(CATP) Những ngày qua, nhiều thương lái đến tận các xã vùng sâu ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum để lùng mua lá kim cương, nấm cổ cò với giá cao ngất ngưởng.
Đáng chú ý, loại nấm tai khỉ, người dân địa phương không bao giờ dùng, cũng chẳng thèm lấy cho lợn ăn, nhưng cũng được thương lái đặt mua khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ
Dọc các xã Măng Cành, Đắk Tăng, Măng Bút (huyện Kon Plông) có hơn chục điểm thu mua các loại lâm sản phụ kiêm kinh doanh tạp hóa. Để gom được hàng, họ cử người đến tận cửa rừng, hoặc túc trực tại nhà dân để thu mua.
Trong số ấy, điểm thu mua của bà Hoa (xã Đắk Tăng) thuộc loại lớn nhất. Hằng ngày, 7 thành viên trong gia đình bà gồm chồng, con gái, anh em kéo nhau đến hàng chục ngôi làng ở các xã lân cận để lùng mua. Hai mặt hàng được bà này thu mua nhiều nhất là lá kim cương và nấm cổ cò với cao điểm hàng chục ký/ngày.
Mức giá thu mua là 1 triệu đồng/kg lá kim cương và 1,7 triệu đồng/kg nấm cổ cò. “Khi gom được hàng, tôi gọi điện báo là thương lái đánh xe đến tận nhà hốt hết. Bao nhiêu họ cũng lấy, nhỏ to gì cũng mua. Họ mua xong rồi xuất bán sang Trung Quốc”.
Nấm tai khỉ người dân không ăn nhưng được thương lái thu mua
Để có hàng bán cho các đại lý, một đội ngũ hùng hậu là người dân địa phương nườm nượp kéo nhau vào rừng săn lùng. Đến xã Măng Cành, huyện Kon Plông, một tốp người đang chuẩn bị kéo nhau vào rừng hái lá kim cương, nấm cổ cò.
Theo người dân ở huyện Kon Plông, từ xa xưa, lá kim cương được sử dụng để nấu canh ăn rất mát, ngủ ngon, còn nấm cổ cò dùng để ngâm rượu uống. Tuy nhiên, chỉ với những công dụng ấy mà được thu mua với giá cao ngất như vậy thì nhiều người đánh giá là “khá lạ”.
Về điều này, các thương lái địa phương trực tiếp thu mua cho biết, họ chỉ thu mua để bán lại nhằm hưởng chênh lệch, còn những loại này được mua để làm gì thì... chỉ có thương lái Trung Quốc mới biết.
Tại các điểm thu mua của ông Từ (làng Kon Năng, xã Măng Cành), nhiều bao nấm tai khỉ đã được ông này chất thành đống, chờ thương lái mang xe đến chở. Theo ông Từ, nhiều tháng trước, có nhiều người lạ mang theo loại nấm tai khỉ đến nhà ông đặt mua với giá 30.000 đồng/kg. “Họ đưa mẫu nấm rồi nhờ tôi thu mua không giới hạn số lượng. Tôi thấy lạ vì loại nấm này ở địa phương chẳng ai lấy về ăn, cũng chẳng lấy cho heo bao giờ. Tôi hỏi mua làm gì nhưng họ không nói. Thấy có lời nên tôi đặt mua của dân để bán lại”, ông Từ nói.
Cũng theo ông Từ, ngoài việc thương lái đến địa phương thu mua rồi xuất bán sang Trung Quốc, có trường hợp người Trung Quốc vào tận nơi thu mua từ các đại lý lớn. Mỗi lần như vậy, họ đều có thông dịch viên đi kèm.
Làm việc với phóng viên, ông Phan Đình Hải - Phó chánh văn phòng UBND huyện Kon Plông, nói: “Đã nghe thương lái Trung Quốc lùng mua các mặt hàng lâm sản trên. Nấm cổ cò và lá kim cương thì người dân hay dùng, còn có công năng gì đặc biệt mà được mua giá cao thì tôi không biết. Nấm tai khỉ được thu mua khoảng từ 1 - 2 năm trở lại đây. Có thời điểm nấm chất đầy quán nhưng không ai mua, có lúc thu mua nhộn nhịp. Tôi không biết loại này mua làm gì mà giá cao như vậy. Nấm mà người dân không ăn, thương lái lại thu mua, có điều gì đó bất thường”.