Mất tiền vì cả tin
Theo giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh số 0105989285-002 của Công ty CPLMTDVN tại địa chỉ trên, do Sở Kế hoạch & đầu tư TPHCM cấp ngày 14-7-2014 thì đây chỉ là GCNĐK kinh doanh thông thường (không phải giấy phép kinh doanh đa cấp - ngành nghề có điều kiện theo quy định bắt buộc).
Nhưng trên thực tế, hoạt động đa cấp đang diễn ra rầm rộ tại đây khiến không ít người dân dính bẫy và các ông Ng.H.Ph (ở quận 1, TPHCM), Ng.Đ.S (Q.Thủ Đức), V.V.C và T.T.T (ở Bình Dương)... đã gửi đơn tố cáo.
Theo quy định, những người tham gia mạng lưới này chỉ cần mua đơn hàng đợt 1 khoảng 8,45 triệu đồng/10 lít phân vi sinh sẽ trở thành CTV, được Công ty CPLMTDVN cấp mã số thành viên và được hưởng tri ân chương trình “Nối vòng tay lớn”. Tất cả khách hàng tham gia sẽ được nhận số tiền mặt gấp 11 lần khoản đã nộp, cụ thể là 333, 680 triệu đồng cùng xe Honda SH 125i. Chương trình kết thúc ngày 31-3.
Không ít bà nội trợ đã đến văn phòng công ty tìm hiểu giấc mơ thành triệu phú
Ông Ng.H.Ph cho biết: “Đợt 1 vừa kết thúc, nhân viên công ty thông báo đang làm thủ tục để mọi người nhận tiền và xe. Cùng lúc, họ tung ra chương trình hoành tráng hơn “Cuộc sống thịnh vượng”, cũng với 10 lít phân nhưng nâng giá lên 9,888 triệu đồng, người tham gia sẽ nhận gấp 6 lần số tiền đã nộp và chiếc xe hơi Toyota Camry 2.0.
Chương trình bắt đầu ngày 15-4 và kết thúc 15-7-2015. Lãnh đạo chi nhánh thông báo công khai chương trình đã đăng ký với Bộ Công thương nên chúng tôi chẳng chút nghi ngờ”.
Công ty CPLMTDVN có 15 mặt hàng đang được các nhân viên và đại lý bán trên cả nước. Trong đó, trừ phân vi sinh EMZ - USA, 14 nhãn hàng còn lại là mỹ phẩm và TPCN với giá bán từ vài trăm đến hàng triệu đồng.
Để chứng minh kết quả siêu phàm cho sản phẩm của mình, catalogue của công ty quảng cáo in hình hai bệnh nhân Hoàng Văn Công (SN 1966, quê Điện Biên) và Huỳnh Văn Đình (ngụ Vĩnh Long) dùng trà của công ty, kết quả sỏi thận tự nhiên ra... cả rổ (!).
Muốn thành triệu phú chỉ cần có niềm tin (!)
Nhận được đơn cầu cứu của người dân, một buổi chiều tháng 6-2015 trong vai người muốn tìm kiếm cơ hội đổi đời từ Công ty CPLMTDVN, chúng tôi và một số nạn nhân có mặt tại 21K Nguyễn Văn Trỗi dự buổi họp mặt lãnh đạo thị trường miền Nam. Trong hội trường rộng khoảng 100m2 có hàng trăm người hội tụ.
Ông Đặng Ngọc Duy, người được cho là kinh doanh giỏi nhất công ty, lên bục huênh hoang mình là thiếu tá hải quân, nhưng vẫn có thời gian tham gia công ty này từ những ngày đầu. Mạng lưới kinh doanh của ông lên đến hơn 20.000 người và cho rằng nếu chọn 1 công việc ở ngoài với mức lương 5 - 7 triệu đồng/tháng, cũng rất vất vả mà không ổn định.
“Nhưng nếu làm việc ở đây chỉ cần có... niềm tin thôi chắc chắn các bạn sẽ có thu nhập trên 100 triệu đồng/tháng, chưa kể mỗi khi lên được 1 cấp sẽ được thưởng xe SH” - ông này tuyên bố.
Ông Vũ Ngọc Thuyển - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CPLMTDVN - khẳng định, đến với công ty mọi người sẽ có thu nhập rất tốt, công ty có những sản phẩm đẳng cấp và chế độ đãi ngộ hơn các đơn vị khác.
Để tăng niềm tin cho các đại lý, ông này hứa sắp tới sẽ làm phù hiệu bằng vàng, kim cương và đá ruby cho nhân viên đeo để nhiều người nhìn vào sẽ ngưỡng mộ (!) và cuối cùng thông báo: “Từ nay đến 20-6, mỗi người chỉ cần bán 6 gói sản phẩm, khi đó toàn bộ hệ thống sẽ có số tiền chi trả trên 140 tỉ đồng”.
Chị Kh.Ph cùng chồng - nạn nhân gửi đơn cầu cứu - đến tham gia buổi gặp mặt cho biết: “Người thân và vợ chồng tôi đang dính hơn 10 gói sản phẩm. Đâm lao phải theo lao, tuần nào, tháng nào họ cũng gặp mặt, hội thảo. Chốn đông người thì họ nói toàn những lời “có cánh”, người mới dự lần đầu dễ bị choáng ngợp trước viễn cảnh họ vẽ ra. Nhưng đợi trả tiền, trao thưởng thì chẳng biết đến bao giờ”.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Hãng Luật Giải Phóng, kể từ ngày 1-72014, hoạt động bán hàng đa cấp chịu sự điều chỉnh của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14-5-2014 của Chính phủ. Theo đó, DN, cá nhân tham gia phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định. Đối với DN, yêu cầu phải có vốn pháp định, ký quỹ tại ngân hàng, có quy tắc hoạt động, chương trình trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản không trái quy định pháp luật...
Ngoài ra, DN cũng bị cấm thực hiện một số hành vi như đưa ra các yêu cầu đối với người muốn tham gia BHĐC: phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới này, phải mua một lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới, phải trả thêm khoản tiền dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền duy trì, phát triển hoặc mở rộng mạng lưới của mình...
Trong trường hợp này, DN nói trên hoạt động khi chưa đáp ứng các điều kiện và chưa đăng ký với với cơ quan pháp luật là vi phạm. Hành vi bắt người dân đóng một khoản tiền để làm CTV cũng trái quy định. Sau khi đóng tiền, DN này lại thực hiện không đúng thỏa thuận, chiếm dụng tiền của người dân thời gian dài mà không đưa ra lý do hợp lý là có dấu hiệu hình sự.
Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi nói trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi “tổ chức BHĐC khi chưa có giấy đăng ký tổ chức BHĐC do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp” sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 7 điều 92 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ, với mức phạt từ 40 triệu đồng - 50 triệu đồng.