữu thuê Đinh Văn Đoàn (là em kết nghĩa của Hữu và sinh sống ở TP.Vũng Tàu) làm Giám đốc Công ty Hải Minh Nhật với mức lương 20.000.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên, mọi hoạt động của Công ty Hải Minh Nhật bao gồm: tuyển dụng thuyền viên (thỏa thuận miệng không ký kết hợp đồng lao động), trả lương cho thuyền trưởng, các thuyền viên và điều động các tàu Nhật Minh đi lấy xăng đều do Hữu trực tiếp chỉ đạo, điều hành. Hữu soạn sẵn các hợp đồng vận chuyển nhưng để trống ngày, tháng với nội dung: "Bên A (Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) thuê và Bên B (công ty TNHH Hải Mình Nhật) nhận vận chuyển xăng Ron 95 từ địa điểm do bên A chỉ định đến tỉnh Vĩnh Long", rồi đưa cho Đoàn ký trước nhằm che giấu và hợp thức hóa trong quá trình vận chuyển xăng nhập lậu.

Đoàn được Hữu giao nhiệm vụ khi các tàu Nhật Minh bị hư hỏng thì Hữu sẽ gọi điện thông báo cho Đoàn để mua vật tư, thiết bị sửa chữa tàu và có trách nhiệm đổi giấy tờ đăng ký, đăng kiểm của 4 tàu trên. Đến tháng 7-2019, Phan Thanh Hữu tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thương mại Phan Lê Hoàng Anh (Công ty Phan Lê Hoàng Anh) do Hữu làm Giám đốc, với ngành nghề chính là kinh doanh xăng dầu nhằm mục đích sử dụng pháp nhân của công ty này để hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ trong quá trình vận chuyển, tiêu thụ nguồn xăng nhập lậu.

Về phương thức giao nhận xăng giữa các tàu Pacific Ocean, tàu Western Sea với các tàu Nhật Minh 07, 08, 09 được thực hiện bằng cách trước khi giao nhận xăng, Phan Thanh Hữu gọi điện thoại hoặc nhắn tin thông báo cho thuyền trưởng các tàu Nhật Minh biết thời gian, vị trí tọa độ giao xăng của tàu Pacific Ocean và tàu Western Sea...

(Còn tiếp...)

Chuyên án cực lớn của công an Đồng Nai (kỳ 1)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang