Doanh nghiệp 'xài ké' điện của di tích gây thất thoát tài sản nhà nước

Thứ Bảy, 17/09/2016 09:48  | Hoàng Quân

|

(CAO) Nhiều năm qua, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trong Đại nội Huế được ưu ái “xài ké” điện của cơ quan nhà nước. Vì thế tiền điện được tính theo giá của đơn vị hành chính sự nghiệp. Ngành điện lực vừa lập biên bản, truy thu tiền của đơn vị vi phạm hợp đồng.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ được ưu ái điện của nhà nước

Thời gian gần đây, người dân liên tục phản ánh về những sai sót, thiếu minh bạch trong việc khai thác, sử dụng nguồn điện tại Đại nội Huế (là kinh thành của triều Nguyễn khi xưa - nằm trong quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới) do Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) quản lý, khai thác và sử dụng.

Trước đó, ngày 18-3-2014, TTBTDT Cố đô Huế (gọi là bên B) do Giám đốc Phan Thanh Hải ký kết hợp đồng mã số PCO3BB121412 mua bán điện với chi nhánh Điện lực Bắc sông Hương (thuộc Cty Điện lực tỉnh Thừa Thiên – Huế do ông Nguyễn Sinh – phó Giám đốc ký). Bên A sẽ cung cấp, bán điện cho bên B với giá 1.671 đồng/kWh (theo giá điện của đơn vị hành chính sự nghiệp theo QĐ số 2256/QĐ-BTC của Bộ Công thương). Trong quá trình mua bán điện, TTBTDT Cố đô Huế đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng khi cho nhiều doanh nghiệp, đơn vị, hộ cá nhân kinh doanh sử dụng chung nguồn điện dành cho đơn vị hành chính sự nghiệp có thu.

Xe ôtô điện của Cty Hoàng Thành trong Đại nội Huế

Việc sai sót, thiếu minh bạch và “qua mặt” ngành điện lực của TTBTDT Cố đô Huế diễn ra nhiều năm nay. Đó là quán cà phê Tứ Phương Vô Sự Lâu ở lầu Tứ Phương Vô Sự (TPVS) thuộc Đại nội Huế của Cty TNHH Lê Quý Dương (hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo ý tưởng, tổ chức quản lý và triển khai thực hiện các sự kiện, chương trình, lễ hội…). Lầu TPVS được vua Khải Định cho xây dựng năm 1923 với hai tầng với kiến trúc hài hòa, giao thoa phong cách Á - Âu. Trải qua thời gian, dưới sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh, lầu TPVS hoang phế, xuống cấp. Tháng 9-2010, TTBTDT Cố đô Huế đưa lầu TPVS vào sử dụng sau khi hoàn thành trùng tu số tiền hơn 9,3 tỷ đồng.

Đây là một di tích đặc biệt quan trọng, từng là nơi nhà vua và hoàng tộc hóng mát, ngắm cảnh; là nơi học tập hằng ngày của các hoàng tử, công chúa triều Nguyễn. Đây cũng là một công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc, lịch sử và văn hóa nghệ thuật của Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Đặc biệt, di tích này được gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội vào ngày 6-10-2010.

Tuy nhiên lầu TPVS được TTBTDT Cố đô Huế cho Cty Lê Quý Dương kinh doanh làm quán cà phê từ tháng 5-2011. Hệ thống điện của quán được lấy từ TTBTDT Cố đô Huế nên được hưởng ưu đãi theo giá điện nhà nước dành cho đơn vị hành chính sự nghiệp.

Doanh nghiệp nữa là Cty cổ phần đầu tư thương mại Hoàng Thành (gọi tắt là Cty Hoàng Thành do bà Hoàng Thị Nga làm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Huy Cảnh làm Giám đốc, khai thác kinh doanh xe ô tô điện chở khách trong Đại nội Huế) hợp đồng vận tải khách du lịch tham quan Đại nội Huế với TTBTDT Cố đô Huế từ năm 2013. Nhiều du khách đến tham quan Đại nội Huế lựa chọn loại phương tiện xe ô tô điện để đến các điểm tham quan, di tích. Mỗi ngày có hàng chục xe điện chạy tất bật chở khách ra vào. Điều đáng nói, những xe điện này là của doanh nghiệp nhưng được ưu ái hưởng các dịch vụ dành cho cơ quan nhà nước.

