(CATP) Từ năm 2018, Nguyễn Tấn Luân (SN 1992, ngụ P.An Khánh, TP. Thủ Đức, TPHCM) quen biết các nạn nhân qua những khóa học, sự kết nối mối quan hệ bạn bè người thân nên tiếp cận nhiều cá nhân có tiền nhàn rỗi. Luân tự giới thiệu mình là CEO của Công ty TFS, nhiều lần chủ động kêu gọi người quen biết góp vốn đầu tư theo hình thức vay mượn tiền với lãi suất cố định hàng tháng. Luân cam kết dùng số tiền để đầu tư vào các tài sản tiền số, bất động sản, cam kết không dùng cho mục đích cá nhân.
Để tạo lòng tin của nhà đầu tư (NĐT), Luân thuê biệt thự tại quận 2 và khoe là chủ sở hữu, nói với đối tác đây là trụ sở của công ty. Bên cạnh đó, Luân không ngừng phô diễn cuộc sống sung túc với ôtô, đồng hồ hàng hiệu và thường xuyên báo cáo với NĐT rằng công ty làm ăn có lãi. Cuối năm, Luân cũng dùng số tiền lớn tổ chức tiệc tất niên linh đình, tặng vàng, lì xì đầu năm cho các đối tác góp vốn lớn. Nhờ vậy, Luân càng lấy được lòng tin của nhiều nạn nhân.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến ngày Luân chính thức bỏ trốn với số tiền huy động, số nạn nhân lên đến 40 người với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Các nạn nhân đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Trong thời gian đầu, Luân thanh toán lãi đúng hẹn. Dù không kinh doanh gì và cũng không làm ra lợi nhuận, nhưng Luân luôn lừa dối các chủ nợ rằng công ty mình "sống khỏe", tận dụng tốt những cơ hội để sinh lời.
Sau dịch Covid-19 (2022), do tình hình kinh tế khó khăn, nhiều NĐT có nhu cầu rút tiền gốc về. Lo sợ không đủ tiền chi trả, Luân tiếp tục đứng ra kêu gọi nhằm tìm được nguồn vốn mới và trả gốc, lãi cho các NĐT cũ (đây là hình thức huy động tiền theo kiểu lấy người sau trả cho người trước). Đến thời điểm sau Tết 2023, Luân vẫn tiếp tục huy động tiền và thường xuyên khoe doanh thu, lợi nhuận công ty. Luân cùng vợ là Châu Mai Hoàng Uyển hẹn từng chủ nợ để huy động thêm, cũng như đề nghị ngưng nhận lãi vì lý do "đang ôm hàng giá rẻ chờ giá bật cao để thắng lớn".
Luân cũng thừa nhận dùng tiền của chủ nợ mua một mảnh đất tại Q.Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng) vào tháng 10/2022, đứng tên hai vợ chồng; đồng thời thừa nhận có vay ngân hàng 70% giá trị miếng đất. Sau khi vỡ nợ, Luân đã giao miếng đất này cho người nhà để trở thành người không còn tài sản. Theo tìm hiểu, căn biệt thự dùng để làm văn phòng (số 8, đường 31A, khu dân cư An Phú, TP.Thủ Đức) thực chất cũng là thuê lại chứ không phải Luân mua như đã trao đổi trước đó với chủ nợ. Khi chủ nợ tìm đến căn biệt thự này, tất cả đã trống trơn.
Nhiều nạn nhân bị Luân lừa đến phút cuối cùng là sau Tết 2023 và mất trắng tiền sau đó vài ngày. Bất ngờ, đầu tháng 02/2023, Luân tắt điện thoại và các nền tảng mạng xã hội. Sau vài ngày cảm thấy tình hình không ổn, Luân xuất hiện trở lại và gặp các chủ nợ. Ngày 07/02/2023, Luân đã viết "giấy xác nhận nợ" với 41 khổ chủ, số tiền 27,648 tỷ đồng, hạn chót thanh toán là ngày 01/3/2023. Hơn 4 tháng từ ngày ký giấy xác nhận nợ, tổng số tiền từng chủ nợ nhận về chưa đến 0.1% tổng số nợ.
Căn villa Luân nói sở hữu tại Q2
Khi bị truy vấn về cách thức sử dụng nguồn vốn đầu tư, Luân trả lời qua loa rằng do thị trường xấu nên kinh doanh thất bại. Khi bị NĐT hỏi xoáy về vấn đề nếu có đầu tư thì phải còn tài sản (dù giá trị bị suy giảm theo thị trường), Luân không chứng minh được, chỉ nói "em đã làm mất trắng tiền của anh chị”. NĐT thấy dấu hiệu "câu giờ" và cố tình trì hoãn từ Luân liền yêu cầu gặp mặt ngày 28/6/2023. Ban đầu, Luân cũng đồng ý, nhưng chính thức cắt đứt mọi liên lạc với chủ nợ từ ngày 27/6, và cũng không xuất hiện như đã hẹn.
Các chủ nợ tiếp tục tìm đến nhà của gia đình Luân (số 340 Nguyễn Thị Định, P.Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức) nhiều lần, nhưng đều không gặp. Khổ chủ cũng tìm đến nhà vợ Luân tại 99 Hà Tông Quyền (TP. Đà Nẵng) thì nhận thấy tình trạng đóng cửa then cài. Việc Luân ôm tiền bỏ trốn đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho các gia đình nạn nhân vướng vào hoàn cảnh nợ nần, khó khăn.
Để thông tin khách quan, ngày 10 và 11/7, chúng tôi nhiều lần liên hệ qua số điện thoại của Luân và để lại tin nhắn, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm.