THIẾU HỤT NGUYÊN LIỆU
Dịch Covid-19 kéo dài, không chỉ người lao động làm việc trong các doanh nghiệp bị giảm thu nhập, thậm chí mất việc, mà còn làm cho nền kinh tế cả nước đang rất khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng bế tắc. Nếu doanh nghiệp còn nguyên liệu dự trữ để tiếp tục sản xuất thì phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, như: buộc người lao động phải thăm khám, đo nhiệt độ trước khi vào xưởng làm việc; nếu có dấu hiệu lâm sàng (ho, sốt...) hoặc nghi ngờ tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19... thì sẽ được chuyển tới bệnh viện.
Trong khi đó, không ít doanh nghiệp hết nguyên liệu sản xuất, phải ngừng hoạt động, dẫn đến mâm cơm của người lao động bị ảnh hưởng không ít. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số các doanh nghiệp sản xuất chỉ tích trữ nguyên liệu đầu vào tối đa khoảng 3 - 4 tháng.
Các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Cảnh Hà (Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nghệ An - Hà Tĩnh tại TPHCM) cho biết: Tính tới thời điểm hiện nay, doanh thu của không ít doanh nghiệp không thể bù đắp các khoản chi phí hoạt động, như: trả lương công nhân, trả lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Chỉ trong 3 tháng đầu năm ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, nhiều doanh nghiệp Nghệ An - Hà Tĩnh tại một số tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ đã giảm từ 30 - 50% doanh thu, đặc biệt có doanh nghiệp giảm hơn 70% doanh thu. Dù khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho công nhân.
Nhiều doanh nghiệp tại 2 KCX Tân Thuận (Q7) và Linh Trung (Q.Thủ Đức) trong 3 tháng gần đây cũng phải tính đến việc thu hẹp sản xuất sản. Công ty Mannequins Đông Á (Đài Loan) có 25 năm hoạt động trong KCX Tân Thuận, chuyên sản xuất mặt hàng ma-nơ-canh (hình nộm người mẫu) xuất sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu..., đã phải tuyên bố dừng hoạt động. Lúc sản xuất cao điểm, công ty này thu hút hơn 800 lao động làm việc. Ông chủ người Đài Loan báo cáo với Ban quản lý KCX - KCN TPHCM (Hepza) lý do dừng hoạt động vì không thể tìm được thị trường xuất khẩu.
Các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn
Tương tự, Công ty TNHH Việt Hưng trong KCX Tân Thuận, chuyên sản xuất hàng dệt may, da giày, thu hút hơn 1.000 lao động. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, giờ không thể nhập về nên doanh nghiệp phải tính đến chuyện thu hẹp sản xuất. Ngay cổng ra vào, công ty dán thông báo: Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, lãnh đạo công ty quyết định cho tất cả quản lý và công nhân có thời gian làm việc từ 2 năm trở lại được tạm nghỉ trong thời gian 2 tháng; khi nào có nguồn hàng, sẽ thông báo cho công nhân đi làm trở lại.
Nhiều doanh nghiệp trong các KCX-KCN TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, dẫn đến đời sống của người lao động bị ảnh hưởng không nhỏ. Biết rõ hoàn cảnh nên người lao động vẫn đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Chị Nguyễn Thị Hạnh (tổ trưởng của Công ty TNHH Furukawa-Sky Alunium Việt Nam, chuyên sản xuất hàng điện tử trong KCX Tân Thuận) tâm sự: "Tôi đã gắn bó với với công ty gần 20 năm nay. Dịch Covid-19 làm công ty bị ảnh hưởng không nhỏ. Tôi nhận thức trong thời điểm này cần chung tay chia sẻ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Anh chị em công nhân cũng đều tin tưởng và thực hiện nghiêm các quy định của công ty đề ra. Hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi, để công ty sớm hoạt động bình thường trở lại".
Các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn
SAU NGHỈ PHÉP BẮT BUỘC LÀ NGHỈ KHÔNG LƯƠNG
Dịch Covid-19 tác động mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa bị sụt giảm nhiều. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ chân người lao động, chờ dịch bệnh qua đi, khi thị trường phục hồi trở lại thì sẽ không mất nguồn nhân lực. Cùng với sự chăm lo về đời sống, các doanh nghiệp còn chú trọng đến việc chăm lo sức khỏe cho người lao động.
Ông Nguyễn Cảnh Hà cho biết, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, Công ty An Thiên Lý đã cho người lao động thay phiên nhau nghỉ phép, nhưng phải đảm bảo đủ thời gian để nhận lương cơ bản. Cạnh đó, công ty cũng dùng nguồn quỹ để hỗ trợ thêm cho người lao động. Việc cho người lao động nghỉ phép trong thời gian chờ việc chỉ là tình thế bắt buộc của doanh nghiệp. Đây là giải pháp tạm thời của doang nghiệp để giữ chân người lao động. Nếu sau thời gian nghỉ phép, dịch bệnh vẫn tiếp tục và có diễn biến phức tạp thì đơn vị sẽ vận động công nhân nghỉ không lương, hoặc có thể làm đơn xin nghỉ việc để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Doanh nghiệp cam kết, sau khi hết dịch bệnh, sẽ tiếp nhận lại nhân viên.
Các doanh nghiệp trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài nên các đơn hàng dệt may Việt Nam đang bị chia nhỏ thị phần, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Ảnh hưởng lớn nhất là chuỗi cung ứng nguyên liệu may mặc. Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn bộ nguyên liệu này đã bị ngừng nhập khẩu vì ngành sản xuất này của Trung Quốc bị tê liệt. Tình hình kinh tế thế giới khó khăn, cũng làm số đơn hàng xuất khẩu bị suy giảm nghiêm trọng.
Bốn ngành đứng đầu về xuất khẩu của Việt Nam là dệt may, da giày, hàng điện tử, đồ gỗ đang bị sụt giảm và ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp đã cho công nhân nghỉ việc, do thiếu trầm trọng nguyên liệu sản xuất, cũng như lượng hàng tồn lớn do không thể xuất khẩu. Hiện nay, hầu như các đối tác chỉ đặt hàng với số lượng ít và trong thời gian ngắn hạn, chứ không đặt hàng dài hạn như trước. Kể cả trong trường hợp dịch bệnh sớm chấm dứt thì mức độ ảnh hưởng của ngành dệt may, da giày vẫn còn kéo dài trong nhiều tháng.
Theo ông Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), dệt may, da giày là ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của nước ta, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các ngành này chỉ tiêu thụ trong nước khoảng 10% giá trị sản lượng sản xuất, 90% còn lại là xuất khẩu. Trong khi đó, số lượng đơn hàng của ngành dệt may, da giày trong các tháng 3, 4, 5-2020 bị giảm khoảng 70%. Do dịch bệnh kéo dài, tình hình xuất khẩu hàng dệt may sang các thị trường Mỹ, Đông Âu, EU... đang bị "ngấm đòn". Các đơn hàng xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may không còn đơn hàng để sản xuất
Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ gia công cho các thương hiệu nước ngoài, mẫu mã, nguyên phụ liệu sử dụng không phải do thị trường trong nước sản xuất, mà phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu. Nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5 tới và kinh tế Việt Nam được phục hồi vào tháng 6-2020, ước tính ngành dệt may, da giày cũng bị thiệt hại lên tới 11.000 tỷ đồng.
Để gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, VCCI kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đến hết quý IV/2020. Gia hạn và miễn, giảm tiền thuê đất, phí hạ tầng khu công nghiệp, phí xử lý nước thải, trong thời gian nhà máy dừng hoạt động do dịch bệnh; cho phép miễn nộp phí công đoàn năm 2020 cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Chính phủ cũng cần hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp và giảm lãi suất các khoản vay, khoanh nợ, giãn nợ. Các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ thực hiện các gói kích cầu, mở cửa thông quan để nhập nguyên liệu đầu vào, giảm giá điện, nước.
Do khó khăn và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong tháng 3-2020, cả nước có đến 6.553 doanh nghiệp rút khỏi thị trường và gần 5.920 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường từ đầu năm đến nay lên đến 34.890, cao hơn 5.200 so với số lượng doanh nghiệp thành lập mới. Thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 880.000 công nhân và người lao động phải dừng làm việc, cần trợ cấp xã hội.