Mặc dù sử dụng khoảng 30 xe ô tô điện nhưng từ năm 2013 đến nay doanh nghiệp này không có hợp đồng mua bán điện với ngành điện lực mà chỉ mua bán điện với TTBTDT Cố đô Huế và được sử dụng điện của TTBTDT Cố đô Huế chỉ với giá 1.671 đồng/kWh. Trong khi theo quy định, giá bán lẻ điện đối với các đơn vị kinh doanh vào giờ cao điểm là 3.991 đồng/kWh, giờ bình thường 2.323 đồng/kWh.

Xe ôtô điện của Cty Hoàng Thành đang sạc điện tại phủ Nội vụ thuộc Đại nội Huế

Sai phạm nhiều năm, chỉ truy thu trong một năm

Theo các văn bản, hợp đồng của Cty Hoàng Thành với TTBTDT Cố đô Huế thì toàn bộ ôtô điện lấy nguồn điện từ TTBTDT Cố đô Huế tại 3 điểm: Phủ Nội vụ, số 46 Đinh Công Tráng và khu vực Tam tòa (trụ sở TTBTDT Cố đô Huế ở 23 Tống Duy Tân). Ông Nguyễn Huy Cảnh – Giám đốc Cty Hoàng Thành thừa nhận việc dùng “ké”, chỉ trả theo giá điện như của TTBTDT Cố đô Huế là thiếu sót. Ông Cảnh cho biết trước đây không được yêu cầu làm hợp đồng với Cty điện lực, mà chỉ làm hợp đồng với TTBTDT Cố đô Huế, hàng tháng có hóa đơn thanh toán đầy đủ...

Ngoài quán cà phê Tứ Phương Vô Sự Lâu và xe ô tô điện của Cty Hoàng Thành thì một số quầy kinh doanh nhỏ lẻ, một số quán nước của các hộ gia đình trong Đại nội Huế đang được ưu ái sử dụng điện từ TTBTDT Cố đô Huế và tính theo giá của đơn vị hành chính sự nghiệp. Riêng tổng sản lượng điện của quán cà phê và của xe ô tô điện bình quân mỗi tháng hơn 1.300kWh.

Ông Nguyễn Chánh Dũng – phó Giám đốc Điện lực Bắc sông Hương khẳng định, việc TTBTDT Cố đô Huế (bên B) cho các đơn vị kinh doanh, dịch vụ sử dụng chung nguồn điện là “hành vi sử dụng điện sai mục đích đã đăng ký để hưởng lợi về giá điện, gây thiệt hại cho bên bán điện (bên A). Đơn vị đã lập biên bản sự việc và tiến hành truy thu số tiền điện bị thất thoát của các đơn vị trong thời gian qua”.

Xe ô tô điện của Cty Hoàng Thành đưa khách đi tham quan trong Đại nội Huế

Sai phạm của TTBTDT Cố đô Huế đã 5 năm qua nhưng Điện lực Bắc sông Hương chỉ mới vừa kiểm tra và xử lý. Ngày 1-9-20016, Điện lực Bắc sông Hương lập biên bản kiểm tra sử dụng điện tại TTBTDT Cố đô Huế. Đến ngày 5-9-2016, Điện lực Bắc sông Hương ra văn bản về việc thỏa thuận bồi thường, truy thu tiền điện của TTBTDT Cố đô Huế.

Thời gian vi phạm chỉ được tính 366 ngày (từ 2-9-2015 đến 1-9-2016), lượng điện năng 404.019kWh, giá chênh lệch chỉ 19,47 đồng và số tiền thất thoát chỉ hơn 9,7 triệu đồng. Trong khi thực tế quán quà phê hoạt động và sử dụng điện của TTBTDT Cố đô Huế từ tháng 5-2011 và hàng chục xe ô tô điện từ năm 2013 thì số tiền phải hàng trăm triệu đồng nếu chiếu theo quy định nhà nước.

Ngoài ra, được biết, các đơn vị kinh doanh dịch vụ có hợp đồng với TTBTDT Cố đô Huế còn phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm để duy tu, bảo dưỡng, sữa chữa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị… tại các điểm di tích trong Đại nội Huế.

PV đã liên hệ để làm việc cụ thể nhưng ông Phan Thanh Hải – Giám đốc TTBTDT Cố đô Huế cho biết đang bận công việc và công tác chuẩn bị để tổ chức hội thảo quốc tế “Di sản văn hóa Cung đình triều Nguyễn” (diễn ra từ ngày 15 đến 17-9-2016).

Bình luận (0)

Lên đầu trang