(CATP) Cũng giống như những năm trước, năm nay, nhiều loại cây trồng Việt có năng suất cao nhưng lại bị rớt giá thê thảm khiến nhiều người phải kêu gọi cộng đồng chung tay "giải cứu". Việc tìm đầu ra cho nông sản Việt luôn là bài toán lớn mà đến nay vẫn chưa có một lời giải hiệu quả.
Cam sành miền Tây đang vào mùa chín rộ, người nông dân chưa kịp vui mừng vì mùa cam năm nay được mùa thì họ đã phải khóc mếu vì mất giá. Những ngày qua, hình ảnh từng đống cam mọng nước nằm lăn lóc trên vỉa hè, kèm theo đó là tiếng rao ra rả chờ "giải cứu" thấy mà xót xa.
Hai bên đường Phạm Văn Bạch (Q.Tân Bình) có 4 - 5 điểm bán cam sành. Chị Nga, một người bán trái cây cho biết, bình thường cam sành Vĩnh Long bán với giá từ 13.000 - 20.000 đồng/kg tùy theo loại, sau dịch Covid-19, 1 ký cam dao động ở mức từ 13.000 - 15.000 đồng. Tuy nhiên, hiện nay 3 ký cam chỉ 20.000 đồng mà vẫn ít người mua.
Khu vực trước khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân), khu chế xuất Linh Trung 2 (TP.Thủ Đức)..., cam sành cũng được bày bán tràn lan với giá rẻ: cam loại 1 giá 15.000 đồng/kg, bán xô chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tại nhiều chợ đầu mối, cam sành còn bán với giá rẻ hơn, chỉ từ 4.000 - 7.000 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long - nơi được mệnh danh là thủ phủ cam sành lớn nhất miền Tây, giá cam sành đang tụt xuống đáy. Tùy theo loại mà cam được thương lái thu mua với giá chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, chi phí để đầu tư sản xuất 1 ký cam sành trung bình gần 8.000 đồng. Người nông dân đành bấm bụng chịu bán lỗ, thậm chí nhiều chủ vườn chấp nhận trắng tay để cam chín rụng không thèm hái.
Trong khi cam sành của Việt Nam mọng nước, ngon ngọt, chất lượng nhưng buôn bán ế ẩm thì có một nghịch lý rằng nhiều người "đu trend" đua nhau đi mua trà chanh giã tay về uống. Được biết, loại quả để làm trà chanh đang "hót" trên mạng có tên là chanh nước hoa ở Quảng Đông. Loại chanh này từng bán rất ế ở Trung Quốc.
Một điểm kêu gọi "giải cứu" củ sắn miền Trung trên đường Phan Văn Trị
Để "giải cứu" chanh Quảng Đông, người bản xứ chế biến thành đồ uống, sau đó thuê một số người nổi tiếng lên mạng livetreams bán hàng và được nhiều người, nhất là giới trẻ xếp hàng để mua. Trái ngược với sự "lên hương" của chanh Quảng Đông, cam sành miền Tây lại trong tình trạng buôn bán èo uột khiến nhiều người "bức xúc". Có người cho rằng vì thói "sính ngoại" mà chúng ta tự bóp chết nông sản Việt.
Bên cạnh cam sành, bưởi da xanh cũng đang rớt giá thê thảm. Cách đây vài tháng, bưởi có giá từ 30.000/kg đồng trở lên, bán theo quả từ 45.000 - 60.000 đồng/quả, bưởi loại 1 có giá 65.000/kg. Thế nhưng hiện giá bưởi chỉ còn 10.000 - 20.000 đồng/kg, thấp hơn từ 1/3 đến một nửa so với trước đây.
Thời điểm này, củ đậu (còn gọi là củ sắn) ở miền Trung đang vào mùa thu hoạch. Cũng như nhiều loại trái cây khác, loại nông sản này cũng chịu cảnh được mùa, mất giá. Theo đó, vào thời điểm này năm trước, củ đậu được bán với giá từ 6.000 - 7000 đồng/kg, nhưng năm nay thương lái thu mua tại ruộng chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg. Không chỉ rớt giá, thương lái chỉ chọn mua những củ tròn, to đẹp, còn những củ méo mó, không cân đối thì bị chê. Hàng trăm tấn củ đậu chưa bán được vẫn "neo" ngoài ruộng có nguy cơ vứt bỏ rất cao.
Tương tự, nhiều loại nông sản khác như: chuối, dưa hấu, đu đủ, bí đỏ... cũng được bày bán tràn lan trên vỉa hè với giá rẻ. Trước sự rớt giá thê thảm của nông sản, nhiều người đã lập ra các hội nhóm kêu gọi chung tay "giải cứu". Để "giải cứu" cam sành, một số chủ quán nước giải khác chế biến thêm một số thức uống từ cam như: trà cam xí muội, trà cam nhài quế, hồng trà cam ngũ vị... Một số khác chọn cách tiếp tục bán đồ uống truyền thống, nhưng thêm combo tặng kèm, mua một cà phê, nước ép, tặng 1 ký cam.
Đối với củ sắn, nhiều người cũng treo băng-rôn kêu gọi "giải cứu". Những ngày qua, lưu thông trên đường Phan Văn Trị (Q.Gò Vấp), người đi đường dễ dàng bắt gặp băng-rôn kêu gọi "giải cứu" củ sắn miền Trung. Theo đó, 2 ký củ sắn có giá 15.000 đồng, 3 ký giá 20.000 ngàn đồng; củ sắn gọt sẵn giá 10.000 đồng/bịch.
Trước đó, thanh long, dưa hấu, xoài... cũng từng có những lần "giải cứu" rầm rộ khiến nhiều người không khỏi ngao ngán đặt câu hỏi "bao giờ nông sản Việt mới thoát khỏi những cuộc "giải cứu" bất đắc dĩ này?".