(CATP) Sau hơn 1 năm phát hiện chủ doanh nghiệp khai thác khoáng sản trái phép, ngày 3-8, ông Nguyễn Văn Liệt (Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long) đã ký quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Lịch (ngụ huyện Mang Thít) tổng số tiền 115 triệu đồng.
Ngoài ra, ông Lịch còn bị tịch thu phương tiện có liên quan. Dù vậy dự án lấn sông này vẫn tồn tại, trong khi đó doanh nghiệp sản xuất phân bón “khóc ròng” vì giai đoạn 2 dự án được Nhà nước tài trợ không thể triển khai.
Phương tiện khai thác khoáng sản trái phép trên sông Cổ Ciên và bị tịch thu.
Theo đó, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định xử phạt hành chính với số tiền 45 triệu đồng và buộc nộp thêm 70 triệu đồng – tương đương với 1.000m3khoáng sản mà ông Lịch đã khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường từ lòng sông Cổ Chiên mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tịch thu phương tiện là xáng hút và các dụng cụ bơm hút cát sông.
Ngoài mức phạt trên, ông Lịch phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định tang vật vi phạm hành chính; thẩm định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; kinh phí khảo sát, đo đạc hiện trạng khu đất để xác định khối lượng tang vật vi phạm.
Như Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, ông Lịch là chủ doanh nghiệp ở huyện Mang Mít. Tháng 6-2007, UBND huyện Mang Thít ban hành quyết định số 778/QĐ-UBND về việc cho ông Lịch thuê 65.781m2đất bãi bồi để nuôi trồng thủy sản tại ấp An Hương 1, xã Mỹ An. Địa điểm tiếp giáp sông Cổ Chiên, cập mé sông hướng ra ngoài khơi 145m. Thời hạn thuê đất là 20 năm (từ 2007 – 2027), với giá 75 đồng/m2/năm, với hình thức nộp tiền hàng năm. Sau khi được thuê đất, ông Lịch không triển khai dự án.
Tháng 2-2015 (sau 8 năm được thuê đất), Sở TN&MT ban hành kết luận số 277/KL-STNMT kết luận kiểm tra phần đất do ông Lịch quản lý với kiến nghị UBND huyện Mang Thít thông báo cho Lịch biết và phải có văn bản xin gia hạn. Nếu quá 30 ngày kể từ ngày thông báo mà ông Lịch không thực hiện thì lập thủ tục thu hồi giao cho UBND xã Mỹ An quản lý. Sau đó ông Lịch không có đơn xin gia hạn triển khai dự án.
Thay vì thu hồi dự án theo quy định thì vào năm 2019 dự án được triển khai, khiến cho nhiều người dân địa phương, hộ nuôi cá và nhà máy sản xuất mất ăn mất ngủ.
Từ đơn tố cáo của người dân, ngày 19-5-2021, Thanh tra Sở TN&MT Vĩnh Long đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện Mang Thít, Long Hồ và UBND xã Mỹ An tiến hành khảo sát khu vực phần đất ông Lịch thuê. Kết quả kiểm tra có 1 xáng đang hoạt động bơm hút cát từ lòng sông Cổ Chiên lên phần đất của ông Lịch thuê.
Qua làm việc, ông Lịch cho biết việc thực hiện dùng xáng hút bơm bùn, đất, cát từ lòng sông Cổ Chiên lên phần đất thuê để đắp bờ ao chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép (với tổng khối lượng khoảng 1.000m3). Tại biên bản làm việc ngày 28-5, ông Lịch cam kết nếu còn vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo ghi nhận thời điểm đó, dù bị lập biên bản nhưng sau đó việc bơm hút bùn, cát vẫn diễn ra rầm rộ và tiếp tục bị người dân phản ánh. Ngày 2-6, Thanh tra Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với Phòng TN&MT Mang Thít, UBND xã Mỹ An và Văn phòng Đăng ký Đất đai tỉnh Vĩnh Long tiến hành khảo sát, đo đạc lại phần đất thi công bơm hút bùn, đất, cát của ông Lịch thuê. Kết quả đo đạc, phần bùn, đất, cát ông Lịch bơm san lấp đê bao hơn 5.200m3.
Trước đó, kết quả phân tích mẫu lần 1 là khoáng sản (cát), sau khi công bố kết quả, ông Lịch đã có đơn đề xuất giám định lại. Kết quả phân tích mẫu lần 2 là “sét pha xám nâu”. Đến cuối tháng 5-2022, UBND huyện Mang Thít nhận được kết quả giám định lần 3 đối với mẫu khoáng sản tang vật thu được từ bãi bồi. Kết quả giám định lần này là “sét pha xám nâu”, chứ không phải là cát như kết quả giám định ban đầu.
Về dự án của ông Lịch, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) nhận định: Dự án này có tính chất là một dự án lấn sông, cản trở dòng chảy, có dấu hiệu vi phạm nhiều luật: Tài nguyên nước, Bảo vệ môi trường, Phòng chống thiên tai.
“Về mặt tác động, dự án có tính chất lấn sông này làm hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Cổ Chiên. Việc lấn sông cũng làm thay đổi hướng dòng chảy, làm gia tăng sự va đập dòng chảy vào bờ bên kia và đổi hướng dòng chảy ở phía hạ lưu. Trong trường hợp này, Cồn Phú Đa có thể bị đe dọa sạt lở ở phía đầu cồn. Ngoài ra, hành vi khai thác cát lòng sông trái phép của dự án này làm cho đáy sông sâu hơn và gây gia tăng sạt lở bờ sông.
Tóm lại, vì sông Cổ Chiên là một nhánh chính của sông Cửu Long, một dự án như thế cần phải được xem xét cẩn thận về khía cạnh pháp lý và tác động để không tạo ra một tiền lệ xấu cho hệ thống sông Cửu Long - mạch máu của ĐBSCL”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.